Trước đây cơ sở vật chất của trường rất thiếu thốn, phòng học xuống cấp nghiêm trọng, nhưng với tâm huyết của tập thể lãnh đạo, sự đồng lòng của lãnh đạo địa phương, lãnh đạo nhà trường và các bậc phụ huynh xã Quỳnh Ngọc; đến nay nhà trường đã có 1 cơ ngơi khá đồng bộ các phòng học, phòng chuyên môn, nhà hiệu bộ, hội trường tất cả đều đủ tiêu chuẩn, khang trang, sạch đẹp. Khu sân chơi bãi tập thoáng mát thuận lợi cho các em vui chơi, học tập. Mùa hè năm nay, nhà trường quyết tâm làm sân trường và dãy nhà ăn, nhà bán trú, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh nhà xa có nơi ăn, nghỉ học tập tốt hơn. Đội ngũ giáo viên của trường có nhiều năm kinh nghiệm, nhiệt tình, đoàn kết, thường xuyên trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, điều đó đã thúc đẩy phong trào học tập của nhà trường ngày càng đi lên, mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Năm 2005 trường đạt đơn vị Văn hóa; Năm học 1998 – 1999 đến nay trường liên tục đạt danh hiệu Tập thể Lao động Tiên tiến. Năm 2007 trường đạt Chuẩn Quốc gia mức độ I, hiện nay đang tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đạt Chuẩn Quốc gia mức độ II. Năm học 2012- 2013 cuộc thi Trường đẹp do phòng GD&ĐT tổ chức trường đạt Xuất sắc; chất lượng giáo dục của trường luôn nằm trong top đầu của Cụm về học sinh giỏi cấp Tỉnh và cấp Huyện.
Kết quả có được hôm nay của Trường Tiểu học Quỳnh Ngọc đều đánh dấu sự nỗ lực cố gắng của tập thể cán bộ, giáo viên và nhân dân địa phương nơi đây; đặc biệt là sự tâm huyết, chân thành của người đứng đầu để xây dựng được niềm tin tưởng đối với phụ huynh là rất quan trọng. Thầy Ngô An Hải, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ngoài sự ủng hộ của lãnh đạo xã về hành lang pháp lý, việc chăm sóc nuôi dạy học sinh của các bậc phụ huynh; việc kêu gọi sự ủng hộ về vật chất của các tổ chức đoàn thể, của phụ huynh rất khó, nhưng nếu việc làm của mình xuất phát từ cái tâm, không bị cám dỗ bởi những lợi ích cá nhân, việc sử dụng những đồng tiền được ủng hộ minh bạch, công khai thì sẽ được mọi người tin tưởng, hết lòng ủng hộ”. Thực tế ở Trường Tiểu học Quỳnh Ngọc trong thời gian qua, công tác xã hội hóa có nhiều chuyển biến đáng kể, đã đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp giáo dục của địa phương. Ban Giám hiệu nhà trường đã chủ động đề xuất với cấp Ủy, chính quyền địa phương, phối hợp với các gia đình phụ huynh nhằm thống nhất quy mô, kế hoạch phát triển nhà trường; đồng thời đề ra các biện pháp giáo dục học sinh chưa ngoan, quan tâm giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Mặt khác nhà trường phối hợp tốt với các tổ chức chính trị - xã hội và cá nhân có liên quan để tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học nuôi dạy con cho cha mẹ và cộng đồng. Huy động nhiều nguồn lực từ cộng đồng để chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, góp phần xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn; tạo điều kiện để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục học sinh.
Thầy giáo Nguyễn An Hải cho biết thêm, để làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, kinh nghiệm từ công tác lãnh đạo cho thấy: Người Hiệu trưởng phải tạo được niềm tin, luôn đi đầu trong mọi việc làm, tích cực tham gia vào các công việc của nhà trường, tổ chức tốt công tác tuyên truyền, nêu gương tốt về công tác xã hội hóa giáo dục, về hiệu quả đạt được. Phối hợp với xã, các cơ quan ban ngành để đưa ra chủ trương công tác. Nhà trường luôn chủ động tham gia vào các hoạt động của địa phương và duy trì tốt mối quan hệ gắn bó với địa phương, các ban ngành đoàn thể, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn để huy động nhiều nguồn lực cho nhà trường, có kế hoạch sử dụng các nguồn lực huy động một cách hợp lý, đúng mục đích, dân chủ, công khai và có hiệu quả. Bên cạnh đó, trách nhiệm của Hiệu trưởng là phát huy vai trò của Hội phụ huynh học sinh, các nhà “tư vấn tự nguyện” để làm công tác xã hội hóa giáo dục. Việc làm đó là cả một quá trình và là “nghệ thuật” của Hiệu trưởng, tạo mối quan hệ giữa đối tượng và chủ thể có sự gắn kết. Trong các cuộc họp phụ huynh, khi cần ý kiến và trao đổi về xây dựng cơ sở vật chất, thầy hiệu trưởng luôn tổ chức họp chung toàn trường rồi đưa ra bàn bạc, thống nhất ý kiến, chứ không giao nhiệm vụ cho từng giáo viên chủ nhiệm lớp. Điển hình như trong thời điểm trước đây, trường có 2 phòng học đang xuống cấp nghiêm trọng, dột nát, sân trường nước mưa lầy lội, Thầy Ngô An Hải quyết định họp phụ huynh vào một ngày mưa, để phụ huynh thấy được những nguy hiểm có thể xảy ra đối với phòng học dột nát, cũng như từng vũng nước mưa trên sân trường mà học sinh gặp phải. Từ đó tư vấn, tham mưu cho Hội cha mẹ học sinh có cơ sở làm việc với lãnh đạo các cấp về đầu tư xây dựng trường, lớp. Kết quả là nhà trường phối hợp với cha mẹ học sinh và lãnh đạo xã kêu gọi kinh phí hỗ trợ và đã được UBND huyện Quỳnh Lưu và UBND tỉnh Nghệ An đầu tư xây dựng thêm 1 dãy nhà 2 tầng với 8 phòng học, kinh phí trên 3 tỷ đồng, trong đó mỗi phụ huynh chỉ phải đóng góp 1 triệu đồng trong 4 năm học của con, em mình.
Tuy nhiên, để công tác XHHGD ở huyện Quỳnh Lưu phát triển hiệu quả hơn nữa và người dân hiểu rõ vai trò của giáo dục là “Quốc sách hàng đầu” trong thời kỳ kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế; trong thời gian tới nhà trường cần định hướng, tiếp tục kêu gọi sự đồng tình ủng hộ của gia đình, xã hội, tạo niềm tin, sự đồng lòng, ủng hộ và giúp đỡ, để quy hoạch lại trường lớp gọn gàng hơn, xây dựng trường xanh - sạch - đẹp hơn và quan trọng hơn nữa là tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng giao dục để xứng đáng với công lao của nhà trường, gia đình và xã hội đã đầu tư. Mong rằng trong thời gian tới, Trường Tiểu học Quỳnh Ngọc có đủ điều kiện để được công nhận trường đạt Chuẩn Quốc gia mức độ II như mong muốn.
HằngTrang