Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcHuyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang: Mô hình bán trú làm thay đổi nếp sống và chất lượng học sinh vùng cao

Huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang: Mô hình bán trú làm thay đổi nếp sống và chất lượng học sinh vùng cao

Thứ ba, 26 Tháng 5 2020 06:24
Được thầy cô quan tâm chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ, được ở lại trường học tập, con đường đến trường xa xôi, dốc đèo bỗng nhiên được rút ngắn khoảng cách…Học sinh vùng cao thuộc huyện Xín Mần đã yên tâm xuống núi học chữ, tỷ lệ học sinh chuyên cần đến lớp nâng lên rõ rệt. Có được kết quả đó là nhờ vào mô hình bán trú tại các nhà trường trên địa bàn huyện những năm gần đây.

Ảnh bổ sung

Học sinh Trường PTDTBT TH Thu Tà

Khó khăn của trường có học sinh bán trú

Tả Nhìu là xã đặc biệt khó khăn của huyện Xín Mần, nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Nùng sinh sống, giao thông đi lại khó khăn, học sinh đi học vô cùng vất vả, nhất là vào mùa mưa. Có những thôn nằm cách trung tâm xã tới 7, 8 km. Trước đây, tình trạng học sinh bỏ học, đi học không chuyên cần diễn ra phổ biến. Là địa bàn tiếp giáp biên giới, hầu hết các em đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ đi làm xa nên các em chủ yếu ở nhà với ông bà già yếu, thiếu thốn tình cảm của bố mẹ. Em Hoàng Thị Nhung học sinh lớp 9A dân tộc Nùng chia sẻ; "Nhà em cách trường 6 km, thôn Nà Lan em xuống học xa nhà nhưng ở trường em luôn nhận được rất nhiều sự quan tâm và yêu thương giúp đỡ của thầy cô, chúng em nhận được sự quan tâm nhiều mặt. Về học tập, thầy cô giảng dạy nhiệt tình, dễ hiểu, dễ nhớ. Nơi ở, thầy cô hướng dẫn chúng em dọn dẹp, vệ sinh sạch sẽ; lương thực, thực phẩm, ngn nước để học sinh ăn uống được nhà trường luôn đảm bảo an toàn. Trường em có khẩu hiệu luôn nhắc nhở mỗi người đó là: “Trường học là nhà, thầy cô như bố mẹ, bạn bè là anh em”, điều đó đã tạo nên sự đoàn kết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau trong trường học và trong sinh hoạt ở ký túc". Trường TH&THCS Tả Nhìu không phải là trường bán trú, chỉ là trường có học sinh bán trú được hương theo Nghị định 116 của Chính Phủ nhưng còn gặp nhiều khó khăn. Nhà trường có 163 em hiện đang ăn ở bán trú tại trường vì không phải là trường bán trú nên học sinh không được hưởng chính sách hỗ trợ như trường bán trú nhưng thầy cô và học sinh ở đây luôn cố gắng phấn đấu nâng cao chất lượng dạy và học để duy trì tỷ lệ HS chuyên cần đạt 98%. Do làm tốt công tác kết phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh vì vậy không có tình trạng học sinh bỏ học, chất lượng bữa ăn luôn đảm bảo theo đúng chế độ, công tác VSATTP luôn được kiểm tra sát sao chình vì thế nhiều năm trở lại đây không xẩy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm.

HS trong giờ ăn cm

Các em trong giờ ăn cơm

Bậc học Mầm non của xã cũng gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên với sự tận tụy của các cô, sự đồng lòng của các bậc phụ huynh, sự quan tâm sát sao của ngành Giáo dục và cấp ủy, chính quyền cùng nhân dân địa phương vì vậy trẻ ra lớp ở trường Mầm non Tả Nhìu luôn được chăm sóc nuôi dưỡng tốt. Là người dân tộc Nùng lớn lên ở chính địa phương, cô giáo Nông Thị Viên, Hiệu trưởng nhà trường ch biết: “Ở đây người dân chủ yếu làm nông vì thế cũng còn nhiều khó khăn, việc vận động cho trẻ đến trường cũng còn khó, chính vì vậy việc huy động đóng góp cho các con là một vấn đề đáng lo ngại của mỗi gia đình. Nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho các bé Mầm Non tính ra được 8.000đ/1 ngày, nên chúng tôi phải cân đối, tiết kiệm từ số tiền đó để nấu ăn trưa và ăn chiều cho các con. Biết là khó nhưng chúng tôi luôn động viên thầy cô cố gắng để tạo những điều gì tốt đẹp nhất cho các con, nhiều khi các cô còn bỏ tiền ra để lo thêm cho các con…”. Việc chăm sóc nuôi dưỡng ở nhà trường luôn được quan tâm, chính vì vậy nhiều năm trở lại đây số lượng huy động trẻ ra lớp luôn ở mức độ cao.  

Giải pháp hữu hiệu “giữ chân” học sinh

Không chỉ được học tập trong một ngôi trường đẹp, bề thế, các em học sinh ở bán trú còn được ở lại học tập và sinh hoạt trong những dãy nhà nội trú được xây dựng khang trang, sạch sẽ, đủ chăn ấm cho mùa đông. Ngoài giờ lên lớp, các em còn được các thầy, cô hướng dẫn thực hiện các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống và tự biết chăm sóc bản thân mình hơn khi sống xa nhà. 

Để phục vụ bữa ăn bán trú cho học sinh, nhà trường phải cân đối chế độ ăn của các em, lên thực đơn, đơn giá… Ban thanh tra nhân dân của nhà trường làm nhiệm vụ giám sát chất lượng thực phẩm, rau xanh, cá thịt để đảm bảo VSATTP. Có mặt vào đúng giờ đang chuẩn bị bữa ăn trưa của học sinh tại trường PTDTBTTH Thu Tà, chúng tôi thấy chất lượng bữa ăn được đảm bảo đủ chất dinh dưỡng gồm: thịt gà, rau và bí nấu canh. Thầy giáo Nguyễn Văn Thuấn, Hiệu trường Trường PTDT bán trú Tiểu học Thu Tà khẳng định, mô hình bán trú chính là giải pháp duy nhất để động viên học sinh, tạo điều kiện tốt nhất cho con em đồng bào các dân tộc được học tập, sinh hoạt trong môi trường tốt nhất. Những năm gần đây, nhờ có mô hình bán trú mà học sinh tại các thôn xa đã tích cực đến trường, không có tình trạng bỏ học, tỷ lệ chuyên cần luôn đạt 98%, đó là tín hiệu rất vui đối với ngôi trường còn nhiều khó khăn như Trường PTDT bán trú Tiểu học Thu Tà.

tả nghin 2

Chuẩn bị bữa trưa cho học sinh ở trường PTDTBT TH Thu Tà

Bên cạnh việc học chữ, học sinh nội trú được thầy cô dạy bảo những kỹ năng sống cơ bản như: vệ sinh cá nhân, giao tiếp, kỹ năng tự học sau giờ lên lớp. Từ 19h-21h30 mỗi tối nhà trường phân công thầy cô quản lý học sinh thông qua việc điểm danh, hướng dẫn các em chủ động trong học tập, ôn luyện. Tất cả những nội dung được triển khai đều gắn với cuộc sống hàng ngày của các em để làm sao các em thực hiện tốt với mục tiêu cuối cùng là xây dựng nền nếp, nâng cao chất lượng học tập…

Các em học sinh ở bán trú tại Trường PTDTBT Tiểu học Cốc Dế cũng rất thiếu thốn tình cảm do gia đình các em chủ yếu bố mẹ đi làm xa nhà, do đó nhà trường tổ chức sinh hoạt đều đặn theo lịch hàng ngày, hàng tuần. Đặc biệt, nhà trường đã lập một hòm thư mang tên “Điều em muốn nói” để các em trao đổi thẳng thắn. Chìa khóa của hộp thư này chỉ một thầy hiệu trưởng giữ và thầy sẽ mở ra vào cuối buổi sinh hoạt, thông qua đó, thầy có thể nắm bắt được tâm tư tình cảm, để động viên, chia sẻ hoặc tư vấn cho các em an tâm học tập. Sau mỗi giờ học các em tham gia cùng thầy cô chăm sóc những vườn rau bán trú và vườn rau dinh dưỡng để giúp các em hoàn thiện trong công việc gia đình, đồng thời phục vụ chính bữa ăn của các em.

Để nâng cao chất lượng dạy học, chiến lược phát triển của nhà trường trong thời gian tới là hướng tới đổi mới phương pháp, hình thức dạy, học và kiểm tra đánh giá theo năng lực học sinh, thầy đóng vai trò hướng dẫn, trò đóng vai  trò trung tâm. “Để làm được điều đó yêu cầu các em phải có kỹ năng, trong khi học sinh miền núi nói chung, kỹ năng sống còn rất yếu. Vì vậy để rèn được kỹ năng sống, chương trình giáo dục trong môi trường bán trú, nội trú phải được quan tâm, coi trọng. Nếu như bán trú không hướng tới rèn kỹ năng thì sắp tới dạy chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện” - thầy giáo Hiệu trưởng Nguyễn Văn Kiên, chia sẻ.

tả nghin 3

Vườn rau của các bạn học sinh Trường PTDTBTTH Cốc Dế

Để công tác bán trú vùng cao đạt hiệu quả, đó là sự nỗ lực rất lớn của các thầy cô giáo nơi đây. Một trong những băn khoăn trong công tác bán trú mà thầy giáo Tô Quang Trọng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Xí Mần trăn trở, đó là chế độ ăn bán trú của học sinh quá thấp. Theo Nghị quyết 116/2016 CP chế độ hỗ trợ học sinh bán trú một tháng được hưởng 40% lương tối thiểu và 15 kg gạo. Tính ra, học sinh ở lại ăn bán trú cả thứ Bẩy, Chủ nhật, bình quân mỗi em chỉ có 22.000 đồng/1 ngày, nhà trường phải tự cân đối chi tiêu, rất khó. Bên cạnh đó, dù là trường bán trú, nhưng các giáo viên ở đây phải thực hiện nhiệm vụ như trường nội trú: lên lớp trực, quản học sinh ngoài giờ…song chế độ chỉ được hưởng 0,3% phụ cấp bán trú. Ở vùng cao này, điều kiện tiếp cận với sách báo của học sinh còn quá ít ỏi, do đó Phòng Giáo dục mong muốn được các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm quan tâm trang bị, đầu tư thêm tủ sách với các đầu sách thiết thực, bổ ích cho các em như: truyện thiếu nhi, sách dạy kỹ năng sống, lịch sử, khoa học...từ đó giúp các trường từng bước nâng cao chất lượng giáo dục kiến thức, kỹ năng sống cho học sinh để hoàn thành tốt công tác “ trồng người” nơi vùng cao, biên cương xa xôi của Tổ quốc./.

Đình Thơm

 

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516