Đổi mới nền giáo dục là một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Việt Nam và đã được bàn tới rất nhiều trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam, TS Trịnh Ngọc Thạch – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, trong số rất nhiều vấn đề tồn tại cần phải giải quyết thì đời sống của giáo viên chính là nút thắt quan trọng để tuyển chọn và đào tạo được nhân tài cho ngành giáo dục.
TS Trịnh Ngọc Thạch - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Ngọc Quang. |
PV: Thưa TS Trịnh Ngọc Thạch, trong đề án đổi mới mà Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình và được trung ương thông qua, ông cảm thấy có những điểm nào chưa yên tâm?
TS Trịnh Ngọc Thạch: Theo đề án đổi mới thì có rất nhiều thứ phải làm: Đổi mới về cơ chế quản lý; Đổi mới về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; Đổi mới về phương thức kiểm tra đánh giá; Đổi mới chương trình, giáo trình… Tóm lại những vấn đề đặt ra để đổi mới thì đúng rồi, và cũng đã được nói nhiều rồi, nhưng điều quan trọng nhất bây giờ là phải tập trung được nguồn lực.
Trước đây, chúng ta nói đổi mới rất nhiều rồi nhưng không tập trung được nguồn lực, vì thế cứ nói xong thì mọi chuyện lại qua đi, cuối cùng quanh quẩn cũng chưa giải quyết dứt điểm được. Thí dụ, đổi mới đội ngũ giảng viên thì phải đổi mới từ chính sách, đầu tiên phải làm cho rõ phông quan điểm: Người dạy học là ai? Thế nào là giảng viên, giáo viên? Vì sao đội ngũ này phải là lực lượng nòng cốt trong công cuộc đổi mới nền giáo dục? Làm thế nào để giảng viên, giáo viên sống tốt, không phải lo lắng đi kiếm sống với những việc không đúng chuyên môn hoặc dạy thêm quá mức.
PV: Thưa ông, về vấn đề cơ chế đặc thù cho giáo viên, giảng viên cũng đã được một số chuyên gia có uy tín trong ngành đề cập, nhưng xem ra việc này rất khó làm, bởi vì nhiều ngành khác cũng muốn xin cơ chế đặc thù?
TS Trịnh Ngọc Thạch: Giải quyết xong được lộ trình về chính sách thì cần phải có Luật Nhà giáo trình Quốc hội thông qua. Trong đề xuất của chúng tôi thì trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 sẽ phải trình được Luật Nhà giáo để Quốc hội xem xét thông qua. Tôi cho rằng, cần phải thay đổi quan niệm hiện nay, giáo viên và giảng viên sẽ có một thang riêng có tính đặc thù, chứ không ghép vào viên chức nhà nước.
Với quan niệm như vậy thì giáo viên, giảng viên mới có cơ chế chính sách riêng, qua đó chúng ta sẽ tuyển chọn được người thực sự giỏi, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.
Đúng là đã có những ý kiến nói rằng bây giờ nếu ngành giáo dục có thang lương riêng thì ngành khác cũng muốn, nhưng nói một cách công bằng chúng ta đã xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, đất nước chỉ có thể đi lên từ giáo dục vậy thì phải tập trung nguồn lực để đạt được mục tiêu này.
Bên cạnh đó, cũng phải đào tạo lại đội ngũ giảng viên, giáo viên, bởi vì thực tế hiện nay là nhiều người yếu về nghiệp vụ sư phạm. Thí dụ có những người tốt nghiệp Khoa Vật lý ĐH Tổng hợp thế là đi dạy, nhưng chưa qua đào tạo về khoa học giáo dục, nghiệp vụ sư phạm để nắm bắt được các phương pháp nghiên cứu và giảng dạy, thành ra có nhiều người năng lực thì tốt nhưng kỹ năng sư phạm lại không tốt.
Thứ hai là phải sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm. Vừa rồi, một số trường sư phạm đã chuyển thành trường đa ngành, đào tạo nhiều ngành phục vụ cho nhu cầu kinh tế – xã hội, mà ít chú trọng tới ngành sư phạm vốn là chức năng chính của mình. Thí dụ, ĐH Sư phạm Vinh chuyển thành ĐH Vinh, khoa sư phạm đã bị thu hẹp quy mô. Điều này là do tình hình thực tế hiện nay không còn nhiều người mặn mà với sư phạm vì hai yếu tố: học xong không tìm được việc, nếu có tìm được việc thu nhập thấp.
Trong câu chuyện đào tạo của các trường sư phạm cũng nảy sinh bất cập, ấy là chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm. Bản thân các trường sư phạm cũng không có nguồn thu để duy trì tốt quá trình quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo. Còn đối với người học ban đầu thì rất hào hứng, nhưng rồi dần dần cũng bị bão hòa, không còn mấy em giỏi muốn vào ngành sư phạm nữa, cho nên mới có chuyện ngay cả đầu vào ĐH Sư phạm I mấy kỳ tuyển sinh gần đây cũng rất thấp.
Như vậy, nhà nước phải có một cơ chế đổi mới các cơ sở đào tạo sư phạm, qua đó mới chọn được những người có trình độ cao.
Nâng cao chất lượng đời sống giáo viên là một khâu quan trọng trong quá trình đổi mới nền giáo dục. Ảnh minh họa, nguồn internet. |
PV: Như ông đã nói trong đổi mới giáo dục thì đụng tới rất nhiều vấn đề, vậy thì chọn bước đi thế nào là phù hợp nhất?
TS Trịnh Ngọc Thạch: Đúng là có rất nhiều thứ như con người, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, quản lý… cùng một lúc thì không thể giải quyết được rất cả mọi thứ. Vì vậy, chúng ta phải chọn được những điểm có thể làm được ngay thí dụ như đổi mới kiểm tra đánh giá, chương trình, SGK. Qua quá trình giám sát, chúng tôi thì thấy rằng chương trình hiện nay bộc lộ rất nhiều hạn chế và Bộ Giáo dục thì cũng đang tích cực để khắc phục vấn đề này vào năm 2015. Hy vọng sau 2015 sẽ có chương trình mới tốt hơn, đáp ứng yêu cầu mới.
Song song với đổi mới cách đánh giá, chương trình, giáo trình, SGK thì cần đổi mới cơ chế quản lý, đội ngũ giảng viên, giáo viên. Ngoài việc nâng cao trình độ thì phải có cơ chế khuyến khích những người có trình độ cao, vừa rồi chúng ta đã có nghị định hướng dẫn áp dụng Luật Giáo dục Đại học: Nếu là Giáo sư thì kéo dài thời gian công tác 10 năm sau nghỉ hưu, Phó Giáo sư được kéo dài thời gian công tác 7 năm, còn Tiến sĩ là 5 năm. Bên cạnh đó, công nhận ngạch Giáo sư là chuyên gia cao cấp, còn Phó Giáo sư ngang với chuyên viên cao cấp. Trước đây thì phải thi nhưng bây giờ không phải thi mà đương nhiên được công nhận như vậy, đi kèm với nó là thang bảng lương.
Liên quan tới hai nội dung này có một vấn đề hết sức quan trọng phải giải quyết đó là kinh phí để đổi mới. Hiện nay có những ý kiến cho rằng kinh phí nhà nước đầu tư cho giáo dục còn thấp, nhưng tôi thì cho rằng không thấp, bởi vì ngoài 20% ngân sách nhà nước chi thường xuyên thì còn có kinh phí từ các dự án, chương trình… tiền học phí của học sinh, sinh viên… cộng tổng lại thì đó là con số vô cùng lớn chứ không phải 20%. Vấn đề bây giờ là chúng ta làm thế nào tận dụng được nguồn lực này để chi vào đúng mục tiêu thôi. Do đó, tôi cho rằng tài chính không phải là vấn đề khó, mà cái khó nhất là làm sao sử dụng có hiệu quả, tạo được sự đồng thuận trong xã hội.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo: GDVN