Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcMỘT SỐ GIẢI PHÁP CƠ BẢN NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO CHO DOANH NHÂN VIỆT NAM HIỆN NAY

MỘT SỐ GIẢI PHÁP CƠ BẢN NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO CHO DOANH NHÂN VIỆT NAM HIỆN NAY

Thứ năm, 12 Tháng 10 2017 02:19

NGUYỄN THỊ THU HẰNG
Học viên cao học K25 - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

 

Nhận bài ngày 02/10/2017. Sửa chữa xong 10/10/2017. Duyệt đăng 12/10/2017.
Abstract
Buddhism is one of the great religions in our country. The humanistic spirit and the good direction of Buddhism deeply influenced Vietnam’s culture through history ages. In the trend of globalization and international integration that has strongly influenced both Vietnam’s culture and people, struggle between good and evil is taking place all the time and in everywhere. Therefore, promoting Buddhist moral education for businessman in general and Vietnamese people in particular is important. The paper proposes some basic solutions to promote positive impacts and overcome negative influences of Buddhist ethics on businessman in our country nowadays.
Keywords: Moral education, Buddhism, Vietnamese businessmen.

 

1. Phát huy vai trò của Đảng và Nhà nước đối với giáo dục đạo đức doanh nhân Việt Nam
1.1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân
Những năm qua, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nhân (DN) trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhận thức và thực hiện quan điểm đó, nhiều cấp Ủy Đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm đến sự phát triển của doanh nghiệp, hướng hoạt động của DN vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương. Đội ngũ DN (ĐNDN) đã phát huy tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm với xã hội, từng bước nâng cao được uy tín, thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp, góp phần nâng cao vị thế của nước ta trong khu vực và quốc tế. Không ít DN đã tích cực tham gia các chương trình “xóa đói, giảm nghèo”, “đền ơn đáp nghĩa”, “chương trình vì cộng đồng”, gắn bó hơn với giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và phát huy vai trò ĐNDN ở nước ta hiện nay cần: nâng cao nhận thức về vai trò của ĐNDN trong sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh (KD) bình đẳng và thuận lợi cho DN; hỗ trợ DN mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, khuyến khích phát triển DN khu vực khó khăn; quan tâm, tạo chuyển biến trong đào tạo và bồi dưỡng DN; đề cao vai trò của đạo đức (ĐĐ), văn hoá KD, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc của ĐNDN, xây dựng quan hệ lao động hài hòa; phát huy vai trò của các tổ chức đại diện của cộng đồng doanh nghiệp và ĐNDN… Những điều này thể hiện rõ trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng: “Tạo điều kiện xây dựng, phát triển ĐNDN lớn mạnh, có trình độ quản lí, KD giỏi, có ĐĐ nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội cao” [1; tr 49].
Vì vậy, các cấp Ủy Đảng cần thường xuyên quan tâm xây dựng và phát triển ĐNDN; lắng nghe và tham vấn ý kiến của DN; quan tâm lãnh đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm phiền hà, sách nhiễu trong việc thực hiện các thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, DN; chú trọng xây dựng tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; nâng cao giác ngộ chính trị cho người sử dụng lao động và người lao động, bảo đảm cho hoạt động của doanh nghiệp, DN theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thí điểm việc kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng, tạo điều kiện cho ĐNDN có đại diện trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị; đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức, đoàn thể trong doanh nghiệp, hướng dẫn để các tổ chức, đoàn thể hợp tác cùng DN góp phần xây dựng kế hoạch sản xuất, KD có hiệu quả, xây dựng ĐĐ, văn hoá KD, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, bảo đảm doanh nghiệp phát triển bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của người lao động không ngừng được nâng cao. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước đã thường xuyên tôn vinh, khen thưởng đối với DN Việt Nam có đóng góp to lớn đối với sự phát triển KT-XH trong những năm qua.
Cùng với quan điểm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, việc Đảng ta có những chuyển biến quan trọng trong phát triển ĐNDN là tất yếu, phù hợp với yêu cầu khách quan. Những chuyển biến này định hướng cho việc phát triển toàn diện ĐNDN cả về số lượng và chất lượng, cả về không gian hoạt động và lĩnh vực đầu tư…
1.2. Nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện khung pháp luật Việt Nam tạo cơ sở vững chắc để bồi dưỡng đạo đức kinh doanh cho DN
Để đạo đức kinh doanh (ĐĐKD) đi vào cuộc sống và đông đảo quần chúng nhân dân tiếp cận thì cần phải hoàn thiện các Bộ luật Lao động, Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Môi trường… Một nguyên nhân quan trọng cho tình trạng yếu kém của ĐĐKD ở Việt Nam hiện nay là thiếu sự hoàn thiện trong khung luật pháp. Luật pháp chính là thước đo ý thức thực hiện ĐĐ, điều chỉnh nhưng chấp hành pháp luật là hành vi ĐĐ của con người. Vì vậy, pháp luật cũng cần phải thay đổi cho phù hợp với tình hình kinh tế đất nước. Thực tế này là hiệu quả tất yếu của việc chuyển từ cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để làm tốt hơn vai trò của mình trong việc xây dựng ĐĐKD cho DN Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, Nhà nước cần đổi mới hơn nữa các chính sách pháp luật trong KD; cần có những biện pháp khuyến khích DN, doanh nghiệp nâng cao ĐĐKD. Nhà nước cần đề ra và hoàn thiện bộ tiêu chí về ĐĐKD để phổ biến rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp, DN và toàn xã hội. Các văn bản pháp quy cần có sự chỉnh sửa kịp thời cho phù hợp với tình hình mới. Các Thông tư, Nghị định cần được ban hành nhanh chóng, dễ thực hiện; áp dụng linh hoạt hơn để buộc những cá nhân, tổ chức hoạt động KD ở địa bàn phải tuân thủ và thực hiện nghiêm chỉnh. Đồng thời, cần tiến hành một cuộc vận động thường xuyên xây dựng và thực hiện tốt ĐĐKD của DN. ĐĐKD kết hợp với pháp luật sẽ điều chỉnh các hành vi của DN theo các chuẩn mực ĐĐ xã hội.
1.3. Quản lí chặt chẽ, xử lí nghiêm những DN có hành vi vi phạm ĐĐ trong KD
Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động KD của DN. Đây là lĩnh vực còn tồn tại nhiều bất cập ở nước ta. Vì vậy, cần nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng ĐĐ, lối sống của đội ngũ cán bộ quản lí Nhà nước, phòng chống tham ô, tham nhũng, lãng phí. Ngoài ra, cần có những biện pháp khuyến khích DN, doanh nghiệp nâng cao ĐĐKD; từ đó, Nhà nước cần đề ra và hoàn thiện Bộ tiêu chí về ĐĐKD để phổ biến rộng rãi trong cộng đồng, DN, doanh nghiệp và toàn xã hội; tiến hành một cuộc vận động thường xuyên về xây dựng và thực hiện ĐĐKD; áp dụng những hình thức tôn vinh xứng đáng các DN thực hiện xuất sắc những chuẩn mực của ĐĐKD. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về ĐĐKD, khuyến khích báo chí vào cuộc nhằm phát hiện, đưa ra công luận những cá nhân, hành vi vi phạm pháp luật và ĐĐKD; đồng thời, nêu những tấm gương điển hình tốt về những cá nhân và tổ chức doanh nghiệp, DN có thành tích xuất sắc trong xây dựng và thực hiện ĐĐKD.
Như vậy, các DN phải thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình KD theo phát luật; xây dựng ý thức KD, cạnh tranh lành mạnh để cùng nhau phát triển. Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lí nghiêm các hình thức cạnh tranh kém lành mạnh, vi phạm pháp luật và những vi phạm ĐĐKD của DN không phải là đơn giản, mà tốn nhiều công sức và tiền bạc.


2. DN phải nhận thức, tiếp thu, chọn lọc những giá trị của đạo đức Phật giáo
DN với vai trò quan trọng là những người trực tiếp lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp góp phần vào sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước. Nhưng để có thể đứng vững trên thị trường, đòi hỏi mỗi DN phải tự bồi dưỡng hiểu biết, năng lực quản lí và ĐĐKD.
2.1. DN cần tự bồi dưỡng kiến thức về KD, năng lực quản lí để có thể điều hành hoạt động sản xuất KD đạt hiệu quả
DN phải có hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực KD, nhạy bén trong việc áp dụng tiến bộ khoa học, như vậy sẽ mang lại nhiều thành quả tốt trong sản xuất. Thực tế cho thấy, ngoài vốn hiểu biết về chuyên môn, để có thể làm việc tốt và thực sự hiệu quả, DN cần có các kĩ năng: giao tiếp, làm việc nhóm, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng… Vai trò lãnh đạo, quản lí của DN rất quan trọng bởi những quyết định của họ ảnh hưởng đến hiệu quả KD và sự tồn tại của doanh nghiệp. Hoạt động KD là một hoạt động sáng tạo và phải đối diện với nhiều khó khăn như: quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu… Điều đó, đòi hỏi các DN phải luôn mài giũa năng lực và phẩm chất của mình. Năng lực lãnh đạo là khả năng định hướng và điều khiển hành động của người khác để thực hiện những mục đích nhất định. Vai trò lãnh đạo là hướng dẫn, điều khiển, ra lệnh, làm gương và chịu trách nhiệm trước công ti về quyết định của mình. Vì vậy, vai trò lãnh đạo của DN ảnh hưởng không nhỏ đến các thành viên và hoạt động sản xuất KD của doanh nghiệp. Năng lực lãnh đạo được thể hiện cơ bản ở các khía cạnh sau: khơi dậy động lực cho nhân viên, dẫn dắt họ hướng tới các mục tiêu chung của doanh nghiệp; có kế hoạch lâu dài, định hướng sự phát triển với kế hoạch rõ ràng, phát hiện ra những ý tưởng mới, tìm kiếm cơ hội cho doanh nghiệp; năng lực giải quyết các sự cố mà doanh nghiệp gặp phải. Tất cả điều đó là thước đo thể hiện tài năng, bản lĩnh của mỗi DN.
2.2. DN cần tuân thủ những chuẩn mực trong ĐĐKD
Không phải ngẫu nhiên mà người ta đã đặt chữ “tài” của DN bên cạnh chữ “tâm”, bởi KD mà không có “tâm” thì hậu quả sẽ khó lường. Trong đó, ĐĐ Phật giáo có những hạt nhân tích cực giúp DN áp dụng vào lĩnh vực sản xuất KD của mình. Lợi nhuận là một trong các yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến sự tồn tại và phát triển trong hoạt động KD của DN. Tuy nhiên, nếu DN chỉ coi lợi nhuận là mục tiêu duy nhất để phát triển mà xem nhẹ ĐĐ và sự tồn tại của cộng đồng thì hoạt động KD của DN đó khó có thể tồn tại được. Bởi ĐĐKD như một bộ phận cấu thành quan trọng nhất của văn hóa KD, là yếu tố nền tảng tạo nên sự tin cậy của đối tác và người tiêu dùng. DN phải nhận thức được vai trò của chữ “tín” đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp; phải giữ được lòng tin, mối quan hệ bền vững với người lao động, là chỗ dựa đáng tin cậy của người lao động và ngược lại; đồng thời, cũng cần có trách nhiệm đối với các hoạt động chung của xã hội.
Thực tế cho thấy, trong hoạt động KD của DN hiện nay, ĐĐKD chưa được coi trọng. Cần phải cụ thể hóa hơn nữa những chuẩn mực cho các nhà KD hiểu và thực hiện được. Các chuẩn mực cần có tiêu chí cụ thể để đánh giá, không nên suy xét chung chung, phiến diện.


3. Phát huy vai trò của tổ chức Giáo hội Phật giáo trong đời sống xã hội nói chung và DN nói riêng
Phát huy tinh hoa ĐĐ Phật giáo có ảnh hưởng to lớn đến việc xây dựng nhân cách ĐĐ con người. Vì thế, chính sách tôn giáo luôn được Đảng ta quan tâm, giải quyết trong thời gian qua. Nghị quyết 25-NQ/TƯ “Về công tác tôn giáo” năm 2003 của BCH Trung ương Đảng khóa IX có ghi: “Tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết dân tộc… ĐĐ tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới” [1; tr 242].
3.1. Nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của ĐĐ Phật giáo đối với việc xây dựng ĐĐKD của DN
ĐĐ Phật giáo là những nguyên tắc ĐĐ để tín đồ Phật giáo rèn luyện, tu dưỡng, điều chỉnh hành vi ĐĐ của mình, hình thành những đức tính tốt đẹp trong nền kinh tế thị trường hiện nay, như: sống trung thực, lương thiện, từ bi, hỷ xả… hướng tới nội tâm. Vì vậy, khai thác những mặt tích cực của ĐĐ Phật giáo để góp phần xây dựng ĐĐKD của DN là việc làm hết sức cần thiết.
Phật giáo với quan niệm về lối sống: “lương thiện”,“luật nhân quả”, “nghiệp báo”, “luân hồi”… sẽ tác động đến việc hình thành nhân cách, ĐĐKD của DN. Trong KD sự trung thực, giữ chữ tín là những chuẩn mực quan trọng luôn được đề cao. Tuy nhiên, không ít DN đặt lợi nhuận lên trên hết, gây hậu quả nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe của người tiêu dùng. Do vậy, việc DN gian dối, làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để đẩy mạnh tiêu thụ, nhằm bán số lượng sản phẩm lớn nhất để thu được nhiều lợi nhuận mà không quan tâm đến chất lượng, vấn đề an toàn của sản phẩm đối với người tiêu dùng, cũng như không quan tâm đến môi trường thì dễ bị “chết yểu” trong KD.
Thực hành lối sống “từ bi”, “hỷ xả” trong sạch, “quan tâm đến người khác”, “tương thân tương ái”, “vị tha”, “thương người”… sẽ tác động đến ĐĐKD của DN trong việc thực hiện trách nhiệm kinh tế và trách nhiệm xã hội mang tính ĐĐ nhân văn của mình. Chẳng hạn: - Đối với người lao động, DN phải đảm bảo cho người lao động yên tâm làm việc, có thu nhập ổn định, tổ chức các buổi học nâng cao tay nghề, đảm bảo chế độ bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe, chế độ nghỉ dưỡng cho người lao động…; - Đối với khách hàng, luôn quan tâm đảm bảo lợi ích, sự hài lòng của người tiêu dùng đối với sản phẩm KD; - Với nhà cung ứng, đối tác KD, phải luôn giữ chữ tín trong công việc; - DN còn phải có trách nhiệm đảm bảo lợi ích của các cổ đông của doanh nghiệp…Ngoài ra, DN còn phải có trách nhiệm đối với những tổ chức xã hội, với cộng đồng xã hội… Doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và thiện nguyện sẽ tự tạo nên uy tín và thương hiệu đối với người tiêu dùng, như: giúp đỡ người già, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, xây nhà tình thương, thăm hỏi, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh… sẽ làm cho xã hội tiến bộ, cân bằng và tốt đẹp hơn.
Ngoài ra, trong quan niệm của Phật giáo, con người luôn sống hài hòa với thiên thiên sẽ tác động đến hành vi của DN trong việc khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên. Hệ sinh thái của thế giới đang bị đe dọa bởi sự theo đuổi thiếu ý thức về ham muốn vật chất và lợi ích của con người, đặc biệt trong hoạt động sản xuất KD của DN, doanh nghiệp. Việc DN cố tình vi phạm, cố tình vô trách nhiệm với môi trường (xả khí thải, chất thải không được xử lí) sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân; hay gây nên những hiện tượng hiệu ứng nhà kính, làm trái đất nóng lên… Theo Phật giáo, chúng ta tin tưởng rằng nếu một người có hành động lành mạnh, thì kết quả sẽ có lợi ích lâu dài, ngược lại sẽ chết yểu và khổ đau. Đây chính là luật “nhân quả” mà chúng ta thường gọi là “nghiệp”. Sớm hay muộn, chúng ta phải gánh những hậu quả của nghiệp từ các hành vi, ý chí của mình gây ra. Vì thế, thấm nhuần tư tưởng ĐĐ tích cực từ Phật giáo là một yếu tố căn bản để DN xây dựng ĐĐKD, xây dựng thương hiệu của riêng mình.
3.2. Phát huy vai trò của Phật tử trong việc tuyên truyền giá trị ĐĐ của Phật giáo tới ĐĐDN
Phát huy vai trò của Phật tử, các tổ chức Giáo hội ở Việt Nam trong xây dựng ĐĐDN là việc làm hết sức cần thiết. ĐĐ Phật giáo muốn phát huy hơn nữa ý nghĩa của mình trong công cuộc xây dựng ĐĐ xã hội. Giáo hội Phật giáo các cấp cần có chương trình hoạt động cụ thể, khuyến khích, động viên, hướng dẫn các tín đồ tham gia vào quá trình phát triển KT-XH, vận dụng những giá trị văn hóa ĐĐ tốt đẹp của Phật giáo trong xây dựng ĐĐDN hiện nay. Trong quá trình đó, các chức sắc giữ vai trò quan trọng trong việc làm gương với tín đồ Phật tử; cần nêu cao phẩm hạnh tu hành, là tấm gương ĐĐ cho mỗi tín đồ học tập và noi theo. Đồng thời, các chức sắc Phật giáo cần nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, có sự phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể chính trị để đưa việc giáo dục pháp luật, ĐĐKD vào cùng với giáo dục ĐĐ Phật giáo tới các tín đồ. Bên cạnh đó, các chức sắc cần thường xuyên phát huy những giá trị ĐĐ Phật giáo để hướng dẫn, giáo dục tín đồ học tập những tấm gương “người tốt, việc tốt” trong tôn giáo, sống và làm việc theo pháp luật, hành đạo luôn hướng tới “gắn đạo với đời”, gắn lợi ích của Phật giáo với lợi ích quốc gia, dân tộc. Quan trọng hơn, các chức sắc cần chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động thực tiễn, hoạt động ích nước, lợi nhà. Mặt khác, cần nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh chống lại những hoạt động mê tín dị đoan, những hoạt động lợi dụng tôn giáo đi ngược lại với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.


4. Về phía nhân dân
Người tiêu dùng là người quyết định hành vi mua sắm của chính mình và nhu cầu mua sắm của con người ngày càng tăng dần. Chính từ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp đã có nhiều sáng kiến tiến bộ, nhiều sản phẩm, dịch vụ đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao; đồng thời, tăng tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của mình, người tiêu dùng cần phải:
4.1. Mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái
Không chỉ nâng cao nhận thức của DN, doanh nghiệp về ĐĐKD mà còn có cả người tiêu dùng và toàn xã hội. Mỗi người dân chính là người tiêu dùng sản phẩm của DN, doanh nghiệp, nhưng không phải ai cũng hiểu và nắm rõ được vai trò của mình trong quá trình mua sắm. Người tiêu dùng là người mua và sử dụng hàng hóa, dịch vụ của cơ sở KD. Qua đó, họ có thể đưa ra những ý kiến đóng góp hữu ích và chính xác về sản phẩm và dịch vụ mà mình sử dụng. Tùy thuộc vào thị hiếu tiêu dùng và ý kiến thu thập được từ phía người tiêu dùng mà doanh nghiệp có thể điều chỉnh lại phương pháp sản xuất, hoàn thiện sản phẩm sao cho phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Vì không ý thức được vai trò to lớn đó nên nhiều người tiêu dùng đã bỏ qua hoặc không quan tâm tới những quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Nhận thức và nắm rõ được vai trò quan trọng của mình là người tiêu dùng đã tạo ra công cụ để bảo vệ quyền lợi không bị xâm phạm. Mỗi người dân cần tự trang bị cho bản thân cách chọn lọc, đánh giá và sử dụng thông tin hợp lý trong từng trường hợp tiêu dùng cụ thể. Là người tiêu dùng thông thái, cần: chi tiêu khoa học cho những nhu cầu cơ bản; tìm hiểu thông tin về sản phẩm rõ ràng, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; hàng hóa không gây độc hại, ô nhiễm môi trường; biết chính xác để tham khảo về giá cả, chất lượng và một số tiện ích liên quan; không dễ bị tác động và quyết định vội bởi các thông tin quảng cáo…
4.2. Biết tự bảo vệ quyền, lợi ích của mình khi mua phải hàng hóa kém chất lượng
Khi thấy hàng hoá có dấu hiệu không bình thường cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng, chứ không chỉ phản ứng tiêu cực là im lặng... Sự lên tiếng của những người tiêu dùng chính là một kênh thông tin quan trọng giúp các cơ quan chức năng vào cuộc... Lên án, bài trừ, báo cáo cho chính quyền các cấp khi phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm ĐĐKD của DN; chia sẻ những địa chỉ KD uy tín cho mọi người xung quanh để người tiêu dùng lựa chọn được những sản phẩm tốt nhất đảm bảo sức khỏe của mình. Mỗi người dân để trở thành người tiêu dùng thông thái, đảm bảo được quyền lợi cho chính mình, không chỉ cần sự nỗ lực chủ quan từ phía người tiêu dùng, mà còn cần đến sự quan tâm, hỗ trợ khách quan từ nhiều phía mới có thể ngăn chặn được những vi phạm về mặt kinh tế, ĐĐ trong KD của DN.


* * *


Để nâng cao uy tín và thương hiệu hàng hóa, đòi hỏi mỗi DN không chỉ có tri thức khoa học, bí quyết sản xuất KD mà quan trọng là phải có ĐĐ, lương tâm và tính thiện. Muốn vậy, bên cạnh giáo dục truyền thống văn hóa nói chung thì việc khai thác giá trị nhân văn, nhân đạo của các tôn giáo là hết sức cần thiết. Cái đích của Phật giáo hướng tới là đức từ bi, hỷ xả, hướng thiện. Vì thế, khai thác và phát huy giá trị nhân văn, nhân đạo hướng thiện của Phật giáo cho các DN sẽ góp phần quan trọng đến sự phát triển kinh tế bền vững, gắn phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ góp phần quan trọng vào công tác khắc phục hạn chế của các DN Việt Nam hiện nay.

 

Tài liệu tham khảo
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011.
2. Minh Chi, Truyền thống văn hóa và Phật giáo, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2003.
3. Nguyễn Duy Cần, Phật học tinh hoa, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 1992.
4. Đoàn Chung Còn, Triết học nhà Phật, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2003.
5. Nguyễn Trọng Chuẩn, Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay và những biến động trong lĩnh vực đạo đức, Tạp chí Triết học, số 9/2001, tr 24-27.
6. Võ Thị Dương, Nguyễn Ngọc Hà, Mối quan hệ giữa đạo đức và kinh doanh, Tạp chí Triết học, số 11/2012, tr 36-39.
7. Võ Thị Dương, Đinh Công Sơn, Vấn đề xây dựng đội ngũ doanh nhân trong sự tác động của nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay, Tạp chí Giáo dục lí luận, số 231/2015, tr 31-35.

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516