Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcGS.Hoàng Xuân Sính: "Ngành sư phạm bị coi nhẹ mấy chục năm trước rồi"!

GS.Hoàng Xuân Sính: "Ngành sư phạm bị coi nhẹ mấy chục năm trước rồi"!

Thứ hai, 26 Tháng 8 2013 06:51
GS.TS.NGND Hoàng Xuân Sính. GS.TS.NGND Hoàng Xuân Sính.
"Lúc đó, người ta quan niệm như vậy. Họ cho rằng, học trường y, dược thì thành phần gia đình phải thật tốt, vì có liên quan tới mạng sống con người, còn sư phạm không thể giết người bằng những lời nói. Nhưng họ không hiểu, ông thầy kém thì sẽ dạy sai và ngấm ngầm làm hại hàng nghìn học sinh". GSGS.TS.NGND Hoàng Xuân Sính đánh giá.

Những ngày gần đây, câu chuyện ngành sư phạm không thu hút được nhân tài, điểm đầu vào thấp (thậm chí có những trường chỉ lấy đầu vào ở ngưỡng điểm sàn) một lần nữa được GS Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng nhắc tới trong báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhiều nhà khoa học đã cùng đặt ra một câu hỏi: Tương lai của đất nước này sẽ ra sao khi ngành sư phạm ngày càng “kiệt quệ” nhân tài?

Để có thêm những góc nhìn đa chiều về vấn đề này, Báo Giáo dục Việt Nam xin gửi tới độc giả những chia sẻ của GS.TS.NGND Hoàng Xuân Sính – Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Thăng Long.

 

"Ngành sư phạm bị coi nhẹ từ mấy chục năm trước rồi"

PV: Thưa GS Hoàng Xuân Sính, là một người đã gắn bó cả cuộc đời với nghiệp trồng người, bà có suy nghĩ gì trước tình trạng ngành sư phạm không tuyển được người giỏi?

GS Hoàng Xuân Sính: Chuyện gì thì cũng có nguyên nhân sâu xa của nó. Tôi còn nhớ là những năm 60 khi tôi từ Pháp trở về nước và đi dạy ở Khoa Toán ĐH Sư phạm Hà Nội thì ngành sư phạm mới đào tạo 2 năm, sau nâng lên 3 năm, rồi mới có 4 năm.

Thời đó đào tạo phải theo kinh tế kế hoạch, thứ hai nữa là xét tuyển vào các trường đại học thì lại soi vào thành phần gia đình và nếu là con em các gia đình công nhân, nông dân thì được đánh giá tốt hơn là những em thuộc vào thành phần gia đình địa chủ, tiểu tư sản… Vì vậy mà thời đó đã có câu: Nhất Y nhì Dược, tạm được Bách Khoa, còn Sư phạm thì xếp hạng bét.

Thế nghĩa là ngành sư phạm bị xem nhẹ từ mấy chục năm trước rồi, chỉ khác là bây giờ các nhà khoa học không thể ngồi im được nữa, họ buộc phải lên tiếng, vì tương lai của đất nước này.

PV: Bà có biết vì sao thời đó ngành sư phạm lại bị xem nhẹ?

GS Hoàng Xuân Sính: Lúc đó, người ta quan niệm như vậy. Họ cho rằng, học trường y, dược thì thành phần gia đình phải thật tốt, vì có liên quan tới mạng sống con người, còn sư phạm không thể giết người bằng những lời nói. Nhưng họ không hiểu, ông thầy kém thì sẽ dạy sai và ngấm ngầm làm hại hàng nghìn học sinh, mà như vậy là có ảnh hưởng tới các thế hệ sau này.

Thời đó còn đẻ ra cả “ban tuyển sinh” chủ yếu làm nhiệm vụ soi “thành phần gia đình” và phân loại vào các trường. Ngay như em gái tôi ngày ấy học ĐH Sư phạm thì cũng chỉ được học 3 năm là phải ra trường chứ không được lọt vào nhóm học tiếp năm thứ 4 (học 4 năm lương cao hơn học 3 năm), mặc dù kết quả học tập đứng tốp đầu của lớp”.

Đến khi ông Tạ Quang Bửu làm Bộ trưởng Bộ Đại học thì ngay lập tức có một sự thay đổi lớn, vì ông thấy cách tuyển sinh như vậy thì "nhí nhố" quá, làm mất nhiều nhân tài của đất nước cho nên phải chấn chỉnh lại.

Vậy là năm 1970 kỳ thi chung của các trường đại học lần đầu tiên tổ chức trên toàn quốc xuất phát từ ý tưởng của GS Tạ Quang Bửu. Ông giam mình dưới hầm của Bộ Đại học, tự ra đề cho tất cả các khối. Tôi còn nhớ là đề rất hay và khó. Ông cũng không cho “ban tuyển sinh” thò vào việc xét tuyển nữa, nghĩa là ai có khả năng thi đậu vào trường nào thì học trường đó.

Nhưng cũng vì thế mà ông không được lòng nhiều người thời đó, nói cách khác thì quyền lợi con em của họ bị ảnh hưởng bởi chính sách “lấy chất lượng làm đầu” của GS Tạ Quang Bửu.

Hồi đó thì tôi có tham gia chấm thi vào sư phạm. Trời ơi! Tôi sợ chấm thi lắm, nhưng mà năm đó chấm thì tôi nhàn vô cùng, vì có buổi sáng mà cứ gạch liên hồi, chất lượng của các bài thi rất thấp.

Và cũng tại năm thi đó thì đã xảy ra một chuyện, đó là một nam thí sinh là con của Việt kiều thi vào ĐH Tổng hợp đạt 30 điểm nhưng lại bị đánh trượt”.

Thời ấy mỗi người chỉ được thi đại học một lần thôi, chứ không được thi thoải mái như bây giờ. Bạn có biết là lúc ấy nếu như trượt đại học thì điều gì sẽ xảy ra với dân thành phố không? Là bạn sẽ không có phiếu gạo. Mà ở thành phố không có phiếu gạo tì chỉ có thể mua giá chợ đen, nhưng mà anh nào cũng nghèo như nhau thì tiền đâu ra mà mua được giá chợ đen.

Anh này sau đó đã phải đi quét vôi mất 1 năm trời để kiếm sống, trước tình hình ấy thì ông Nguyễn Khắc Viện khi đó đang là Giám đốc Nhà Xuất bản Ngoại Văn đã gửi thư tới Thủ tướng Phạm Văn Đồng và rất may là sau đó anh này được giải quyết cho vào ĐH Tổng hợp học. Say này, anh ấy trở thành giảng viên Khoa Toán tại chính ngôi trường này.

Tiền lương là sự thể hiện đối xử với người thầy

 

PV: Tôi nghe mẹ tôi kể rằng thời đó đồng lương của giáo viên vô cùng thấp, thậm chí nhiều người đã phải bỏ nghề vì họ không có sự chọn lựa. Đến tận những năm 90 mà tôi thấy đời sống của các nhà giáo còn vô vàn khó khăn, ngay như mẹ tôi: Sáng lên lớp, chiều đi bắt cua, hái rau mang ra chợ bán… cứ quần quật từ sáng tới tối mà vẫn cứ “thiếu trước hụt sau”.

Còn chú tôi dạy PTTH cũng phải nấu rượu, nuôi lợn, làm kẹo, buôn chuối xanh… nói chung là đủ thứ nghề để tồn tại. Có lần chú tôi cũng định bỏ dạy, nhưng ông tôi (cũng là một nhà giáo) vác cái đòn gánh ra giữa sân “dọa” sẽ đánh gãy chân nếu dám bỏ…

GS Hoàng Xuân Sính: Ôi nghĩ lại cả giai đoạn đó mới thấy thật khủng khiếp, cái gì cũng bao cấp, đồng nghiệp của tôi ở trường còn phải rán bánh, rang lạc đi bán. Có người chẳng may còn bị mỡ bắn lên người, bỏng rất nặng, thương vô cùng. Ở thành phố, các nhà giáo còn khổ như vậy thì huống hồ ở các vùng quê.

Giáo viên thời tụi tôi cũng đâu có được dạy thêm như bây giờ. Mọi thứ cứ tính theo tem phiếu mà ra, rồi thì giật gấu bá vai, thiếu trước hụt sau mà vẫn cứ sống được. Tôi nhớ là ngày ấy sống gần ĐH Y Hà Nội, nhiều lúc bị mất nước phải mò mẫm vào trường Y múc lấy một xô. Nhưng người ta không cho, họ đuổi ghê lắm, thế là tôi xách xô nước chạy thục mạng. Rõ khổ! Có một xô nước mà phải tính toán làm sao để dùng vừa rửa mặt, lại vừa phải nấu được cơm (Cười).

Vất vả vậy đấy, thế nhưng vẫn yêu quý công việc, vẫn luôn tự hào vì mình được là một cô giáo.

PV: Ai cũng nói rằng nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Nhưng mấy năm gần đây, đầu vào của ngành sư phạm thấp hẳn xuống, rất khó mà tuyển được người giỏi. Theo bà thì điều gì sẽ xảy ra với tương lai của đất nước?

GS Hoàng Xuân Sính: Mức lương công chức nói chung hiện nay vẫn là thấp chứ không nói riêng gì ngành sư phạm. Nhưng cái dở là ở chỗ sau khi học xong ngành sư phạm, liệu họ có tìm được công việc ổn định không? Tôi nghĩ là không dễ dàng gì. Thời gian gần đây, báo chí đã lên tiếng nhiều về việc tuyển dụng giáo viên ở các tỉnh, đủ thứ tiêu cực này nọ, vậy thì ai mà còn dám học ngành này.

Trong khi đó, nếu họ chọn một ngành khác, nếu không thể trở thành “người nhà nước” thì họ sẽ đi làm cho các công ty tư nhân. Thử hỏi, nếu học ngành sư phạm ra mà không đi dạy thì có thể làm được gì khác? Tôi e là khó lắm.

Đã có thời kỳ Nhà nước đặt vấn đề lương giáo viên phải cao nhất trong các ngành sự nghiệp. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cũng từng nhận định, muốn vị thế trong xã hội của thầy, cô giáo cao lên, muốn thầy, cô giáo gắn bó với nghề, muốn thu hút người giỏi làm nghề dạy học, thì phải trả lương cao cho thầy, cô giáo. Tiền lương là thể hiện sự đối xử với thầy, cô giáo.
 
Bây giờ nhiều thầy cô không gắn bó với nghề, học sinh giỏi không muốn vào học sư phạm. Như thế thì giáo dục làm sao có chất lượng? Hơn nữa, vấn đề đổi mới giáo dục không chỉ là chương trình mà sẽ nâng cao được cả văn hóa, đạo đức xã hội. Người giáo viên tốt thì con em chúng ta sẽ tốt hơn, xã hội tốt hơn.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
 

Theo: Ngọc Quang/ GDVN

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516