Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch HLHPN Việt Nam (đứng giữa), bà Giàng Thị Dung, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai,cùng lãnh đạo huyện Mường Khương dự Lễ khai giảng năm học 2020 – 2021
Vượt qua đoạn đường đèo dốc quanh co, dọc theo biên giới Việt – Trung, chúng tôi có mặt tại Trường PTDTBT TH Tả Gia Khâu. Đây là ngôi trường nhiều năm được chính quyền địa phương và nhân dân tập trung nguồn lực đầu tư, đổi mới từ khi trường chỉ là những ngôi nhà tạm. Đến nay cơ sở vật chất khang trang, trường được công nhận trường đạt Chuẩn Quốc gia mức độ I. Năm học 2020-2021 toàn trường có tổng số 265 học sinh, trong đó có 130 học sinh hiện đang ăn ở bán trú tại trường. Các em chủ yếu là con em các dân tộc H Mông ở các bản cách xa trung tâm xã hàng chục km, giao thông đi lại khó khăn nên phần lớn học sinh không thể đi về trong ngày mà phải ở bán trú tại trường. Trên cơ sở đó, mô hình trường bán trú đã đựoc hình thành và phát huy có hiệu quả từ nhiều năm nay. Đưa chúng tôi đi thăm cơ sở vật chất và một số lớp học, thầy giáo Phùng Thế Tùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Những năm học trước đây các em học sinh ở xa vẫn phải ở trong căn nhà chưa được ổn định và đẹp như bây giờ, 8 đến 10 em trong một phòng chật chội, vừa ẩm thấp, nguy hiểm. Nhưng nay nhà bán trú đã được đầu tư xây dựng khang trang tạo điều kiện cho các em học sinh yên tâm tiếp tục đến trường…”
Bà Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai tặng quà cho học sinh ngày khai giảng
Năm 2019 theo Chương trình mục tiêu Quốc gia, giảm nghèo bền vững nguồn vốn 30A, nhà trường đã được xây dựng thêm khu nhà 2 tầng với 6 phòng học. Bên cạnh đó, công tác vận động xã hội hóa do phụ huynh và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ để tu sửa cơ sở vật chất khu nhà ở cho học sinh và khuôn viên sân trường, điển hình như Công ty luyện đồng Lao Cai hỗ trợ 30 tấn xi măng. Từ một ngôi trường vùng cao sập sệ, đến nay ngôi trường đã khang sạch đẹp, giải quyết tốt chỗ ăn, nghỉ cho 130 em học sinh bán trú vừa giúp các thầy, cô giáo và học sinh yên tâm giảng dạy và học tập. Với phương châm “Ở trường hơn ở nhà”, giờ đây nhà trường đã trở thành “ngôi nhà chung” của 130 em học sinh thuộc các bản vùng cao biên giới .
Vừa tan tiết học cuối, em Lù Thị Ánh Nguyệt, học sinh lớp 5 đã vui vẻ cho biết: “Nhà em ở tận thôn Pạt Tà, cách trường 18km đường đi về là đèo, dốc nên ba năm nay em ở bán trú để tiện cho việc học tập. Trước đây ở bán trú còn khó khăn lắm, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn nhưng mấy năm nay chúng em rất vui vì được chuyển vào ở trong ngôi nhà mới khang trang, rộng rãi, giúp chúng em yên tâm học tập mà không phải lo lắng mỗi khi trời mưa bão”.
Toàn cảnh Ngôi trường PTDTBT TH Tả Gia Khâu
Việc xây trường PTDTBT không những giúp học sinh ở thôn bản vùng cao yên tâm học tập mà còn giúp cho nhiều bậc phụ huynh không phải lo lắng khi con em mình học tập xa nhà. Thầy giáo Phùng Thế Tùng cho biết thêm, những năm trước đây do phải đi học xa, phương tiện đi lại không có, điều kiện sinh hoạt, ăn ở kham khổ nên tỷ lệ chuyên cần cũng không đạt cao. Nhưng nay, ngoài việc chỗ ăn ở học sinh và khu học tập được đầu tư khang trang, mỗi em học sinh còn được Nhà nước hỗ trợ tiền và 15 kg gạo/tháng đã phần nào giảm bớt khó khăn trong việc học tập, sinh hoạt của học sinh. Ở bán trú, 130 em học sinh thuộc các bản vùng cao được ăn, ở tập trung, thuận lợi cho việc đến lớp học tập, được thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kiến thức bài học với bạn bè, thầy cô. Nhờ vậy mà tỷ lệ học sinh đến lớp chuyên cần cao hơn, kết quả học tập của các em có chuyển biến tích cực, phụ huynh cũng rất phấn khởi.
Một góc sân trường PTDTBTTH Tả Gia Khâu
Nhà trường phân công giáo viên quản lý, đôn đốc việc sinh hoạt, học tập của các em ở bán trú, đồng thời đề ra nội quy thực hiện vệ sinh, giữ gìn cơ sở vật chất, chấp hành giờ giấc tự học của học sinh, bảo đảm việc sinh hoạt, học tập của các em theo đúng nền nếp.
Thực tế cho thấy tại các trường học vùng sâu, vùng xa giao thông đi lại còn nhiều trở ngại nên việc xây dựng trường học bán trú là rất cần thiết. Mô hình này đã góp phần quan trọng vào việc hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Vì vậy, thời gian tới ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, huyện Mương Khương sẽ vận động sự vào cuộc của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cùng tham gia xây dựng nhà bán trú cho cho các em học sinh vùng cao trên địa bàn./.
Đình Thơm