Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcMô hình ĐH, CĐ NCL phát triển chưa xứng với những gì đã có

Mô hình ĐH, CĐ NCL phát triển chưa xứng với những gì đã có

Thứ sáu, 27 Tháng 9 2013 01:27
“Sau 20 năm phát triển mô hình giáo dục đại học ngoài công lập, giờ là lúc ta cần phải nghiên cứu các chính sách về pháp lý, quản lý, tài chính ...có giúp cho hệ thống này được ổn định để phát triển, hay còn những điều chưa hợp lý gây nhiều trì trệ, lãng phí?”

GS Hoàng Xuân Sính – Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Thăng Long đặt vấn đề trong Hội nghị đánh giá 20 mô hình trường ĐH, CĐ NCL được tổ chức tại Hà Nội ngày 26/9. 

Mô hình NCL chưa xứng với tiềm năng

Đánh giá về mô hình các trường ĐH, CĐ NCL trong hơn 20 năm qua kể từ khi có Trung tâm ĐH Thăng long ra đời năm 1988 đến nay, GS. Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam (VIPUA) cho biết, giáo dục đại học của chúng ta chưa hoàn thành được sứ mạng cao cả là đào tạo ra lực lượng lao động cấp cao, có chất lượng, xây dựng được sức mạng trí tuệ của đất nước, góp phần trực tiếp xây dựng quốc gia, làm cho đất nước phát triển nhanh chóng và bền vững – giáo dục đại học chưa làm được điều này.

Chủ tịch Trần Hồng Quân cũng cho rằng, nếu ngân sách nhà nước không đáp ứng đủ cho giáo dục thì phải có khâu đột phá và không có cách nào khác là thực hiện tốt xã hội hóa, đây là một chủ trương tốt nhưng còn nhiều vướng mắc, còn nhiều định kiến, trong đó trường NCL là những sản phẩm của xã hội hóa.

20 nam1

GS. Trần Hồng Quân: Giáo dục đại học của chúng ta chưa hoàn thành được sứ mạng cao cả là đào tạo ra lực lượng lao động cấp cao, có chất lượng, xây dựng được sức mạng trí tuệ của đất nước, góp phần trực tiếp xây dựng quốc gia, làm cho đất nước phát triển nhanh chóng và bền vững. Ảnh Xuân Trung

 

Bản thân các trường ĐH, CĐ NCL có hai sứ mạng quan trọng: huy động lực lượng xã hội làm giáo dục và xây dựng một mô hình đại học năng động, sáng tạo, hiệu quả do phải tự chủ cao. Hiện nhiều trường trong 1-2 năm mới thành lập đã khẳng định được vai trò và sứ mạng của mình, có cơ ngơi khang trang như Đại học Thành Tây, Đại học Đại Nam, Đại học Tân Tạo, Đại học quốc tế miền Đông..., đó là những dấu hiệu khẳng định và tin rằng chủ trương xã hội hóa giáo dục là đúng và đầy triển vọng.

Những thành tựu trong việc đóng góp nguồn nhân lực cho đất nước, làm phong phú thêm cho hệ thống  giáo dục, đặc biệt gánh được rất nhiều chi phí giáo dục cho nhà nước. Tuy vậy, GS Trần Hồng Quân nhận định, Bộ GD&ĐT lại rất ít ghi nhận những thành công của các trường ĐH, CĐ NCL.

Thêm nữa định kiến của xã hội luôn cho rằng vào trường NCL là kém chất lượng, không có cơ hội tìm việc làm. Điều này được trả lời minh chứng cụ thể bằng việc rất nhiều trường NCL sinh viên tốt nghiệp ra làm được việc, không qua đào tạo như Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Đại học Thăng Long, Đại học Dân lập Hải Phòng, Đại học Duy Tân, Đại học Quốc tế miền Đông...

Tuy nhiên, theo GS Quân định kiến xã hội lâu nay vẫn rất nặng nề, thể hiện là việc sinh viên vào các trường NCL luôn giảm xuống, theo số liệu mới tỉ lệ này chỉ đạt khoảng 12,7%. Bên cạnh đó, tốc độ phát triển của các trường cũng chỉ bằng 1/3 các trường công lập. Chủ tịch Trần Hồng Quân đặt câu hỏi; chừng ấy năm các trường phát triển lay lắt, ai chịu trách nhiệm, nếu không có gì thay đổi thì tỉ lệ 12,7% đó có thể thấp hơn ở những năm tiếp theo?.

Trong thời gian tới Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL kiến nghị 3 yêu cầu quan trọng để mô hình trường NCL phát triển đúng như tự thân các trường vốn được như thế. Thứ nhất, Nhà nước triển khai thực hiện Nghị định 69, trong đó có vấn đề đất đai, tín dụng và thuế, phải khẳng định trách nhiệm thuộc về ai?

Thứ hai, thực hiện Luật giáo dục đại học không có điều kiện, giao tuyển sinh cho các trường, đương nhiên Bộ GD&ĐT giám sát. 

Thứ ba, cho các tổ chức ngoài nhà nước  thành lập các Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục độc lập. VIPUA đã hoàn tất công tác chuẩn bị để thành lập trung tâm kiểm định này. 

Nói về mô hình NCL trong hơn 20 năm qua, GS. Hoàng Xuân Sính – người khởi xướng đầu tiên cho mô hình NCL cho biết, chúng ta đang vung tay quá chớn, phung phí tiền bạc của ngân sách và của nhân dân vì ta cần gì có nhiều đại học ở mỗi tỉnh. 

Cụ thể, theo GS. Hoàng Xuân Sính, trong năm 2010 và 2011 có thêm 6 đại học nữa ở Hà nội trong đó 4 là công nâng cấp và 2 trường tư. Hai trường tư mới ra đời ở Hà nội là: Đại học Tài chính-Ngân hàng Hà nội và Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Á châu trong khi Bộ Giáo dục khuyến cáo nên hãm phanh mở tài chính- ngân hàng vì dư thừa cử nhân ngành này trong xã hội, còn ngành mỹ thuật công nghiệp thì rất nhiều trường đại học tư đã có. 

“Việc mở nhiều trường đại học, nhất là trường công là do nôn nóng muốn có số sinh viên trên vạn dân tăng nhanh; ta thường lấy một số nước làm chuẩn, chẳng hạn năm 2010 số sinh viên của ta đạt khoảng 200 sinh viên/1vạn dân trong khi đó Thái lan đã đạt khoảng 400 sinh viên/1 vạn dân. Lấy chỉ tiêu như vậy đúng hay sai? nếu biết rằng thu nhập bình quân đầu người của Thái Lan gấp hơn 4 lần Việt Nam, thì có thể biết rằng tăng sinh viên Việt Nam nhanh như thế là quá vội vàng, tăng các trường trong các năm 2010, 2011, 2012 như thế cũng là quá nóng, dẫn đến không có chất lượng, lãng phí cho đất nước và đào tạo ra không dùng được” GS. Hoàng Xuân Sính nêu quan điểm.

Cũng theo GS. Sính, việc đưa ra những chính sách cản trở sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập, thứ nhất làm hệ thống này có nhiều nguy cơ sụp đổ, và thứ hai còn nguy hại hơn nữa, đó là làm hệ thống các trường đại học công không có tiền để phát triển, lôi kéo toàn bộ hệ thống giáo dục đại học không bao giờ khởi động được.

Tự hào là mô hình trường NCL

GS. Trần Hồng Quân khẳng định, mô hình trường NCL là loại hình mới, thành phần mới, tự chịu trách nhiệm về tài chính, các trường phải có những tố chất mới năng động, sáng tạo, hiệu quả. Trong tương lai khi hệ thống giáo dục đào tạo phát triển đúng quy luật, cạnh tranh bình đẳng, các trường NCL sẽ phát triển mạnh và có những trường là mô hình đối chứng về tổ chức quản lí.

20 nam2

Bà Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen cho biết, các trường NCL không phải chỉ có nhiệm vụ huy động tiền bạc từ xã hội để làm giáo dục cùng với nhà nước, mà trường NCL là huy động mọi nguồn lực từ xã hội làm giáo dục. Ảnh Xuân Trung

 

Tuy nhiên, hiện nay vị thế và vai trò của mô hình trường NCL này chưa được hoàn toàn tạo điều kiện phát triển theo như những gì nó vốn có. Thậm chí có một số quan điểm làm chậm tỉ lệ sinh viên NCL trong cơ cấu sinh viên cả hệ thống.

TS. Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Đại học FPT nhắc lại quan điểm của ông trong Hội nghị đánh giá 20 năm mô hình các trường NCL. Ông cho biết, tỉ lệ sinh viên/ 1 vạn dân hiện nay chúng ta chỉ hơn được Lào, Campuchia, Bruney, nhưng kém xa các nước trong khu vực như Thái Lan, Sìngapore, Indonesia, Philipin. Một mặt chúng ta mong kinh tế phát triển nhưng với hệ thống đại học nói chung đáp ứng được như mong muốn, vẫn làm cho xã hội phải bận tâm.

Cũng theo TS. Lê Trường Tùng, tỉ lệ sinh viên NCL nếu tính cả cao đẳng chỉ đạt khoảng 14%, vậy đây là con số cao hay thấp? TS. Tùng cho rằng, con số này ở mức thấp tương đương với hai vùng thấp của thế giới là Châu Âu – nơi Chính phủ đủ giàu để chi phát triển hệ thống công lập, khu vực nữa là nơi nghèo nhất thế giới – Châu Phi. Tỉ trọng hiện nay của khu vực châu Á khoảng 30% là NCL, nhưng chúng ta mới chỉ có khoảng 13%.

Sau 20 năm phát triển hệ thống trường ĐH, CĐ NCL mới chỉ chiếm 13% mặc dù trước đây nhiều năm đã có chính sách xã hội hóa, năm 2005 sau khi có Luật giáo dục đã có Nghị quyết 14 về việc nâng sinh viên NCL lên 40%. Năm 2007 trong quy hoạch hệ thống CĐ, ĐH toàn quốc cũng có đặt mục tiêu sinh viên NCL cố gắng đạt 40% hoặc 30%, nhưng  thực tế con số hiện nay như vậy là không yên tâm.

“Chúng tôi thực sự không yên tâm khi năm 2012 Chính phủ ban hành Chiến lực phát triển giáo dục Việt Nam tới năm 2020 và đã bỏ ra ngoài chiến lược phát triển mục tiêu liên quan tới việc phát triển hệ thống NCL. Trong chiến lực phát triển 2012 về giáo dục Việt Nam nói chung đã không còn chỉ tiêu dự kiến sinh viên NCL chiếm 30% nữa. 

Gần đây nhất tháng 6/2013 Chính phủ kí tiếp bản Điều chỉnh quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học Việt Nam tới năm 2020, thực sự đáng lo ngại so với quy hoạch năm 2007 chỉ tiêu phát triển sinh viên NCL chiếm 30% đã bị bỏ đi. Không những thế, trong quy hoạch nói rõ đến năm 2015 không tăng chỉ tiêu, và sau năm 2015 mỗi năm tăng khoảng 0,3%” TS. Tùng lo ngại.

Cũng theo hiệu trưởng Trường ĐH FPT, phải chăng với số liệu trên là đang thực hiện quan điểm hạn chế số lượng để tăng chất lượng? TS. Tùng khẳng định, thực sự đáng lo ngại vì đó hoàn toàn trái với quy luật chung, điều đó sẽ chặn đứng tỉ trọng phát triển hệ thống NCL, nếu như hiện nay 13% trong những năm tiếp theo không tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Đến năm 2020 cố gắng phấn đấu cũng chỉ đạt ngưỡng 15%, khi đó hình dung trong Báo có cạnh tranh của Diễn đàn kinh tế thế giới thì tiêu chí giáo dục đại học của ta nằm ở khoảng trên dưới 100.

Nhìn nhận trong một xu thế khả quan hơn, bà Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen cho biết, các trường NCL không phải chỉ có nhiệm vụ huy động tiền bạc từ xã hội để làm giáo dục cùng với nhà nước, mà trường NCL là huy động mọi nguồn lực từ xã hội làm giáo dục, trong nguồn lực còn có đất, có tiền, trong nguồn lực có trí tuệ, có trách nhiệm công dân, có sự năng động, sáng tạo, có tâm huyết của người làm giáo dục. 

“Giáo dục Việt Nam nói chung và Giáo dục đại học nói riêng mà không đủ sức cạnh tranh thì chứng tỏ Việt Nam vẫn là một trong nước còn nghèo so với thế giới, du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ - nơi có nền giáo dục rất đắt đỏ thì du học sinh của ta chiếm hàng thứ 9, thứ 8, và sắp tới sẽ chiếm thứ 7, thứ 6? Vậy xu hướng đưa con ra nước ngoài du học mặc dù biết vô cùng tốn kém, mặc có nhiều rủi ro cho người đi học thì xu hướng này vẫn diễn ra và đã trở thành thực tế, lúc này có cần chúng ta phải khuyến khích thêm các em nữa hay không?” bà Phượng đặt vấn đề.

Mặc dù thực trạng mô hình trường NCL phát triển chưa như mong muốn nhưng lãnh đạo trường ĐH Hoa Sen tự hào rằng, việc phát triển giáo dục đại học NCL như những gì chúng ta đã có, mặc dù biết rằng các nước có chính sách thuận lợi hơn. Mô hình trường NCL không chỉ có huy động từ tiền và đất, tiền và đất có thể thua xa công lập. 

“Nhà nước có làm gì để rút ngắn khoảng cách bất bình đẳng đó hay không là việc của nhà nước, tôi vẫn nghĩ trường NCL còn huy động được tinh thần, tâm huyết, trí tuệ, tài năng, trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của những nhà giáo dục. Đây là  sức mạnh vô biên” bà Phượng khẳng định.

Theo: giaoduc.net.vn

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516