“Kẻ lười biếng” và clip “bom tấn”.
Ngày 13 tháng 4 năm 2013 trên trang mạng xã hội Youtobe một clip có tựa đề “Sự trăn trở của một kẻ lười biếng” xuất hiện và lan tỏa với một tốc độ chóng mặt. Chỉ trong hơn mười ngày kể từ thời điểm được đăng tải clip này đã thu hút 609.558 lượt xem với 11.649 lượt like; 1.026 lượt disk like. Ngay sau đó hàng loạt các trang mạng xã hội, các website đã đồng loạt chia sẻ lại clip khiến số lượng tìm kiếm cho cụm từ “Sự trăn trở của một kẻ lười biếng” lên đến 374.000 kết quả. Khắp mọi nơi bàn tán xôn xao về nội dung clip và cậu nam sinh có tài hùng biện nick name “châu chấu” với hàng loạt ý kiến từ đồng tình đến phản đối tạo nên một hiện tượng vô cùng hiếm thấy từ trước tới nay. Với sức lan tỏa đó “kẻ lười biếng” và clip bàn về những bất cập của giáo dục hiện nay của cậu đã châm ngòi cho một cơn “giông bão” về giáo dục từ lâu vẫn âm thầm tồn tại.
Rất nhiều người đồng ý với quan điểm rằng: Thoạt nhìn qua một clip có độ dài lên đến hơn một tiếng đồng hồ với hình thức trình bày diễn thuyết độc thoại thực sự không gây được hứng thú. Nhưng với tiếng vang của clip, tò mò vào xem rồi thì sẽ bị hình ảnh cậu nam sinh mặt mũi khôi ngô, giọng nói truyền cảm, có khả năng hùng biện xuất sắc từ từ thuyết phục một cách ấn tượng.
Thái độ khẩn thiết và vấn đề cậu đặt ra ngay từ đầu clip đã chạm được vào tâm lí bức xúc chung của dư luận: “Tôi là một học sinh lới 12, ở Việt Nam thì đây là giai đoạn khắc nghiệt nhất trong đời học sinh (…) Tôi muốn có sự lắng nghe từ những ai quan tâm tới chuyện học hành và tới giáo dục”. Vậy, ai là người không quan tâm đến giáo dục? Không ai cả! Và clip lần lượt đưa chúng ta tới từng nền cảnh, từng phân đoạn mà tác giả muốn truyền tải. Những quan điểm rất thẳng thắn và táo bạo: Học kiến thức cơ bản đến lớp 9 là đủ; học để thi tạo ra sự đối phó với mọi thứ; ôi bằng cấp, điểm số, bệnh thành tích; người vô đạo đức thì tạt a xít, tấn công bom nguyên tử; cái tội làm hòng công cụ thu hoạch của học sinh; học và chơi đam mê và lười biếng; những người giỏi cũng chỉ có trên mặt báo; bày ra thi cử để bán sách, học thêm, luyện thi chỉ bày vẽ là giỏi.
Cứ như vậy từng vấn đề một lần lượt được đề cập. Chính yếu tố đặc biệt Clip nói về những bất cập của giáo dục do chính đối tượng đang thụ hưởng, đang trong quá trình tiếp thu nền giáo dục đó đã tạo nên một sức công phá, một tiếng vang rất lớn và bắt buộc mọi người phải quan tâm. Tất nhiên không phải ai cũng đồng tình với những luận điểm của “châu chấu” trong “Sự băn khoăn của kẻ lười biếng” bởi vậy clip và “kẻ lười biếng” vừa nhận được sự đồng tình ủng hộ khá hùng hậu của cộng đồng mạng, giới nghiên cứu… đồng thời cũng phải “hứng” không ít những ý kiến trái chiều, phản đối thậm chí là “ném đá” mạnh tay và gay gắt. Tuy nhiên cũng chính nhờ vậy mà nó tạo nên sức ảnh hưởng từ trong tư tưởng đối với mỗi người và đối với chính nền giáo dục của chúng ta hiện nay. Với tư cách là tiếng “kêu cứu” của một “nạn nhân”, nó đặt ra những câu hỏi cho những người làm công tác giáo dục. Những lối mòn, những lối tư duy cũ đã không phù hợp và không biết đến bao giờ mới có thể đổi thay?
Theo thông tin chúng tôi đã tìm kiếm, thì chàng trai có nick name châu chấu mới tròn 18 tuổi, một lứa tuổi rất trẻ cộng thêm nhiều áp lực trước những kỳ thi bước ngoặt em vẫn dành thời gian chuẩn bị một clip công phu hướng thẳng vào sự bất cập còn tồn tại trong nền giáo dục Việt Nam. Quả thực phải ghi nhận đó không chỉ là tâm huyết, sự cố gắng mà còn là chấp nhận mạo hiểm. Một cậu bé mười tám tuổi chui ra khỏi cái vỏ bọc an toàn, đưa ra những ý kiến công kích ngành giáo dục vào một thời điểm cũng hết sức nhạy cảm. Không phải bởi em không ý thức được những “hệ lụy” có thể đi kèm sau đó, ngược lại “châu chấu” xác định rất rõ: “quá trình làm clip sẽ ảnh hưởng nhất định đến việc học nhất là trong giai đoạn chuẩn bị thi tốt nghiệp, thi đại học này của em nhưng nếu không phải là bây giờ thì chẳng bao giờ có thể nói ra được nữa”. Có một thực tế đã được cậu bé nhìn nhận là “có những người đi trước đã vượt qua các kỳ thi cũng không ngoảnh lại nhìn để trả lời một cách thỏa đáng và hậu thế cứ mãi mãi tiếp nối con đường đó”. Chàng trai trẻ này đã không đợi thời gian đi qua mình và mình đi qua những “trăn trở” của một đời học sinh, em quyết định làm clip. Một cách để bày tỏ quan điểm của mình- một học sinh đối với nền giáo dục với hi vọng góp phần mang đến sự thay đổi
Khen, chê- búa rìu dư luận.
Sau khi “sự trăn trở của một kẻ lười biếng”được đăng tải và liên tiếp gây ra những vụ “nổ” tranh cãi trên khắp các trang mạng xã hội, chàng “châu chấu” 18 tuổi cũng phải chấp nhận những ảnh hưởng ít nhiều. Khen có, chê có, phản đối gay gắt cũng có… hàng nghìn lượt phản hồi là những đòn tâm lý của dư luận trả ngược lại chàng trai trẻ đã cả gan “đả kích” nền giáo dục đương thời. Những cuộc “săn lùng” không ngừng của giới báo chí và sau đó nữa, liệu có thêm một hệ lụy nào cho kẻ lười biếng từ clip này hay không?
Trong khi có rất nhiều lo lắng xung quanh “châu chấu”, ngay cả ban giám hiệu trường cấp III nơi cậu học cũng phải thừa nhận “khi biết clip của D được tung lên mạng chúng tôi khá hồi hộp trước sự đón nhận của cộng đồng mạng”. Song sau hơn 1 tiếng đồng hồ bày tỏ quan điểm và những trăn trở về giáo dục, giống như con tằm trút kén nhả tơ trước những sóng gió của dư luận chàng trai trẻ hoàn toàn giữ im lặng. Không có sự giải thích, không có thái độ gây hấn, đúng như lời cậu nói “tôi chỉ muốn lên tiếng với tư cách là người đang phải chịu đựng những bất cập của nền giáo dục, tôi mong muốn tiếng nói của mình mang đến sự thay đổi nào đó”.
Vào thời điểm hiện tại, mặc dù tác giả clip “Sự trăn trở của một kẻ lười biếng” đã từ chối trả lời phỏng vấn, từ chối đưa tên, đưa địa chỉ, của mình lên báo chí để tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi đại học, cậu cũng không có bình luận, đôi co gì thêm nhưng dường như clip công phu và tâm huyết của “kẻ lười biếng” đã bước đầu chạm được vào mong muốn “góp phần mang đến sự thay đổi nào đó” của cậu. Bởi vì sau cú hích mở màn này của kẻ lười biếng rất nhiều người bừng tỉnh sau giấc ngủ say với những mộng mị về giáo dục, họ bắt đầu nhìn thẳng vào thực tế, bắt đầu cảm nhận trên quan điểm của một người học và không ít người bàng hoàng nhận ra rằng những điều clip nói đến cũng chính là những điều họ từng “chịu đựng” từng muốn nói nhưng chưa bao giờ có thể gọi tên khi ngồi trên ghế nhà trường.
Để đáp trả sự công phu và hưởng ứng những quan điểm của cậu học sinh lớp 12 trong clip kẻ lười biếng, hàng loạt những Giáo sư, tiến sỹ, nhà văn, nhà phê bình, thậm chí là chính những người làm công tác giáo dục đã lên tiếng ủng hộ, đồng tình. Đa phần mọi người đánh giá cao khả năng và sự dũng cảm của Kẻ lười biếng này và nhất trí rằng phần lớn những điều cậu đề cập trong clip cũng chính là những trăn trở bấy lâu nay của nhiều người quan tâm tới giáo dục nước ta nhưng vẫn chưa giải quyết thỏa đáng được.
PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) sau khi xem clip đã nói: “Tôi bị thuyết phục. Làm giáo dục rất nên khuyến khích và để học trò nói lên chính kiến của mình như em học sinh lớp 12 trong clip. Những so sánh, lập luận của em học sinh cũng rất thuyết phục. Là người quản lí, lãnh đạo giáo dục càng cần lắng nghe”.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm – Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội): “Việc học trò nói lên quan điểm về đạo đức, yếu kém của nền giáo dục Việt Nam hay trăn trở của “một kẻ lười biếng” là em xuất phát từ ước mơ và khao khát nói lên chính kiến của riêng mình. Tôi không có gì để trách móc hay phê phán em cả”. Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Tôi vô cùng khâm phục nam sinh này cũng như hi vọng vào thế hệ trẻ hôm nay đang vững vàng tự tin bước ra biển lớn hội nhập toàn cầu. Đất nước ta sẽ ra sao nếu lớp trẻ bấy bớt, dặt dẹo, ù lì, chậm chạp, bảo gì nghe nấy? Con hơn cha là nhà có phúc”, vận hội nước nhà, tương lai dân tộc phải là của người trẻ. |
Không chỉ dừng lại ở việc xem, gật gù đồng tình, một số nhân vật như TS Lương Hoài Nam hiện là cổ đông của Jetstar Pacific (JPA), Nguyên Giám đốc điều hành Air Mekong ngay sau khi xem xong clip của kẻ lười biếng đã tâm đắc bày tỏ quan điểm công khai ngay trên facebook cá nhân của ông, khẳng định giá trị của clip: “Từ trước đến nay, đã có hàng nghìn bài viết của các chuyên gia về giáo dục, các nhà quản lý giáo dục và lãnh đạo các doanh nghiệp, những người sử dụng các “sản phẩm đầu ra” của giáo dục (và thất vọng với các “sản phẩm đầu ra” của giáo dục) (…) Nhưng xem ra clip của cậu học sinh lớp 12 đã và đang gây tác động lên Bộ Học (Bộ GD&ĐT – pv) còn mạnh hơn tất cả các bài viết và phỏng vấn về giáo dục Việt Nam từ trước đến nay cộng lại.”.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nghiêm sau hơn một tiếng liền gắn chặt cặp kính vào màn hình máy tính khi clip khép lại cũng không tiếc lời khen ngợi không ngớt: “kẻ lười biếng đã làm clip rất nghiêm túc, từ lời nói, trang phục đến hình ảnh minh họa trực quan. Điều này chứng tỏ em đã có quá trình suy ngẫm và thực hiện ý định của mình rất tốt”.
Ông đánh giá những phát biểu của “Châu Chấu” đã khái quát chung được những bức xúc, bất cập cho học trò trên mọi miền đất nước trong suốt 12 năm đi học. Đồng thời để hưởng ứng với kẻ lười biếng nhà phê bình còn lập tức viết ngay một bài báo có nội dung gợi ý để Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nên xem clip này và mời em học sinh đó đối thoại thẳng thắn, công khai, không phải với tư cách thầy trò mà là những người bình đẳng để định hướng và tìm cách tháo gỡ, giải quyết những bất cập của ngành giáo dục.
Các nhà phê bình, giới trí thức vỗ tay hưởng ứng, những bậc làm cha làm mẹ có con đang trong độ tuổi đến trường cũng lên tiếng đồng tình: “Clip của cậu bé này có nhiều cái nói rất đúng. Con tôi cũng đang học lớp 11, cháu muốn thi vào ngành y nên phải tập trung học các môn khối B chuẩn bị cho kỳ thi đại học nhưng kiến thức các môn khác cũng đòi hỏi rất nặng nề. Ngoài học chính khóa còn các buổi học thêm, cháu thường trở về nhà sau những buổi học trong một trạng thái cực kỳ mệt mỏi và kiệt quệ, nhưng không theo không được. Học ôm đồm và nặng nề như vậy liệu có nên không?”. Chị Hiền, quận Cầu Giấy sau khi xem clip cũng thở dài bộc bạch.
Ngoài ra một đối tượng đông đảo hưởng ứng clip của kẻ lười biếng chính là các em học sinh, những người đang trực tiếp thụ hưởng và tiếp thu giáo dục. Sau khi “Sự trăn trở của một kẻ lười biếng” được đăng tải hàng loạt những bức xúc của độc giả cũng thi nhau tuôn trào. Các em bức xúc vì học quá nhiều môn, học những môn không liên quan đến định hướng nghề nghiệp sau này, học không được thực hành: “ Hiện nay chúng em đang phải học từ 12 đến 13 môn, như thế là quá nhiều. Trong đó có môn em không biết học rồi sau này áp dụng được gì cho mình trong khi cái chúng em cần hiện nay là kỹ năng sống thì lại không có.” – Nguyễn Thu Hiền (trường THPT Hai Bà Trưng)
Một số bạn khác thì tỏ ra lo lắng sau khi xem clip: “bạn Châu Chấu nói rất đúng nhưng bạn có nghĩ là để thay đổi một nền giáo dục như ở Việt Nam cần bao nhiêu tiền? bao nhiêu thời gian? bao nhiêu người giỏi không? Đừng nhìn về một phía, đừng nghĩ để thay đổi nó dễ và nhanh như thế đối với một nước nền kinh tế thì phát triển chậm, nhân tài thì có nhưng đa số lại cống hiến cho nước ngoài làm thế nào để thay đổi? Bạn chỉ ra được khuyết điểm nhưng bạn đã nghĩ ra cách khắc phục nó chưa?”
Mặc dù vậy thì cũng không phải tất cả những vấn đề mà Châu Chấu đề cập đến trong clip đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía độc giả. Bởi dẫu sao, clip trên cũng chỉ là một cái nhìn chủ quan từ phía cá nhân Châu Chấu. Có những điểm Châu Chấu nói chưa hẳn là hoàn toàn chính xác hoặc chưa đầy đủ. Sự xuất hiện của clip tất nhiên cũng vấp phải không ít những ý kiến phản đối, ác cảm: “ Không hiểu sao nghe giọng và nhìn em này nói tôi cứ có cảm giác em đang vả vào mặt những người đang phấn đấu nỗ lực lấy được bằng cấp như chúng tôi vậy. Có một số điều em này nói chính xác nhưng tôi không cảm thấy sự chân thành và có đạo đức trong thái độ, cử chỉ, lời lẻ và cả trang phục của em.”. Bên cạnh sự khen ngợi, đồng cảm người ta cũng không tiếc những lời phê phán, “chấn chỉnh”, thậm chí nặng lời với cậu học sinh có nick name châu chấu và clip của kẻ lười biếng này.
Bức xúc đi về đâu?
Có một sự thật là chúng ta đã quá quen và dường như mặc định chấp nhận với hình ảnh những cô cậu học trò khép nép, nhút nhát, run sợ mỗi khi thầy cô giáo yêu cầu phát biếu chính kiến của bản thân mình trước một vấn đề nào đó, họ dần cài cho mình một chế độ tự động chấp nhận. Bởi vậy khi clip của kẻ lười biếng được tung ra hàng loạt cũng là lúc các bạn trẻ khác giật mình, họ có thêm sự tự tin để bày tỏ suy nghĩ của bản thân.
“Sự trăn trở của kẻ lười biếng” có thể chưa đầy đủ và toàn diện nhưng ít nhất nó đã châm ngòi cho một cơn dông bão về giáo dục vốn đã âm ỉ tồn tại từ rất lâu nay. Khi giới trẻ bắt đầu nhận thức và đòi hỏi, khi giới chuyên môn và dư luận cũng đưa ra những “yêu sách” thiết nghĩ rồi đây ngành giáo dục cũng sẽ bắt buộc phải cựa mình.
Trước đây cũng đã từng có những câu chuyện về giáo dục được khơi lên nhưng rồi lại nhanh chóng bị trượt vào một hố sâu chìm nghỉm trong im lặng. Nói như GS Phạm Toàn (82 tuổi) và những người đã tình nguyện bỏ thời gian, tiền bạc tự viết… sách giáo khoa mới cho chương trình tiểu học thì”…Chúng tôi không còn kiên nhẫn nữa rồi!”. Họ đã bỏ bao nhiêu tâm huyết, nỗ lực tác động đổi mới giáo dục Việt Nam nhưng cuối cùng kết quả họ nhận được gần như tay trắng. Hay như câu chuyện không hồi kết của ông TS Lương Hoài Nam, người đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc cho việc học hành của con cái (mà ngành giáo dục phải có trách nhiệm về kết quả), với tư cách người sử dụng “đầu ra” của ngành giáo dục qua việc tuyển dụng, sử dụng lao động trong các công việc lâu nay từng khẩn thiết đề xuất trong bài viết gửi Báo Giáo dục Việt Nam: “Đổi mới toàn diện giáo dục, đừng chắp vá”. Hai bức thư nhà báo Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam cặm cụi viết gửi cho ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo về tiền trợ cấp cho học sinh miền núi cũng rơi vào hư không. Vậy nên giờ đây chúng ta lại trông chờ vào sự đấu tranh, những đề xuất thay đổi sẽ đến từ giới trẻ và rất nhiều người cho rằng “Sự trăn trở của kẻ lười biếng” là cú bộc phá đầu tiên mở màn cho cơn lốc tư tưởng này.
Theo thông tin mới nhất chúng tôi ghi nhận được gần đây trước sức ảnh hưởng của clip , Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ công tác Học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục – Đào tạo cũng đã có một phát biểu rằng: “Trong trường hợp này nếu tốt hơn em có thể viết thư cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Bộ luôn sẵn sàng lắng nghe và phúc đáp. Em cũng có thể trao đổi với giáo viên để có cái nhìn thấu đáo và toàn diện hơn”. Đối với ngành giáo dục có thể đây đã là một cách phản hồi thể hiện sự quan tâm nhưng đó chưa phải là câu trả lời thỏa đáng. Cái mà chúng ta, tất cả mọi người Việt Nam đang quan tâm không chỉ có là “lắng nghe và phúc đáp” suông, cái chúng ta đang cần là một giải pháp thiết thực và cái giải pháp này chắc chắn là còn nan giải lắm, không dễ gì giải quyết hết bằng thư.
Kết mở
Trước thềm kỳ thi đại học 2013, cậu bé “bí ẩn” với clip “bom tấn” nói về giáo dục của mình đã tạo nên một tiếng vang rất lớn. Mặc dù những trăn trở trong clip “Sự trăn trở của kẻ lười biếng” nhận được không ít những ý kiến trái chiều nhưng ý nghĩa lớn nhất clip đã mang lại là đánh thức mỗi chúng ta sống dậy tinh thần nghiêm túc góp ý kiến cho nền giáo dục của nước nhà.
Bên cạnh đó sự xuất hiện của clip cùng với những lý lẽ của cậu nam sinh cũng thể hiện một vấn đề rất lớn, lay thức cơn ngủ mê của nền giáo dục hiện nay: Cần phải nhanh chóng “thức dậy”, thay đổi lấy lại niềm tin nhất là niềm tin của giới trẻ trước khi quá muộn. Bởi khi mà mọi người nhất là giới trẻ nhìn thấy nhiều mặt xấu hơn mặt tốt, không còn niềm tin vào hệ thống giáo dục nữa thì việc tiếp thu những kiến thức mới là rất khó, kể cả khi đó là những kiến thức bổ ích như thế nào./.
Nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Hùng Vỹ – giảng viên trường Đại học khoa học xã hội nhân văn, Tôi quan niệm hiện trạng đó, không chỉ cậu bé này nói lên, mà hiện trạng đó các nhà quản lý giáo dục cũng biết, và hầu như ai cũng biết. Nhưng mà tại sao hiện trạng đó vẫn tồn tại? Câu hỏi và trả lời cho câu hỏi này mới là quan trọng. Vấn đề ở chỗ đây là ý kiến của một học sinh, trước đây các nhà giáo dục như ông Hoàng Tụy, Hồ Ngọc Đại,… cũng đã nói rồi. Năm nào họp Quốc Hội họ cũng nói như vậy! Nhưng bây giờ vấn đề là phát ngôn từ 1 học sinh, các nhà quan tâm đến giáo dục đều biết, bản thân Bộ Giáo dục cũng biết. Nhưng mà chúng ta vẫn chưa thể làm gì, là vì sao vậy???. |
Theo: Dân Việt