Công ty Luật TNHH Nguyên Khanh và Cộng sự
Vũ Đức Minh
Thư ký Toà án nhân dân thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ
Nhận bài ngày 25/3/2025.Sửa chữa xong 02/4/2025. Duyệt đăng 07/4/2025.
Abstract
The right to divorce, a fundamental personal right under marriage and family law, is protected by the 2013 Constitution, the 2015 Civil Code, and the 2014 Marriage and Family Law. However, practical difficulties arise in determining jurisdiction and processing such cases, particularly when the plaintiff can only provide the defendant’s last known address in Vietnam or the address listed in the marriage certificate, which can lead to a variety of difficulties in applying laws in practice. This article examines these issues, gives practical examples and evaluates current legal provisions, and proposes recommendations to address inconsistencies and enhance the application of the law in resolving such divorce disputes.
Keywords: Divorce, jurisdiction, Vietnamese citizen abroad, foreign element, legal procedure.
1. Đặt vấn đề
Vụ án ly hôn có bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài hoặc vụ án ly hôn giữa công dân Việt Nam với công dân nước ngoài là trường hợp đặc thù. Quyền ly hôn là một trong các quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình, được pháp luật bảo vệ theo quy định tại Điều 36 Hiến pháp 2013, Điều 39 Bộ luật Dân sự 2015, và Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Trong các tranh chấp ly hôn có yếu tố nước ngoài, có nhiều tình huống như: nguyên đơn là người Việt Nam ở trong nước xin ly hôn với bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài; nguyên đơn là người Việt Nam ở nước ngoài xin ly hôn với người Việt Nam ở trong nước; nguyên đơn và bị đơn là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam; hoặc nguyên đơn là người Việt Nam ở trong nước xin ly hôn với bị đơn là người nước ngoài... Tuy nhiên, trên thực tế, việc nguyên đơn chỉ cung cấp được địa chỉ cuối cùng của bị đơn tại Việt Nam hoặc địa chỉ theo hồ sơ kết hôn mà không xác định được địa chỉ hiện tại ở nước ngoài của bị đơn thường gây khó khăn trong việc xác định thẩm quyền và thụ lý vụ án. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu, đánh giá các trường hợp bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài cố tình che giấu địa chỉ và các vụ ly hôn giữa người Việt Nam với người nước ngoài khi chỉ có địa chỉ từ hồ sơ kết hôn, đồng thời đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện quy định pháp luật.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Ly hôn trong trường hợp bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài cố tình giấu địa chỉ
Theo Điều 10 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP ngày 16/05/2024 của Hội đồng Thẩm phán – Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), trong vụ án ly hôn mà nguyên đơn là người Việt Nam ở trong nước xin ly hôn với bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài nhưng chỉ cung cấp được địa chỉ cư trú cuối cùng tại Việt Nam, Tòa án giải quyết như sau: “Trường hợp qua người thân thích của bị đơn có căn cứ xác định họ có liên hệ với người thân thích ở trong nước nhưng người thân thích của họ không cung cấp địa chỉ của bị đơn cho Tòa án, không thực hiện yêu cầu của Tòa án thông báo cho bị đơn biết thì được coi là cố tình giấu địa chỉ. Trường hợp Tòa án đã yêu cầu đến lần thứ hai mà người thân thích của họ không cung cấp địa chỉ của bị đơn cho Tòa án, không thực hiện yêu cầu của Tòa án thông báo cho bị đơn biết thì Tòa án tiếp tục giải quyết, xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung”[2].
Quy định này dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau:
- Trường hợp thứ nhất: Nguyên đơn ở trong nước, bị đơn ở nước ngoài nhưng có hộ khẩu thường trú tại Việt Nam. Theo điểm e, khoản 1, Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và Điều 10 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP ngày 16/05/2024 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Tòa án không trả lại đơn khởi kiện mà thụ lý, xác minh qua người thân thích của bị đơn. Nếu người thân không cung cấp địa chỉ hoặc không thông báo cho bị đơn hoặc đã thông báo cho bị đơn nhưng bị đơn không có ý kiến hoặc không tham gia tố tụng thì Tòa án vẫn giải quyết theo thủ tục chung, đảm bảo quyền ly hôn của nguyên đơn và quyền được thông báo của bị đơn. Quy định này của TANDTC là hoàn toàn phù hợp, kế thừa và luật hoá Văn bản Hướng dẫn nghiệp vụ số 253/TANDTC-PC ngày 26/11/2018 của TANDTC về việc “giải quyết vụ án ly hôn có bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài nhưng không rõ địa chỉ” [6]. Trên thực tế, người Việt Nam khi xuất cảnh ra nước ngoài để định cư, sinh sống, học tập, làm việc thường là cư trú hợp pháp, có địa chỉ rõ ràng, ổn định. Tuy nhiên, trong một số trường hợp vì lí do cá nhân, họ thường xuyên thay đổi địa chỉ, cư trú bất hợp pháp nên không có địa chỉ cụ thể để cung cấp cho nguyên đơn hoặc họ sẽ cố tình từ chối cung cấp địa chỉ cho nguyên đơn. Điều này vô hình chung sẽ gây khó khăn khi yêu cầu nguyên đơn phải cung cấp được địa chỉ của bị đơn. Hoặc bị đơn thường xuyên thay đổi địa chỉ ở nước ngoài trong cùng một quốc gia/ vùng lãnh thổ hoặc bị đơn thường xuyên thay đổi địa chỉ trong cùng hoặc khác quốc gia/ vùng lãnh thổ; hoặc trong trường hợp bệnh dịch, chiến tranh, tị nạn… Quy định này của Toà án nhân dân Tối cao là một chìa khoá hữu hiệu để giải quyết những vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài mà bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài nhưng cố tình giấu địa chỉ. Việc luật hoá quy định này không những bảo đảm quyền công dân, quyền con người, quyền được ly hôn mà còn bảo đảm thời gian tiến hành tố tụng và đơn giản hoá thủ tục tố tụng cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cũng như người tham gia tố tụng.
- Trường hợp thứ hai: Cả nguyên đơn và bị đơn đều ở nước ngoài, nhưng nguyên đơn chỉ cung cấp được địa chỉ hộ khẩu thường trú (trước khi xuất cảnh) của bị đơn tại Việt Nam mà không cung cấp được địa chỉ cụ thể của bị đơn ở nước ngoài.
Ví dụ: Chị Nguyễn Thị A và anh Nguyễn Văn B đều đăng ký hộ khẩu thường trú tại xã Hoằng Kim, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá và đều đang sinh sống, làm việc tại Liên bang Nga. Do mâu thuẫn hôn nhân trầm trọng nên chị Nguyễn Thị A khởi kiện xin ly hôn với anh Nguyễn Văn B. Tuy nhiên, mặc dù cả hai đều ở Liên Bang Nga nhưng anh Nguyễn Văn B chặn mọi liên lạc với chị Nguyễn Thị A nên chị Nguyễn Thị A khởi kiện vụ án đến Toà án nhân dân (TAND) tỉnh Thanh Hoá và chỉ cung cấp được địa chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú của anh Nguyễn Văn B mà không cung cấp được địa chỉ của anh Nguyễn Văn B tại Liên Bang Nga.
Trong trường hợp này, TAND tỉnh Thanh Hoá có thể từ chối thụ lý và giải quyết vụ án vì lí do trường hợp này không được luật hoá theo Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP. Cụ thể, tại Nghị quyết quy định: “Trong vụ án ly hôn, người Việt Nam ở trong nước xin ly hôn với người Việt Nam ở nước ngoài…” nhưng trong trường hợp này, chị Nguyễn Thị A và anh Nguyễn Văn B đều đang ở nước ngoài nên không phải trường hợp quy định tại Điều 10 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP.
Trên thực tế, TAND tỉnh Thanh Hoá đã ra văn bản yêu cầu chị A sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo hướng cung cấp địa chỉ của anh B tại Liên Bang Nga [7]. Tuy nhiên, chị A không thể cung cấp được địa chỉ của anh B. Do đó, TAND tỉnh Thanh Hoá đã trả lại đơn khởi kiện vì trường hợp này không đúng như quy định tại Điều 10 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP [8].
Cũng như trường hợp tương tự, cả nguyên đơn và bị đơn đều ở Nhật Bản nhưng nguyên đơn chỉ cung cấp được địa chỉ của bị đơn ở thị trấn Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Khi nguyên đơn khởi kiện, TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã ra thông báo yêu cầu nguyên đơn sửa chữa, bổ sung đơn khởi kiện theo hướng cung cấp địa chỉ của bị đơn ở nước ngoài [9]. Nguyên đơn có văn bản trình bày do vợ chồng sống ly hôn, tuy đều ở nước ngoài nhưng không biết địa chỉ của bị đơn nên không thể cung cấp được địa chỉ của bị đơn cho Toà án. TAND tỉnh Vĩnh Phúc vẫn thực hiện các thủ tục tố tụng và thụ lý, giải quyết vụ án theo thủ tục chung [10].
Có thể thấy rằng, cùng là trường hợp nguyên đơn không thể cung cấp được địa chỉ của bị đơn ở nước ngoài nhưng nguyên đơn ở trong nước và nguyên đơn ở nước ngoài vào thời điểm phát sinh yêu cầu khởi kiện. Tuy nhiên, cách vận dụng pháp luật và cách giải quyết của các Toà án thiếu sự đồng nhất. Ở Toà án này vẫn thụ lý và giải quyết nhưng ở Toà án khác lại từ chối thụ lý, giải quyết vì “không thuộc trường hợp luật định”. Trong trường hợp này, quan điểm của tác giả là Toà án phải thụ lý và giải quyết vụ án, vì phù hợp với Điều 10 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP mà không cần phụ thuộc vào thời điểm người khởi kiện thì họ ở Việt Nam hay ở nước ngoài.
Những cách áp dụng không thống nhất nêu trên cho thấy cần làm rõ quy định để tránh hiểu sai hoặc từ chối thụ lý vụ án không hợp lý gây khó khăn cho đương sự hoặc thậm chí ảnh hưởng đến quyền ly hôn của công dân.
2.2. Thẩm quyền của Tòa án Việt Nam trong vụ án ly hôn có bị đơn là người nước ngoài không cư trú tại Việt Nam
Các vụ án ly hôn giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài thường gặp khó khăn trong việc xác định thẩm quyền. Việc xác định thẩm quyền được hiểu là thẩm quyền của Toà án Việt Nam (thẩm quyền riêng của Toà án Việt Nam; thẩm quyền chung của Toà án Việt Nam) hoặc thẩm quyền theo cấp, theo lãnh thổ.
- Trường hợp thứ nhất: Nguyên đơn là công dân Việt Nam, sinh sống tại Việt Nam khởi kiện xin ly hôn với bị đơn là công dân nước ngoài ở nước ngoài.
Ví dụ, chị Nguyễn Thị M (quốc tịch: Việt Nam) kết hôn với anh JUAN HAO N (quốc tịch: Đài Loan, Trung Quốc) tại Uỷ ban nhân dân huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Chị Nguyễn Thị M có hộ khẩu thường trú và đang cư trú tại huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú thọ. Sau đó, chị Nguyễn Thị M khởi kiện xin ly hôn tại TAND tỉnh Phú Thọ. Ngày 11/02/2025, Toà án nhân dân tỉnh Phú Thọ ban hành Thông báo số: 109/TB-TA về việc trả lại đơn khởi kiện của chị M. TAND tỉnh Phú Thọ căn cứ điểm b khoản 1 Điều 472 và khoản 1 Điều 194 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 trả lại đơn khởi kiện với lý do: “Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án Việt Nam” [12].
Đối với vụ việc này, trong thời hạn luật định, chị M có đơn khiếu nại Thông báo trả lại đơn khởi kiện số 109/TB-TA ngày 11/02/2025 của TAND tỉnh Phú Thọ. Tại Quyết định giải quyết khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện số: 01/2025/QĐ-GQKN ngày 28/02/2025 của TAND tỉnh Phú Thọ đã căn cứ điểm d khoản 1 Điều 469 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, khoản 1 Điều 127 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, chấp nhận khiếu nại và nhận lại đơn khởi kiện của chị M [13].
Như vậy, khi giải quyết khiếu nại, Tòa án chấp nhận thụ lý dựa trên điểm d, khoản 1, Điều 469 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và khoản 1, Điều 127 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Có ba ý kiến về vụ việc này như sau:
- Ý kiến thứ nhất: Việc trả lại đơn là đúng vì vụ việc không thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam (Điều 470 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).
- Ý kiến thứ hai: Việc trả lại đơn là sai vì không có căn cứ xác định vụ việc thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án lãnh thổ Đài Loan, Trung Quốc.
- Ý kiến thứ ba: Tòa án vẫn phải thụ lý và đình chỉ giải quyết vụ án nếu Tòa án nước ngoài đã có phán quyết (điểm d, khoản 1, Điều 472 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).
Tác giả cho rằng, Toà án không thể trả lại đơn khởi kiện theo ý kiến thứ nhất, bởi Vụ án ly hôn giữa công dân Việt Nam với công dân nước ngoài thuộc thẩm quyền riêng biệt của Toà án Việt Nam theo điểm b, khoản 1, Điều 470 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Toà án cũng không thể trả lại đơn khởi kiện theo ý kiến thứ hai (nếu vụ án không thuộc thẩm quyền riêng biệt của Toà án Việt Nam và đồng thời thuộc thẩm quyền riêng biệt của Toà án nước ngoài). Lý giải điều này, bởi vì khi nguyên đơn khởi kiện thì nguyên đơn chỉ cung cấp được địa chỉ của bị đơn theo Giấy chứng nhận kết hôn (hoặc địa chỉ của bị đơn có trong hồ sơ kết hôn được lưu tại Cơ quan hộ tịch), bị đơn có thể cư trú tại địa chỉ được ghi trên Giấy chứng nhận kết hôn (hồ sơ kết hôn) hoặc địa chỉ khác hoặc ở nước thứ ba nên việc xác định “vụ việc thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án nước ngoài có liên quan” là không thể xác định. Đối với ý kiến thứ ba cũng không phù hợp, bởi mặc dù Toà án Việt Nam đã thụ lý vụ án và trong quá trình giải quyết nếu phát hiện Toà án nước ngoài đã ban hành bản án hoặc quyết định để giải quyết vụ việc này nhưng đương sự hoặc các đương sự chưa hoặc không yêu cầu Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành bản án hoặc trường hợp bản án, quyết định của Toà án nước ngoài trái luật pháp Việt Nam hoặc trái với các Công ước quốc tế, điều ước quốc tế, thoả thuận tư pháp… thì Toà án cũng không thể căn cứ vào bản án, quyết định đó để đình chỉ giải quyết vụ án đã thụ lý, đang giải quyết.
Trên thực tế, trong số các vụ việc ly hôn bị đơn là người nước ngoài ở nước ngoài hầu hết là các đương sự không thống nhất được với nhau về việc giải quyết vụ án. Việc kết hôn trước đây có thể được thực hiện ở nhiều nơi: Cơ quan đăng ký hộ tịch tại Việt Nam; cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người nước ngoài có quốc tịch; Ghi chú tại cơ quan tư pháp Việt Nam hoặc ghi chú tại Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam… Tuy nhiên, người khởi kiện chỉ cung cấp được địa chỉ của bị đơn thông qua hồ sơ kết hôn, Giấy chứng nhận kết hôn hoặc trích lục ghi chú kết hôn mà không cung cấp được địa chỉ của bị đơn ở nước ngoài. Tại thời điểm nguyên đơn khởi kiện thì Toà án cần căn cứ vào quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 470; điểm d, khoản 1, Điều 469; khoản 1, Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 để thụ lý và giải quyết.
- Trường hợp thứ hai: Nguyên đơn là công dân Việt Nam, sinh sống tại nước ngoài khởi kiện xin ly hôn với bị đơn là công dân nước ngoài ở nước ngoài.
Ví dụ: Anh Nguyễn Văn H có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Nam Định, sinh sống thực tế tại Đài Bắc, Đài Loan, Trung Quốc. Anh kết hôn cùng chị MIE XANG YAN quốc tịch Trung Quốc (Đài Loan), địa chỉ: Cao Hùng, Đài Loan, Trung Quốc. Tháng 3 năm 2023, anh H làm đơn khởi kiện xin ly hôn tại TAND tỉnh Nam Định. Tại thời điểm khởi kiện, anh H sinh sống tại Đài Loan nhưng không ở cùng địa chỉ với chị MIE XANG YAN. TAND tỉnh Nam Định ban hành Thông báo trả lại đơn khởi kiện vì lý do Vụ án không thuộc thẩm quyền của Toà án Việt Nam theo khoản 2, Điều 127 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 [14]. TAND tỉnh Nam Định cho rằng tại khoản 2, Điều 127 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng…”. Tại thời điểm anh Nguyễn Văn H khởi kiện, anh sinh sống tại lãnh thổ Đài Loan, chị MIE XANG YAN cũng có địa chỉ ở lãnh thổ Đài Loan, nên vụ việc được giải quyết tại “nước nơi thường trú chung của vợ chồng”, Toà án Việt Nam không có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp này. Anh Nguyễn Văn H không khiếu nại thông báo trả lại đơn khởi kiện nêu trên của TAND tỉnh Nam Định. Tháng 10 năm 2024, hết hạn hợp đồng lao động, anh H về Việt Nam và khởi kiện xin ly hôn với chị MIE XANG YAN tại TAND tỉnh Nam Định. TAND tỉnh Nam Định thụ lý và giải quyết theo thủ tục chung.
Quan điểm của tác giả, việc TAND tỉnh Nam Định trả lại đơn khởi kiện là không phù hợp. Bởi vì, tại thời điểm anh H khởi kiện, anh H có hộ khẩu thường trú ở tỉnh Nam Định; tại Đài Loan, anh H và chị MIE XANG YAN không cùng nơi cư trú, anh H không nhập khẩu về nhà chị MIE XANG YAN nên Đài Loan không thuộc trường hợp là “nước nơi thường trú chung của vợ chồng”. Trong trường hợp này, Toà án cần căn cứ vào địa chỉ nơi cư trú của nguyên đơn, địa chỉ nơi cư trú của bị đơn (theo Giấy chứng nhận kết hôn) để xác định thẩm quyền.
2.3. Một số kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật
Để giải quyết những bất cập nêu trên, tác giả đề xuất:
2.3.1. Cần sửa đổi, bổ sung Điều 10 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP theo hướng áp dụng cho trường hợp vụ án ly hôn có bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài nhưng không rõ địa chỉ mà không chia ra trường hợp nguyên đơn ở trong nước hay nguyên đơn ở nước ngoài vào thời điểm khởi kiện.
2.3.2. Cần sửa đổi, bổ sung điểm d, khoản 1, Điều 469 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về thẩm quyền chung của Toà án Việt Nam từ “Vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam” theo hướng: “Vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc vụ việc ly hôn mà các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam”.
2.3.3. Cần sửa đổi, bổ sung điểm b, khoản 1, Điều 470 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về thẩm quyền riêng biệt của Toà án Việt Nam từ “Vụ án ly hôn giữa công dân Việt Nam với công dân nước ngoài hoặc người không quốc tịch, nếu cả hai vợ chồng cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở Việt Nam;” theo hướng làm rõ phạm vi thẩm quyền riêng biệt của Toà án Việt Nam: “Vụ án ly hôn giữa công dân Việt Nam với công dân nước ngoài hoặc giữa công dân Việt Nam với người không quốc tịch hoặc giữa hai người không có quốc tịch với nhau, nếu cả hai vợ chồng cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở Việt Nam”.
2.3.4. Cần có hướng dẫn cụ thể và mở rộng quyền được tiếp cận thông tin của người khởi kiện khi thu thập tài liệu, chứng cứ về nơi cư trú của người bị kiện hoặc cho người khởi kiện được tự mình thu thập các tài liệu, chứng cứ về dữ liệu xuất, nhập cảnh của người bị kiện để phục vụ cho việc khởi kiện.
2.3.5. Cần có hướng dẫn cụ thể về việc yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện trong các vụ việc ly hôn có bị đơn ở nước ngoài cố tình giấu địa chỉ. TANDTC cần hướng dẫn cụ thể về:
2.3.6. Quy định rõ điều kiện Toà án yêu cầu người khởi kiện sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện trong trường hợp người khởi kiện không cung cấp được địa chỉ của bị đơn ở nước ngoài mà chỉ cung cấp được địa chỉ của bị đơn nơi cư trú cuối cùng ở Việt Nam.
- Quy định rõ trường hợp người khởi kiện không thể cung cấp được địa chỉ của bị đơn ở nước ngoài mà chỉ cung cấp được địa chỉ của bị đơn nơi cư trú cuối cùng ở Việt Nam không phải trường hợp trả lại đơn khởi kiện theo điểm e, khoản 1, Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (làm rõ đối với vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài).
- Quy định rõ hệ quả pháp lý của những vụ việc ly hôn mà thuộc thẩm quyền chung của Toà án Việt Nam mà thuộc hoặc không thuộc thẩm quyền riêng của Toà án Việt Nam mà người khởi kiện lựa chọn giải quyết tại Toà án Việt Nam.
- Quy định rõ khái niệm “Tòa án nước ngoài có liên quan” theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 472 Bộ luật Tố tụng dân s ự 2015 là Toà án nơi người bị kiện có quốc tịch hay nơi người bị kiện cư trú, làm việc, sinh sống.
2.3.7. Tăng cường ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp với các quốc gia/ vùng lãnh thổ để phân định rõ thẩm quyền giữa Tòa án Việt Nam và Tòa án nước ngoài.
3. Kết luận
Các vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài, đặc biệt khi bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài không rõ địa chỉ hoặc là bị đơn là người nước ngoài ở nước ngoài, đang gặp nhiều vướng mắc do quy định pháp luật chưa thống nhất. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định và hướng dẫn cụ thể từ TANDTC là cần thiết để đảm bảo quyền ly hôn của công dân Việt Nam, đồng thời tạo sự đồng bộ trong áp dụng pháp luật, góp phần giải quyết hiệu quả các tranh chấp hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.
Tài liệu tham khảo
[1] Quốc hội (2013), Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
[2] Quốc hội (2014), Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13.
[3] Quốc hội (2015), Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13.
[4] Quốc hội (2015), Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13.
[5] Hội đồng Thẩm phán – Tòa án Nhân dân Tối cao (2024), Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP ngày 16/05/2024 Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình.
[6] Toà án nhân dân tối cao (2018), Văn bản số 253/TANDTC-PC ngày 26/11/2018 về việc giải quyết vụ án ly hôn có bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài nhưng không rõ địa chỉ.
[7] Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá (2024), Thông báo số 07/2024/TB-TA ngày 19/06/2024 về việc yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện.
[8] Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá (2024), Thông báo số 02/2024/TA-TH ngày 11/07/2024 về việc trả lại đơn khởi kiện.
[9] Toà án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc (2024), Thông báo số 27/TB-TA ngày 16/5/2024 về việc yêu cầu sửa đổ, bổ sung đơn khởi kiện.
[10] Toà án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc (2024), Thông báo số 16/TB-TLVA ngày 03/10/2024 về việc thụ lý vụ án.
[11] Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an (2024), Văn bản số 1532/QLXNC-P3 ngày 15/03/2024 về việc cung cấp thông tin xuất, nhập cảnh.
[12] Toà án nhân dân tỉnh Phú Thọ (2025), Thông báo số 109/TB-TA ngày 11/02/2025 về việc trả lại đơn khởi kiện.
[13] Toà án nhân dân tỉnh Phú Thọ (2025), Quyết định giải quyết khiếu nại số 01/2025/QĐ-GQKN ngày 28/02/2025.
[14] Toà án nhân dân tỉnh Nam Định (2023), Thông báo số 01/2023/TB-TA ngày 10/04/2023 về việc trả lại đơn khởi kiện.
[2] Điều 10, Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP ngày 16/5/2024 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình.