Kỳ I:
- 20 năm sau nhìn lại
- Trao quyền tự chủ cho đại học
- Đổi mới tư duy và nhận thức về giáo dục
- Mở rộng đầu vào siết chặt đầu ra
- Cuộc va chạm đầu tiên
- Sáu tháng Bộ trưởng ký 3 quyết định
20 năm sau nhìn lại
Gần đây, dư luận nói nhiều về việc Đại học Mở (Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) dường như đang phát triển chệch hướng. Và có tin Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn tìm cách chấn chỉnh lại các đại học này, nhưng…
Vấn đề đặt ra: Vậy, sự chệch hướng ấy nếu có, bắt nguồn từ đâu và từ khi nào?
Với Đại học Mở bán công Thành phố Hồ Chí Minh, nhìn vào những kết quả đạt được cũng như những đánh giá tích cực của lãnh đạo các cấp, các nhà giáo dục và khoa học cùng dư luận xã hội thì nó đã phát triển đúng chức năng của một đại học (ĐH) mở, thậm chí đang có một tiền đồ rực rỡ như tôi đã khẳng định thông qua những trang trong Hồi ký “Đã từng có một đại học mở như vậy” viết về giai đoạn từ 1990 đến 1995. Không chỉ bằng những đánh giá ở ngay thời điểm đó. Nhiều năm sau, tháng 7 năm 2000, lãnh đạo lúc bấy giờ của Bộ Giáo dục và Đào tạo – Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển, trong lần đầu thị sát Đại học Mở Bán công đã thừa nhận đây là thành tích rất lớn của Đại học Mở Bán công Thành phố Hồ Chí Minh” và khẳng định“phương thức quản lý mới (của nhà trường) đã giúp gợi mở một hướng rất đáng để suy nghĩ về quản lý đại học”.
Những bất cập trong sự phát triển của các ĐH mở (không chỉ riêng Đại học Mở Bán công Thành phố Hồ Chí Minh) đã được dư luận quan tâm ngay từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Cũng trong lần đến thăm nhà trường nói trên, Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển đã chỉ ra: “Đại học Mở Bán công dần dần không hiểu mình quản lý thế nào lại đưa nó giống như các trường ĐH truyền thống, điều đó không đúng với mục tiêu ban đầu, “không đúng” – như cách nói của Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển hay cách khác “chệch hướng” là ở những điểm nào? Tôi không dám kết luận, chỉ xin nêu hiện tượng:
Về mặt sở hữu, Đại học Mở - Bán công Thành phố Hồ Chí Minh – như tên gọi là sự thử nghiệm thành công trong giai đoạn 1990-1995 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho mô hình ĐH ngoài công lập “tự hạch toán, không dựa vào ngân sách nhà nước” và trong khi kết quả ấy đã giúp cho sự phát triển mạnh mẽ về số lượng các ĐH ngoài công lập như bây giờ chúng ta đang chứng kiến thì trái lại. Đại học Mở - Bán công ngày nay đã trở lại thành một ĐH công lập dựa vào ngân sách nhà nước.
Sự thử nghiệm thứ hai là về mặt phương thức đào tạo, thử nghiệm về loại hình đào tạo mở, cũng đã khẳng định sự thành công; trong giai đoạn 1990 – 1995. Còn bây giờ, ở tất cả các ĐH mở, các lớp ghi danh theo nhu cầu người học không còn tồn tại, thay vào đó là nhà trường phải chờ chỉ tiêu phân bổ của Bộ theo cơ chế “xin – cho” như tất cả các ĐH “truyền thống” khác, thực hiện thi tuyển sinh theo hình thức 3 chung. Đào tạo từ xa vẫn tồn tại nhưng không phải với phương thức đặc trưng của nó mà là một sự lai ghép mà tôi xin tạm gọi là “tại chỗ từ xa”. Lạ là với cách lai ghép này, không riêng các ĐH mở mà nhiều ĐH “truyền thống” cũng tham gia đào tạo từ xa (mà nếu làm đúng, làm tốt thì rất đáng hoan nghênh, nhưng…).
Tóm lại, “đại học mở” bây giờ cũng trở thành “đại học đóng” mất rồi.
Nguyên nhân từ đâu? Tôi không đủ tư cách để đi tìm nguyên nhân, nó có thể có nguyên nhân từ những người điều hành trực tiếp (lãnh đạo các ĐH mở) mà cũng có thể có nguyên nhân từ cấp vĩ mô, nhưng tôi thì xin đổ lỗi do cơ chế, vì đổ lỗi do cơ chế tôi mới có thể bàn tiếp dễ dàng hơn.
Đại học mở được mở ra là nhằm tạo tối đa cơ hội cho những ai có thể và muốn học ĐH, với triết lý: Con người là một thực thể động và là một thực thể lý trí. Đối với một nhà sản xuất hàng hóa, chất lượng đầu ra luôn tùy thuộc vào chất lượng đầu vào. Và để đảm bảo đầu ra, người ta buộc phải “cứng hóa” chất lượng đầu vào, dựa trên các chỉ số cố định. Một trường ĐH truyền thống cũng cho ra lò những sản phẩm của mình theo một cung cách như vậy, đầu vào là một hằng số của những điều kiện.
Một người thi tuyển vào ĐH, nếu không đạt được cái hằng số điều kiện ấy – được gọi là “điểm trần” hay “điểm sàn” cùng với những điều kiện về tuổi tác, sức khỏe, nơi cư trú,…thì phải đi chỗ khác chơi. Họ vẫn có thể có cơ hội nghề nghiệp thông qua những chương trình kiến thức thấp hơn (trung học chuyên nghiệp, dạy nghề,….) nhưng cơ hội học ĐH sẽ hầu như bị phong tỏa.
Đào tạo mở cho một cách nhìn khác và do đó tạo mọi cơ hội cho người học. Cách nhìn, con người là một thực thể động, thực thể trí tuệ, do đó họ có thể học ĐH ở đầu vào kiến thức cần và đủ tối thiểu, qua quá trình đào tạo tự thích ứng để phát triển, sàng lọc liên tục thông qua các kỳ thi kết thúc môn để cuối cùng ở đầu ra là những sản phẩm được xã hội chấp nhận. Có cơ hội, người học thấy mình bình đẳng và tự tin hơn. Vấn đề là Ai? Lãnh đạo, cấp điều hành, hay cơ chế? đã không tạo ra được (hoặc không muốn tạo ra) sự sàng lọc đủ mạnh để cuối cùng kêu lên: đào tạo mở kém chất lượng, ghi danh làm hỏng ĐH và “đóng” nó lại. Các nhà quản lý thử tổ chức điều tra, thăm dò sinh viên tốt nghiệp những khóa học đầu theo hình thức ghi danh của Đại học Mở - Bán công Thành phố Hồ Chí Minh, xem họ đang làm gì? ở đâu? Chắc chắn sẽ có câu trả lời trung thực, thuyết phục thay vì những kết luận theo cảm tính. Xin lưu ý rằng ở nước láng giềng Thái Lan, Đại học ghi danh Sukhothai Thammathirat có lúc có tới gần nửa triệu sinh viên (ghi danh) nhưng số người lấy được bằng ĐH chưa bao giờ vượt quá 20%, thậm chí 15%. Do được sàng lọc mạnh bằng các kỳ thi và cũng do nhiều người học chỉ cần lấy một vài học phần (tín chỉ) cho nhu cầu của mình, cái mà họ cần là kiến thức chứ không phải văn bằng.
Còn ĐH từ xa (đào tạo từ xa), một cơ hội còn mở hơn nữa cho người học (nghĩa là về nguyên tắc, ở góc khuất nào, vùng sâu vùng xa nào về địa lý cũng có thể học ĐH), tại sao phát triền ì ạch và lệch lạc ở nước ta? Trong nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân bài toán kinh tế. Đầu tư ban đầu cho đào tạo từ xa là tốn kém. Đây là những con số tính theo thời giá của nửa đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX:
- Chi cho việc ra đề thi: mỗi câu hỏi 10.000đ, thêm 10.000đ nữa cho người ra đề nếu việc thử nghiệm được chấp thuận. Ví dụ: môn học toán 400 câu hỏi, với một ngàn đề thi thì sẽ phải chi từ 8 đến 10 triệu đồng. Một ngành học có từ 50 – 70 môn học sẽ phải chi từ 400 đến 500 triệu đồng.
- Chi cho người giảng dạy: Giảng trên Đài phát thanh – Truyền hình hay Internet (cũng tức là ghi hình, ghi tiếng trên băng đĩa) khoảng 15 – 20 phút phải chi 200.000đ, mỗi môn có từ 14 – 16 bài giảng phải chi từ 2,8 đến 3,2 triệu đồng. Một ngành học có từ 50 – 70 môn phải chi từ 150 đến 200 triệu đồng.
Như vậy, chỉ riêng chi cho ngân hàng đề thi và bài giảng của một ngành học phải cần từ 450 đến 700 triệu đồng. Nếu là 5 ngành học, con số là khoảng 10 tỷ đồng. Đấy là chưa tính vào đây giá thành các điều kiện phải có: cơ sở hạ tầng, cơ sở in ấn, thu phát, cung cấp học liệu,…
Nói tóm lại, điều đã rõ ràng là với mục đích mở của nó, đào tạo từ xa được xem là một phương thức đào tạo hoàn toàn phi lợi nhuận. Và bởi thế, nó có phát triển được hay không, phát triển đúng hướng hay không, phải có sự quan tâm của Nhà nước. Nhà nước phải đầu tư lớn ban đầu, nếu không có được điều này thì sự dị dạng, méo mó của đào tạo từ xa là tất yếu.
Vào giai đoạn 1990 – 1995, Đại học Mở - Bán công Thành phố Hồ Chí Minh phát triển được phương thức đào tạo này một phần rất quan trọng là nhờ vào sự giúp đỡ của Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (Năm 2003 đến nay, Đài Phát thanh Truyền hình Bình Dương) và phần khác là sự cố gắng của một ĐH tự hạch toán, nhưng cũng chỉ làm được với một kết quả rất khiêm tốn, chưa đáp ứng được lòng mong đợi của chúng tôi và người học, phải thừa nhận như vậy.
Vấn đề lợi nhuận: hiện nay khá nhiều nhà đầu tư cho mở trường ĐH với mục tiêu trước tiên là vì lợi nhuận, mục tiêu này quyết định trực tiếp đến phương hướng phát triển của nhà trường. Chẳng hạn một trường ĐH (xin được phép không nêu tên trường tại đây), ra đời cùng thời điểm với Đại học Mở - Bán công Thành phố Hồ Chí Minh, phương thức khoán quản tương tự, thu về không ít nhưng đến nay vẫn không phát triển thêm chút nào về cơ sở hạ tầng, trường lớp đều đi thuê. Ai cũng biết rõ lợi nhuận chảy về đâu, vấn đề đặt ra là phương hướng phát triển một ĐH như vậy có chấp nhận được không? Ai là người điều chỉnh? Không thể xem trường ĐH như một công ty cổ phần để tính toán chia lợi nhuận sau khi nộp thuế. Thành quả của giáo dục phải được xem là tài sản chung của xã hội, không ai được quyền chiếm đoạt cho riêng mình.
Hai mươi năm nhìn lại, tôi có thể tự hào về những công việc mà mình cùng đồng đội đã làm được đối với Đại học Mở - Bán công Thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ tiếc rằng đã phải rời xa quá sớm….còn bao ý tưởng, bao dự án để hình thành “Siêu thị tri thức” chưa thực hiện được…
Trao quyền tự chủ cho đại học
Vào lúc 17h30 ngày 17 tháng 3 năm 1990, tôi vừa kết thúc bài giảng cho SV Khoa Cơ khí trở về nhà, liên lạc với Văn phòng Đại học Cần Thơ báo tin có Thứ trưởng Trần Chí Đáo và Anh Trần Đình Chân - Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ thuộc Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp (tên gọi của Bộ Giáo dục và Đào tạo lúc bấy giờ) đến Đại học Cần Thơ, cần gặp và làm việc với tôi vào lúc 19h00 tại Phòng họp ở Khu I Đại học Cần Thơ.
Đúng giờ hẹn, tôi đến văn phòng đã thấy cả hai vị lãnh đạo Bộ đang ở đó với Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ.
- Phường khỏe không? – Thứ trưởng Trần Chí Đáo vẫn dùng cách xưng hô thời học sinh miền Nam.
- Dạ khỏe! Chào các Anh – Tôi đáp lại.
Sau vài câu chào hỏi xã giao, Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ xin phép trở ra, khi còn lại ba người chúng tôi (Thứ trưởng Trần Chí Đáo, Vụ trưởng Trần Đình Chân và tôi), Thứ trưởng Trần Chí Đáo nói:
- Tôi với anh Chân được Bộ trưởng giao nhiệm vụ vào gặp cậu và làm việc với Đại học Cần Thơ về việc chuyển Phường về TP. Hồ Chí Minh để xây dựng Trường Đại học Nhân dân. Dừng một lát, nhìn tôi như thăm dò, Thứ trưởng nói tiếp – Bộ đã có tờ trình lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng xin phép xây dựng Trường Đại học Nhân dân trên cơ sở Trường Quản lý Cán bộ đại học, đã có mấy ứng viên vào vị trí Hiệu trưởng, nhưng một số Vụ chức năng muốn tiến cử Phường và lãnh đạo Bộ cũng đã thống nhất, không biết ý Phường thế nào? – Thứ trưởng Đáo kết thúc bằng câu hỏi!.
- Anh có thể nói rõ thêm về Đại học Nhân dân là thế nào không? – Tôi đáp.
- Đại học Nhân dân là cơ sở đào tạo ĐH không chính quy; tại chức; hàm thụ đào tạo, bồi dưỡng các lớp ngắn hạn…Thứ trưởng Đáo giải thích, mỉm cười – Phường đã có kinh nghiệm về loại hình đào tạo này trong những năm ở Cần Thơ rồi đúng không?
Tôi ngồi lặng yên, chuyện này tôi đã láng máng nghe, nếu quả thật có một ĐH như vậy thì đáng mừng, rất đáng mừng là đằng khác, vì nó gần với mục đích mà tôi hằng theo đuổi: Mở và tạo cơ hội học tập cho mọi người.
Ở Cần Thơ, tôi đang cố gắng đi theo hướng này bằng phương thức “tại chức mở rộng” – thời bấy giờ có người nói “không giống ai” – nhưng đã có kết quả, người học và những nơi có nhu cầu cán bộ nhiệt liệt hưởng ứng. Nhưng...liệu đó có thật sự là lý do tích cực để Bộ điều động tôi? Hay là Đại học Cần Thơ vừa có Hiệu trưởng mới thông qua cuộc bầu cử dân chủ lần đầu tiên được tổ chức, tôi lại là Bí thư Đảng ủy, vừa thất cử trong kỳ bầu Hiệu trưởng, có hay chăng Bộ muốn tạo một ê kíp mới cho lãnh đạo của trường? Còn tôi, thật sự lòng không muốn đi, lý do là vì công việc ở đây đang tiến triển tốt. Tôi ngẩng nhìn các đồng chí lãnh đạo Bộ:
- Thưa hai anh, tôi hỏi thật nhé, lãnh đạo Bộ có thật lòng muốn xây dựng một trường ĐH kiểu như vậy không?
- Thật chứ! Sao cậu hỏi vậy? – Thứ trưởng Đáo xác nhận và hỏi lại (Thứ trưởng có vẻ không vui).
- Thưa anh, đây là việc khó, tôi hỏi vậy là muốn biết quyết tâm của lãnh đạo đối với chủ trương này. Đúng là trước đây tôi đã từng tổ chức hệ đại học tại chức mở rộng cho 9 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, các anh Vụ Đại học tại chức biết tôi từ 1979 – 1980. Còn nay, tình hình khác rồi, hệ tại chức đã có ở hầu hết các trường, mở ra Đại học Nhân dân sẽ có khó khăn từ phản ứng của họ, nếu lãnh đạo Bộ chưa thống nhất còn lưỡng lự sẽ khó thành – Tôi giải thích cho các đồng chí lãnh đạo Bộ.
- Tháng tư tới, Bộ Giáo dục với Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp sẽ nhập lại thành Bộ Giáo dục và Đào tạo, ý lãnh đạo Bộ sẽ gom các Trường Quản lý Cán bộ lại và giao cơ sở 97 Võ Văn Tần và có thể là một vài cơ sở nữa cho Đại học Nhân dân – Thứ trưởng Đáo giải thích thêm.
- Thưa anh! Tôi có thể biết Hiệu trưởng Đại học Nhân dân quyền hạn tới đâu? – Tôi hỏi.
- Đây là trường ĐH thử nghiệm, nên Hiệu trưởng được giao toàn quyền – Thứ trưởng trả lời.
- Như vậy, Bộ cho phép trường chủ động nghiên cứu điều chỉnh mục tiêu, chương trình đào tạo và xây dựng chương trình đào tạo mới theo nhu cầu xã hội, trường được chủ động xây dựng tổ chức và tuyển chọn cán bộ. Việc tự chủ về tài chính dĩ nhiên không phải dựa vào kinh phí của Nhà nước – Tôi nói như là sự xác định lại với lãnh đạo Bộ.
Khi đó, Thứ trưởng còn cho biết thêm: Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí ban đầu, tuy nhiên năm 1990 chưa lên kế hoạch cho trường này, nhưng Bộ sẽ điều chỉnh.
Đây là lần đầu tiên lãnh đạo Bộ Giáo dục Đại học (lúc này chưa nhập hai Bộ)trao quyền tự chủ cho ĐH tuy mới chỉ là lời hứa chưa thành văn bản, tuy nhiên đây chính là nguyên nhân tạo nên sự đột phá dẫn đến những thành công của Đại học Mở - Bán công Thành phố Hồ Chí Minh những năm 1990 – 1995.
Tôi đáp lời cám ơn đến lãnh đạo Bộ đã tin tưởng giao cho tôi trọng trách, và xin phép cho tôi trao đổi với nhà tôi rồi sẽ trả lời các anh vào sáng mai.
Anh Chân nửa đùa, nửa thật, cười và bảo: “Ai chớ ông Phường chắc thuyết phục được bà xã thôi”.
Tối hôm đó, tôi về bàn với nhà tôi và các con, nhà tôi ngồi thừ một lát và nói: “ Lên thành phố chắc chắn lúc đầu khó khăn chỗ ăn ở, học hành của các con, nhưng việc của ba, ba quyết thế nào mẹ con em ủng hộ, ba đi đâu mẹ con em đi đó” (Vợ chồng tôi thường gọi nhau ba, má là để tập cho các cháu thói quen xưng hô này với cha mẹ ngay từ nhỏ). Thế là tôi hầu như chẳng thuyết phục gì nữa.
Sáng hôm sau, trước khi vào họp với Đảng ủy nhà trường, Thứ trưởng Đáo hỏi tôi:
- Sao? Ý kiến ông và bà A (tên thường gọi của vợ tôi) thế nào rồi?
- Các anh có thực sự quyết tâm xây dựng một trường ĐH như vậy không? Tôi hỏi để khẳng định lại một lần nữa.
Thay vì trả lời, Thứ trưởng Đáo không nói gì, có vẻ hơi bực mình vì vấn đề đã được giải đáp từ hôm trước, nhưng Vụ trưởng Trần Đình Chân thì cho biết:
- Bộ trưởng rất tâm huyết với mô hình ĐH này! Thế là quyết tâm chứ còn gì nữa!
- Cám ơn anh, tôi đồng ý! Vậy bao giờ thực hiện? – Tôi gật đầu đồng ý và hỏi.
- Hôm nay, Bộ sẽ công bố với Đảng ủy trường, Phường bàn giao công việc dần cho các đồng chí, cuối tháng 3 sẽ có quyết định chính thức – Thứ trưởng Đáo khẳng định (Thứ trưởng Trần Chí Đáo trước đây là Hiệu đoàn trưởng Trường Học sinh Miền Nam số 14, lúc đó tôi thuộc lớp nhỏ tuổi nên lúc nào gặp lại Thứ trưởng cũng rất thân tình trong cách xưng hô).
Ngày 17 tháng 4 năm 1990, Bộ có quyết định điều động tôi lên TP. Hồ Chí Minh với nhiệm vụ Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Cán bộ Quản lý Đại học và Trung học Chuyên nghiệp kiêm nhiệm Phân Hiệu trưởng Phân hiệu phía Nam.
Bộ giải thích thêm là Hội đồng Bộ trưởng chưa đồng ý với phương án tổ chức Trường Đại học Nhân dân, vì vậy Bộ quyết định điều tôi về Trường Cán bộ Quản lý trước.
Đổi mới tư duy và nhận thức về giáo dục
Ngày 20 tháng 4 năm 1990, anh Trần Đình Tân – Vụ trưởng Vụ Đào tạo Tại chức của Bộ chuyển cho tôi tờ trình của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nội dung tờ trình mời các bạn xem ở phần phụ lục Hồi ký “Đã từng có một đại học mở như vậy” của tác giả Cao Văn Phường). Ý tưởng của các nhà hoạch định chính sách giáo dục, xây dựng Trường Đại học Nhân dân theo tờ trình số 44 ngày 23 tháng 1 năm 1990 của Ủy ban Kế hoạch nhà nước do Phó Chủ nhiệm Mai Kỷ ký gửi lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nêu rõ:
- Hiện nay và trong những năm tới, việc tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân ở khắp mọi miền trong nước có thể học tập dễ dàng theo các nội dung và chương trình phù hợp với từng đối tượng, với các hình thức học tập phong phú, đa dạng như tập trung, tại chức, tại nhà bằng cách truyền thụ kiến thức trực tiếp hoặc thông qua các phương tiện phát thanh, truyền hình, v…v.. là nhu cầu cấp thiết.
- Nhiệm vụ của trường là nghiên cứu biên soạn nội dung chương trình, phối hợp với các cơ quan truyền hình Trung ương và địa phương, sản xuất các băng tiếng, băng hình và thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng thông qua kỹ thuật phát thanh truyền hình. Phối hợp với các trung tâm đào tạo tại chức ở các địa phương để tổ chức tốt việc đào tạo, bỗi dưỡng theo nhiều loại hình phù hợp với yêu cầu của người học.
- Tại các trường có thể mở thêm các lớp đào tạo, bồi dưỡng với các trình độ và ngành nghề khác nhau trên cơ sở hợp đồng với các tổ chức và cá nhân có nhu cầu học tập.
- Trường là đầu mối để quan hệ với các tổ chức tương ứng khác trên thế giới trong việc hợp tác đào tạo và tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế.
Theo tờ trình, bộ máy tổ chức của Trường Đại học Nhân dân cho hai cơ sở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh không quá 100 người.
Sau khi nghiên cứu kỹ tờ trình này tôi mới ngộ ra rằng lãnh đạo Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (tên gọi lúc bấy giờ của Bộ Giáo dục và Đào tạo) chỉ mong muốn có một cơ sở tổ chức học liệu, một trạm đào tạo không chính quy, trạm này phụ thuộc vào các trường ĐH khác, có nghĩa đây không phải là một trường ĐH hoàn chỉnh. Với tư duy về Đại học Nhân dân như vậy, tôi nhận ra là những lời hứa của Thứ trưởng Trần Chí Đáo là thật lòng, nhưng có lẽ việc này không cần tôi.
Vì vậy, hai tuần sau khi Bộ trưởng Trần Hồng Quân vào TP. Hồ Chí Minh, trong buổi tiếp kiến với Bộ trưởng, tôi có đề xuất mong muốn trở về Đại học Cần Thơ vì Trường Đại học Nhân dân như vậy sẽ không thể thành lập. Bộ trưởng khẳng định sẽ thành lập trường ĐH không chính quy để làm đầu mối cho loại hình đào tạo này, khuyên tôi suy nghĩ có cách nào không?.
Tôi nghĩ chắc chắn với chức năng, nhiệm vụ của Đại học Nhân dân như trong tờ trình sẽ không bao giờ được Chính phủ chấp thuận. Cần phải xây một Đại học Mở hoàn chỉnh, đi từ cơ sở trường Cán bộ Quản lý, nhưng có chức năng nhiệm vụ của một ĐH đầu mối không chính quy. Vì vậy, tôi đã đề xuất với Bộ trưởng: “Thưa anh, hay là Bộ quyết định thành lập Viện Đào tạo mở rộng trong trường Cán bộ Quản lý, giao cho Viện nhiệm vụ đào tạo mở, đào tạo tại chức, đào tạo từ xa, chuyển giao công nghệ, làm đầu mối đào tạo không chính quy”.
Ý kiến này được Bộ trưởng hứa xem xét và sau đó nhờ sự tích cực ủng hộ của Vụ Tổ chức Cán bộ, lãnh đạo Bộ chấp thuận phương án tôi đề xuất.
Ngày 15 tháng 6 năm 1990, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đàotạo ký Quyết định số 451/TCCB về việc thành lập Viện Đào tạo mở rộng trực thuộc Trường Cán bộ Quản lý , có 02 cơ sở chính là ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện là làm đầu mối hệ thống đào tạo không chính quy trên toàn quốc, là đơn vị hoạt động tự hạch toán lấy thu bù chi, có tài khoản riêng, con dấu riêng, có Viện trưởng và các Viện phó….
Ngày 18 tháng 6 năm 1990, tức sau 3 ngày có Quyết định số 451/TCCB, Vụ trưởng Vụ Tại chức kiêm Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý – Trần Đình Tân gửi thư công tác cho chúng tôi đề nghị tổ chức ngay các lớp ĐH Ngoại ngữ -Tin học, còn các lớp Sau Đại học, Vụ trưởng đề nghị tôi làm việc cụ thể với Giáo sư Vũ Ngọc Hải – Vụ trưởng Vụ Sau Đại học.
Sau hai tháng rời Cần Thơ lên thành phố xây dựng Đại học Nhân dân, nay tôi mới nhận được thủ tục bước đầu làm cơ sở để thực hiện mục tiêu xây dựng một đại học kiểu mới, thật mừng! Nhưng cũng từ đây sẽ nảy sinh những khó khăn trở ngại mới, xây dựng trường đại học với mô hình thử nghiệm đào tạo mở, tự hạch toán nhưng lại chưa có cơ chế, không có kinh phí, không có cán bộ, không có trường lớp. Khó khăn bao trùm là nhiều quan điểm về giáo dục mở, về cơ chế tự hạch toán chưa rõ.
Trong Bộ có nhiều ý kiến không đồng tình, thậm chí có người hỏi: “Có giáo dục mở thì có giáo dục đóng không?”. Quyết định của Bộ ghi là Viện Đào tạo Mở rộng, những để như vậy bằng tiếng Việt thì được, nhưng nếu ghi đúng nghĩa theo tiếng Anh (Institute of Open Learning) thì không thuận lợi cho quan hệ quốc tế. Vì vậy, chúng tôi ghi thành “Ho Chi Minh Open University”. Rất nhiều người phản ứng, nhưng tôi có dụng ý riêng của mình. Mặc dù ở các nước ĐH mở đã phát triển và không xa lạ với người dân, nhưng ở Việt Nam vào những năm 90 thế kỷ 20, ĐH mở và đào tạo từ xa vẫn còn là khái niệm xa lạ và “dị ứng” ngay trong lãnh đạo ngành giáo dục.
Dù sao sự ra đời của Viện Đào tạo Mở rộng là cột mốc quan trọng trong quá trình đổi mới về nhận thức đối với giáo dục, bước đầu thực hiện chính sách mở, chính sách xã hội hóa trong giáo dục theo tư tưởng của Đảng và Bác Hồ, tạo nên động lực, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo. Đây cũng là bước đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI về đổi mới các hoạt động kinh tế - xã hội và sự đổi mới nhận thức từ Đại học Nhân dân sang Viện Đào tạo Mở rộng chỉ là biện pháp tình thế. Để đi đến Đại học mở là phải trải qua quá trình đấu tranh về quan điểm giữa nền giáo dục hoạch định khép kín theo chỉ tiêu sang nền giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của quần chúng trong nền kinh tế mở - kinh tế thị trường.
Mở rộng đầu vào siết chặt đầu ra
Mô hình trường ĐH mở là quá mới đối với Việt Nam, mặc dù vào thời điểm đó cùng với làn gió đổi mới, khái niệm Open Learning (đào tạo mở) được du nhập và đã bắt đầu được nói đến ngày càng nhiều ở nước ta. Do vậy, đặt tên là Viện Đào tạo Mở rộng thay vì Đào tạo Mở (hai khái niệm này không hoàn toàn tương đồng) là một sự dè dặt cần thiết. Nhưng vẫn cần thận trọng hơn trước dư luận, nhất là đối với các trường ĐH truyền thống. Cần phải nhận được sự ủng hộ của họ trước đã. Nghĩ vậy, mặc dù rất muốn triển khai ngay mọi việc, chúng tôi đã chủ động lùi lễ ra mắt của Viện lại một tháng để có thêm thời gian chuẩn bị và chủ yếu là để làm việc, tìm sự đồng thuận của các trường bạn và cả các địa phương.
Ngày 20 tháng 6, nhận được quyết định tôi lần lượt đăng ký làm việc với giáo sư Lý Hòa – Bí thư Đảng ủy khối – Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tiếp theo làm việc với đồng chí Nguyễn Ngọc Quang – Phó Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo phía Nam, PGS. Đào Công Tiến – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, PGS. Mai Hà San – Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc, các nhà khoa học và lãnh đạo các tỉnh, Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang – Huỳnh Thương, Phó Chủ tịch tỉnh An Giang – Xuân Tứ, Phó Chủ tịch tỉnh Minh Hải – Hồng Thơ, Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp – Ông Đàm và Giám đốc các Trung tâm Giáo dục Thường xuyên các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang,…
Kết quả là các trường và các địa phương đều rất ủng hộ chủ trương thành lập Viện Đào tạo Mở rộng để làm đầu mối cho hệ đào tạo không chính quy.
Ngày 20 tháng 7 năm 1990, tại hội trường Trường Đại học Sư Phạm TP. Hồ Chí Minh (35 Lê Thánh Tôn), Viện Đào tạo Mở rộng Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ ra mắt và hội nghị triển khai Quyết định số 451/TCCB của Bộ trưởng Trần Hồng Quân ký ngày 15 tháng 6 năm 1990 về việc thành lập Viện Đào tạo Mở rộng. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các trường: Đại học Tổng hợp, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Kiến trúc, Đại học Nông Lâm, lãnh đạo các tỉnh và Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thường xuyên các tỉnh Hậu Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Kiên Giang, An Giang, Cà Mau và nhiều nhà khoa học khác.
Chủ trì buổi lễ ra mắt có ông Nguyễn Ngọc Quang – Phó Chánh Văn Phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo, PGS. Lý Hòa – Bí thư Đảng ủy khối các trường đại học thành phố Hồ Chí Minh. Thay mặt lãnh đạo Bộ, ông Nguyễn Ngọc Quang công bố quyết định, thay mặt lãnh đạo Viện, tôi trình bày báo cáo tổng quan về lịch sử phát triển đại học mở các nước Anh, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan và định hướng phát triển nhà trường.
Sau khi nghe báo cáo tình hình và phương hướng tổ chức hoạt động của Viện, các đại biểu phát biểu rất nhiệt tình và đi đến một sự thống nhất rất quan trọng giúp cho trường thấy rõ hơn phương hướng tổ chức hoạt động.
Hội nghị hoan nghênh chủ trương thành lập Viện và đề nghị Viện nhanh chóng kiện toàn bộ máy tổ chức và sớm chuẩn bị những điều kiện để triển khai một số ngành học trong năm 1990 – 1991 như: ngoại ngữ, tin học, kinh tế…Các đại biểu cũng cho rằng, Viện cần nghiên cứu xây dựng mối liên kết với các trường ĐH trong ngoài nước để khai thác đội ngũ cán bộ phục vụ cho công tác của Viện; xây dựng mối liên kết với Trung tâm Giáo dục Thường xuyên các tỉnh đã triển khai các chương trình đào tạo không chính quy. Để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người có thể học tập liên tục, học suốt đời, công tác đào tạo của Viện Đào tạo Mở rộng Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức mềm dẻo, linh hoạt với kỹ thuật lượng giá chặt chẽ. Nhà trường chủ trương mở rộng đầu vào, siết chặt đầu ra. Công tác tuyển sinh thực hiện theo hình thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập các năm học cấp Trung học Phổ thông và kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Quá trình đào tạo là quá trình sàng lọc liên tục, nghiêm túc, bảo đảm chỉ những người đủ điều kiện mới tốt nghiệp ra trường. Đây là sự khác biệt cơ bản giữa Viện Đào tạo Mở rộng Thành phố Hồ Chí Minh và các ĐH truyền thống.
PTS. Nguyễn Văn Nhương – Giám đốc Trung tâm Đại học tại chức Cần Thơ, đồng chí Lưu Tấn Phát – Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thường xuyên An Giang và PGS.PTS Cao Hồng Phong, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Vĩnh Long đề nghị với Viện sớm ký kết hợp đồng đào tạo một số ngành tại các cơ sở của mình theo hình thức đào tạo mở. “Đầu thì xuôi rồi hy vọng đuôi sẽ lọt”, tôi nói đùa với các anh em.
Ngày 21 tháng 7 năm 1990, Nhà báo Mai Lan có đưa tin ngắn về kết quả hội nghị và dự kiến quy mô đào tạo của Viện là 9.000 SV tại cơ sở trung tâm và 25.000 SV tại các địa phương (Báo Sài gòn Giải phóng số 4881 ngày 21 tháng 7 năm 1990. Bản tin lịch sử này là kỷ vật, tôi luôn yêu quý và trân trọng, các bạn có thể đọc ở phần phụ lục của tập Hồi ký “Đã từng có một đại học mở như vậy”). Thông tin này là “cú sốc” làm choáng ván các nhà hoạch định giáo dục với ý tưởng xây dựng Đại học Nhân dân như “Một trạm sản xuất học liệu”.
Cuộc va chạm đầu tiên
“Mở rộng đầu vào, siết chặt đầu ra, quá trình đào tạo là quá trình sàng lọc liên tục”, là nguyên tắc cơ bản của Viện Đào tạo Mở rộng Thành phố Hồ Chí Minh đã được thực hiện đầu tiên ở Khoa Tiếng Anh. Tất cả học sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông đều được quyền ghi danh xét tuyển, nhà trường tổ chức kiểm tra đầu vào trắc nghiệm trình độ tiếng Anh, những học viên đạt được trình độ TOEFL 450 sẽ được vào học chương trình ĐH giảng dạy bằng tiếng Anh, số còn lại học chương trình dự bị, sau 4 tháng trường tổ chức thi kiểm tra lại đầu vào. Nhờ nguyên tắc này, chỉ trong thời gian ngắn khoa Tiếng Anh đã tuyển được hơn 900 học viên vào các lớp dự bị, trong đó có khoảng 100 em đủ trình độ theo chương trình ĐH. Viện dự kiến sẽ tổ chức khai giảng khóa I ngành Anh ngữ vào ngày 5/9/1990.
Chấp hành ý kiến trong thư công tác của Hiệu trưởng Trần Đình Tân, Viện đã có công văn gửi lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo xin phép Bộ cho cải tạo cơ sở Ký túc xá 97 Võ Văn Tần thành phòng làm việc và lớp học.
Ngày 28 tháng 7, được sự hỗ trợ của Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, Viện tiến hành tháo dỡ các vách ngăn bằng tranh tre, nứa lá vốn là các phòng trọ rẻ tiền, cải tạo thành trường lớp.
Một tuần sau khi công việc đang tiến hành, một hôm vào lúc 21h00, điện thoại của Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý từ Hà Nội gọi vào với giọng rất giận dữ: “Tôi yêu cầu anh cho ngừng ngay việc đập phá khu 97 Võ Văn Tần, chờ ý kiến của Bộ, tôi sẽ vào giải quyết” – “ Việc sửa chữa khu 97 Võ Văn Tần để tổ chức các lớp học tôi đã thống nhất với các anh và đã báo cáo lãnh đạo Bộ, công việc không thể ngưng lại vì chúng tôi đang tuyển sinh”, nói xong tôi cúp máy.
Đây là cuộc “va chạm” đầu tiên trong nội bộ giữa cung cách làm việc theo cơ chế xin – cho và cơ chế tự chủ. Sự không thống nhất giữa các lãnh đạo trong một đơn vị thường dẫn đến sự chia rẽ trong nội bộ, nhưng một điều đáng mừng là ngoại trừ một vài cá nhân còn phần lớn anh em tập thể Viện Đào tạo Mở rộng Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Cán bộ Quản lý Đại học đều thống nhất và tâm huyết với các kế hoạch của Viện. Công tác sửa chữa trường lớp và tuyển sinh vẫn tiến hành bình thường…
Ngày 27 tháng 8, bỗng nhiên có nhiều tin đồn trong cán bộ là Viện sẽ bị “dẹp tiệm”, Bộ đã có quyết định không cho phép mở. Tôi đề nghị PGS. Lộc họp cấp ủy, các đồng chí trong cấp ủy đều khẳng định có nghe dư luận như vậy nhưng không rõ nguồn tin từ đâu? Sự va chạm giữa tôi và Hiệu trưởng trường Trường Cán bộ Quản lý trước đó có liên quan gì đối với việc này? Quan sát một số ít người chống đối, tôi biết đang có chuyện….Để làm rõ, tôi và PGS. Lộc – Bí thư Chi bộ cùng bay ra Hà Nội xin làm việc với Bộ trưởng.
Ngày 29 tháng 8 năm 1990, tôi đăng ký làm việc với Bộ trưởng nhưng vì Bộ trưởng đang bận họp Chính phủ cho nên cuộc họp được tổ chức do Thứ trưởng chủ trì, tham dự có Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Vụ Kế toán Tài vụ, Vụ Đại học, Vụ Tại chức. Tại cuộc họp, tôi trình bày những kết quả hoạt động bước đầu của Viện và tình hình tổ chức các lớp đào tạo Tiếng Anh, khả năng trường lớp, kinh phí sửa chữa khoảng 80 triệu đồng (80 triệu đồng lúc bầy giờ là một khoảng kinh phí lớn).
Trong cuộc họp có một số ý kiến phê phán cách làm của Viện là tùy tiện, như: đập phá sửa chữa cơ sở Võ Văn Tần, tổ chức đào tạo ĐH trong khi kế hoạch chưa được Bộ phê duyệt.
Tôi giải trình về việc sửa chữa khi 97 Võ Văn Tần: ngày 20/6/1990, tôi đã có công văn gửi Bộ đề nghị cho phép Viện sửa chữa mở rộng các phòng học khu 97 Võ Văn Tần thành lớp học với kinh phí nếu Bộ chưa có điều kiện cấp thì Viện sẽ tự lo, nhưng vì không thấy Bộ có ý kiến gì, Viện lại sắp khai giảng nên chúng tôi buộc phải thực hiện theo kế hoạch.
Việc tổ chức đào tạo ĐH, Viện đã có gửi báo cáo chương trình mục tiêu và kế hoạch mở lớp các ngành Anh Ngữ, Tin học, Quản trị Kinh doanh, nhưng hơn một tháng không có ý kiến chỉ đạo chính thức, Viện lại nhận được thư công tác của Vụ trưởng Vụ Đào tạo Tại chức (là cơ quan quản lý về mặt chuyên môn đối với Viện Đào tạo Mở rộng) kiêm Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Trần Đình Tân chỉ đạo nên mở ngay các lớp ĐH, còn các lớp cao học phải báo cáo xin phép GS. Vũ Ngọc Hải – Vụ trưởng Vụ Đào tạo Sau Đại học. Tôi đã photo thư công tác của Đồng chí Vụ trưởng Vụ Tại chức, mời các đồng chí xem. Nội dung chúng tôi làm đều xin ý kiến Bộ, không thể nói là Viện tự ý làm.
Thứ trưởng Trần Chí Đáo rất ngạc nhiên vì có bức thư công tác chỉ đạo công việc rõ ràng của Vụ trưởng Vụ Tại chức, tuy rất bức xúc nhưng Thứ trưởng vẫn kết luận:
- Đề nghị Viện tiếp tục thực hiện và hoàn thành kế hoạch sửa chữa để kịp khai giảng lớp. Bộ hỗ trợ 50% kinh phí sửa chữa trường lớp.
Quyền Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài vụ - Tống Đình Đà rụt rè đưa ra một bức thư và hỏi: Vậy bức thư này xử lý sao?
Thứ trưởng Trần Chí Đáo trả lời một cách dứt khoát: Thôi thư từ gì nữa, Viện tiếp tục làm tốt công việc đi, Bộ sẽ hỗ trợ.
Như vậy tin đồn Viện sẽ bị “dẹp tiệm” là có thật, bức thư mà Anh Tống Đình Đà hỏi Thứ trưởng là bức thư Bộ định gửi đi với yêu cầu: “Viện Đào tạo Mở rộng Thành phố Hồ Chí Minh phải ngưng ngay mọi hoạt động, chờ ý kiến của Bộ”.
Qua sự việc trên tôi hình dung rằng, nếu Viện Đào tạo Mở rộng Thành phố Hồ Chí Minh vẫn trực thuộc Trường Cán bộ Quản lý thì sẽ rất khó cho sự phát triển của Viện. Chính vì thế mà tôi đã trình bày những suy nghĩ này với Bộ trưởng Trần Hồng Quân, Bộ trưởng hứa sẽ nghiên cứu.
Chiều hôm đó, tôi với Bí thư Lộc trở về ngay TP. Hồ Chí Minh để kịp chuẩn bị cho lễ khai giảng lớp Đại học Anh ngữ khóa I của Viện Đào tạo Mở rộng Thành phố Hồ Chí Minh.
Trở về thành phố, chúng tôi thông báo ngắn gọn với tập thể về nội dung làm việc với lãnh đạo Bộ: “Mọi việc đều thuận lợi, Bộ đồng ý hỗ trợ cho Viện 40 triệu (50% kinh phí) góp vào việc sửa chữa khu 97 Võ Văn Tần”.
Vậy là khóa I hệ đào tạo Đại học ngành Tiếng Anh của Viện với 100 SV đã được khai giảng long trọng, tham dự buổi lễ có đại diện Văn phòng Chính phủ ở phía Nam, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện Đảng ủy khối, các trường ĐH tại TP. Hồ Chí Minh.
Lớp học được giảng dạy 100% bằng tiếng Anh, đầu vào đã được tuyển chọn rất kỹ về khả năng nghe, nói, đọc, viết của các SV.
Số lượng SV khoa Anh ngữ về sau ngày càng tăng, đến năm 1993 dã lên đến 3.000 SV, tuy nhiên phần lớn là SV dự bị, số SV đại học chiếm khoảng 20%, chương trình đào tạo được thiết kế theo hệ thống tín chỉ, mỗi năm tuyển sinh 3 lần; nhiều chuyên gia các nước đến thăm và tìm hiểu đã đánh giá cao chương trình đào tạo của Viện. Vì số SV đông như vậy nên vấn đề chất lượng giảng dạy của giáo viên rất khó kiểm soát, Trưởng khoa Đinh Quang Kim rất vất vả.
Sáu tháng Bộ trưởng ký 3 quyết định
Nhằm chuẩn bị cho mô hình kiểu mới ra đời, ngày 15 tháng 6 năm 1990, Bộ trưởng Trần Hồng Quân ký Quyết định số 451/TCCB, thành lập Viện Đào tạo Mở rộng trực thuộc Trường Cán bộ Quản lý có hai cơ sở: một ở Hà Nội và một ở TP. Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu đã bộc lộ nhiều nhược điểm về tổ chức, làm cho cơ sở mới khó hoạt động, giữa tôi và Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý về phương pháp làm việc không thống nhất. Do đó, ngày 15 tháng 10 năm 1990 (tức 4 tháng sau khi ra Quyết định số 451/TCCB), Bộ Giáo dục và Đào tạo ra tiếp Quyết định số 1611/TCCB thành lập Viện Đào tạo Mở rộng trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo với hai cơ sở chính là ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Mặc dù quyết định này có nâng cấp tách Viện Đào tạo Mở rộng ra khỏi Trường Cán bộ Quản lý nhưng vẫn chung đầu mối gây nhiều khó khăn trong hoạt động do hai đơn vị có những điều kiện khác nhau. Vì vậy, ngày 12 tháng 12 năm 1990, Bộ trưởng Trần Hồng Quân ký tiếp quyết định số 2201/TCCB thành lập Viện Đào tạo Mở rộng II Thành phố Hồ Chí Minh trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, bổ nhiệm tôi làm Quyền Viện trưởng (sau đó là Viện trưởng).
Những quyết định liên tiếp về mặt tổ chức thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (trực tiếp là Vụ Tổ chức Cán bộ), đặc biệt là của Bộ trưởng Trần Hồng Quân, mong muốn tạo ra một trường ĐH kiểu mới với hai thử nghiệm: Thử nghiệm về phương thức đào tạo mở, thử nghiệm xây dựng một trường ĐH tự hạch toán (thực tế là hình thức ĐH tiền tư thục). Còn riêng đối với tôi, quyết định thành lập Viện Đào tạo Mở rộng Thành phố Hồ Chí Minh ngày 12 tháng 12 năm 1990 ngay lúc đó đã mang tính lịch sử. Quyết định ấy đã đặt vào tay tôi trách nhiệm và cơ hội, từ đây tôi đã có điều kiện để thực thi những ý tưởng về một nền giáo dục mở. Có thể tôi chưa lường hết những khó khăn sẽ gặp phải sau này, dù thực tế đã rõ: một mô hình mới ra đời rong điều kiện ý kiến xã hội còn chưa thống nhất (thậm chí ngay cả lãnh đạo Bộ), không có đội ngũ cán bộ, không có kinh phí và chưa có những quy định cụ thể, chỉ với lời hứa miệng: “Cho Hiệu trưởng toàn quyền”, tức là cho phép “tự chủ”.
Những quyết định trên của Bộ không chỉ từng bước tạo thế và lực mà còn tạo nền tảng cho một mô hình ĐH kiểu mới: “Đàotạo mở, tự hạch toán” ra đời. Tôi phải khẳng định rằng: Những quyết định trên và sự cho phép Viện tự chủ (dù chỉ là lời hứa, không có văn bản chính thức) là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự thành công của Đại học Mở - Bán công Thành phố Hồ Chí Minh sau này. Nhưng cũng phải thành thật thừa nhận, đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn giữa Viện Đào tạo Mở rộng (sau là Đại học Mở - Bán công Thành phố Hồ Chí Minh) với các thiết chế “xin – cho”, một mâu thuẫn gay gắt và quyết liệt trong suốt quá trình phát triển. Cái mới thường ra đời trong bi kịch là vậy.