Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcGiáo dục con biết yêu sách, ham đọc sách - Bài học từ người Do Thái

Giáo dục con biết yêu sách, ham đọc sách - Bài học từ người Do Thái

Thứ ba, 17 Tháng 3 2020 08:42

LÊ THỊ HƯƠNG
Trường Đại học Thủ đô Hà Nội

Nhận bài ngày 26/02/2020. Sửa chữa xong 05/3/2020. Duyệt đăng 10/3/2020.
Abstract
In the daily life, parents and teachers always respect and love books. We should buy children books and magazines to inspire their reading interest, read along with them to help them learn new things and understand books’ value. Then children will love books and be more studious. It is not hard yet not easy to build the reading habit. If this habit is built early, it will decide children’s reading ability and self-study ability in their whole life.
Keywords: Jew, Viet Nam, books, habit, love, knowledge.

1. Mở đầu
Số liệu năm 2015 cho thấy người Do Thái chiếm chưa đến 0,2% tổng dân số toàn cầu với khoảng 14,3 triệu người. Tuy nhiên ngay từ thế kỷ 19, khoảng 1/4 số nhà khoa học trên thế giới là người Do Thái. Hàng loạt những cái tên như nổi tiếng Albert Einstein, Sigmund Freud, Otto Frisch... đều là người Do Thái. Trong thế kỷ 20, mặc dù người Do Thái chỉ chiếm 2% dân số Mỹ nhưng lại có đến 27% nhà khoa học của nước này đoạt giải Nobel là người Do Thái. Không những thế, khoảng 25% nhà toán học đoạt giải Fields Medal (có giá trị tương tự Nobel trong toán học), 25% số người đoạt giải ACM Turing Award (mảng máy tính), 9/19 nhà vô địch cờ vua... là người Do Thái. Chỉ số IQ trung bình của người Do Thái theo nhiều nghiên cứu là vào khoảng 110 so với mức 100 của toàn cầu. Dù chỉ chênh lệch 10 nhưng tỉ lệ sản sinh thiên tài giữa 2 cấp độ lên tới khoảng 120 -150 lần. Vậy tại sao người Do Thái lại thông minh, theo cách hiểu của các nhà khoa học? [9].
Để làm nên thành công đó, bên cạnh việc sùng đạo Do Thái, giữ gìn huyết thống để bảo tồn giống nòi, thì một bí quyết cực kì quan trọng là họ đã biết dạy con yêu sách từ trong nôi. Người Do Thái đặt sách vở lên trên mọi sự, họ dốc lòng dạy trẻ điều ấy từ đời này qua đời khác. Dân tộc này có một tục lệ bất thành văn: phải đặt sách hoặc tủ- kệ sách ở đầu giường. Cách làm này có hai dụng ý: Một là để tiện cho việc đọc sách, hai là thể hiện thái độ sùng kính với sách. Mọi gia đình Do Thái có con đều tổ chức nghi lễ “Hôn sách”, họ giỏ vài giọt mật ong vào đầu mỗi cuốn sách để trẻ có thể cảm nhận mùi thơm, hình thành trong nhận thức non nớt của đứa trẻ rằng sách là một “món ăn ngọt ngào”, từ đó, khi nhìn thấy sách trẻ sẽ tìm cách lân la lại gần, lâu dần sách sẽ trở thành người bạn luôn đồng hành với chúng. Lễ hôn sách để lại ấn tượng tốt đẹp về sách vở trong lòng con trẻ, là nhân tố đầu tiên giúp trẻ có tình yêu sách bền lâu, hào hứng với sách trong suốt cuộc đời.
2. Để khơi dậy và phát triển tình yêu với sách trong cả cuộc đời con trẻ, cha mẹ Do Thái đã làm những gì để trẻ yêu sách?
2.1. Họ tình nguyện làm người đọc sách cho con, đọc sách cùng con
Cha mẹ Do Thái vì muốn trẻ tiếp xúc nhiều hơn với sách vở, nên tình nguyện làm người đọc sách cho trẻ. Khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ đóng vai là “người đọc”, mỗi buổi tối họ đều đọc cho trẻ nghe một vài truyện cổ tích, truyện kí danh nhân, khoa học thường thức... Khi trẻ đã biết đọc, cha mẹ sẽ trở thành người cùng đọc với trẻ, lúc này cha mẹ sẽ cùng trẻ đọc những tác phẩm văn học kinh điển, những bài luận văn khoa học hoặc tùy bút đặc sắc... Trong khi trẻ đọc sách, cha mẹ thường xuyên cổ vũ trẻ và tận tâm hướng dẫn con. Sau khi trẻ đã đọc tốt, cha mẹ sẽ trở thành người “bạn đọc sách” thực thụ của con. Để thỏa mãn đam mê và tính hiếu kì trong việc đọc sách của trẻ, họ thường xuyên cùng con đi mua sách hoặc dẫn trẻ đến các thư viện đọc sách. Cha mẹ Do Thái giống như người làm vườn miệt mài chăm chồi cây non, họ sẽ phân loại tri thức theo hứng thú và sở thích của con ở từng giai đoạn rồi mới truyền thụ kiến thức đó cho con, giúp con tiếp thu nhẹ nhàng và hiệu quả.
2.2. Cha mẹ là tấm gương và có kế hoạch bồi dưỡng thói quen đọc sách cho con
Cha mẹ Do Thái luôn là tấm gương dạy con. Ví dụ, để dạy trẻ yêu thích đọc sách, cha mẹ sẽ làm mẫu trước, hàng ngày họ sẽ nghiêm túc đọc sách, ghi chép, sau đó khi trẻ đã thích đọc sách, người lớn càng phải giữ uy tín và là tấm gương điển hình trước mặt trẻ. Lúc này, cách làm thông thường của cha mẹ Do Thái là tổ chức một cuộc “hội thảo” dành cho những người đọc sách, trong đó họ sẽ cho con trẻ xem danh sách những cuốn sách họ đã đọc và những ghi chú họ ghi lại trong quá trình đọc sách, thông thường, khi trẻ nhìn thấy số đầu sách vở, lượng ghi chép khổng lồ của bố mẹ thì sẽ cảm thấy bị "sốc". Cách làm này của cha mẹ giúp trẻ cảm thấy đọc sách thật cần thiết như ăn cơm, uống nước hàng ngày và sách đã đem lại cho con người rất nhiều niềm vui và tri thức. Cha mẹ có kế hoạch bồi dưỡng thói quen đọc sách cho con. Phương pháp mà cha mẹ Do Thái thường dùng là đặt ra những kế hoạch khả thi, chẳng hạn:
- Vào mỗi buổi tối, không vì lí do đặc biệt nào, cả gia đình sẽ ngồi yên lặng đọc những cuốn sách mà mình yêu thích.
- Đặt mua định kỳ hằng năm cho trẻ một số đầu báo hoặc tạp chí, đồng thời đôn đốc trẻ đọc chúng.
- Mỗi tuần dành thời gian một ngày để cùng đọc báo với trẻ, sau đó cùng thảo luận sôi nổi về một chủ đề đôi bên cùng quan tâm.
- Hàng tuần nhất định phải dành thời gian dẫn trẻ đến thư viện, bảo tàng, triển lãm... tham quan, giúp làm tăng kiến thức và nâng cao hứng thú đọc cho trẻ.
Người Do Thái luôn xem tri thức là một loại vốn đặc biệt vì nó có thể sinh ra tài sản, lại chẳng bị ai cướp đoạt, nên với họ, sách là tài sản duy nhất bố mẹ muốn để lại cho con. Theo quan điểm của người Do Thái: Một người khi gặp phải khó khăn, muốn bán của cải để duy trì cuộc sống, đầu tiên cần nghĩ đến việc bán vàng bạc, châu báu, sau đó đến đất đai, nhà cửa, cuối cùng mới là sách vở, vì theo họ, tri thức chính là gia tài lớn nhất của đời người.
Không chỉ khuyến khích con yêu sách, bố mẹ Do Thái còn có cách dạy con đọc sách không kém phần đặc biệt. Theo họ, đọc 101 lần sẽ tốt hơn 100 lần vì vậy với một cuốn sách, trẻ được dạy đọc tuần tự theo các bước sau:
- Lần 1: Đọc để hiểu nội dung cuốn sách.
- Lần 2: Đọc để nắm ý chính của từng phần.
- Lần 3: Đọc để hiểu rõ hơn nội dung.
- Lần 4: Đọc để rút ra điều tinh túy nhất của cuốn sách.
Kinh Tamud từ cách đây hơn 2.000 năm của người Do Thái đã yêu cầu các bậc phụ huynh phải dạy con biết đọc, biết viết từ năm lên 6 tuổi. Nói cách khác, việc giáo dục con cái từ nhỏ không còn là vấn đề đạo đức, trách nhiệm của nhà nước hay đơn giản là lo lắng cho tương lai con trẻ. Người Do Thái đã nâng tầm giáo dục thành một loại giáo điều trong tín ngưỡng. Rõ ràng, chẳng có ông bố bà mẹ Do Thái nào dám không giáo dục con từ năm lên 6 để con biết đọc, biết viết nếu không muốn bị cộng đồng xa lánh hoặc bị chỉ trích vì vi phạm giáo điều. Kết quả là từ hơn 2.000 năm trước, có đến 90% số người Do Thái thoát khỏi nạn mù chữ. Nếu tỉ lệ trên không mấy ấn tượng với bạn thì xin nhắc lại rằng cách đây 2.000 năm, đa phần người Do Thái là nông dân, du mục, thậm chí lang thang nay đây mai đó. Ấn tượng hơn nữa, nếu bạn biết rằng hầu hết người dân Châu Âu, Bắc Phi và Trung Đông thời đó là mù chữ thì điều mà người Do Thái làm được quả là phi thường. Thời kỳ đó, biết chữ là điều khá xa xỉ và chỉ có tầng lớp tăng lữ, quý tộc mới có điều kiện được học. Những người dân thuộc tầng lớp dưới không có đủ thời gian cũng như mục đích để học chữ khi họ còn mải kiếm sống hoặc sống sót.
Dân tộc Israel ngày nay cũng như vậy, cho dù người giàu hay người nghèo cũng đều cố gắng tích lũy tri thức. Họ thường xuyên tự cổ vũ bản thân mình từ câu nói nổi tiếng trong cuốn Talmud: “Một người không có tri thức, thì anh ta còn có cái gì? Một người có tri thức, thì anh ta còn thiếu cái gì?” (Talmud - Tinh hoa trí tuệ Do Thái. Talmud bao gồm những ý kiến của hàng ngàn giáo sĩ. Do Thái trong nhiều chủ đề, bao gồm cả pháp luật, đạo đức, triết học, phong tục, lịch sử, thần học, truyền thuyết và nhiều chủ đề khác. Talmud là cơ sở cho tất cả các bộ luật của luật giáo đoàn Do Thái giáo và được trích dẫn nhiều trong các tài liệu giáo đoàn khác). Trong gia đình người Do Thái, cha mẹ cho con cái đọc một số tác phẩm kinh điển của dân tộc họ. Chẳng hạn, mỗi trẻ em Do Thái đều phải đọc thuộc kinh “Cựu Ước”, sau đó đọc và nghiên cứu “Talmud”. Những cuốn sách cổ giàu trí tuệ này không chỉ giúp người Do Thái thoát khỏi sự mê muội mà còn giúp họ dùng kiến thức thay đổi vận mệnh của mình [7].
Tóm lại, bất kể là sử dụng hình thức nào thì mục đích cuối cùng của người Do Thái vẫn là khiến trẻ ham đọc sách, yêu tri thức, tôn sùng trí tuệ, làm cho con ham đọc sách là nhiệm vụ không thể trốn tránh của mỗi bậc cha mẹ Do Thái.
Tại quê hương của những người Do Thái – Isarel, cứ hơn 4500 người lại có một thư viện, hằng năm tỉ lệ số người đọc sách và số thư viện đều tăng lên và luôn đứng đầu thế giới. Trong tất cả các gia đình của người Do Thái đều có một tủ sách. Sách có ở mọi nơi công cộng như mời gọi, khuyến khích con người “hãy cầm tôi lên và đọc”. Sách là tài sản quý của mỗi gia đình nhưng lại là tài sản chung của toàn xã hội, vì người đọc được đọc miễn phí!
Ở Việt Nam, thập niên thứ 2 của thế kỉ 21, theo một điều tra xã hội học, số đầu người trên đầu sách trong 1 năm là 1/0,8.
3. Để rút ngắn khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới, chúng ta nên bắt đầu từ đâu?
Hiện nay, các bậc cha mẹ Việt cũng đã quan tâm đến giáo dục sớm cho con, trong đó có việc cho con tiếp xúc sớm với sách, bằng cách đọc (kể) truyện cho con nghe, cho con tham gia các câu lạc bộ đọc sách như: Mở sách, Đủng đỉnh, Đọc sách và viết lách, đặc biệt là Câu lạc bộ Đọc sách cùng con. Nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận rằng số lượng trẻ được tham gia các câu lạc bộ này còn rất khiêm tốn so với số lượng trẻ em còn lại. Các câu lạc bộ đọc sách dành cho trẻ em (từ tuổi mầm non) tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh thành còn lại trẻ em hầu như chưa được hưởng loại hình này. Rất nhiều bậc cha mẹ không có thói quen đọc sách và văn hóa đọc còn rất xa lạ với phần lớn người Việt. Phải chăng đó là nỗi thiệt thòi rất lớn cho lớp măng non, tương lai của đất nước. Giáo dục mầm non Việt Nam, những phụ huynh của trẻ em Việt Nam sẽ học gì đây từ cách dạy con nói chung, cách dạy con yêu quý sách của người Do Thái nói riêng?
3.1. Tạo thói quen đọc sách và đọc sách cho con nghe từ ngày trẻ nằm nôi
Nhiều phụ huynh có suy nghĩ “con còn bé chưa hiểu gì thì liệu đọc sách có tác dụng gì không?”. Quan niệm đó hoàn toàn sai lầm. Có lẽ bố mẹ không biết giờ kể chuyện trước khi đi ngủ luôn được lũ trẻ mong đợi như thế nào. Qua những câu chuyện nhỏ mỗi tối, cha mẹ đã hình thành thói quen đọc sách, giúp con nuôi dưỡng vốn ngôn ngữ, bồi dưỡng về tâm hồn, nâng cao tri thức đồng thời con sẽ luôn cảm thấy mình được cha mẹ quan tâm và yêu thương.
3.2. Trang bị cho con một tủ sách, dạy con đọc sách, là tấm gương ham mê sách cho con
Ngay từ khi còn nhỏ, những lời ru, câu thơ, bài ca dao của mẹ đã đi vào tâm trí trẻ. Trẻ cảm nhận được tình yêu thương thể hiện trong những tác phẩm này. Khi lớn lên chút nữa, phụ huynh hãy phân tích cho con hiểu nội dung được thể hiện trong những tác phẩm văn học hay bất cứ một thể loại nào mà mình đọc cho trẻ. Điều này rất tốt và kích thích trí lực của trẻ phát triển. Dù nhiều gia đình chưa có phòng riêng cho con nhưng bố mẹ hãy cố gắng trang bị cho con một tủ sách hoặc ít nhất hãy để cho sách hiện diện ở mọi nơi trong nhà để trẻ có thể dễ dàng tiếp cận. Bằng không, hãy làm cho con một chiếc thẻ thư viện và thường xuyên đến thư viện cùng con để mượn sách. Đó là một thói quen rất tốt để xây dựng văn hóa đọc và giới thiệu cho con biển trí tuệ của nhân loại.
Hãy nói với bé về những tấm gương, số phận không may mắn nhưng lại nỗ lực, cống hiến cho xã hội, và những gì họ đã làm, kết quả ra sao, họ được xã hội trân trọng, yêu mến, giúp đỡ như thế nào để trẻ biết cách tự nhủ mình phải cố gắng, nỗ lực, biết yêu thương mọi người hơn.
Bố mẹ chẳng thể nào gào thét “con phải đọc sách đi”, “con phải đọc truyện đi” khi chính bản thân mình cũng chỉ muốn xem ti vi hoặc chăm chú vào chiếc smartphone. Hãy để cho trẻ nhìn thấy cha mẹ, những người ngày nào cũng ở bên cạnh chăm sóc, dạy dỗ chúng cũng hứng thú với những cuốn sách. “Tấm gương sáng” này chắc chắn sẽ hiệu quả hơn gấp nhiều lần những câu mắng mỏ, ra lệnh hay so sánh con mình với “con người ta”.
Các chuyên gia về giáo dục đã khuyến cáo không nên để trẻ em tiếp xúc quá nhiều với ti vi hoặc các thiết bị điện tử khác như smartphone, iPad vì chúng hạn chế vận động và trí tưởng tượng của trẻ. Chính vì vậy, bố mẹ hãy TẮT bớt ti vi, điện thoại để cho trẻ ra ngoài trời vận động và đọc sách trong thư viện để MỞ ra cho con trí tưởng tượng, tri thức và cửa sổ tâm hồn.
Hãy học tập bố mẹ Do Thái phát triển tâm hồn, trí tưởng tượng, ngôn ngữ, sự sáng tạo cho con qua những cuốn sách và truyện có tranh minh họa. Những cuốn truyện ngắn gọn, súc tích với tranh vẽ sinh động, những thông điệp ý nghĩa về các chủ đề gần gũi trong cuộc sống như thế giới tự nhiên, trường học, gia đình sẽ khiến trẻ dễ tiếp nhận hơn những cuốn sách dày đặc chữ. Khi trẻ lớn dần, bố mẹ có thể giới thiệu cho con những cuốn sách hợp sở thích và khuyến khích con tự tìm loại sách mà mình muốn đọc.
3.3. Xây dựng môi trường sách
Tùy vào vị trí của gia đình, lớp học mà cha mẹ, giáo viên bố trí góc thư viện gần nơi có nhiều ánh sáng, yên tĩnh, ít người qua lại. Ở đó có thảm, đệm sẽ làm cho góc này trở nên ấm cúng hơn và mời gọi hơn với trẻ. Trẻ có thể theo đuổi các hoạt động đọc, viết do trẻ tự khởi xướng hoặc tự thực hiện các kĩ năng để phát triển. Hình thành góc đọc hấp dẫn nơi mà những cuốn sách yêu thích của trẻ luôn có sẵn. Khuyến khích trẻ mang những cuốn sách hay từ nhà đến lớp để cùng chia sẻ. Đặt một cái đài ở góc đọc, có những băng đọc truyện và những quyển truyện tương ứng trong góc này. Có thêm những chiếc bút chì màu và bút màu với giấy cho trẻ tự do viết một mình. Hãy làm cho lớp học của  trẻ  tràn ngập sách. Để sách ở những nơi vừa tầm với của trẻ. Có những cuốn sách mà cả lớp có thể đọc cùng nhau, những cuốn sách mà trẻ “có thể đọc được” và những cuốn tạp chí, sách nhiều tranh ảnh để trẻ xem. Ngoài ra, với sự sáng tạo của giáo viên và của trẻ, cô và trẻ cùng làm những đồ dùng tự tạo để trang trí góc sách. Khuyến khích trẻ tự trang trí, sắp đặt các đồ dùng trong góc theo ý thích, phù hợp, dễ lấy, dễ cất, dễ sử dụng. Việc xây dựng hệ thống thư viện thân thiện trong các trường mầm non hiện nay bước đầu đã được chú ý. Tuy nhiên, do diện tích phòng học chật chội, trang thiết bị thiếu thốn, kinh phí cho việc mua sách, tài liệu hạn chế… nên góc sách cho trẻ còn đơn điệu, nghèo nàn. Tại các nơi đã triển khai, cũng thiếu các nguồn lực để đầu tư thêm tài liệu, sách truyện, kệ giá… nên góc sách này cũng chưa được phong phú, hấp dẫn để đáp ứng nhu cầu của trẻ. Như vậy vẫn cần lắm các nguồn lực để cùng chung tay xây dựng những thư viện phong phú về nội dung, những tài liệu phù hợp với cô và trẻ, thân thiện về không gian với bạn đọc trẻ. Hệ thống kệ giá trong phòng học tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo cần phù hợp, trong tầm tay và tầm mắt để trẻ dễ quan sát, lấy- cất, đặc biệt là hệ thống sách truyện phù hợp với tâm sinh lí của trẻ, đa dạng, sinh động, hấp dẫn, để lôi cuốn sự chú ý của chúng. Từ đó, trẻ sẽ tích cực khám phá, hình thành thói quen đọc sách. Việc tạo một góc sách tại gia đình và xây dựng thói quen cùng đọc sách với con ở các bậc phụ huynh là việc nên làm dù cha mẹ có thể rất bận công việc. Phải chăng cần có những chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai xây dựng thư viện công cộng, tăng cường chia sẻ và hình thành thói quen đọc, văn hóa đọc trong nhà trường, gia đình, cộng đồng, giúp trẻ mầm non có những nền tảng cơ bản để trở thành người đọc độc lập, từ đó trở thành những người chủ động học tập suốt đời. Thực tế đã chứng minh rằng thói quen đọc sách sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới kết quả học tập cũng như sự thành công sau này của trẻ. Vì thế, giúp trẻ làm quen sớm với môi trường đọc sách là rất cần thiết. Qua đó, xây dựng được sự hứng thú, niềm đam mê với sách từ thuở ấu thơ, góp phần hình thành văn hóa đọc cho trẻ khi trở thành một công dân trưởng thành.
4. Kết luận
Từ cảm hứng dạy con, tạo thói quen đọc sách cho con của người Do Thái, đối sánh với thực tại trẻ em Việt Nam trong việc hình thành tình yêu với sách, thói quen đọc sách cho trẻ, chúng ta thấy trẻ em mình còn chịu quá nhiều thiệt thòi, sách (không kể sách giáo khoa, bắt buộc các gia đình phải mua) đối với phần lớn các em vẫn là những thứ xa xỉ. Lo cho trẻ được no cơm ấm áo là hết sức cần thiết nhưng giáo dục để chúng trở thành những người con hiếu thảo với cha mẹ, giàu lòng vị tha, biết yêu thương đồng loại, sẵn sàng quên mình vì người khác, sống có lí tưởng… cũng cần thiết không kém. Tất cả những phẩm chất tốt đẹp mà con người có được là nhờ được dạy dỗ bằng lời, bằng tấm gương của người lớn và còn ở một nguồn tri thức không bao giờ vơi cạn, đó là sách. Chẳng có cha mẹ nào, thầy cô nào có khả năng đi theo trẻ suốt cuộc đời, dạy trẻ được mọi điều trong cuộc sống vốn đầy biến ảo. Để hoàn thiện mình, để phát triển, con người phải tự học. Mỗi trang sách là một người bạn, một người thầy nếu đó là cuốn sách giàu tính nhân văn, dạy cách làm, phổ biến tri thức. Tạo cho trẻ thói quen đọc sách, yêu quý, trân trọng sách, biết lựa chọn sách, ham học hỏi là nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi gia đình và của toàn xã hội nếu chúng ta muốn có những chủ nhân tương lai có tài năng và đức độ, những công dân có ích cho nước, cho dân.
Đương nhiên, tình yêu đối với sách không thể được bồi dưỡng một sớm một chiều. Nó phải được giáo dục liên tục từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, từ thế hệ này đến thế hệ khác của các bậc cha mẹ, thầy, cô với con cháu, học trò. Cha mẹ, thầy cô trước hết là tấm gương sáng về sự ham đọc sách, sau đó là người thầy của các con trong việc giáo dục toàn diện cho trẻ trong đó có việc biết yêu sách và thích đọc sách. Như thế, chúng ta sẽ dần tạo dựng được truyền thống tốt đẹp cho một dân tộc vốn yêu hòa bình, cần cù, chịu khó và thêm vào đó là biết ứng xử nhân văn với con người và tạo vật, giàu đức hi sinh, lòng vị tha, luôn có tinh thần cầu tiến, biết tự trọng, không chịu khuất phục trước bất cứ khó khăn, trở ngại nào. Như thế còn sợ gì tụt hậu so với thế giới đang từng giờ đổi thay?

 

Tài liệu tham khảo
1. Trần Hân, Phương pháp giáo dục con của người Do Thái (người dịch: Thanh Nhã), NXB Phụ nữ, Hà Nội, 2016.
2. Phạm Hồng (Soạn dịch), Phương pháp dạy con thành tài của người Do Thái, NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2018.
3. Michal Nahari Larkin B Ed (Hons), Bí mật Do Thái – Khơi dậy tài năng trẻ (dịch giả: Thanh Hiền), NXB Thế giới, Hà Nội, 2018.
4. Monrdecal Nadav, Phạm Thị Kim Hoa, Người Do Thái dạy con làm giàu, NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2017.
5. Sara Imas, Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương (người dịch: Phạm Thị Thanh Vân), NXB Lao động - Xã hội, Hà Nội, 2016.
6. Sun Ly, Mẹ Do Thái dạy con tư duy (người dịch: Phương Linh), NXB Kim Đồng, Hà Nội, 2016.
7. Đặng Hoàng Xa, Lịch sử thăng trầm 4000 năm của người Do Thái (P.5). Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2015/10/24/lich-su-do-thai-p-5/, đăng ngày 24/10/2015.
8. Nguồn: https://www.nhatvietedu.vn/danh-cho-cha-me/3282-nguoi-do-thai-day-con-doc-sach-nhu-the-nao.html, 29/9/2017.
9. Nguồn: https://cafebiz.vn/tai-sao-nguoi-do-thai-thong-minh-2019030810293361.chn, đăng ngày 09/3/2019.
10. Nguồn: http://www.babauonline.com/nguoi-do-thai-day-con-doc-sach-nhu-the-nao/, đăng ngày 7/4/2019.

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516