Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcHIỆP HỘI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG VIỆT NAM KHỞI XƯỚNG: Học qua truyền hình và trực tuyến trên mạng internet trong đại dịch Covid-19

HIỆP HỘI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG VIỆT NAM KHỞI XƯỚNG: Học qua truyền hình và trực tuyến trên mạng internet trong đại dịch Covid-19

Thứ năm, 20 Tháng 8 2020 09:03
Năm 2020 mở đầu với bối cảnh khá đặc biệt. Dịch Covid -19 đã bùng phát và đang là thách thức rất ác liệt lớn đối với hầu hết các quốc gia trên toàn cầu trong đó có Việt Nam. Tập trung các nguồn lực cần thiết đối phó với nạn dịch và quyết tâm giành được thắng lợi là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước được nhân dân tích cực hưởng ứng.Làm gì để chung lo với đất nước, với ngành Giáo dục - Đào tạo góp phần khắc phục, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra? Đó là câu hỏi được Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam trăn trở kiếm tìm câu trả lời.

unnamed

1. Khởi xướng phương pháp dạy và học qua truyền hình và internet
Ngay từ những ngày đầu khi Covid-19 lan tới Việt Nam, Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam (AVU&C) đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức hai buổi tọa đàm trực tuyến về mức độ nguy hại do dịch gây ra trong ngành Giáo dục, từ đó đề xuất giải pháp khả thi.
Cuối tháng 2/2020 lãnh đạo AVU&C chủ trì tọa đàm có sự tham gia của Lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam, Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam, Vụ Giáo dục đại học, Vụ Trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo và chuyên gia của Trường Trung học phổ thông dân lập Đông Đô, Hà Nội; lãnh đạo, chuyên gia của Viện Công nghệ thông tin; trưởng các phòng ban chuyên môn của Hiệp hội; lãnh đạo Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục; Báo Điện tử giaoduc.net.vn,…
Giữa tháng 3/2020 lãnh đạo AVU&C tổ chức hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo và chuyên viên: Vụ Trung học phổ thông, Vụ Giáo dục đại học, Vụ Giáo dục thường xuyên của Bộ Giáo dục và Đào tạo; cán bộ Thường trực Hiệp hội. Các thành viên tham dự tọa đàm được nghe chuyên gia Công nghệ thông tin, người thiết kế phần mềm dạy và học trực tuyến trực tiếp triển khai thực hiện ở Trường Trung học phổ thông dân lập Đông Đô, báo cáo thực tế và kết quả đã tiến hành.
Trong cả hai tọa đàm các đại biểu tham dự đã trao đổi rất thẳng thắn, nghiêm túc, cầu thị và sau đó nhất trí một số nội dung quan trọng:
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, rất khó lường, có khả năng kéo dài về thời gian, sẽ là thách thức lớn đối với việc hoàn thành kế hoạch năm học 2019-2020; cần phải có giải pháp kịp thời, khả thi, hiệu quả để khắc phục và hạn chế hậu quả tai hại do dịch gây ra.
Với trách nhiệm của tổ chức xã hội nghề nghiệp, với tâm huyết và quyết tâm của mình, trong thời gian ngắn từ ngày 20/02/2020 đến 04/3/2020; Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đã gửi 3 công văn tới Thủ tướng Chính phủ, Ban Tuyên giáo TW Đảng, Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, UBND Thành phố Hà Nội và UBND Thành phố Hồ Chí Minh để báo cáo, đề xuất giải pháp chuyển đổi từ phương thức dạy và học truyền thống lâu nay sang phương thức học từ xa, trên nền tảng của công nghệ thông tin và truyền thông hiện có, qua các kênh truyền hình và trực tuyến trên mạng internet của Hiệp hội, đồng thời kiến nghị, mong muốn được các cơ quan nhà nước sớm xem xét, tiếp nhận và vận dụng vào thực tiễn.
Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đã nhận được công văn của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai giảng dạy học tập trên truyền hình và dạy trực tuyến qua mạng internet. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có lời cảm ơn Hiệp hội đã đồng hành với Bộ và chủ động đóng góp ý kiến cùng đề xuất giải pháp phù hợp, kịp thời, khả thi, hạn chế thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra trong ngành Giáo dục và Đào tạo.
2. Hoạt động Câu lạc bộ của các trường hội viên, tổ chức trực thuộc vẫn được duy trì, tích cực
Trước những khó khăn và thách thức của dịch Covid-19, hầu hết các trường đại học, cao đẳng hội viên của Hiệp hội đều chủ động nghiên cứu xây dựng phương án khắc phục. Làm thế nào để sinh viên không phải tới trường vẫn được học và hoàn thành được chương trình năm học, khóa học bảo đảm được chất lượng chung đề ra?
Một số trường từ những năm gần đây đã sử dụng Phương pháp giảng dạy học tập từ xa thông qua hình thức trực tuyến trên cơ sở thành tựu công nghệ thông tin (Trường Đại học Mở Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Đồng Nai,…) đang tiếp tục phát huy thế mạnh của mình và sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ cho các trường có yêu cầu.
Nhiều trường đã khẩn trương củng cố và trang bị thêm các thiết bị cần thiết nền tảng công nghệ thông tin để kịp thời chuyển đổi, triển khai, mở rộng hình thức dạy và học trực tuyến; xây dựng kế hoạch và biên soạn nội dung giảng dạy phù hợp, phần mềm kiểm tra đánh giá chất lượng đào tạo.
Trường Đại học FPT, Trường Đại học Hùng Vương, Trường Đại học Công nghệ thực phẩm TP HCM, Trường Đại học Hoa Sen, … đã tiến hành chuyển đổi ngay sau tuần đầu, tháng đầu của mùa dịch.
Trường Đại học Hoa Sen, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội,… đã thông báo giảm học phí, dành 20 tỉ đồng hỗ trợ về học phí cho sinh viên.
Đặc biệt, Đại học Quốc gia TP. HCM, Trường Đại học FPT,… đã dành ký túc xá để Bộ Y tế sử dụng làm nơi tập trung lưu trú cho những người trong diện cách ly do nghi bị nhiễm Covid-19.
Theo đề nghị của Thường trực Hiệp hội, ngày 21 tháng 3 năm 2020, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đã có sáng kiến tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến với các trường thành viên để nắm tình hình khó khăn do dịch Covid-19, tìm giải pháp khắc phục. Hơn 40 đại biểu từ các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập thành viên của Câu lạc bộ, ở phía Bắc, phía Nam và miền Trung đã kết nối mạng tham gia tọa đàm. Có hơn 20 đại biểu phát biểu. Các ý kiến đều trao đổi tập trung vào nội dung tìm các giải pháp khắc phục và hỗ trợ lẫn nhau, hạn chế thiệt hại do dịch gây ra. Các đại biểu nhất trí khẳng định phương thức giảng dạy trực tuyến là hiệu quả, cần được triển khai rộng rãi, tiếp tục đầu tư, rút kinh nghiệm hoàn thiện để phát huy thêm các lợi thế phục vụ đổi mới giáo dục đại học. Các trường có kinh nghiệm qua nhiều năm triển khai thực hiện sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ về chương trình, về phần mềm giảng dạy, kiểm tra đánh giá…Bên cạnh đó các trường cũng trao đổi và thống nhất kiến nghị một số nội dung cấp thiết với Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường vượt qua những khó khăn. Tổ tư vấn của Thủ tướng đã tiếp nhận kiến nghị của Câu lạc bộ Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập.
Thực hiện chủ trương quy hoạch báo chí của Đảng và Nhà nước, từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 Báo Điện tử giaoduc.net.vn của Hiệp hội mang tên mới là Tạp chí điện tử giaoduc.net.vn. Tạp chí đã tổ chức tin bài theo hướng tăng hàm lượng các bài nghiên cứu, chuyên sâu hơn về các vấn đề giáo dục đào tạo. Do đó vẫn duy trì được sự ổn định và hoạt động thường xuyên, hàng ngày tiếp tục cung cấp thông tin về nhiều lĩnh vực của giáo dục.
Hiệp hội tiếp tục hỗ trợ các trường, tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn triển khai dữ liệu nguồn giáo dục mở cho cán bộ, giáo viên của một số trường hội viên (Trường Đại học kỹ thuật Công nghệ Hà Nội, Trường Đại học Thăng Long, Viện Đại học Mở Hà Nội,…) và tổ chức thí điểm tập huấn trực tuyến về nội dung trên cho một số trường kết nối tham gia. Kết quả đạt được khả quan và sẽ được xem xét mở rộng triển khai trong thời gian tới,
Tình hình đại dịch Covid-19 đang còn diễn biến phức tạp, khó khăn, thử thách đang đặt ra cho mỗi thành viên, mỗi cán bộ của Hiệp hội còn phải tiếp tục tìm tòi sáng kiến, chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp thêm những họat động, những giải pháp mới khả thi và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới./.
Nguyễn Hoàng Trúc (AVU&C)
Hứa Phương Linh (Trường ĐHNN-ĐHQGHN)

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516