Nhằm "hỗ trợ” cho học sinh ở những khu vực khó khăn có điều kiện đến trường, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ học sinh, trong đó có Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 116) quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Bữa ăn bán trú của học sinh trường PTDTBT TH Hương Sơn
Nhờ có chính sách này, những em học sinh nghèo ở huyện Quang Bình vùng núi Hà Giang đã có cơ hội được đến trường, lớp học tập và rèn luyện.
Em Triệu Thị Hàn lớp 5A, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Yên Thành (PTDTBT TH) xã Yên Thành là một trong 253 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116 của Chính phủ. Với mức hỗ trợ 15kg gạo và 40% mức lương cơ bản trên 1 tháng( không quá 9 tháng)
Em Triệu Thị Hàn cho biết: "Em sinh ra trong một gia đình nghèo có 4 người, bố mẹ em già yếu, cuộc sống chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp, thu nhập thấp nên việc học tập của em gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng khi có chính sách hỗ trợ của Chính phủ, em đã được hỗ trợ gạo và tiền ăn. Ở trường luôn được các thầy cô giáo quan tâm nên em rất thích đi học”.
Cũng như em Triệu Thị Hàn, em Hoàng Văn Linh ở Trường PTDTBT TH Hương Sơn, xã Hương Sơn hoàn cảnh gia đình cũng hết sức khó khăn, không có điều kiện đi học nhưng nhờ có Nghị định 116 của Chính phủ, em đã được đến trường. Em Linh phấn khởi tâm sự: "Nhà em nghèo lắm, không có tiền, không có gạo ăn để đi học. Em đã mấy lần định thôi học để ở nhà phụ giúp bố mẹ nhưng nhờ có Đảng, Nhà nước hỗ trợ cho học sinh khó khăn ở vùng cao tiền và gạo ăn học, em đã yên tâm ở lại trường để học tập”.
Nhờ có chính sách này, các em đã có 3 bữa ăn/ngày, bữa cơm có đầy đủ thịt, cá, rau..., bảo đảm sức khỏe, phụ huynh cũng yên tâm khi cho con em mình đến trường học chữ. Cô giáo Phạm Thị Nga, Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH Nà Khương cho biết: "Từ khi triển khai thực hiện Nghị định số 116, nhà trường đã thu hút được nhiều học sinh đến lớp, bảo đảm tỷ lệ chuyên cần, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường”.
Cô giáo Hoàng Thị Phiến, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quang Bình cho biết: Hiện nay cơ sở vật chất phục vụ dạy học trên địa bàn được quan tâm đầu tư. Huyện đã tập trung huy động nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại các cơ sở giáo dục; chú trọng các điểm trường vùng cao, các xã đặc biệt khó khăn. Huyện chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ, đặc biệt là những cán bộ, giáo viên người dân tộc thiểu số (DTTS). Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên trên cơ sở đề án vị trí, việc làm và các văn bản hướng dẫn. Khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; bồi dưỡng về lý luận chính trị; làm tốt công tác nghiên cứu khoa học; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chăm sóc, giáo dục học sinh; tăng cường đổi mới sinh hoạt chuyên môn,...; tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đặc thù, giáo dục ngoài giờ chính khóa liên quan đặc điểm tâm lý học sinh DTTS, văn hóa dân tộc và tri thức địa phương.
Có thể nói các chế độ chính sách hỗ trợ của học sinh vùng DTTS được Ngành Giáo dục huyện Quang Bình đặc biệt quan tâm và triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát rất hiệu quả.
Đình Thơm