Được hỗ trợ về CSVC, Trường THCS Kỳ Phương đạt chuẩn năm 2012
Về với khu kinh tế Vũng Áng trong một ngày nắng ráo, chúng tôi có dịp đến với xã Kỳ Phương. Nhìn khu tái định cư mới với những ngôi nhà cao tầng san sát, hệ thống trụ sở UBND xã cùng với những ngôi trường học khang trang, mới thấy sự thay da đổi thịt nơi miền quê nghèo năm xưa. Trao đổi với phóng viên, ông Trần Đình Thành, Chủ tịch UBND xã cởi mở trước những câu hỏi của chúng tôi:
PV: Xin ông cho biết tình hình giáo dục hiện nay của xã?
Ông Trần Đình Thành: Hiện tại trên địa bàn xã có 3 cấp học với 3 trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở, trong đó Trường Tiểu học đạt Chuẩn Quốc gia năm 2004, Trường THCS đạt Chuẩn 2012, Trường Mầm non Kỳ Phương đang trên đà xây dựng Chuẩn quốc Gia. Năm 2010 Trường Tiểu học được Ban Quản lý dự án FOMOSA đầu tư xây dựng về địa điểm mới trị giá 32 tỷ đồng. Các trường chuyển về địa điểm mới được sự quan tâm đầu tư nên phòng học cùng trang thiết bị, cơ sở vật chất được đầu tư mới hoàn toàn, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Do nằm trong khu vực di dời thuộc Khu kinh tế Vũng Áng, rất nhiều hộ dân còn nằm trong khu vực chưa giải tỏa, di dời xong, đời sống nhân dân chưa ổn định khiến cho việc chăm lo giáo dục của con em bị ảnh hưởng rất nhiều. Tuy nhiên, nhận thức được sự khó khăn đó, lãnh đạo xã quyết tâm vào cuộc, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội để nhân dân sớm ổn định cuộc sống, các em học sinh yên tâm học hành. Nhờ đó chất lượng giáo dục của Kỳ Phương tiếp tục được giữ vững và phát huy, luôn xếp Nhất, Nhì trong các xã vùng phía Nam huyện Kỳ Anh và được Phòng Giáo dục cũng như UBND huyện Kỳ Anh đánh giá cao, nằm trong tốp 10 toàn huyện. Hằng năm trong xã có trên 40 em đậu vào các trường đại học. Số giáo viên, học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh năm sau luôn cao hơn năm trước.
PV: Có sự tác động nào đã tạo đà cho giáo dục xã nhà ngày càng phát triển vững mạnh, thưa ông?
Ông Trần Đình Thành: Vốn là một xã có truyền thống giáo dục từ xưa, nền tảng truyền thống đó ngày càng được phát huy trong thời kỳ mới. Bên cạnh đó, lãnh đạo xã luôn coi “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, mỗi cán bộ, nhân dân luôn trăn trở làm thế nào để ổn định công việc giảng dạy, học tập của thầy cô giáo và con em mình trong điều kiện đời sống nhân dân chưa ổn định? Hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cùng các phòng chức năng đầy đủ đã tạo điều kiện cho học sinh học tập, phát huy năng lực của mình, đã tạo động lực cho giáo viên phải nỗ lực hơn nữa để nâng cao chất lượng dạy và học. Trong điều kiện nằm trong khu kinh tế Vũng Áng, sau khi thu hồi đất, chính quyền và người dân được đền bù giải phóng mặt bằng đã có điều kiện đầu tư học hành cho con em. Mặt khác, khi bị thu hồi đất sản xuất, ý thức học tập để xây dựng cuộc sống mới bền vững thôi thúc các gia đình và học sinh. Công tác xã hội hóa giáo dục, sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, nhận thức của người dân, chính quyền được nâng cao, tạo thuận lợi cho thầy cô và học trò yên tâm công tác.
PV: Sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn xã như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Đình Thành: Điều kiện đời sống người dân có bước thay đổi mới, cùng với sự du nhập của nhiều luồng văn hóa đã có nhiều thuận lợi và cũng không ít khó khăn trong công tác quản lý dân cư trên địa bàn, tạo ra một số tác nhân gây ảnh hưởng không tốt cho các em học sinh. Vì lẽ đó, lãnh đạo địa phương quyết tâm thực hiện tốt công tác xã hội hóa. Ngoài cơ chế chính sách, sự quan tâm về đường lối chỉ đạo, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, xã hội là cực kỳ quan trọng. Ngoài các cuộc họp phụ huynh định kỳ, sự phối hợp trao đổi để nắm bắt thông tin, để điều chỉnh kịp thời ý thức học sinh là cực kỳ quan trọng. Bên cạnh đó công tác khuyến học khuyến tài được chú trọng để động viên khuyến khích các em học sinh được xây dựng qua nhiều bước đi mang tính bền vững. Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã trực tiếp làm Chủ tịch đã vận động gia đình, dòng họ đóng góp, khen thưởng các em có thành tích cao trong học tập. Hằng năm cứ vào mồng 4 tết Âm lịch, xã tổ chức khen thưởng cho các em học sinh giỏi, học sinh đậu đại học. Ngoài ra Ban Quản lý dự án Fomosa hằng năm đều thưởng cho các em học sinh giỏi của toàn xã có điểm tổng kết trên 8.0 với số lượng từ 30-40 em. Nhờ đó chất lượng giáo dục cũng như tinh thần học tập của học sinh Kỳ Phương ngày càng đi vào chiều sâu và được các cấp các ngành ghi nhận.
Trường Tiểu học Kỳ Phương được đầu tư xây dựng khang trang với số vốn 32 tỷ đồng
PV: Với những thuận lợi và khó khăn như vậy, với giáo dục xã nhà ông có những đề xuất, kiến nghị gì? Thưa ông!
Ông Trần Đình Thành: Mặc dù giáo dục Kỳ Phương có nhiều thành tích đáng ghi nhận, với sự thuận lợi là đời sống nhân dân đi đôi với nhận thức được nâng lên một bước, cùng hệ thống cơ sở vật chất đã khá hoàn thiện, sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội ngày càng gắn kết; tuy nhiên không thể không nhắc đến những khó khăn mà ngành Giáo dục xã nhà đang gặp phải. Cụ thể: hệ thống cơ sở vật chất một số trường vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu dạy và học trong khi ngân sách của xã khó khăn. Nằm trong vùng di dời dân cho khu kinh tế, đời sống hàng trăm hộ dân chưa ổn định, số lượng người đến làm việc cho khu kinh tế lớn khiến cho công tác quản lý khó khăn, một bộ phận học sinh dễ bị ảnh hưởng không tốt bởi các tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó đời sống một số giáo viên còn gặp khó khăn, nhất là giáo viên bậc học Mầm non. Chính vì thế trong thời gian tới lãnh đạo và nhân dân Kỳ Phương mong rằng sẽ được sự quan tâm hơn nữa các cấp các ngành, giúp chúng tôi nhanh chóng ổn định cuộc sống. Công tác xã hội hóa giáo dục, quan tâm hơn nữa đến đời sống đội ngũ giáo viên, nhất là tạo điều kiện cho con em địa phương học xong có công việc và điều kiện công tác tại địa phương, góp phần ổn định xã hội, xây dựng phong trào giáo dục của xã có chất lượng cao hơn nữa, đó là việc làm thường xuyên, lâu dài, rất cần sự quan tâm, chỉ đạo và giúp đỡ của cấp trên và các ngành, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
PV: Chân thành cám ơn ông!
Bài,ảnh: Hằng Trang