Sự quan tâm của Chính phủ tiếp tục được thể hiện ở Công văn số 4436/VPCP-KGVX ngày 03/6/2013 về việc “giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam và các cơ quan có liên quan tổ chức Hội nghị tổng kết 20 phát triển mô hình giáo dục ngoài công lập”.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam đã chủ động liên hệ với Bộ GD&ĐT để sẵn sàng phối hợp. Hiệp hội được biết Bộ chưa thể tổ chức Hội nghị tổng kết trong quý III năm 2013, mà phải lui đến tháng 12/2013 và có thể lâu hơn. Vì vậy, để thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 26/9/2013, Hiệp hội đã tổ chức Hội nghị đánh giá 20 năm hiệu quả hoạt động của các trường đại học cao đẳng ngoài công lập.
Kiến nghị tăng tỷ lệ sinh viên ngoài công lập
Trong Hội nghị đánh giá 20 năm hoạt động, Hiệp hội đã khẳng định vị trí và vai trò quan trọng, không thể thiếu của giáo ĐH ngoài công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Với hơn 80 trường ĐH, CĐ ngoài công lập, hàng năm xã hội đã có thêm gần 300.000 chỗ học cho con, em nhân dân. Điều này không chỉ giải tỏa được áp lực đối với các trường công lập, mà còn đào tạo và cung cấp thêm nhân lực bậc cao cho đất nước. Về phương diện tài chính, số tiền đã huy động được trong từ năm 2000 đến nay, thông qua học phí, đã là gần 30 ngàn tỉ đồng, gấp 6 lần tổng số tiền phát hành Trái phiếu giáo dục lần đầu.
Đồng thời, khối trường ĐH, CĐ ngoài công lập không chỉ khai thác được nguồn kinh nghiệm và chất xám của xã hội mà còn tạo ra mô hình trường tự chủ, năng động, hiệu quả có sức phát triển tốt. Những đóng góp trên đã minh chứng chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính phủ về xã hội hóa trong giáo dục.
Để chủ trương này được thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: Tiếp tục khẳng định và khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và đào tạo đại học; Tăng tỉ lệ sinh viên ngoài ngoài công lập; cho thí điểm loại hình cơ sở giáo dục cộng đồng đầu tư theo tinh thần Nghị quyết TW 8 (Khóa XI).
Việc đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa giáo dục đại học là xu thế của thế giới. Kinh nghiệm phát triển GDĐH ngoài công lập của các nước trong khu vực cho thấy giáo dục nghề nghiệp và GDĐH chủ yếu sử dụng nguồn lực từ người học. Ngân sách giáo dục của họ tập trung chủ yếu cho giáo dục phổ cập.
Nước có dân cư không lớn như Malaysia, hiện nay có 600 trường đại học và chuyên nghiệp tư thục. Ở Hàn quốc, có tới 81-84% học sinh tốt nghiệp phổ thông lên học đại học, trong số đó có 85% là học ở các trường tư thục”. Ở Nhật bản tính đến tháng 5/2011 tổng số trường đại học cao đẳng là 1224 trường, trong đó có 965 trường tư; tổng số sinh viên là 3219000, trong đó sinh viên học trường tư là 2421000 (chiếm 75,20%).
Nguồn lực mà các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập ở nước ta đóng góp trong 20 năm qua là rất đáng kể. Thực tế cho thấy, nếu có được cơ chế chính sách phù hợp, kịp thời, khuyến khích và đẩy mạnh xã hội hóa hơn nữa, thì GDĐH ngoài công lập sẽ có thể tạo ra được nguồn lực to lớn, giúp cho giáo dục nước ta nói chung, giáo dục đại học nói riêng thoát ra khỏi tình trạng khó khăn và yếu kém hiện nay.
Cụ thể là, nếu giáo dục nghề nghiệp và GDĐH chủ yếu sử dụng nguồn lực từ người học, không bao cấp 70% chi phí đào tạo cho toàn bộ sinh viên công lập như lâu nay, thì ngân sách giáo dục có thể tập trung chủ yếu vào việc giải quyết tốt các mục tiêu phổ cập ở các bậc học phổ thông, đầu tư đủ để đảm bảo đào tạo có chất lượng tốt đối với nguồn nhân lực của một số ngành đặc biệt, phục vụ công ích và hỗ trợ cho các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, để cho họ có cơ hội học tập.
Cái áo tư thục không thể khoác chung
Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho rằng, việc mở thêm các trường ĐH, CĐ từ nay cần đảm bảo sự “hài hòa” giữa công lập và ngoài công lập, nên tập trung chủ yếu vào giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học ở những nơi có điều kiện.
Để có được sự phát triển “hài hòa” (Nghị quyết 8) ở giáo dục đại học, cần xem xét và điều chỉnh sự phát triển “nóng” trong những năm qua của khối trường đại học, cao đẳng công lập. Số liệu thông kê của Bộ GD&ĐT cho thấy trong 8 năm (từ năm 2006 đến năm 2013) số trường công được thành lập là 111 trường, quân bình mỗi năm có 14 trường ra đời, gấp 3 lần tốc độ trường ngoài công lập.
Nghị quyết 14/2005/NQ-CP của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020 chủ trương “mở rộng khu vực ngoài công lập”. Mục tiêu đề ra tới năm 2010 số sinh viên ngoài công lập phấn đấu đạt 40%. Nhưng đến năm 2013 mới chỉ đạt được gần 14%/.
Như vậy, nội dung của Nghị quyết 14/2005/NĐ-CP của Chính phủ đã không được nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần xem xét lại sự tồn tại của loại hình trường dân lập ở bậc đại học và thí điểm loại hình cơ sở giáo dục cộng đồng đầu tư (Nghị quyết 8).
Mô hình trường dân lập hình thành và và phát triển từ 1993 đến năm 2005. Sau vài ba năm, 4 trong số 19 trường đại học dân lập đã chuyển đổi được sang loại hình trường tư thục (theo QĐ 122/2006/QĐ-TTg). Hiện còn 14 trường đang vướng mắc về tài sản tăng lên trong quá trình hoạt động và đang lúng túng không biết hoạt động theo quy chế nào mới đúng quy định.
Được biết, các trường này ra đời ở những thời điểm, giai đoạn khác nhau, với những điều kiện, thách thức khác nhau, bằng nhiều hình thức huy động những nguồn vốn khác nhau. Thông tư hướng dẫn chuyển đổi chưa giải quyết thỏa đáng những vấn đề nảy sinh từ nhiều sự khác nhau này. Bởi có nhiều phức tạp nên sau 4 năm Quyết định 122/2006/QĐ-TTg mới có Thông tư hướng dẫn. Thông tư ban hành chưa được bao lâu, lại tiếp tục nghiên cứu sửa đổi bổ sung. Sự ách tắc về chuyển đổi này đang cần được tháo gỡ để các trường được ổn đinh và “an cư lạc nghiệp”.
Trong kiến nghị của Thủ tướng, Hiệp hội cũng chỉ rõ, không phải trường nào cũng có nguyện vọng chuyển sang tư thục. Thậm chí một số trường đang hoạt động tốt, từ khi lập đề án chuyển đổi lại nảy sinh ra nhiều vấn đề phức tạp, mất đoàn kết, ảnh hưởng tiêu cực không ít đến việc ổn định và phát triển của nhà trường.
Để tháo gỡ sự ách tắc nêu trên, Hiệp hội đề xuất không nên bắt buộc mà để các trường tự quyết định lấy, trên cơ sở nguyện vọng của đa số cổ đông. Như vậy mô hình trường dân lập sẽ còn và điều này phù hợp với xu thế “Hướng tới có loại hình cơ sở giáo dục do cộng đồng đầu tư” ở GDĐH.
Hiện tại, “cái áo tư thục” không thể khoác chung cho tất cả các trường ĐH ngoài công lập. Đã đến lúc cần tổng kết kỹ lưỡng 20 năm GDĐH ngoài công lập. Điều lệ trường đại học phải làm rõ có các hình thức huy động vốn (góp vốn, cổ phần, hay vay vốn,...), phát sinh chênh lệch thu chi, xác định các hình thức sở hữu (phân biệt giữa sở hữu chung hợp nhất và sở hữu chung hỗn hợp từ nguồn đầu tư). Đồng thời bám sát chỉ đạo của Đảng (Văn kiện Đại hội XI, NQ TW 8) để hình thành mô hình giáo dục đại học ngoài công lập hợp lý, trong đó mô hình đại học cộng đồng đầu tư (theo hướng chỉ đạo của TW Đảng) cần được cụ thể hóa và thí điểm.
Theo: GDVN