Đồng Lộc là trung tâm cụm xã miền núi thuộc vùng Trà Sơn, huyện Can Lộc, có tổng diện tích tự nhiên 1.985,6 ha, có 1.329 hộ và 5.404 nhân khẩu, trong đó được chia thành 14 xóm. Phát huy truyền thống quê hương, Đảng bộ, chính quyền xã luôn luôn quan tâm đến sự nghệp phát triển giáo dục. Hàng năm xã dành ngân sách đầu tư thích hợp cho giáo dục, trong đó chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy của giáo viên. Năm 2012 xã đã đầu tư cho trường THCS 1,1 tỷ đồng, sửa chữa CSVC và mua sắm trang thiết bị dạy, học. Công tác giáo dục đào tạo được chăm lo, chất lượng giáo dục ở các cấp học không ngừng được nâng cao, các trường trong xã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học. Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của các trường đạt được những thành tích rất đáng tự hào: Số học sinh giỏi trường THCS xếp thứ 2 toàn huyện; tổng kết năm học, cả 3 nhà trường đều đạt danh hiệu Tiên tiến Xuất sắc cấp Huyện, (trường Tiểu học đạt Tiên tiến cấp Tỉnh). Số học sinh giỏi cấp huyện không ngừng tăng lên: Trường Tiểu học 72 em; Trường THCS 79 em. Học sinh giỏi cấp tỉnh: Trường TH 03 em, THCS 05 em, Trường THPT 14 em. Học sinh giỏi cấp Quốc gia có 01 em ở trường THPT. Học sinh thi đỗ vào các trường THCN 23 em, cao đẳng 22 em, đại học 29 em. Xã tếp tục huy động mọi nguồn lực tập trung xây dựng cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp, xây dựng trường THCS sớm trở thành Trường Trọng điểm Chất lượng cao của huyện.
Đồng Lộc từng bước thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục tốt
Cùng với việc huy động nguồn lực đầu tư cho giáo dục, Đồng Lộc còn chủ động tuyên truyền, vận động xây dựng quỹ kiên cố hóa trường lớp học; xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài từ xã đến thôn xóm. Nhiều thôn xóm, dòng họ và các trường tiểu học, trung học cơ sở thành lập chi hội khuyến học, xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài để động viên, tặng thưởng cho giáo viên, học sinh đạt kết quả cao trong giảng dạy và học tập.
Sự nghiệp phát triển giáo dục của xã Đồng Lộc đã khẳng định những bước đi vững chắc, chất lượng dạy và học được nâng lên rõ rệt. Đến nay, xã giữ vững Phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi, Phổ cập THCS và đang từng bước phổ cập THPT. Trường Tiểu học đã đạt Chuẩn Quốc gia giai đoạn II, Trường THCS đã đạt Chuẩn Quốc gia giai đoạn I . Năm học 2009 – 2010, UBND Huyện đã sáp nhập trường THCS Trung Lộc và Đồng Lộc thành trường THCS Trung - Đồng. Lãnh đạo xã Đồng Lộc đã phối hợp cùng xã Trung Lộc để tạo điều kiện để các thầy cô giáo, học sinh giảng dạy và học tập đạt kết quả cao. Số học sinh, giáo viên giỏi các cấp năm sau luôn cao hơn năm trước; Hội Khuyến học đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; Trung tâm Học tập cộng đồng đã mở được hàng chục lớp tập huấn, học tập với hàng nghìn lượt người tham gia trên các lĩnh vực, tạo nên phong trào thi đua xã hội hoá học tập sâu rộng . Năm học 2012 - 2013 là năm học “ Tiếp tục đổi mới quản lí và nâng cao chất lượng giáo dục”. Trong đó nhiệm vụ công tác xã hội hoá giáo dục được lãnh đạo xã và nhà trường xác định là nhiệm vụ trọng tâm phải được đẩy mạnh hơn những năm học trước.
Hiện nay, có hai nguồn lực chính trong quá trình huy động xã hội hóa giáo dục gồm: Nguồn lực vật chất (tài lực, vật lực, nhân lực, đất đai, trường sở, trang thiết bị,...) phục vụ giảng dạy và học tập; Nguồn lực phi vật chất (việc tạo ra môi trường giáo dục thống nhất, các yếu tố tinh thần, sự ủng hộ chủ trương giáo dục, sự tư vấn, trao đổi thông tin, kinh nghiệm)... Trong thực tế, lãnh đạo xã và các trường đã tập trung khai thác nguồn lực nhất là việc quan tâm đến học sinh các hộ nghèo, cận nghèo, các học sinh gặp khó khăn được quan tâm thường xuyên. Vì thế chất lượng giáo dục của xã đạt hiệu quả tương đối cao, việc XHHGD có chiều sâu, và hiệu quả, góp phần thắng lợi vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới tại Đồng Lộc.
Tăng cường đầu tư CSVC
Tạo cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp
Phát huy những kết quả đã đạt được, Đảng bộ xã tiếp tục đề ra các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong năm 2013 và những năm tiếp theo, trong đó xã tiếp tục tập trung, đề cao công tác xã hội hóa giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong đó coi trọng việc thực hiện tốt các cuộc vận động, tạo điều kiện khuyến khích công tác giáo dục phát triển, tiếp tục tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các nhà trường, đầu tư xây dựng Trường Mầm non để từng bước đạt Chuẩn Quốc gia, đưa tiêu chí trường học sớm đạt yêu cầu của Chương trình mục tiêu Nông thôn mới./.
Trung Lê