Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcGiải pháp nâng cao chất lượng Thực tập sư phạm cho sinh viên ngành Giáo dục Mầm non Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa

Giải pháp nâng cao chất lượng Thực tập sư phạm cho sinh viên ngành Giáo dục Mầm non Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa

Thứ năm, 05 Tháng 10 2023 13:45

 

Mai Đông

TRẦN THỊ OANH

Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa

Tóm tắt

Thực tập sư phạm là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhất đối với sinh viên sư phạm mầm non nhằm tích lũy và nâng cao năng lực chuyên môn nghề nghiệp cho các em, góp phần hình thành nhân cách người giáo viên tương lai. Tuy nhiên, quá trình TTSP vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế dẫn đến chất lượng Thực tập sư phạm chưa đạt kết quả cao. Vì vậy việc xác định các giải pháp để nâng cao chất lượng TTSP của sinh viên ngành Giáo dục mầm non là một vấn đề cần thiết nhằm nâng cao năng lực nghề nghiệp, bồi dưỡng lòng yêu nghề, đáp ứng yêu cầu của nghề trong xã hội hiện nay.

Từ khóa: Giải pháp, nâng cao chất lượng, thực tập sư phạm, sinh viên ngành Giáo dục mầm non

1. Giới thiệu

Trong chương trình đào tạo ngành Sư phạm nói chung và Giáo dục Mầm non nói riêng, Thực tập sư phạm đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành định hướng nghề nghiệp sư phạm, hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống của những giáo viên tương lai. Đào tạo Giáo dục Mầm non tại trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa là một trong những thế mạnh của nhà trường với số lượng sinh viên theo học đông, có chất lượng cao trong tuyển sinh đầu vào. Trong quá trình đào tạo, nhà trường luôn chú trọng đến việc đổi mới, nâng cao chất lượng dạy, học đặc biệt là thực tập sư phạm. Đây là hoạt động chủ đạo đối với sinh viên, giúp các em xâm nhập thực tế, tích lũy kiến thức và áp dụng lý thuyết vào thực tiễn, hình thành kỹ năng nghề nghiệp, quyết định chất lượng công tác của người học sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, đây cũng là dịp để nhà trường đánh giá kết quả đào tạo, điều chỉnh chương trình nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực tập, sinh viên luôn cố gắng học hỏi, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao và được đánh giá cao về năng lực hoạt động cũng như chuyên môn nghiệp vụ. Tuy nhiên, các em vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận với thực tiễn như: tham gia công tác chủ nhiệm, công tác chăm sóc, giáo dục trẻ, phối hợp với GVHD trong quá trình TTSP... Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Vì vậy, những nguyên nhân trên đã ảnh hưởng đến kết quả và chất lượng thực tập của sinh viên ngành giáo dục Mầm non trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Vì vậy chúng tôi nghiên cứu đề xuất đề tài “Giải pháp nâng cao chất lượng thực tập sư phạm cho sinh viên ngành Giáo dục mầm non trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa” để cung cấp thêm cơ sở lý luận nhằm nâng cao chất lượng thực tập sư phạm của sinh viên, tăng lòng yêu nghề và hình thành phẩm chất người giáo viên trong tương lai.

2. Tổng quan nghiên cứu vấn đề

Thực tập sư phạm là một hoạt động chủ đạo của ngành sư phạm và được rất nhiều các tác giả đề cập đến trong tài liệu nghiên cứu của mình.

Theo tác giả Phạm Trung Thanh trong cuốn Giáo trình rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên, ông chỉ ra rằng Thực tập sư phạm là khâu hết sức quan trọng trong việc đào tạo năng lực sư phạm cho người giáo viên trong tương lai và cho rằng đó là điều kiện cần thiết để hình thành khuynh hướng nghề nghiệp - sư phạm, hình thành nhân cách của người giáo viên [3].

Theo tác giả Nguyễn Đình Chỉnh: "thực tập sư phạm là một giai đoạn quan trọng nhằm kiểm tra sự chuẩn bị về mặt lý luận và thực hành của sinh viên đối với việc độc lập công tác của họ và hình thành những khả năng rộng lớn trong việc sáng tạo giải quyết những công việc của cá nhân người giáo viên tương lai" [1]. Tác giả chỉ ra rằng để thực hiện nhiệm vụ TTSP, sinh viên cần chuẩn bị tốt về tâm thế (luôn chủ động trong việc học tập, chuẩn bị các điều kiện để thâm nhập thực tế); chuẩn bị về hành trang kiến thức ( hệ thống hóa kiến thức về cơ sở ngành và chuyên ngành để thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ tại trường mầm non).

Trong đề tài Khả năng thích ứng nghề nghiệp của sinh viên ngành Giáo dục mầm non trong thực tập sư phạm của TS. Lã Thị Tuyên - Trưởng khoa GDMN, Trường Đại học VH,TT&DL Thanh Hóa, tác giả đã phân tích thực trạng và đưa ra các giải pháp dể nâng cao khả năng thích ứng nghề nghiệp cho sinh viên ngành Giáo dục Mầm non. Đây là một tài liệu hay và có ý nghĩa thực tiễn cao, giúp sinh viên có kỹ năng thích ứng với nghề GV mầm non đặc biệt là trong hoạt động thực tập sư phạm..

Trong cuốn luận văn Thạc sỹ của tác giả Đinh Thị Thu Hằng về Thực trạng Quản lý hoạt động Thực tập sư phạm của sinh viên khoa Giáo dục Mầm non trường Cao đẳng sư phạm Trung ương Nha Trang. Tác giả đã đánh giá được thực trạng của công tác lập kế hoạch TTSP, công tác tổ chức hoạt động TTSP, công tác kiểm tra đánh giá và sự phối hợp giữa 2 bên chủ thể. Từ đó đề xuất 1 số giải pháp nhằm nâng cao việc Quản lý TTSP cho sinh viên ngành GDMN tại trường.

Bên cạnh đó, còn có rất nhiều những tài liệu nghiên cứu về TTSP, tuy nhiên các tài liệu nghiên cứu chủ yếu dừng lại ở việc so sánh các kỹ năng chuyên biệt của các ngành nghề khác nhau, nêu ra vai trò, quy trình của thực tập sư phạm. Một số đề tài đề cập đến việc rèn luyện kỹ năng dạy học; rèn luyện nghiệp vụ sư phạm; khả năng thích ứng với nghề nghiệp trong Thực tập sư phạm. Một số tài liệu đưa ra vấn đề về công tác quản lý thực tập sư phạm mà chưa đề cập sâu đến các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động thực tập sư phạm cho sinh viên ngành Giáo dục Mầm non.

Vì vậy, trong bài viết này chúng tôi tập trung nghiên cứu một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng Thực tập sư phạm cho sinh viên ngành Giáo dục Mầm non của trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa.

3. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu

3.1. Cách tiếp cận

- Tiếp cận chuẩn đầu ra: Chương trình đào tạo sinh viên ngành Giáo dục mầm non cần phải lấy mục tiêu chuẩn đầu ra làm đích đến, hướng tới hình thành kỹ năng và năng lực cần thiết cho sinh viên sư phạm. Trong đó TTSP đạt chất lượng cao như kỳ vọng CĐR là một trong những mục tiêu cần đạt được để người học áp dụng vào thực tiễn nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.

- Tiếp cận phát triển: Dạy học cần phát huy tối đa năng lực nghề nghiệp của sinh viên, giúp họ làm chủ kiến thức để xử lý những tình huống, thách thức gặp phải trong cuộc sống và công việc một cách chủ động, sáng tạo.

3.2. Phương pháp nghiên cứu

Để nghiên cứu vấn đề, chúng tôi chủ yếu sử dụng các phương pháp như: phân tích và tổng hợp, phân tích tài liệu các công trình liên quan TTSP của sinh viên GDMN; Khảo sát thực tế TTSP ở một số trường mầm non. Từ đó thống kê, phân loại, tổng hợp làm căn cứ để đưa ra các luận cứ khoa học giúp cho quá trình TTSP của sinh viên ngành Giáo dục mầm non ngày cao nâng cao hiệu quả.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Các yếu tố ảnh hưởng đến TTSP

Chất lượng thực tập sư phạm của sinh viên phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan.

- Yếu tố chủ quan gồm có:

Động cơ, hứng thú nghề nghiệp của sinh viên

Đối với sinh viên, vấn đề nhận thức về động cơ, hứng thú nghề nghiệp rất quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến kết quả và chất lượng của đợt TTSP. Với động cơ tích cực trong học tập, rèn luyện nghề nghiệp có lý tưởng về nghề, có hứng thú, yêu thích nghề để đạt được kỳ vọng là giáo viên mầm non giỏi, phục vụ tốt cho cộng đồng thì sẽ là yếu tố thuận lợi cho kết quả cũng như chất lượng TTSP. Vì vậy trong bất kỳ môi trường hay hoàn cảnh nào, SV cũng cần phải có sự tích cực, chủ động trong việc nắm bắt và chiếm lĩnh tri thức.

Nhận thức về tầm quan trọng của TTSP

Để hình thành phẩm chất và năng lực giáo viên Mầm non, ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, SV cũng cần ý thức sâu sắc về việc học tập, rèn luyện . Điều này thể hiện lòng yêu nghề, nhiệt huyết, sẵn sàng thay đổi hành vi ứng xử, thay đổi bản thân để đáp ứng yêu cầu của nghề. Chỉ khi nào nhận thức giá trị nghề nghiệp của bản thân thì sinh viên mới có thể định hướng được con đường học tập tương lai đặc biệt là hoạt động TTSP, một môi trường rèn luyện nghề thực tế, có ý nghĩa lớn [2].

- Yếu tố khách quan gồm có:

Công tác chuẩn bị trước khi đi thực tập:

Đây là một trong những khâu quan trọng của khoa GDMN đối với SV trong công tác TTSP. Nhằm định hướng về mục đích, yêu cầu và nội dung của TTSP; Từ đó giúp SV nắm bắt được những hoạt động cụ thể cần đạt được trong từng tuần và chủ động trong việc trao đổi, học tập kiến thức ở môi trường thực tế.

Chương trình, nội dung TTSP: Là kim chỉ nam cho Sv trong quá trình thâm nhập thực tế. Chương trình TTSP cần xây dựng quy trình cho từng đơn vị, cá nhân rõ ràng; giúp việc quản lý của các bên chủ thể dễ dàng hơn; Nội dung TTSP càng rõ ràng, cụ thể thì hoạt động TTSP của SV càng hiệu quả. Trong nội dung TTSP cần chi tiết từ khâu chuẩn bị trước khi đi TTSP; Trong khi TTSP và sau khi TTSP.

Ảnh hưởng của giáo viên hướng dẫn thực tập

Trong công tác hướng dẫn TTSP cho giáo sinh, người giáo viên hướng dẫn đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng, tinh thần và thái độ học tập của SV. Đó là vai trò tổ chức cho giáo sinh trải nghiệm các hoạt động học nghề trong môi trường thực tế; là người “cầm tay chỉ việc” cho giáo sinh từ những kiến thức nhỏ nhất như trang phục, giao tiếp, cách chăm sóc, giáo dục trẻ [4]…Vì vậy yêu cầu của giáo viên hướng dẫn trước hết phải là người có năng lực chuyên môn, yêu nghề, tận tâm, nhiệt tình và có kỹ năng tư vấn, hướng dẫn đối với giáo sinh.

Công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng TTSP

Công tác Kiểm tra - đánh giá là một hoạt động quan trọng trong quá trình TTSP của sinh viên. Hoạt động này nhằm thẩm định các hoạt động của SV cũng như việc tổ chức hướng dẫn hoạt động thực tập của cơ sở thực tập. Ngoài ra còn có thể hiểu kiểm tra - đánh giá là việc kiểm tra tính hợp lý khi triển khai các nội dung trong quá trình TTSP.

Điều kiện cơ sở vật chất

SV được học tập, rèn luyện trong một môi trường với những điều kiện cơ sở vật chất cụ thể như giảng đường, phòng thực hành nghiệp vụ, trang thiết bị học tập, thư viện, ký túc xá, sân chơi,… Nếu các điều kiện này đầy đủ, đảm bảo thuận lợi cho hoạt động học tập và rèn luyện của SV thì cũng góp phần nâng cao chất lượng học tập của SV.

4.2. Thực trạng Thực tập sư phạm của Sinh viên ngành Giáo dục mầm non Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa

Qua kết quả nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng, chúng tôi đã khảo sát thực trạng TTSP của SV ngành GDMN bằng bảng hỏi và thu nhận được kết quả thông qua biểu đồ sau:

oanh

Biểu đồ 1: Thực trạng TTSP của sinh viên ngành GDMN

Qua biểu đồ, chúng tôi nhận thấy về ưu điểm trong công tác TTSP như sau:

Sinh viên đã nhận thức đúng về tầm quan trọng và vai trò của TTSP đối với nghề nghiệp. Điều đó được thể hiện qua: nội dung và chương trình của TTSP được SV thực hiện nghiêm túc và đạt được kết quả cao; Những kiến thức, kỹ năng nghề mà SV thu được sau đợt TTSP là rất lớn; SV phấn khởi vì được làm quen với trẻ mầm non và công việc hàng ngày của người giáo viên mầm non; Giáo sinh còn được trẻ, phụ huynh và cô giáo hướng dẫn quý mến, tạo điều kiện thực tập; Được thay đổi môi trường học tập cũng tạo nên hứng thú và sự tích cực từ phía SV. Đặc biệt là sự nhiệt tình chỉ dẫn, quan tâm của đội ngũ giáo viên hướng dẫn tại trường mầm non.

Bên cạnh những ưu điểm và thuận lợi đạt được, hoạt động TTSP của SV ngành GDMN vẫn còn gặp những hạn chế như:

- Về nhận thức của sinh viên: Vẫn còn một bộ phận SV chưa nhận thức đúng vai trò, nhiệm vụ của mình trong đợt TTSP. Các em chỉ nghĩ về trường TTSP là chỉ cần làm tốt công tác giảng dạy, chủ nhiệm lớp mà chưa hình dung hết khối lượng công việc mà người giáo viên mầm non cần thực hiện trong ngày. Một số sinh viên còn rụt rè, chưa có nhiều kinh nghiệm trong ứng xử và giao tiếp với trẻ, với phụ huynh và giáo viên hướng dẫn.

- Công tác tiền trạm của trưởng đoàn cần được thực hiện với nhiều nội dung hơn nữa, đáp ứng tốt yêu cầu của đợt TTSP

- Khả năng hoàn thành tốt Báo cáo thu hoạch sau kỳ TTSP của chưa cao.

Những hạn chế này đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng TTSP của các em. Vì vậy cần phải có các giải pháp giúp nâng cao chất lượng TTSP, đáp ứng chuẩn đầu ra cho các em và nhu cầu sử dụng lao động của xã hội.

4.3. Giải pháp nâng cao chất lượng TTSP cho sinh viên ngành Giáo dục Mầm non Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa

Trên cơ sở đánh giá về thực trạng TTSP, chúng tôi đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng TTSP của sinh viên ngành Giáo dục Mầm non như sau:

Thứ nhất: Công tác chuẩn bị cho TTSP

- Đối với Khoa Giáo dục Mầm non & Tiểu học: Bộ môn GDMN cần lập kế hoạch, thường xuyên tổ chức các buổi học chuyên đề tìm hiểu về Công tác Thực tập sư phạm cho sinh viên vào năm học thứ 3, thứ 4. Mục đích để sinh viên ý thức về thực hành nghề nghiệp, chủ động trong việc áp dụng kiến thức lý thuyết vào ngành nghề đào tạo.

- Đối với GV dẫn đoàn:

Chủ động liên hệ trường mầm non để lấy thông tin nội dung chương trình giáo dục trong thời gian thực tập 8 tuần. Phân chia danh sách cụ thể thực tập tại nhóm lớp nào; Giúp sinh viên chủ động nắm bắt chương trình giáo dục từ đó soạn giáo án, chuẩn bị đồ dùng dạy học đúng thực tế. Cần phát huy công tác tiền trạm để ghi nhận tình hình cơ sở vật chất, số lượng trẻ tại các nhóm lớp để thông tin lại cho SV, giúp sinh viên chuẩn bị kế hoạch thực tập sát với thực tế như: nắm bắt đặc điểm tâm sinh lý của độ tuổi lớp mình phụ trách; Xây dựng giáo án giáo dục trẻ có hiệu quả; Xây dựng kế hoạch chăm sóc trẻ theo độ tuổi…

- Đối với sinh viên:

Chuẩn bị về tâm thế, thái độ là điều đầu tiên cần chú ý. Để bước vào một môi trường mới, SV cần tự ý thức trong hành trang tri thức, tự trau dồi lại kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành để áp dụng có hiệu quả trong TTSP. Bên cạnh đó, cần có thái độ ham học hỏi, tinh thần cầu tiến, khiêm tốn trong lời nói, hành động với bạn bè cũng như đồng nghiệp. Điều quan trọng hơn nữa là việc hiểu được những việc cần làm và yêu cầu đạt được trong thời gian TTSP như: Tìm hiểu thực tế trường mầm non; Thực hành, thực tập Tổ chức các hoạt động chăm sóc - giáo dục trẻ; Ý thức kỷ luật; Báo cáo thu hoạch. Chuẩn bị về tâm thế tốt, SV sẽ không bị áp lực trước đợt TTSP vì nhiều nội dung và thời gian dài (8 tuần), số trẻ trong lớp đông và yêu cầu ở các trường cao.

Thứ hai: Cải tiến chương trình, nội dung TTSP

Hiện nay, Khoa GDMN trường Đại học Văn hóa đã xây dựng kế hoạch TTSP cho sinh viên năm thứ 4 về nội dung hoạt động tại trường cơ sở cụ thể như: Tìm hiểu thực tế trường mầm non; Thực hành, thực tập Tổ chức các hoạt động chăm sóc - giáo dục trẻ; Ý thức kỷ luật; Báo cáo thu hoạch; Cách đánh giá điểm TTSP. Tuy nhiên để SV nắm rõ hơn về yêu cầu hoạt động của từng tuần, khoa GDMN cần cải tiến, làm rõ các yêu cầu trong từng hoạt động của đợt TTSP để SV hình dung rõ hơn về các công việc cụ thể như:

+ Bổ sung mục quy định hoạt động TTSP đối với trường Đại học (Ban chỉ đạo Thực tập cấp trường, cấp khoa, GVdẫn đoàn); Đối với trường mầm non (Ban giám hiệu; Giáo viên HD).

+ Bổ sung thêm trong chương trình TTSP các nội dung khen thưởng như: Khen toàn diện; Khen về hoạt động chăm sóc trẻ; Khen về hoạt động giáo dục trẻ để khuyến khích SV hăng hái, tích cực trong TTSP.

TT

Nội dung khen

Họ tên SV

Lớp

Khoa

1

Khen toàn diện

 

 

 

2

Khen về Hoạt động giáo dục

 

 

 

3

Khen về HĐ Chăm sóc sức khỏe (Công tác chủ nhiệm)

 

 

 

 

+ Đa dạng hóa các hình thức TTSP để sinh viên thường xuyên được tiếp xúc với môi trường thực hành nghề.

Thứ ba: Đấu mối thường xuyên giữa Khoa GDMN cơ sở TTSP

Để thực hiện giải pháp, hàng năng Khoa GDMN cần phối hợp với trường mầm non thực tập xây dựng và triển khai kế hoạch cho SV tìm hiểu và tham gia thực tế thường xuyên với các nội dung:

- Tổ chức giao lưu, học chuyên đề, học hỏi kinh nghiệm quản lý lớp học, giai tiếp với trẻ theo từng độ tuổi, ứng xử với trẻ cá biệt, giao tiếp với phụ huynh, tham gia trực tiếp công tác giáo viên chủ nhiệm, làm đồ dùng đồ chơi trong quá trình dạy học, giải đáp những thắc mắc có liên quan đến hoạt động TTSP hoặc quá trình làm việc ở trường mầm non…

Khoa GDMN phối hợp cùng trường thực tập lập kế hoạch mời các giáo viên giỏi, các giáo viên có nhiều thành tích để chia sẻ kinh nghiệm học tập cũng như làm việc để giáo viên trong trường cũng như giáo sinh học hỏi, giải đáp những khó khăn thắc mắc của giáo sinh trong quá trình TTSP như: Những yêu cầu cần đạt được trong TTSP? Những khó khăn của SV khi đi thực tập; Những công việc GVHD sẽ giúp đỡ giáo sinh? Làm thế nào để thích ứng với môi trường học tập mới? …

- Chủ động yêu cầu giáo sinh tham gia đầy đủ các buổi dự giờ, sinh hoạt tổ chuyên môn trước khi dạy thật cho các giáo sinh để SV có thời gian tập luyện, được nghe góp ý và hoàn thiện kỹ năng, tay nghề của mình hơn.

+ Giảng viên Khoa Giáo dục Mầm non & Tiểu học liên hệ trực tiếp để phối hợp với các giáo viên tại trường mầm non dự giờ 1 tiết/tuần/ nhóm sinh viên.

+ Các tiết tập giảng GVHD sắp xếp vào các buổi học phụ để tránh ảnh hưởng đến các buổi học chính khóa của trẻ.

Thứ tư: Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá hoạt động TTSP

-Tăng việc kiểm tra đánh giá, tiến hành theo từng mốc thời gian cụ thể 1 lần/tuần (tương đương 8 tuần). Nội dung đánh giá bao gồm: thái độ học tập, tinh thần rèn luyện, thực hiện đúng quy định trong thời gian thực tập sư phạm, thực hiện các giờ tập giảng, giờ chủ nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật. Sổ nhật ký cần được thực hiện sau mỗi buổi thực tập, có phần tổng kết rút kinh nghiệm của bản thân. Kế hoạch làm việc chuyên cần của sinh viên được thể hiện qua sổ nhật ký thực tập sư phạm và bảng tổng kết cá nhân của sinh viên. Sử dụng nhiều phương pháp kiểm tra khác nhau để có những kết luận xác đáng, đảm bảo tính khách quan, đúng thực chất.

- Xây dựng chuẩn đánh giá các mặt hoạt động của đoàn TTSP một cách hợp lý trên cơ sở xác định các “chuẩn đo” kết quả thực hiện các hoạt động, sao cho kết quả thu được một mặt phản ánh đúng thực chất trình độ hình thành những kỹ năng thực hiện các hoạt động của sinh viên, mặt khác có tác dụng định hướng, điều khiển và điều chỉnh các hoạt động dạy học của giảng viên và học tập của sinh viên về nghiệp vụ sư phạm. Phiếu đánh giá các hoạt động TTSP phải được thực hiện qua các “chuẩn đo” về mức độ [4].

Thứ 5: Cơ sở vật chất phục vụ TTSP

- Hiện nay trên địa bàn thành phố có rất nhiều trường Mầm non công lập và dân lập. Mỗi hệ thống sẽ có những ưu điểm và hạn chế khác nhau. Vì vậy để đảm bảo về điều kiện, quy mô, cơ sở vật chất cũng như sự lựa chọn cho sinh viên trong hoạt động thực tế, Khoa Giáo dục Mầm non và Tiểu học cần có thêm sự lựa chọn trường cơ sở đặc biệt là các trường mầm non Tư thục. Với diện tích lớn, các phòng học chức năng đầy đủ hệ thống âm thanh, thiết bị, số lượng trẻ không quá đông... giúp sinh viên thuật lợi hơn trong thực tập sư phạm. Điều này giúp sinh viên được trải nghiệm ở nhiều môi trường làm việc khác nhau.

- Xây dựng mạng lưới trường mầm non vệ tinh: giúp nhà trường luôn cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo giáo viên mầm non; thường xuyên trao đổi, kết nối để sinh viên có cơ hội thực tập, thực tế hàng kỳ, hàng năm.

- Khoa Giáo dục Mầm non cần phát huy hiệu quả và tối đa mức độ sử dụng phòng Thực hành ngành GDMN, tạo môi trường học tập, rèn luyện tốt nhất cho người học.

5. Thảo luận

Qua nghiên cứu lý luận và thực trạng công tác TTSP ở trường Đại học VHTT&DL cho thấy, công tác TTSP của SV được thực hiện khá tốt với đầy đủ các nội dung, quy trình của TTSP. Tuy nhiên bên cạnh những mặt ưu điểm vẫn còn những hạn chế xuất phát từ nguyên nhân chủ quan và khách quan. Từ đó, chúng tôi đã nghiên cứu thực trạng và đề xuất 05 biện pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng TTSP cho sinh viên ngành GDMN. Việc áp dụng các biện pháp trên vào hoạt động thực tập sư phạm chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả thiết thực, khẳng định được giá trị của các biện pháp đề xuất.

6. Kết luận

Qua những kết quả đã nghiên cứu trong bài viết, có thể khẳng định rằng, giải pháp nâng cao chất lượng TTSP của sinh viên Đại học Giáo dục Mầm non là một trong những yếu tố góp phần tạo nên chất lượng đào tạo của ngành sư phạm nói chung và sư phạm mầm non nói riêng. Đây là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng đối với Bộ môn GDMN, mỗi giảng viên, sinh viên ngành GDMN trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Việc xác định đúng mục tiêu nâng cao chất lượng TTSP sẽ góp phần xây dựng thương hiệu của nhà trường trong lĩnh vực đào tạo sư phạm, đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo và phù hợp với nhu cầu thực tiễn của xã hội.

 

Tài liệu tham khảo

[1]. Nguyễn Đình Chỉnh (1991), Thực tập sư phạm, NXB Giáo dục, Hà Nội.

[2]. Nguyễn Ngọc Hiếu (2008), Những khó khăn trong công tác thực tập sư phạm của sinh viên, Tạp chí Giáo dục, số 188, tr.19-20

[3]. Phạm Trung Thanh (2007), Thực tập sư phạm năm thứ ba, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.

[4]. Lã Thị Tuyên, (2021), Khả năng thích ứng nghề nghiệp của sinh viên ngành Giáo dục Mầm non thông qua hoạt động Thực tập sư phạm, Đề tài cấp cơ sở, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa.

[5]. Nguyễn Như Ý, Nguyễn Văn Khang, Phan Xuân Thanh (2008), Từ điển Tiếng Việt thông dụng, Nxb Giáo dục.

[6]. https://123docz.net/document/2368739-tai-lieu-ve-thuc-tap-nghiep-vu-su-pham.htm [truy cập ngày 10/10/2023]

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516