Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcHội nghị Hướng dẫn xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) giai đoạn 2021 -2025

Hội nghị Hướng dẫn xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) giai đoạn 2021 -2025

Thứ bảy, 24 Tháng 7 2021 01:55
Ngày 23 tháng 7 năm 2021, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) đã tổ chức Hội nghị hướng dẫn xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN (ASCC) giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN đến năm 2025. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà; đại diện Ban thư ký ASEAN - Ông Kung Phoak Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN; đại diện các Bộ, ngành thuộc Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASEAN tại Việt Nam; đại diện các sở, ban ngành liên quan đến từ 31 tỉnh, thành phố từ Lai Châu đến Thừa Thiên Huế và các cơ quan báo chí. Hội nghị được thực hiện dưới hình thức trực tuyến trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực.

Ngày 25/1/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 161/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025. Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020, 8/10 Bộ ngành phụ trách 15 lĩnh vực hợp tác chuyên ngành thuộc ASCC tại Việt Nam đã tích cực chỉ đạo các sở, ban ngành địa phương; 62/63 tỉnh, thành phố đã ban hành các quyết định, kế hoạch hành động liên quan đến địa phương để thực hiện Đề án; các Bộ, ngành, địa phương chưa ban hành kế hoạch triển khai ASCC cũng đã lồng ghép các mục tiêu của Đề án 161 vào các chương trình, hoạt động chung.

lan

Bà Nguyễn Thị Hà Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH và Ông Kung Phoak Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà cho biết kết quả đánh giá sơ kết thực hiện Đề án 161 giai đoạn 2016-2020 cho thấy, Việt Nam đã tổ chức triển khai thực hiện toàn diện các nội dung của ASCC trong sự kết hợp với các nét đặc trưng về văn hoá, truyền thống của người Việt Nam; thường niên tổ chức đánh giá theo các thông điệp, chủ đề của Ban Thư ký ASEAN cho ASCC mỗi năm. Việt Nam đã phần nào đạt được mục tiêu chung về thúc đẩy thực hiện có hiệu quả ở cấp quốc gia các mục tiêu của ASCC đến năm 2025, góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm và trách nhiệm xã hội. Nhờ sự chủ động, tích cực trong phối hợp thực hiện Đề án 161 của các tỉnh, thành phố, quá trình thực hiện Bản kế hoạch tổng thể xây dựng ASCC của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua đã đạt được kết quả tốt, đặc biệt trong các lĩnh vực giảm nghèo, an sinh xã hội, giáo dục, bảo vệ nhóm yếu thế, y tế, việc làm bền vững, bảo vệ môi trường.

Tiếp tục triển khai nhiệm vụ của Đề án 161 trong giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà mong muốn trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu sẽ tiếp tục trao đổi các kết quả nổi bật, chia sẻ khó khăn, vướng mắc từ cơ sở trong quá trình thực hiện Đề án 161 giai đoạn 2016-2020 để đưa ra những giải pháp triển khai Đề án tốt hơn cho giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng hy vọng với sự kết nối trực tuyến với đại diện Ban Thư ký ASEAN tại Hội nghị, các Bộ, Sở, Ngành sẽ có cơ hội cập nhật thêm thông tin về tình hình hình hợp tác và các ưu tiên của ASEAN trong ASCC, các nỗ lực của ASEAN trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước trong khu vực.

Mở đầu các tham luận tại Hội nghị, đại diện Ban Thư ký ASEAN - Ông Benjamin Loh - Trưởng phòng Giám sát ASCC đã trình bày Báo cáo đánh giá giữa kỳ ASEAN năm 2020 về việc thực hiện Bản kế hoạch tổng thể xây dựng ASCC 2025 (ASCC Blueprint 2025). Đây là bản đánh giá tiến độ và các kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Bản kế hoạch tổng thể xây dựng ASCC 2025 được thực hiện ở cả cấp quốc gia và cấp khu vực. Theo bản đánh giá này, ASEAN hiện đang thực hiện 964/977 các hoạt động được đề ra trong 15 cơ quan chuyên ngành của ASCC (13 hoạt động đã được rút lại). Trong đó, các loại hoạt động về nâng cao năng lực chiếm 29,5%, nghiên cứu và xuất bản ấn phẩm chiếm 23,9%, tiếp cận công chúng chiếm 21,0%, xây dựng chính sách chiếm 19,2% và hoạt động cộng đồng chiếm 6,5%. Nhìn chung, các kế hoạch trong Bản kế hoạch tổng thể đang theo đúng tiến độ, các hoạt động hỗ trợ thực hiện các mục tiêu của Bản kế hoạch tổng thể phù hợp với chính sách quốc gia của 10 nước thành viên. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Bản kế hoạch tổng thể xây dựng ASCC trong ASEAN còn gặp một số thách thức tồn tại như cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa ba trụ cột Cộng đồng ASEAN và sự phối hợp liên ngành; cần có sự ưu tiên giữa các kế hoạch để tránh thiếu hụt ngân sách cho các hoạt động do nguồn lực tài chính còn hạn chế, đặc biệt là hạn chế về ngân sách do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều cán bộ đầu mối bị quá tải với các nhiệm vụ dẫn đến trường hợp phải luân chuyển các cán bộ đầu mối ASEAN gây mất kết nối về thể chế và chuyên môn.

Đại diện Ban thư ký ASEAN cũng thông tin tới Hội nghị về một số nỗ lực tập thể của ASEAN trong ứng phó với đại dịch COVID-19 như ASEAN đã thông qua Khung Phục hồi toàn diện ASEAN vào tháng 11/2020, Thành lập quỹ ứng phó COVID-19 ASEAN, thông qua Khung chiến lược cho các trường hợp khẩn cấp về sức khoẻ cộng đồng, nghiên cứu về việc thành lập Trung tâm ASEAN về các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và các bệnh mới nổi (ACPHEED), báo cáo thường xuyên về Đánh giá rủi ro do COVID19 trong khu vực ASEAN, tổ chức các cuộc họp, thảo luận để xử lý những vấn đề đi lại trong ASEAN bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19, chia sẻ các tình huống, trao đổi kỹ thuật, các bài học và thực hành chuẩn bị và ứng phó,... Ban Thư ký ASEAN lưu ý cho Việt Nam trong quá trình thực hiện Bản kế hoạch tổng thể xây dựng ASCC 2025 cần kết hợp với Khung Phục hồi toàn diện của ASEAN, có sự lồng ghép, điều chỉnh hoạt động đang diễn ra với Kế hoạch phục hồi để duy trì những thành quả đã có và chuẩn bị cho người dân ASEAN một cuộc sống an toàn trong tương lai.

Trong khuôn khổ Hội nghị, TS. Hà Thị Minh Đức – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ LĐ-TBXH đã tóm tắt Báo cáo đánh giá sơ kết 5 năm việc thực hiện Đề án 161 và hướng dẫn các sở, ngành địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện đề án giai đoạn 2021-2025. Theo báo cáo đánh giá, Bản kế hoạch tổng thể ASCC 2025 khá phù hợp và tương đồng với những ưu tiên quốc gia của Việt Nam, vì vậy, việc thực hiện nhiều chương trình, hoạt động trong Bản kế hoạch tổng thể tại Việt Nam được triển khai ngay cả khi không có nguồn lực tài chính và nhân sự độc lập. Việc thực hiện các mục tiêu này được triển khai thông qua việc thực thi nghĩa vụ thành viên của Việt Nam theo các cam kết, tuyên bố trong ASEAN; nhiều nội dung của các tuyên bố đã được thể chế hoá, hiện thực hoá trong các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách, chương trình trên toàn quốc và tại các địa phương. Việc thực hiện các Kế hoạch hành động của ASCC của các Bộ, ngành và địa phương cũng đã góp phần nâng cao nhận thức và năng lực cho các cơ quan, tổ chức và người dân về ASCC, góp phần huy động nguồn lực để đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu xây dựng Cộng đồng. Bên cạnh các kết quả tích cực đạt được, báo cáo cũng chỉ ra một số hạn chế, thách thức trong quá trình các Bộ, ngành, địa phương thực hiện Đề án 161 giai đoạn 2016-2020 như: Đề án bao phủ nhiều lĩnh vực (15 lĩnh vực chuyên ngành) với sự đa dạng về mục tiêu và hoạt động nên việc điều phối và thực hiện các hoạt động tại các Bộ, ngành và địa phương đòi hỏi nhiều nỗ lực và yêu cầu nâng cao năng lực của các đầu mối tổng hợp và thực hiện; đây là đề án đầu tiên và duy nhất tính tới thời điểm hiện nay yêu cầu lồng ghép cụ thể các mục tiêu của khu vực vào các hoạt động cụ thể của các Bộ, ngành và địa phương nên việc triển khai gặp khó khăn và lúng túng trong thời gian đầu; hạn chế về nguồn lực tài chính và năng lực cán bộ. Trên cơ sở đánh giá những thành tựu và hạn chế của 5 năm thực hiện Đề án 161, báo cáo đưa ra một số bài học kinh nghiệm cho các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án trong giai đoạn 2021-2025 như quá trình thực hiện Đề án cần có sự chỉ đạo và nỗ lực cao nhất từ phía lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thực hiện Đề án và thúc đẩy hội nhập khu vực về văn hoá – xã hội; cần cụ thể hoá các cam kết bằng các chương trình hành động cụ thể với việc xác định trách nhiệm giải trình rõ ràng ở tất cả các cấp và các bên liên quan,...

Hội nghị hướng dẫn xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN (ASCC) giai đoạn 2021-2025 cũng là cơ hội để các Bộ, ngành trực thuộc Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN tại Việt Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ,...), các địa phương chia sẻ về những ưu tiên trong xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án 161 giai đoạn 2021-2025.

Quỳnh Thương

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516