Năm 2008, các sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, các tỉnh Lâm Đồng, Quảng Trị đã được tập huấn về Intel Isef bởi các chuyên gia đến từ Philipin. Từ năm 2009, Việt Nam chính thức tham dự Hội thi Intel Isef tại Hoa kỳ. Sau đó là các đoàn HS các tỉnh Lâm Đồng, Thừa Thiên - Huế và TP. Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Hà Nội có đề tài/dự án khoa học tham gia dự thi. Bài viết này giới thiệu về Hội thi Intel Isef quốc tế và Intel Iseft tại Việt Nam.
1.Hội thi khoa học kỹ thuật cho học sinh Trung học quốc tế
Ý nghĩa của Hội thi. Hội thi khoa học và kỹ thuật quốc tế (International Science and Engineering Fair - ISEF) là hội thi khoa học dành cho học sinh trung học (từ lớp 9 đến lớp 12) trên toàn cầu. Đây là hội thi có quy mô lớn nhất thế giới, tạo điều kiện cho các nhà khoa học và sáng chế trẻ đến trao đổi ý kiến, trình bày những dự án khoa học tiên tiến và thi tài để giành phần thưởng và học bổng.
Hằng năm, hơn 7 triệu học sinh trung học (HSTH) từ khắp nơi trên thế giới tranh tài trong các hội thi khoa học địa phương (gọi là Hội thi thành viên) với mong muốn đạt giải Intel ISEF, có 1.500 thí sinh được tham dự vòng chung kết tại Hoa Kỳ. Những nhà khoa học trẻ này được trình bày, giới thiệu ý tưởng và sản phẩm của mình, thi và tranh tài để có được trên 4 triệu đôla giải thưởng và học bổng. Hơn 1.200 nhà khoa học, kỹ thuật, các chuyên gia ngành công nghiệp tình nguyện tham gia Ban giám khảo để đánh giá các dự án của HS và trao thưởng, trong đó, có nhiều nhà khoa học có trình độ tiến sỹ, các kỹ sư giỏi có ít nhất 6 năm làm việc trong lĩnh vực được mời làm giám khảo.
Đề tài/dự án của các em rất đa dạng về lĩnh vực và vấn đề nghiên cứu, thường đề cập đến những vấn đề mà các nhà khoa học trên thế giới đang gặp phải trong nhiều năm, những giải pháp mà thí sinh đưa ra thực sự sáng tạo và độc đáo.
Hiệp hội Khoa học và Cộng đồng (Society for Science & the Public) - một tổ chức phi chính phủ ở thủ đô Washington, là nhà tổ chức Hội thi ra đời năm 1950. Các doanh nghiệp và tập đoàn luôn là bạn đồng hành của ISEF, bởi họ nhận thức được tính cấp thiết của việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học (NCKH) đối với HS trên thế giới. Cuộc thi Intel ISEF là nơi hội tụ của giáo viên (GV), HS, nhà quản lý doanh nghiệp và quan chức chính phủ ở nhiều quốc gia của các châu lục.
Nhà tài trợ chính. Kể từ năm 1998, Intel đã trở thành nhà tài trợ chính của ISEF. Kể từ đó, Intel đã nâng tầm ISEF trở thành một cuộc thi nổi tiếng mang tính toàn cầu và gọi là INTEL ISEF. Việc tài trợ cho cuộc thi là một phần trong những Sáng kiến giáo dục của Intel - một cam kết lâu dài về hợp tác với các nhà quản lý giáo dục và các nhà lãnh đạo để hỗ trợ cho các em HS thành công trong nền kinh tế tri thức.
Các lĩnh vực được nghiên cứu và dự thi, gồm 17 lĩnh vực: Khoa học động vật; Khoa học xã hội và hành vi; Hoá sinh; Sinh học Tế bào và Phân tử; Hoá học; Công nghệ thông tin; Khoa học Trái đất; Kỹ thuật Vật liệu và Công nghệ sinh học; Kỹ thuật điện và cơ khí; Năng lượng và Vận tải; Phân tích môi trường; Quản lý môi trường; Toán học; Y khoa và Khoa học sức khoẻ; Vi trùng học; Vật lý và Thiên văn học; Khoa học Thực vật.
Hình thức tham gia hội thi. Có 2 hình thức cá nhân hoặc nhóm (mỗi nhóm không quá 3 HS). Mỗi hội thi thành viên ISEF có thể chọn tối đa 3 đề tài, 6 HS tham gia vào vòng chung kết Intel ISEF diễn ra tại Hoa Kỳ.
TT |
Tiêu chuẩn |
Đề tài cá nhân |
Đề tài nhóm |
1 |
Khả năng sáng tạo |
30 |
25 |
2 |
Ý tưởng khoa học & Mục tiêu nghiên cứu |
30 |
25 |
3 |
Sự đầy đủ, chi tiết |
15 |
12 |
4 |
Kỹ năng nghiên cứu |
15 |
12 |
5 |
Sự rõ ràng |
10 |
10 |
6 |
Làm việc nhóm |
----- |
16 |
|
Tổng |
100 |
100
|
Tiêu chí đánh giá đề tài/dự án dự thi của Intel ISEF
Như vậy, với đề tài/dự án khoa học của HS tham dự Hội thi thì ý tưởng khoa học và khả năng sáng tạo là quan trọng nhất (chiếm 60%).
Qua 63 lần tổ chức (từ 1950 - 2012), Hội thi Khoa học và Kỹ thuật quốc tế đối với HSTH thực sự mang lại ý nghĩa lớn, là nơi khơi nguồn cho nhiều sáng tạo, phát minh về khoa học, kỹ thuật của thế giới trong nửa cuối thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI. Qua hội thi, nhiều đề tài/dự án khoa học đã được cấp bằng sáng chế và được một số doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu tiếp hoặc nhân rộng sản xuất .
2. Hội thi khoa học kỹ thuật cho HSTH Việt Nam (Intel Isef Vietnam)
Bắt đầu với sự hỗ trợ của Intel Việt Nam, một số Sở GD&ĐT đã tổ chức cho HS NCKH và tham gia dự thi Intel Isef. Năm học 2011-2012, Bộ GD&ĐT đã quyết định phát động mở rộng thành kì thi ISEF cấp quốc gia, gọi là Intel Viseft.
TS. Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên – Huế cho biết: Để hỗ trợ cho Hội thi Intel ISEF ở cấp trường và cấp tỉnh, Sở đã triển khai và hưởng ứng 2 kỳ thi, đó là: Ý tưởng sáng tạo từ cuối năm học này, để chuẩn bị cho kỳ thi Intel Isef năm sau. Nhờ kỳ thi này các em thể hiện ý tưởng mới của mình, chính GV là người biết phát hiện được các ý tưởng hay, có tính khả thi để nhà trường đầu tư. Kỳ thi thứ hai, đó là Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Vifotec ở lứa tuổi thanh thiếu niên, do Hội Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật phối hợp với một số sở, ban, ngành trong tỉnh, do Phó Chủ tịch UBND làm trưởng ban và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là cơ quan thường trực. Hằng năm, Sở GD&ĐT tổ chức gặp mặt, giao lưu giữa HS, GV, các nhà khoa học ở các trường ĐH, CĐ và các sở, ban ngành trong tỉnh. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT tổ chức cuộc thi hùng biện tiếng Anh cho HS THPT, nhằm trau dồi vốn tiếng Anh cho các em, bởi vì, khi dự thi chung kết cấp quốc gia và thi quốc tế phải trình bày đề tài và trả lời các câu hỏi của giám khảo bằng tiếng Anh.
Cho đến nay, Việt Nam đã tham gia 4 kỳ hội thi quốc tế, dưới đây chỉ nêu một số đề tài/dự án khoa học tiêu biểu dự thi Intel ISEF tại Hoa Kỳ của HS Việt Nam:
Năm 2009, đề tài “Ảnh hưởng Game Online đến nhân cách của HS THPT ” của em Phan Ngọc Thảo, HS Trường THPT Đức Trọng, Lâm Đồng.
Năm 2010, đề tài "Xử lý rác thải hữu cơ bằng phương pháp lên men kết hợp nuôi trùn quế" của em Trần Kim Thanh Vũ và Đinh Thị Thu Hà, HS lớp 11 Trường THPT Đạ Tẻh, Lâm Đồng. Đề tài "Sử dụng cóc làm thiên địch - giải pháp diệt trừ sâu bọ” của em Đoàn Thị Xuân Phương, HS lớp 11 Trường THPT Đức Trọng, Lâm Đồng. Đề tài “Phương pháp đo hai điểm lơ lửng trong không gian mà người đo không cần phải di chuyển” của em Nguyễn Văn Hà Uy, HS lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng.
Năm 2011, đề tài "Dụng cụ đo chiều cao và góc trong không gian nhờ hệ gương phẳng" của nhóm tác giả: Hà Thúc Tiến, Đoàn Phạm Phước Long, HS Trường THPT chuyên Quốc học Huế và đề tài "Áo Giáp của tôm, chất thải thân thiện", tác giả: Nguyễn Hải An, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP. Hồ Chí Minh.
Năm 2012, đề tài “Xử lý nước mặn thành nước ngọt bằng kỹ thuật chân không và năng lượng mặt trời phục vụ cho sinh hoạt” của nhóm thí sinh Trần Bách Trung, Bùi Thị Quỳnh Trang và Vũ Anh Ninh, Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam. Đề tài này đã đoạt giải Nhất trong lĩnh vực Vật liệu và Kỹ thuật Sinh học. Với kết quả này, các em đã trở thành những HS đầu tiên của Việt Nam chiến thắng tại sự kiện khoa học quốc tế lâu đời và uy tín nhất thế giới, dành cho HSTH, mang lại vinh quang cho tổ quốc và mở ra một hướng mới, cơ hội mới cho HSPT Việt Nam.
3. Ý nghĩa hội thi Intel Isef đối với giáo dục Việt Nam
Hội thi sáng tạo Khoa học và Kỹ thuật quốc tế dành cho HSTH (Intel ISEF) chính thức được Bộ GD&ĐT phát động rộng rãi trong toàn quốc từ năm học 2011-2012, được triển khai nhân rộng với sự đồng hành của Intel Việt Nam, tổ chức ở 2 cấp cơ sở (tỉnh, thành) và quốc gia. HS các trường THCS, THPT được khuyến khích tham gia hội thi, có sự hỗ trợ liên kết từ các viện nghiên cứu, trường ĐH địa phương. Một số chế độ ưu tiên phù hợp để động viên những HS đạt giải cao sẽ được Bộ ban hành. Năm 2012, HS đạt giải chính thức cấp tỉnh và quốc gia được cộng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, hiện nay Bộ GD&ĐT đang soạn thảo “Thể lệ cuộc thi Sáng tạo khoa học, kĩ thuật” cấp quốc gia. Bộ đang xem xét, có chế độ khuyến khích tuyển thẳng vào ĐH trong nước, cấp học bổng du học nước ngoài đối với những HS đạt giải cao cấp quốc gia và quốc tế.
Đánh giá của Bộ GD&ĐT cho thấy, công tác NCKH, kỹ thuật và tổ chức Hội thi Intel ISEF có tác dụng đến đổi mới phương pháp giáo dục và dạy học trong nhà trường; góp phần hình thành tính năng động, sáng tạo, khả năng vận dụng kiến thức lý thuyết vào thực tế của HS; góp phần hình thành khả năng sáng tạo của HS khi ra trương, tiếp cận được chương trình, SGK sau năm 2015 của ngành.
Phát biểu tại buổi lễ đón tiếp đoàn Việt Nam sau chiến thắng trở về, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh “Các em là những người mở đường cho Việt Nam chúng ta đến với một hoạt động khoa học, giáo dục có ý nghĩa tầm cỡ quốc tế. Nó có một ý nghĩa hết sức lớn lao. Chúng tôi là những người làm giáo dục nên hiểu rằng đây cũng là tiền đề mở ra hình thức dạy học rất là mới làm cho không chỉ có nhà trường mà còn phải gắn với thực tế, gắn với các trường ĐH, các viện nghiên cứu. Các thầy cô phổ thông, giảng viên các trường ĐH, các nhà khoa học sẽ cùng tham gia vào để giúp cho các em nghiên cứu để đào tạo các em dần trở thành các nhà khoa học”[2].
Qua kết quả Hội thi ở Việt Nam cho thấy không chỉ HS ở thành phố, mà ở các huyện, vùng nông thôn miền núi cũng có thể tham gia dự thi và đạt giải cao. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với giáo dục Việt Nam, xóa dần khoảng cách về nhiều mặt của giáo dục giữa nông thôn và thành thị. Đồng thời, qua kết quả của các đề tài/dự án của các em, thấy được ưu thế của HS chuyên, đây chính là cơ sở để tăng cường đầu tư trang thiết bị, phòng thí nghiệm hiện đại, tạo điều kiện cho các em sớm tham gia NCKH. Từ đó, đòi hỏi SV sư phạm ra trường không chỉ có kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, mà cần phải biết và có khả năng NCKH. Điều này sẽ giúp cho GV trong quá trình giảng dạy và dẫn dắt HS vào con đường khoa học chân chính và cống hiến.
4. Một số khó khăn khi triển khai NCKH đối với HS
Về nhận thức, nhiều người vẫn cho rằng đề ra việc NCKH đối với HSPT là quá xa vời, các em chỉ cần nắm vững kiến thức và kỹ năng ở chương trình giáo dục phổ thông, vượt qua kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH là đạt yêu cầu, những em có năng khiếu các môn khác mới cần bồi dưỡng để dự thi HS giỏi các cấp.
Để triển khai công tác NCKH đối với HS đạt hiệu quả, đòi hỏi phải có điều kiện về đội ngũ các nhà khoa học giỏi làm tư vấn, điều này thuận lợi đối với các tỉnh, thành phố lớn có nhiều trường ĐH, CĐ, còn ở các địa phương sẽ rất khó khăn.
Việc triển khai NCKH đối với HS là rất mới với các trường phổ thông, trong khi kinh nghiệm NCKH của nhiều thầy, cô giáo vẫn còn hạn chế. Nguồn lực tài chính, trang thiết bị thí nghiệm hiện đại cho công tác này ở nhiều trường còn thiếu.
Một trong những mục tiêu quan trọng nhất trong giáo dục ở nước ta hiện nay là hình thành cho HS Việt Nam tính năng động, sáng tạo và một số kỹ năng cơ bản: Làm việc theo nhóm, NCKH, gắn lý thuyết được học với thực tiễn cuộc sống, tiếng Anh, Tin học,… qua đó, góp phần rèn luyện nhân cách cho HS, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song với quyết tâm của ngành giáo dục, các trường ĐH, các doanh nghiệp và xã hội, hy vọng HS Việt Nam sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong những hội thi sắp tới.