Chiều qua (23/12), Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã có buổi đối thoại ngắn với các nhà khoa học trẻ đoạt giải “Quả cầu vàng 2013”. Bộ trưởng Quân đã thẳng thắn nhìn nhận trình độ phát triển KHCN của Việt Nam đã có những bước tiến đáng tự hào, tuy là một nước có GDP thấp nhưng chỉ số về KHCN của chúng ta hơn nhiều nước đang phát triển hoặc các nước mới phát triển.
Nước công nghiệp không coi thường KHCN
Trình độ phát triển KHCN của một quốc gia phản ánh đất nước phát triển tới mức nào, thế kỷ 21 là thế kỷ của nền kinh tế tri thức, vai trò của KHCN càng phải được đặt ở mục tiêu hàng đầu. Vừa qua, tại Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, nhà nước ta đã xác định cùng với giáo dục và đào tạo thì KHCN cũng đóng vai trò là “quốc sách hàng đầu”.
Tuy nhiên, thực trạng hiện nay khiến Bộ trưởng Nguyễn Quân lo ngại, mỗi năm nhà nước chỉ giao 2% tổng chi ngân sách cho KHCN là quá ít, bên cạnh đó nguồn kinh phí này ở các địa phương đang có sự lãng phí, chưa được coi trọng, sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả gây thất thoát.
Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân trao đổi với các nhà khoa học trẻ. Ảnh Xuân Trung
Bộ trưởng Quân cho biết, nhiều địa phương dùng tiền khoa học để đi làm đường vành đai, đắp đê, đi phòng trống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai…Đã đến lúc phải huy động nguồn lực của xã hội vì chi tiêu ngân sách cho KHCN vừa ít, vừa khó. Đầu tư làm sao nguồn của xã hội phải lớn hơn nhiều ngân sách nhà nước.
Kinh phí đầu tư của toàn xã hội cho KHCN cũng rất khiêm tốn, với chỉ xấp xỉ một nửa đầu tư của ngân sách nhà nước, trong khi các nước phát triển, và các nước mới phát triển tỷ lệ này gấp 3-5 lần, ngay như Hàn Quốc gấp tới 10 lần. Ở Việt Nam doanh nghiệp gần như không quan tâm đầu tư cho KHCN, các tổ chức, cá nhân cũng ít quan tâm tới KHCN, ngay các cơ quan nhà nước cũng vậy.
“Kinh phí trên đầu người ở Việt Nam chỉ khoảng 13-14 USD/năm để tiến hành các hoạt động KHCN (nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất…), trong khi các nước quanh ta cao gấp nhiều lần, ở Hàn Quốc là trên 1.200 USD/năm/người, Trung Quốc gấp 6-7 lần” Bộ trưởng Quân so sánh.
Người đứng đầu ngành KHCN của đất nước cũng nói rằng, chính sách của chúng ta đề cập rất đúng về trọng dụng, ưu đãi cán bộ KHCN, nhưng trên thực tế hiện nay cán bộ khoa học là giới chịu thiệt thòi nhất trong giới làm công ăn lương nhà nước, nhìn sang bên cạnh thì giáo dục và đào tạo có phụ cấp nghề, phụ cấp thâm niên…, công chức nhà nước được hưởng thêm 50% phụ cấp công vụ.
Tuy đất nước còn khó khăn, thu nhập bình quân thấp, nhưng theo một xếp hạng mới đây về KHCN thì Việt Nam xếp thứ 46/142 quốc gia, trong khi GDP của chúng ta chỉ xếp thứ 132/142 quốc gia.
“Chỉ còn 6 năm nữa chúng ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, một nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì không thể thiếu KHCN. Điều này cần phải có một đề án phát triển KHCN trong thời gian tới” Bộ trưởng Quân tính toán.
Trong thời gian đổi mới về KHCN, Bộ trưởng Quân nhấn mạnh tới ba trụ cột cần cấp thiết đổi mới: Thứ nhất, đổi mới phương thức đầu tư KHCN (không chỉ dựa vào ngân sách nhà nước để làm khoa học), vì ngành KHCN chỉ có 2% ngân sách trong khi quá nửa số đó đang sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả.
Thứ hai, đổi mới cơ chế tài chính KHCN (các dự án KHCN có hiệu quả, giảm bớt đề tài để ngăn kéo, theo cơ chế đặt hàng, ai đặt hàng thì phải nhận lại kết quả nghiên cứu, chịu trách nhiệm đưa vào cuộc sống). Thứ ba, đổi mới chính sách với cán bộ KHCN, phải có ưu đãi, ngoài tôn vinh, ngoài được ghi trong Nghị quyết phải tập trung vào ba nhóm đối tượng chính: Các nhà khoa học đầu ngành, các nhà khoa học được nhà nước giao nhiệm vụ quan trọng của quốc gia và các nhà khoa học trẻ tài năng, giao cho họ quyền và trách nhiệm làm tốt công tác nghiên cứu và ứng dụng KHCN của mình.
Đề tài khoa học phải căn cứ vào đơn đặt hàng
Để tránh tình trạng nghiên cứu ra đề tài được xếp vào tủ hay để trong ngăn kéo, thì từ năm 2016 các đề tài nghiên cứu phải được đặt hàng trước. Bộ trưởng Quân nêu thực trạng, hiện nay các nhà khoa học thấy vấn đề hay thì đề xuất làm chứ không nghĩ tới đề tài được sử dụng như thế nào, ai dùng cũng không quan trọng.
Các nhà khoa học trẻ trao đổi thẳng thắn với Bộ trưởng Quân về công việc nghiên cứu khoa học của Việt Nam sắp tới. Ảnh Xuân Trung
Do đó, để tránh tình trạng “mạnh ai người nấy làm”, các đề tài phải căn cứ vào đề xuất của đơn đặt hàng của các cơ quan có thẩm quyền để xem đề tài có khả thi không, có khả năng ứng dụng không, bên đặt hàng có nguồn lực không, và nếu làm thành công thì đề tài có tiền để triển khai tiếp hay không?
“Bây giờ ai đề xuất đặt hàng thì người đó chịu trách nhiệm tiếp nhận kết quả, khi đề xuất đặt hàng cũng phải kiểm tra xem có thực lực không, ngân sách của bộ hay tỉnh, hay doanh nghiệp có đủ để triển khai ứng dụng không? Nếu không đủ thì không cho làm. Mô hình này là của những nước phát triển, các nhà khoa học vẫn đề xuất nhưng cần phải có cơ quan nhà nước có thẩm quyền đánh giá” Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định.
Bên cạnh đó, để tránh tình trạng các đề tài nghiên cứu khoa học không đi tới đâu, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2016 trở đi sẽ làm theo chương trình quốc gia về khoa học, theo đó các công trình sẽ phải đi đến cơ sở cuối cùng, đi từ nghiên cứu cơ bản tới ứng dụng.
Đề xuất thêm một phương án tăng tính cạnh tranh, sáng tạo khi nghiên cứu khoa học, ông Nguyễn Thế Trung, giám đốc một công ty về phần mềm cho biết, theo như dự thảo về con đường quy hoạch lại KHCN Việt Nam, đó là tương lai báo hiệu nhiều thành công. Tuy nhiên, ông đưa ra ba bức tranh đại diện cho tính năng động trong khi làm khoa học: Thứ nhất là đồng cỏ dại, thứ hai là đồng lúa đã được quy hoạch, thứ ba là cánh rừng nhiệt đới.
Nếu hình dung hệ sinh thái giống như 3 bức tranh, quy hoạch nhiêm túc thì đó là một cách, nhưng các thành tựu vĩ đại thường đến ở cánh rừng nhiệt đới (có nhiều loại cây sống chứ không riêng cây cổ thụ, không chỉ riêng có lúa…), do đó ý vị giám đốc này muốn nói cách làm khoa học phải hướng tới tính sáng tạo mở.