Sau nhiều năm liền thiếu giáo viên, năm nay TP.HCM lại... thừa quá nhiều giáo viên bậc THPT.
Sáng 28-8, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức lễ trao giấy giới thiệu nhận nhiệm sở cho 529 giáo viên trong tổng số khoảng 1.500 ứng viên đăng ký phỏng vấn, trúng tuyển trong đợt xét tuyển giáo viên cho các trường THPT, TTGDTX và các đơn vị trực thuộc. Trong kỳ tuyển dụng viên chức ngành giáo dục năm nay, Sở GD-ĐT ưu tiên tuyển chọn giáo sinh hệ chính quy. Trong ảnh: niềm vui của nhóm giáo sinh Trường ĐH Sài Gòn vừa nhận xong giấy giới thiệu phân công nhận nhiệm sở sáng 28-8 do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức.
Ảnh: NHƯ HÙNG
Hòa trong dòng người đi dự phỏng vấn tuyển dụng giáo viên bậc THPT của Sở GD-ĐT TP.HCM ngày 1-8, khác với các đồng nghiệp ríu rít hỏi han nhau về nội dung phỏng vấn, T. tỏ ra trầm ngâm: “Mình tốt nghiệp ngành vật lý, hôm nay đi thi cho biết chứ không hi vọng nhiều. Môn vật lý chỉ tuyển 29 giáo viên mà có đến 282 người dự thi nên những người tốt nghiệp loại khá như mình không dám hi vọng. Nghe nói mới xét đến trình độ thạc sĩ đã hết chỉ tiêu rồi”.
“Nếu rớt sẽ làm gì?”, giọng T. buồn buồn: “Mình đã nộp hồ sơ xin làm quản nhiệm tại một trường tư thục nhưng họ bảo ưu tiên tuyển nam. Gia đình đã rất cố gắng cho mình ăn học, mọi người đều mong mình sớm ra trường để đi làm phụ giúp gia đình. Nếu không được làm việc trong ngành giáo dục, có lẽ mình phải đi làm công nhân ở khu chế xuất trong một năm. Năm sau lại dự thi tiếp...”.
Nỗi khổ “giáo viên... tự do”
Giống như T., tại buổi phỏng vấn, nhiều ứng viên cho biết “không hi vọng sẽ được tuyển”. Ứng viên V.T.M.D. cho biết: “Tôi ra trường hơn một năm nay nhưng chưa có việc ổn định, hiện tại đi dạy thỉnh giảng ở trường tư với mức lương 55.000 đồng/tiết, khi cần người ta mới gọi mình”. D. cho biết môn sinh học chỉ tuyển 31 giáo viên mà có đến 160 người dự tuyển. “Vì vậy trong hồ sơ đăng ký tôi có ghi nguyện vọng là nếu không được tuyển dụng thì tình nguyện làm nhân viên phòng thiết bị, thư viện hoặc phòng thí nghiệm, cũng phải kiếm một nơi ổn định chứ không thể làm “giáo viên tự do” mãi - D. tâm sự.
Cùng cảnh ngộ, ứng viên L. cho biết phải viện cớ xin nghỉ một buổi ở trường tư mà cô đang làm việc để đi dự phỏng vấn dù chỉ với hi vọng mong manh. Tốt nghiệp đã hai năm nhưng L. vẫn chưa được đi dạy môn lịch sử mà chỉ nhận được một chân quản nhiệm ở trường tư với lương gần 3 triệu đồng/tháng và lịch làm việc từ 6g-18g hằng ngày. L. cho biết: “Học sư phạm ra ai cũng mong muốn được đi dạy, nhưng mình không ra trường đúng lúc đành chịu. Dạo này giáo viên lịch sử đang thừa nên tôi cũng chỉ đi phỏng vấn cho biết. Nếu rớt lại tiếp tục làm quản nhiệm rồi năm sau tính tiếp”. Trong khi đó, N., giáo viên môn giáo dục công dân, than thở: “Phần phỏng vấn tôi được hỏi kế hoạch trong năm năm tới nhưng không biết trả lời ra sao nữa. Nếu không được tuyển dụng đợt này, tôi cũng chưa biết đi đâu về đâu để trụ lại đây. Một số bạn bè của tôi đã đi học thêm các chứng chỉ rồi đi dạy kỹ năng sống, tư vấn tâm lý, ít ai chịu trụ lại với nghề dạy học đúng chuyên môn của mình”.
1 “chọi” 6
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, tính đến ngày 2-8 bậc THPT có 2.975 giáo viên dự tuyển trong khi chỉ tiêu chỉ có 525 người (1 “chọi” 6). Như vậy, năm nay sẽ có 1.450 giáo viên không tìm được chỗ dạy trong trường công lập. Ông Văn Công Sang, trưởng phòng tổ chức - cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: năm nay nhu cầu tuyển giáo viên ở các trường tư thục hoặc nhu cầu tuyển giáo viên quản nhiệm, giám thị, nhân viên thiết bị - thư viện ở các trường công và tư đã bão hòa, chỉ một số ít trường có nhu cầu.
1.450 giáo viên không có chỗ dạy không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống giáo viên mà còn là sự lãng phí rất lớn về ngân sách nhà nước (sinh viên sư phạm được miễn học phí - PV), công sức, thời gian... của người học ngành sư phạm. Câu hỏi đặt ra ở đây là làm sao để không lặp lại tình trạng thừa - thiếu như hiện nay? Một cán bộ phụ trách công tác đào tạo Trường ĐH Sài Gòn cho biết: “Đáng lẽ giữa hai đơn vị: cơ sở đào tạo và cơ quan tuyển dụng phải có sự tương tác qua lại với nhau theo quy luật cung - cầu. Đương nhiên lời giải cho bài toán thừa - thiếu giáo viên không thể có một đáp số chính xác mà chỉ ở mức tương đối. Mặc dù vậy nhưng các tỉnh, thành phải có dự báo trong vòng năm năm, mười năm chúng tôi cần bao nhiêu giáo viên. Trên cơ sở đó, các trường sư phạm xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh. Đây là vấn đề vĩ mô, cần có sự điều tiết của cấp cao hơn chứ trường sư phạm và sở GD-ĐT không thể giải quyết được”.
Tại sao cơ sở tuyển dụng (ở đây là sở GD-ĐT) không có sự liên thông với các trường sư phạm để hạn chế tình trạng thừa - thiếu giáo viên? Trả lời vấn đề này, ông Văn Công Sang phân tích: “Không phải chúng tôi không có dự báo. Tuy nhiên, các trường có đào tạo ngành sư phạm như ĐH Sài Gòn, ĐH Sư phạm TP.HCM... đều tuyển sinh trên toàn quốc chứ không chỉ tuyển sinh viên TP. Cứ em nào đủ điểm chuẩn thì vào học chứ trường sư phạm không thể gạt bớt số sinh viên hộ khẩu TP.HCM vì TP đang thừa giáo viên được. Tóm lại, xã hội sẽ tự điều tiết”.
HOÀNG HƯƠNG - LƯU TRANG
Thiếu trầm trọng giáo viên mầm non, tiểu học
Trong khi giáo viên trung học thừa rất nhiều thì nhiều nơi lại phải loay hoay tìm cách “trám” cho đủ giáo viên mầm non và tiểu học. “Năm học mới 2012-2013, quận 11 cần tuyển 58 giáo viên mầm non nhưng mới có chín người đến phỏng vấn” - bà Nguyễn Thị Lệ Duyên, phó trưởng Phòng GD-ĐT quận 11, cho biết. Tương tự, Q.9 năm nay cần tuyển 40 giáo viên mầm non và 50 giáo viên tiểu học nhưng đợt vừa qua mới chỉ có 22 giáo viên mầm non và hơn 30 giáo viên tiểu học dự tuyển. Tình trạng trên cũng đang diễn ra ở nhiều quận, huyện khác như: Tân Phú, quận 8, huyện Bình Chánh...
Ghi nhận số liệu từ Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho thấy khóa đào tạo cử nhân 2007-2011 chỉ có 10 sinh viên sư phạm mầm non, 22 sinh viên sư phạm tiểu học có hộ khẩu TP, khóa 2008-2012: 6 sư phạm mầm non và 27 sư phạm tiểu học, khóa 2009-2013: 10 sư phạm mầm non và 39 sư phạm tiểu học, khóa 2011-2015: 17 sư phạm mầm non và 54 sư phạm tiểu học.
Theo ông Văn Công Sang - trưởng phòng tổ chức - cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM: “Việc thiếu giáo viên mầm non, tiểu học là tình trạng chung của toàn TP từ nhiều năm nay. Điều khó khăn nhất hiện nay là không có nguồn để tuyển mặc dù đã mở rộng tuyển cả đối tượng KT3”.
HOÀNG HƯƠNG
Theo TTo