Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi khẳng định trong buổi gặp mới đây với lãnh đạo Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập (VIPUA) cùng lãnh đạo Bộ GD&ĐT.
Nguồn lực phát triển GD&ĐT là tập trung cho xã hội hóa
Ông Đào Trọng Thi cho rằng, xác định nguồn lực để phát triển giáo dục hiện nay là một bài toán muôn thuở, đã đề cập nhưng chưa phải lúc nào cũng tìm được giải pháp thỏa đáng (điều muốn nói là quy mô và chất lượng).
Thực tế, trong một thời kỳ dài chúng ta nhấn mạnh về phát triển quy mô, đặt nhiều chỉ tiêu về quy mô như số lượng sinh viên/1 vạn dân, và các trường cũng đua nhau phát triển về quy mô, quy mô phát triển quá ào ạt mà không quan tâm tới chất lượng.
Trong một số năm gần đây chúng ta phát hiện ra chất lượng đào tạo quá kém, không đáp ứng được yêu cầu, đào tạo ra nhân lực không có chất lượng không những không có lợi mà còn có hại cho phát triển kinh tế - xã hội, lúc này chúng ta mới bắt đầu quan tâm về chất lượng. Ông Đào Trọng Thi cho rằng, bài toán này vẫn phải được xem xét.
Tuy nhiên, quy mô để đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân xét ở khía cạnh nào đó cũng là chất lượng của nền giáo dục, vì nền giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân thì chưa phải là nền giáo dục thành công.
“Tôi cho rằng, vấn đề hiện nay chúng ta nên xác định, nguồn nhân lực ra phải được đảm bảo chất lượng, ít nhất là tối thiểu. Đương nhiên một bộ phận của nguồn nhân lực đó phải đáp ứng được những mức độ chất lượng khác nhau, kể cả chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội” ông Đào Trọng Thi nêu quan điểm.
Đứng trước nhiều sức ép, ngành giáo dục quán triệt trong thời gian này phải hạn chế phát triển quy mô, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Trong Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XI cũng xác định, giáo dục tập trung đào tạo chất lượng cao, đặc biệt là nguồn chất lượng cao, đó là một trong ba giải pháp đột phá phát triển giáo dục.
Quan điểm của ông Đào Trọng Thi cho rằng, giải pháp ở đây là đảm bảo chất lượng để trên cơ sở đó phát triển quy mô đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân (khác trước là chúng ta hy sinh chất lượng để đảm bảo quy mô).
Cách tốt hơn cả theo ý kiến của ông Đào Trọng Thi thì với phần ngân sách hạn chế đó chúng ta phải sử dụng hiệu quả hơn (tập trung ưu tiên cái gì, phát triển cái gì để đảm bảo chất lượng nhưng vẫn góp phần tăng quy mô đáp ứng nhu cầu xã hội).
Thứ hai, phải sử dụng nguồn từ xã hội hóa, điều này không những các trường ngoài công lập mà các trường công lập cũng phải xã hội hóa bằng cách có sự đóng góp từ sinh viên nhiều hơn (thông qua học phí) và nhà nước không bao cấp nhiều.
“Chủ lực của xã hội hóa giáo dục là khối các trường đại học ngoài công lập, phát triển các trường thuộc khối ngoài công lập đây là một chủ trương lớn chứ không phải là một giải pháp tình thế. Cái bàn là cách làm như thế nào chứ không thể thay đổi được chủ trương xã hội hóa” ông Đào Trọng Thi khẳng định.
Chấp nhận sự cạnh tranh giữa các trường
Liên quan đến vấn đề làm thế nào để xác định động lực phát triển nền giáo dục đào tạo trong giai đoạn mới, ông Đào Trọng Thi một lần nữa thừa nhận động lực là được tạo ra từ cạnh tranh theo chất lượng. Làm sao chất lượng phải là một tiêu chí cho các trường cạnh tranh để học sinh cũng cạnh trang, các nhà sử dụng lao động cũng cạnh tranh.
“Chúng ta không nên đặt vấn đề trường công là có chất lượng, nên có phân loại chất lượng của các trường, sau này sẽ phân tầng xếp hạng theo hướng đó. Nếu chúng ta có chất lượng và khẳng định được thứ bậc thì các nhà sử dụng nhân lực trả lương theo chất lượng đó.
Theo xu thế này thì phụ huynh sẽ không còn băn khoăn khi tìm mọi cách cho con mình đi học chất lượng cao, học chất lượng cao ra trường được trả lương cao sẽ thu hồi được sự đầu tư ban đầu nhanh. Đây cũng là động lực cho nhà trường phấn đấu có chất lượng cao.
Tôi nghĩ chúng ta phải chấp nhận sự phân hóa chất lượng các cơ sở đào tạo trên cơ sở đó tạo ra động lực cho trường, học sinh và xã hội” ông Thi cho biết.
Đối với việc khẳng định phát triển hệ thống các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập, ông Đào Trọng Thi cho biết, trong các văn bản của nhà nước đều không nói là không phát triển khối ngoài công lập, thậm chí phải tạo điều kiện cho các trường phát triển.
Điều đáng nói theo ông Thi đó là xác định lại tỉ trọng khối ngoài công lập như thế nào, nếu 40% quy mô sinh viên các trường ngoài công lập trong hệ thống thì hiện nay chỉ được 14%, với 14% này là ít nhưng 40% kia cũng hơi nhiều.
“Tỉ trọng của khối ngoài công lập cần tăng lên, nhưng tăng lên một cách vững chắc không ồ ạt để đảm bảo chất lượng. Đồng nghĩa tăng tỉ trọng thì cũng khống chế quy mô ở mức độ hợp lí” ông Thi đề nghị.
Trong những năm qua nhiều trường đại học, cao đẳng ngoài công lập không tuyển được sinh viên, lãnh đạo nhiều trường cho rằng các trường công chính là nguyên nhân khiến hệ thống ngoài công lập không có sinh viên theo học. Nhưng theo ông Đào Trọng Thi, có một mấu chốt lâu nay chúng ta không nghĩ tới đó là không kiểm tra các trường công lập về việc xác định chỉ tiêu, nhiều trường xác định chỉ tiêu không đúng, vượt lên so với quy định sinh viên/giảng viên và mét vuông sàn/sinh viên.
“Nếu chỉ cần vượt 10% thôi thì cũng chiếm hết chỉ tiêu các trường ngoài công lập. Nhiều người nói do ảnh hưởng của điểm sàn, tôi cho không phải vì điểm sàn, nếu hạ điểm sàn xuống chẳng khác gì các trường ngoài công lập chấp nhận một chất lượng đào tạo thấp” ông Thi nhấn mạnh lại.
Ngoài hai tiêu chí sinh viên/giảng viên và số mét vuông/sinh viên để xác định chỉ tiêu cho các trường, ông Đào Trọng Thi kiến nghị tiếp một tiêu chí khác, theo ông là rất quan trọng, nếu thêm được tiêu chí này sẽ giải quyết được vấn đề tuyển sinh đối với các trường ngoài công lập. Theo đó, đề nghị thêm tiêu chí tỉ suất đầu tư cho mỗi sinh viên.
Vì thực tế, các trường ngoài công lập thu học phí của sinh viên để có chi phí đào tạo, trong khi các trường công lập được nhà nước đầu tư, nếu các trường tuyển nhiều sinh viên đương nhiên phần đầu tư của nhà nước bị chia nhỏ và tỉ suất/sinh viên lúc đó giảm xuống.
Các trường phải được thực sự tự chủ truyến sinh
“Luật Giáo dục đại học nói các trường được tự chủ tuyển sinh nhưng lại theo Quy chế do Bộ GD&ĐT ban hành, tôi nói trong mọi trường hợp đã cho người ta tự chủ thì cũng phải đảm bảo họ có quyền lựa chọn về phương thức tuyển sinh. Xác định chỉ tiêu tuyển sinh, theo tiêu chí của bộ là sinh viên/giảng viên, mét vuông sàn/sinh viên, nhưng sắp tới nếu thêm được tiêu chí tỉ suất đầu tư/sinh viên vì tỉ suất đầu tư có thể hạn chế được các trường công lập.
Nếu Bộ GD&ĐT cho các trường được tự chủ tuyển sinh và các trường phải đảm bảo chất lượng, theo tôi nếu tiêu chí đảm bảo chất lượng mà còn thì có thể không cần tới điểm sàn. Điểm sàn nếu làm chung phải có nhưng khi làm riêng thì không cần, nhưng các điều kiện đảm bảo chất lượng phải quy định chặt chẽ.
Luật nói các trường được tự chủ tuyển sinh nhưng lại theo Quy định của Bộ GD&ĐT, thì quy định của bộ có thể đưa ra những điều kiện để khống chế biểu hiện sai lệch, cái này cần làm nhanh chóng không nên kéo dài”.
Ông Đào Trọng Thi đề xuất.
Theo lãnh đạo nhiều trường đại học, cao đẳng ngoài công lập, trước vấn đề đối xử chưa được công bằng giữa trường công và tư hiện nay, nhiều trường đại học, cao đẳng ngoài công lập tuyên chiến sẵn sàng đứng lên cạnh tranh, nhưng chỉ khi nào có được sự đối xử công bằng giữa hai loại hình này.
GS Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường ĐH DL Hải Phòng khẳng định: “Trường công đang có lợi thế có thầy giáo, có cơ sở vật chất tốt, có thương hiệu, nhưng các trường ngoài công lập mặc dù còn mới nhưng chúng tôi sẵn sàng cạnh tranh một cách bình đẳng. Vì không thể cạnh tranh mà một anh đóng 10 triệu (ngoài công lập), một anh 5 triệu (công lập), nếu tôi lấy 5 triệu tôi không tồn tại, tôi lấy 10 triệu để tồn tại. Trong khi đó trường công được nhà nước cấp, hơn nữa lại lấy thuế của dân đưa những người có khả năng học được vào trường công. Tôi cho cái đó càng bất công”.
Hiệu trưởng Trường ĐH DL Hải Phòng cũng nêu thực trạng, có những trường công lấy bằng điểm sàn, lạm dụng nhiều phía để các trường ngoài công lập không lấy được sinh viên, đây là chỗ mâu thuẫn lớn nhất.
“Chúng tôi sẵn sàng, hay nói cách khác chúng tôi sẵn sàng “chơi” với các trường công xem anh nào hơn anh nào? Nhưng hai trường phải công bằng và bình đẳng” GS Nghị khẳng định.
Theo: giaoduc.net.vn