Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcGiáo dục: Càng đổi mới càng thụt lùi

Giáo dục: Càng đổi mới càng thụt lùi

Thứ sáu, 02 Tháng 8 2013 07:02
Mấy mươi năm qua, ngành giáo dục Việt Nam đổi mới liên tục nhưng xem ra chẳng có gì mới. Thậm chí, nhiều nhà giáo cho rằng nền giáo dục hiện nay như một “thảm họa”.

Đổi mới giáo dục có lẽ là chủ trương quen thuộc nhất của ngành giáo dục trong nhiều thập kỷ qua. Càng đổi mới càng rối và hậu quả là đến nay, chúng ta có một nền giáo dục phiến diện, chạy theo những mục tiêu vụn vặt và hậu quả của nó là thế hệ trẻ phải gánh chịu.

 
Đổi mới từ... lãnh đạo
Giáo dục: Đổi mới hay là chết! Chắc chắn phải đổi mới nhưng vấn đề đặt ra là đổi mới như thế nào? Chúng ta có quá nhiều triết lý giáo dục nhưng lại để giáo dục rơi vào tình trạng "lắm thầy thối ma".

Bạn đọc Lục Hạp, nói thẳng: “Người dân đã ngán ngẫm với cải cách của ngành giáo dục, quá tốn kém nhưng không hiệu quả. Muốn đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, trước hết phải thay đổi nhận thức, quan điểm về giáo dục của cán bộ quản lý ngành. Đừng trách đạo đức học sinh xuống cấp mà phải trách một bộ phận không nhỏ cán bộ của ngành này, trong đó có cán bộ trực tiếp làm công tác giáo dục đạo đức xuống cấp (tiêu cực trong tuyển sinh từ mẫu giáo đến cả tiểu học, trung học, đại học, có khi cả nghiên cứu sinh... là một ví dụ nhỏ) ít nhiều đã ảnh hưởng đến đạo đức học sinh.
hs1
Thế hệ trẻ là lớp người phải gánh chịu hậu quả của một nền giáo dục trì trệ. Ảnh: Tấn Thạnh
“Chẩn bệnh” cho ngành giáo dục, bạn đọc Kim Oanh, phân tích: Hiện nay, bệnh thành tích trong giáo dục rất phổ biến. Người thầy có tâm huyết ít được hoan nghênh. Để phù hợp với trào lưu, đôi khi người thầy đó phải nhắm mắt cho qua, rồi để luôn bức xúc với bản thân. Phụ huynh cũng góp phần vào căn bệnh này: Cố chạy chọt vào lớp chọn, trường điểm, ép thành tích học tập cho con cái. Ngoài xã hội thì nhiều chuyện trái khoáy luôn diễn ra: Người bất tài chạy bằng cấp để kiếm vị trí trong bộ máy nhà nước… Nếu học tập trong hoàn cảnh như thế, học sinh không hỏng đã là may mắn rồi.

Nhiều bạn đọc cho biết: Hệ thống giáo dục của ta từ mầm non cho đến thạc sĩ, tiến sĩ đếu có vấn đề. Từ cấp mầm non đã phải chạy trường cho con mới có chỗ học đàng hoàng. Vào lớp một là phải o bế thầy cô giáo, lớn lên chút nữa thì học sinh phải chạy theo thành tích của trường. Vào đại học thì chương trình quá bất cập, xa rời thực tế, lên cao học thì học cho có, nhàn nhã hơn cả học cấp 1, cấp 2. Đến tiến sĩ thì copy luận văn, mua hội đồng… Vấn đề cấp thiết nhất chính là phải đổi mới ngay từ cấp lãnh đạo của ngành giáo dục. 
     
Thiếu gì mô hình để học tập

Nhiều bạn đọc cho rằng cứ mỗi lần nghe đổi mới sách giáo khoa là thấy muốn… "lên máu". Bao nhiêu tiền của đổ ra cho lĩnh vực này mà cứ thay đổi xoành xoạch. Trong khi rất nhiều vùng cao, vùng sâu, học sinh không kiếm nổi một ngôi trường mái tranh, vách đất lành lặn để học. Sáng nhịn đói đến trường, trưa vạ vật khoai sắn cho qua bữa. Càng lạ hơn nữa là qua bao nhiêu lần cải cách thất bại nhưng chẳng thấy quan chức nào của ngành giáo dục bị khiển trách hay kỷ luật.
hs2
Học sinh của Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP HCM (ảnh mang tính minh họa)  Ảnh:  Tấn Thạnh
Bạn đọc Việt Anh kể: Lứa tuổi chúng tôi (nay đã trên dưới 50), học hết bậc phổ thông 12 năm đến kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 rất nhẹ nhàng: thi chung ngày, chung môn, kết quả thi khá phù hợp với xếp loại trong năm học. Kết quả học tập thường là khoảng 10% giỏi, 20% khá, 50% trung bình, còn lại là yếu. Đối với học sinh yếu, trong kỳ nghỉ hè, giáo viên yêu cầu đến lớp ôn tập bài vở để thi lại vào đầu năm. Nếu vượt qua thì lên lớp, còn không, học sinh phải học lại một năm. “Tôi cũng bị thi lại năm lớp 7 và đã vượt qua. Tôi học trung bình tất cả những năm còn lại và thi đậu vào đại học. Ra trường tôi tiếp tục học thêm nhiều chuyên ngành và giờ đã làm việc cho một doanh nghiệp nước ngoài hơn 10 năm với mức lương 2.000 USD/tháng, đủ chi phí cho gia đình và có trách nhiệm với xã hội. Bạn học cũ của tôi cũng có nhiều người thành đạt, dù ngày xưa họ học chỉ trung bình.

Nói về cải cách, bạn đọc Thanh Tâm, đề nghị: Chỉ khu vực châu Á, hiện có nhiều mô hình giáo dục thành công như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc…, sao không học hỏi mà cứ nghĩ ra những cái không thiết thực rồi sửa đi, đổi lại, chắp vá tùm lum thành ra nông nổi như hôm nay. Kỳ lạ là mỗi lần thay lãnh đạo của ngành giáo dục thì trong nhiệm kỳ đó, thế nào cũng có cải cách giáo dục, hoặc thay đổi sách giáo khoa. Hình như những thay đổi này không phải vì mục tiêu giáo dục?

Cùng suy nghĩ, bạn đọc Trấn Quốc chỉ rõ: Học sinh của Việt Nam vẫn muốn du học tại các nước khác có nền giáo dục phát triển hơn Việt Nam. Nếu nền giáo dục cần thay đổi sao không mạnh dạn học theo những mô hình đó, cần gì phải suy nghĩ, thử nghiệm nhiều mà kết quả thì không thấy đâu. Hay là nền giáo dục của nước ta quá "sĩ diện" luôn nghĩ là mình có "ngàn năm văn hiến" và chỉ muốn người khác học hỏi mình mà không muốn học hỏi người khác?
 
Dạy học sinh nói dối

Ở cấp tiểu học lẽ ra phải dạy học sinh tính trung thực, dạy làm người, nhưng con tôi lại được giáo dục cách nói dối. Đề thi "Em hãy tả công việc của mẹ em làm ở nhà máy", con tôi lại tả công việc của mẹ làm ở bệnh viện (vì tôi là bác sĩ). Dù cháu tả rất hay, rất logic và thực tế những gì cháu biết  nhưng lại bị cô giáo cho là lạc đề. Hay đề thi "Tả cây xoài trước ngõ nhà em". Cháu tả cây xoài mà cháu thấy trên đường đi học mỗi ngày (vì nhà ở chung cư không có cây xoài trước ngõ). Cô giáo cũng cho là lạc đề. "Chương trình giáo dục cải cách bao nhiêu năm sao mà ấu trĩ thế”- bạn đọc Tâm Phúc bộc bạch.
Theo: Phạm Hồ/ NLĐ

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516