Chính sách mở trong giáo dục bằng con đường xã hội hóa giáo dục đã được bắt đầu cách đây gần 70 năm sau ngày cách mạng tháng 8 thành công.
Ngày 21 tháng 02 năm 1946, trên báo cứu quốc số 147, Hồ Chủ tịch trả lời các nhà báo nước ngoài, có đoạn người viết: “…tôi chỉ có một ham muốn tột bật là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành…”.
“…ai cũng được học hành…” chính là tư tưởng mở và đã thành chính sách mở trong giáo dục của Đảng và Nhà nước thông qua nhiều văn kiện Đảng và Nhà nước đã khẳng định: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”
Để thực hiện chính sách mở trong giáo dục, Hồ Chủ tịch đã chủ trương xã hội hóa giáo dục, trên báo cứu quốc số 58 ngày 4 tháng 10 năm 1945, Hồ Chủ tịch hướng dẫn: “…người giàu thì mở lớp học ở tư gia cho người không biết chữ ở làng xóm láng giềng, các chủ ấp, chủ đồn điền , chủ mỏ, chủ nhà máy thì mở lớp học cho những tá điền, những người làm của mình”. Để khác phục tình trạng thiếu giáo viên, Người nói: “…người biết chữ hãy dạy cho những người biết chữ ít…” (trích phát biểu của Hồ Chủ tịch tại Đại hội sơ kết công tác bình dân học vụ ngày 17 tháng 7 năm 1956 tại Hà Nội”.
Năm 1978, xuất phát từ nhu cầu cần cán bộ có trình độ đại học phục vụ cho công tác ở các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong khi nhà nước không đủ kinh phí để mở rộng quy mô đào tạo cho các trường đại học. Trường Đại học Cần Thơ được sự đồng tình ủng hộ của lãnh đạo các tỉnh, được sự chấp thuận của Bộ Đại học và THCN, Đại học Cần Thơ lần đầu tiên ký hợp đồng đào tạo cán bộ cho các tỉnh theo hình thức tại chức mở rộng, các địa phương và người học đóng học phí. Như vậy ý tưởng tổ chức triển khai chương trình giáo dục đại học không sử dụng ngân sách đã được hình thành từ những năm 1978 khi đất nước mới được giải phóng, gặp nhiều khó khăn. Đại học Cần Thơ đã ký kết những hợp đồng đầu tiên đào tạo cán bộ có trình độ đại học cho các tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang và tiếp theo sau đó là nhiều tỉnh thành ở đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 1988, Bộ Đại học cho phép hình thành Trung tâm Đại học Thăng Long.
Năm 1990, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký quyết định số 2201/TCCB thành lập Viện Đào tạo Mở rộng thành phố Hồ Chí Minh với hai thử nghiệm:
1. Thử nghiệm giáo dục mở trong đại học
2. Thử nghiệm mô hình đại học tự hạch toán, không sử dụng ngân sách nhà nước
Chỉ trong thời gian chưa đến 3 năm, Viện Đào tạo mở rộng thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 20.000 sinh viên theo học với nhiều ngành nghề mới như: Quản trị Kinh doanh, Đông Nam Á học, Phụ nữ học, Công thôn,…
Qua kết quả 3 năm hoạt động của Viện, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có tờ trình lên Chính phủ. Ngày 26 tháng 7 năm 1993, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 389/TTg cho phép thành lập Đại học Mở bán công thành phố Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu tiên nhà nước chính thức công nhận mô hình đại học mở ngoài công lập trong hệ thống giáo dục đại học.
Ngày 18 tháng 1 năm 1995, Đại học Mở bán công thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trao bằng tốt nghiệp cử nhân cho hơn 300 sinh viên khóa I (1990-1994) các ngành: Tiếng Anh, Quản trị Kinh doanh, Tin học. Đây là cột móc quan trọng mang tính lịch sử cho sự hòa nhập phân hệ giáo dục đại học ngoài công lập vào hệ thống giáo dục quốc dân.
Năm 1994, nhiều trường đại học ngoài công lập ra đời như: Trường Đại học Dân lập Thăng Long, Trường Đại học Dân lập Tin học Ngoại ngữ, Trường Đại học Dân lập Văn Lang,….Đến nay đã có hơn 80 trường đại học cao đẳng ngoài công lập.
Hệ thống các trường đại học cao đẳng ngoài công lập góp phần hoàn thiện nền giáo dục Việt Nam:
Hơn 20 năm xây dựng và phát triển, những thành tựu mà các trường đại học cao đẳng ngoài công lập đó là:
+ Đã tạo nên diện mạo mới giáo dục đại học Việt Nam, góp phần làm thay đổi nhận thức của xã hội về giáo dục, từ nền giáo dục hoạch định, hành chính hóa, khép kín theo chỉ tiêu sang nền giáo dục mở của mọi người, vì mọi người, cho mọi người, mọi người được quyền thụ hưởng thành quả của nền giáo dục và có nghĩa vụ đóng góp xây dựng phát triển giáo dục, phù hợp với chủ trương và quan điểm về giáo dục của Hồ Chủ tịch, của Đảng và Nhà nước, phù hợp với xu thế phát triển giáo dục của các nước theo hướng xã hội hóa, đa dạng hóa.
+ Sự ra đời của hệ thống giáo dục đại học cao đẳng ngoài công lập đã tạo nên động lực, tạo nên sự cạnh tranh giữa các trường đại học công với các đại học ngoài công lập, giữa các đại học với nhau nhằm không ngừng hoàn thiện những điều kiện cơ bản nhất để đảm bảo chất lượng đào tạo, bao gồm: hoàn thiện các chương trình mục tiêu, nội dung phương pháp đào tạo, củng cố xây dựng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ giảng dạy và phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hoàn thiện cơ sở vật tư kỹ thuật, mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế.
+ Hệ thống đại học ngoài công lập đã phát huy có hiệu quả tiềm năng của xã hội xây dựng, phát triển cơ sở vật tư kỹ thuật góp phần tháo gở khó khăn ngân sách của nhà nước, mở rộng quy mô đào tạo đại học. Việc hình thành hơn 80 trường đại học cao đẳng không sử dụng kinh phí của nhà nước là minh chứng cho sự thành công của chủ trương xây dựng các trường đại học ngoài công lập của Đảng và Nhà nước.
+ Hệ thống các trường đại học ngoài công lập không chỉ góp phần mở rộng quy mô đào tạo. Hàng năm, tạo điều kiện cho hàng chục ngàn học sinh có chỗ học tập nghiên cứu. Hơn 20 năm qua đã có hàng trăm ngàn sinh viên tốt nghiệp ra trường, họ góp phần tích cực trong các hoạt động kinh tế xã hội, nhiều người trong số họ đã trở thành những doanh nhân, nhà quản lý giỏi, có thể trực tiếp tương tác với các đối tác quốc tế trong nền kinh tế mở.
+ Hệ thống đại học cao đẳng ngoài công lập đã góp phần phát thảo nên mô hình quản lý đại học kiểu mới là tự chủ và tự chịu trách nhiệm, nhiều ngành học mới được xuất hiện từ những trường đại học ngoài công lập và phát triển cho đến ngày nay trong toàn hệ thống giáo dục Việt Nam, thực thi chính sách mở trong giáo dục bằng con đường xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước.
Những tồn tại, khó khăn, hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập cần phải vượt qua:
Mặc dù chính sách mở trong giáo dục bằng con đường xã hội hóa được hình thành gần 70 năm, đã được thể hiện bằng nhiều văn bản, nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên cho đến nay phải thẳng thắng thừa nhận về nhận thức trong xã hội chưa hiểu rõ về giáo dục mở, còn hoài nghi về hình thức giáo dục không chính quy, giáo dục từ xa là phương thức chính yếu để thực hiện chính sách mở trong giáo dục, là canh tân giáo dục trong thế kỷ XXI. Nhiều quy định và luật pháp còn nhiều bất cập chưa thật sự tháo gỡ cho xây dựng và phát triển giáo dục mở, con đường xã hội hóa giáo dục vẫn còn những rào cản:
+ Về mặt nhận thức trong xã hội, thậm chí ngay cả cấp quản lý vĩ mô vẫn còn phân biệt, xem các trường ngoài công lập không phải trường của nhà nước, trường tóp dưới, chính sách đất đai, chính sách thuế, chính sách cho sinh viên theo học các trường này chưa được đối xử công bằng.
+ Nhà nước chưa có chủ trương và những quy định luật pháp phù hợp, kịp thời. Phần lớn các trường đại học mở, các trường đại học dân lập ra đời từ những năm 1990 – 1994 chưa có được hành lang pháp lý phù hợp đảm bảo cho nhà trường phát triển ổn định. Vì vậy, ngày 29 tháng 5 năm 2006, 19 trường đại học dân lập được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 122/2006/QĐ-TTg về việc chuyển đổi các trương đại học dân lập sang tư thục, thời hạn thực hiện chuyển đổi là ngày 30 tháng 6 năm 2007, nhưng đến nay đã hơn 6 năm trôi qua chỉ mới có 4 trường chuyển đổi, còn 15 trường chưa hoàn tất việc chuyển đổi. Ai là người chịu trách nhiệm cho việc chậm trễ chuyển đổi của 15 trường nói trên thì chưa rõ, nhưng hiện nay các trường này đang tồn tại bất ổn do những quy định, luật pháp chưa phù hợp, không nhất quán là nguyên nhân sâu xa gây cản trở cho các trường đại học ngoài công lập phát triển.
+ Trong 10 năm trở lại đây các trường đại học công lập ở các địa phương ra đời liên tục không phù hợp với quy hoạch, các trường này được nhà nước dùng thuế của dân đầu tư xây dựng về cơ sở vật chất, cấp đất và hỗ trợ cho sinh viên khoảng 6 triệu đồng/ năm cho nên học phí chỉ bằng 1/3 so với học phí các trường đại học ngoài công lập, các đại học ngoài công lập tự lo tất cả các khoảng chi phí, không được sự hỗ trợ của nhà nước, và bị xem như là một doanh nghiệp để tính thuế. Các trường công lập tuyển sinh vượt chỉ tiêu, có trường mới mở nhưng tuyển sinh hàng chục ngành. Tất cả các vấn đề nêu trên là lý do để trả lời câu hỏi tại sao các trường ngoài công lập gặp khó khăn trong tuyển sinh. Các trường công lập tuyển sinh vượt chỉ tiêu thì chắc chắn điều kiện đảm bảo chất lượng sẽ bị hạn chế do ngân sách nhà nước chỉ cấp trên chỉ tiêu được cho phép, việc tuyển sinh vượt chỉ tiêu không được kiểm soát và xử lý tạo nên sự cạnh tranh không công bằng giữa trường đại học công lập và đại học ngoài công lập.
Những ý kiến đề xuất:
+ Để công cuộc hòa nhập vào nền kinh tế mở, kinh tế tri thức thành công, Việt Nam rất cần xây dựng và phát triển nền giáo dục mở trên quan điểm giáo dục là của mọi người, vì mọi người, cho mọi người, mọi người được quyền bình đẳng hưởng thụ những thành quả của giáo dục và có nghĩa vụ đóng góp xây dựng phát triển giáo dục. Giáo dục đại học ngoài công lập là phân hệ quan trọng trong hệ thống giáo dục của đất nước. Vì vậy, Đảng cần thể hiện rõ quan điểm, chủ trương của mình trong nghị quyết của Đảng về “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo”.
+ Trên cơ sở nghị quyết của Đảng về “Đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục và đào tạo”, nhà nước cần tổ chức nghiên cứu hoàn thiện về mặt luật pháp giáo dục sao cho phù hợp với thực tế điều kiện kinh tế xã hội của đất nước, làm cho các cơ sở giáo dục, trong đó có các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập được tự chủ phát triển ổn định.
+ Nhà nước cần nghiên cứu hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các trường đại học công, đại học ngoài công lập cho phù hợp, chỉ nên giữ lại một số trường công đào tạo các ngành nghề đặc thù, chất lượng cao, đào tạo cán bộ nghiên cứu, còn lại nên chuyên sang hệ dân lập, bán công hay tư thục, không nên mở trường công ở các tỉnh. Nhà nước nên tập trung kinh phí đầu tư cho hệ thống mẫu giáo, tiểu học, trung học. Các trường nghề thì nên giao lại cho các tập đoàn sản xuất kinh doanh tổ chức quản lý đào tạo cho phù hợp với thực tế và yêu cầu về chất lượng.
+ Nhà nước nên đầu tư biên soạn, xây dựng các bộ sách giáo khoa theo các cấp học, đảm bảo tính cơ bản nhất và hiện đại. Đặc biệt nhà nước cần đầu tư biên soạn lại sách giảng dạy đạo đức công dân dựa trên nền tảng trách nhiệm, thông qua trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm với gia đình, trách nhiệm với cộng đồng xã hội,trách nhiệm với thiên nhiên. Bốn nội dung cơ bản này được biên soạn riêng cho từng cấp học từ mầm non đến tiêu học, THCS, THPT.
+ Các chương trình giảng dạy được thực hiện theo phương pháp “cộng học” giữa thầy và trò, giữa trò và trò, giữa người học với cộng đồng trong gia đình, ngoài xã hội. Phương pháp “cộng học” được thực hiện trên nguyên tắc 4 chữ “H”:
Học – Hỏi – Hiểu – Hành
Học là để biết cách học như thế nào
Học là để biết cách hỏi
Hỏi để học
Hỏi để hiểu (để tập hợp thông tin, xử lý thông tin, khai thác thông tin để giải quyết những vấn đề của cuộc sống đặt ra.)
Hiểu phải hiểu đúng
Hiểu đúng thì hành mới đúng
Hành đúng mới có hiệu quả
Hành có hiệu quả mới tạo ra được sản phẩm vật chất hay tinh thần có chất lượng, đảm bảo nhu cầu bản thân, gia đình,cộng đồng, xã hội, mới có điều kiện bảo vệ thiên nhiên. Nói cách khác Học – Hỏi – Hiểu – Hành là nền tảng để mỗi người tự hoàn thiện trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với cộng đồng xã hội, với thiên nhiên.
Đây vừa là triết lý, vừa là mục tiêu, vừa là nội dung, vừa là phương pháp hoạt động giáo dục được thực hiện cho từng đối tượng riêng với nội dung và cách thức sao cho phù hợp với đối tượng. Phương pháp giáo dục này sẽ tạo nên một xã hội học tập giúp cho mọi người có thể học tập liên tục, học tập suốt đời, học ở mọi lúc, mọi nơi,… tạo điều kiện để “…ai cũng được học hành…”
GS.VS Cao Văn Phường
Chủ tịch HĐQT, Hiệu trưởng Đại học Bình Dương
Thành viên sáng lập, nguyên Hiệu trưởng Đại học Mở Bán công TP.HCM
Chủ tịch Chi nhánh Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Liên bang Nga tại Việt Nam
Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập Việt Nam