Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcHuyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai: Mô hình trường học bán trú hấp dẫn học sinh vùng sâu, vùng xa

Huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai: Mô hình trường học bán trú hấp dẫn học sinh vùng sâu, vùng xa

Thứ bảy, 26 Tháng 5 2018 08:31
Mô hình Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) gắn liền với nét văn hóa địa phương, phát huy tình thần sáng tạo trong học tập của các em học sinh ở huyện Sa Pa đến nay đã thu được những kết quả rất đáng khích lệ. Nhờ có mô hình này, các em học sinh vùng cao, vùng sâu, vùng xa yên tâm, phấn khởi đến trường học tập, rèn luyện.

thom ban tru

Ban Tổ chức trao giải Nhất toàn đoàn cho Trường Phổ thông DTNT tỉnh, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sa Pa.

Chúng tôi mặt vào đúng giờ ăn trưa của các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trung Chải, được chứng kiến không khí phấn khởi, hồn nhiên của các em học sinh ở đây…

Ngày nào cũng vậy, vào bữa ăn trưa và tối, suất ăn được cán bộ, nhân viên nhà trường xếp gọn vào những chiếc cặp lồng sạch sẽ, học sinh lần lượt xếp hàng, chờ đến lượt mình để được thầy cô phát cơm. Món ăn dù chưa phong phú, đầy đủ nhưng đã đáp ứng được khẩu phần ăn của các em mỗi ngày. Thực hiện theo Nghị định 116 của Chính Phủ, ở đây mỗi tháng, mỗi em học sinh bán trú được hỗ trợ 520.000 đồng và 15 kg gạo. Nhờ mô hình này, sau mỗi buổi tan học thay cho việc các em phải “ngược sơn” về bản trên con đường xa xôi, hẻo lánh, dài dặc, quanh co; nay các em được ở lại ăn, ngủ, học tại trường trong những căn phòng ấm cúng và chỉ về nhà vào ngày cuối tuần

Thầy giáo Đỗ Văn Tân, Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sa Pa phấn khởi chia sẻ: “Mô hình trường bán trú được phát triển nhanh chóng trong những năm qua là thành công lớn của sự nghiệp giáo dục đào tạo. Học sinh không còn bỏ học vì trường xa, vì gia cảnh thiếu thốn. Lớp không vắng trò vì trò ra lớp ngày một đông. Những em khó khăn đã được hỗ trợ. Điều đó thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, huyện và toàn xã hội đối với công tác giáo dục con em đồng bào các dân tộc vùng cao”. Thầy Tân cho biết, ngoài công tác chăm sóc nuôi dưỡng học sinh hàng ngày, nhà trường còn hướng dẫn các em kỹ năng sống như: tạo vườn rau bán trú, nuôi lợn, xây dựng khuôn viên trường học thân thiện. Với những học sinh là con em của đồng bào Thái, Mông, Dao… được đến trường, học tại trường, ăn ở tại trường, được các thầy cô chăm lo đời sống, sức khỏe, các em thêm phấn khởi học tập, chất lượng giáo dục từ đó cũng được nâng lên rõ rệt.

Hiện nay trên địa bàn huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai 100% các trường phổ thông dân tộc bán trú đã gắn kết các mô hình học tập như trường học gắn liền với cuộc sống, trường học gắn liền với duy trì các nét văn hóa của địa phương, trường học gắn liền với phát triển du lịch… Sau khi đánh giá kết quả các trường triển khai thực hiện mô hình mới, cán bộ, nhân dân các dân tộc trong huyện thấy được sự cố gắng vượt bậc của thầy cô và học trò nhà trường. Sự cố gắng, thành công đó đã được ghi nhận khi ngành Giáo dục huyện Sa Pa đạt giải Nhất toàn tỉnh trong Hội thi Văn hóa, Thể thao các trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT), phổ thông dân tộc bán trú (DTBT) tỉnh Lào Cai lần thứ I năm 2018 và tổng kết cuộc thi “Trường phổ thông dân tộc bán trú sạch – đẹp – an toàn”  năm học 2017-2018.

Có thể nói, mô hình bán trú tại huyện Sa Pa đã đem lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả của mô hình này, ngành giáo dục rất cần sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho nhà bán trú nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Đình Thơm

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516