Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcMỘT SỐ ĐIỀU BẤT CẬP TRONG VIỆC THỰC THI CÁC CHÍNH SÁCH TRONG CHỦ TRƯƠNG XÃ HỘI HÓA GIÁO DỤC

MỘT SỐ ĐIỀU BẤT CẬP TRONG VIỆC THỰC THI CÁC CHÍNH SÁCH TRONG CHỦ TRƯƠNG XÃ HỘI HÓA GIÁO DỤC

Thứ sáu, 08 Tháng 3 2013 09:57
PGS.TS. Trần Xuân NhĩPhó Chủ tịch VIPUA Vào những năm 1980 của thế kỷ trước, tình hình kinh tế của đất nước ta có nhiều khó khăn, đã ảnh hưởng đến sự phát triển về chất lượng và số lượng của ngành giáo dục. Chẳng hạn đến những đầu thập niên 1990 bậc giáo dục Mầm non đã đạt tới 3 triệu cháu lúc bấy giờ đã giảm xuống còn khoảng 1,5 triệu cháu. Trước tình hình bậc học Mầm non gần như đang đứng trên bờ vực sụp đổ, ngành giáo dục đã kịp thời chủ trương tiến hành xã hội hóa, cho phép các tổ chức, cá nhân mở các trường mầm non dân lập, tư thục. Nhờ vậy chỉ trong mấy năm sau bậc học mầm non đã từng bước khôi phục lại số lượng các cháu dần dần trở lại như cũ. Số học sinh mầm non trong các trường dân lập, tư thục đã chiếm gần 50%.

Tại thành phố Đà nẵng có nhiều trường mầm non tư thục được thành lập. Chẳng hạn Trường Mầm non tư thục Đức Trí ban đầu chỉ có 30 cháu, dựa vào cơ sở vật chất của một gia đình, nhưng hiện nay đã phát triển gần nghìn cháu, có khu trường khang trang đàng hoàng mà Nhà nước không phải đầu tư.

 

Tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội có rất nhiều trường mầm non tư thục đạt chất lượng cao có cơ sở vật chất và hoạt động chuyên môn đạt Chuẩn Quốc gia, đồ chơi phong phú, các cháu vừa chơi vừa học thoải mái. Số các cháu trong một lớp học chỉ từ 20 – 25 cháu, trong lúc đó ở các trường công lập số cháu một lớp có thể đến 50-60 cháu. Mỗi lớp chỉ có vài cô giáo, không đáp ứng yêu cầu dạy và học.

 

Năm 1993 tại thành phố Hải Phòng một tổ chức xã hội đã chi hỗ trợ 100 triệu đồng cho việc mở các trường lớp tư thục, mỗi lớp mầm non mở ra được hỗ trợ 1triệu đồng để mua bàn nghế, đồ chơi, cơ sở vật chất là nhà dân hay các nơi còn để trống được tu sửa lại. Sở Giáo dục Hải Phòng có trách nhiệm bồi dưỡng giáo viên. Kết quả là đã mở được 130 lớp, đón được 2.500 cháu. Nếu cũng với số tiền này Nhà nước đầu tư thì chỉ xây dựng được 2 lớp học và đón tối đa 60 cháu.

 

Đối với bậc học tiểu học và trung học cơ sở đang thực hiện phổ cập, hạn chế việc mở các trường dân lập, tư thục, tuy nhiên sự đóng góp của cha mẹ học sinh trong việc hỗ trợ cơ sở vật chất, sân trường, vườn trường đối với các trường cũng không phải là nhỏ bé.

 

Bậc học trung học phổ thông hiện nay có đến 1/3 số trường tư thục, đã gánh đỡ cho Nhà nước một lượng kinh phí không nhỏ. Nhiều trường tư thục THPT ở Hà Nội như Trường Lương Thế Vinh, Trường Đông Đô hàng năm số học sinh thi đỗ vào đại học, cao đẳng đạt 60-70% thậm chí có năm đạt được 90%.

 

Đặc biệt, đối với bậc học đại học và cao đẳng, hiện có khoảng 15% tổng số là trường đại học, cao đẳng ngoài công lập. Số sinh viên khoảng 350.000 đã đỡ cho Nhà nước mỗi năm khoảng 4-5 tỷ đồng. Sinh viên của các trường ngoài công lập như Trường Đại học lân lập Thăng Long, Trường Đại học dâp lập hải Phòng, Trường Đại học tư thục Bình Dương, ra trường phần lớn đã có việc làm. Ngoài ra còn phải kể đến có hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên tự túc đi học ở nước ngoài,
nguồn kinh phí của dân bỏ ra cũng rất đáng kể.

 

Qua một số ví dụ nêu trên ta thấy rằng việc xã hội hóa nói chung và công tác xã hội hóa giáo dục nói riêng đã hỗ trợ một cách đáng kể cho sự phát triển số lượng và chất lượng cho ngành giáo dục, góp phần cùng ngành giáo dục đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH đất nước.

 

Để thúc đẩy việc xã hội hóa trong nhiều lĩnh vực ngày 30/5/2008 Chính phủ đã ban hành Nghị định 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường. Trong Nghị định này, Chính phủ đã đề ra nhiều chính sách có lợi cho công tác xã hội hóa. – Khoản 2 Điều 4: Nhà nước, xã hội coi trọng và đối xử bình đẳng đối với các sản phẩm và dịch vụ của cơ sở thực hiện xã hội hóa. Khoản 3 Điều 4: Nhà nước có nhiệm vụ giao đất, cho thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa… có chính sách hỗ trợ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực xã hội hóa. Vấn đề giao đất, cho thuê đất còn được nhắc lại kỹ lưỡng trong Điều 6 của Nghị định này. Về vốn tín dụng Điều 9 đã quy định: Cơ sở thực hiện xã hội hóa được vay vốn tín dụng đầu tư hoặc hỗ trợ sau đầu tư. Về thuế thu nhập Điều 8 cũng nói rõ: Cơ sở thực hiện xã hội hóa mới thành lập, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, được miễn thuế thu nhập 4 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm tiếp theo. Trong quyết định này chưa đề cấp đến chính sách hỗ trợ đối với người đi học tại các cơ sở xã hội hóa giáo dục từ bậc học mầm non cho đến đại học ngoài công lập. Những chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế trong Nghị định, nếu được thực dày đủ sẽ thúc đẩy mạnh mẽ xã hội hóa giáo dục.

 

Tuy nhiên, đã qua 4 năm, những nội dung quan trọng ấy của Nghị định vẫn chưa đi vào cuộc sống. Do vậy, tốc độ và hiệu quả xã hội hóa trong giáo dục bị hạn chế khá nhiều. Điều này đã có ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng và phát triển số lượng trong ngành giáo dục. Thậm chí trong ngành giáo dục, ở một số địa phương còn có những chủ trương chính sách mâu huẫn với tinh thần Nghị định, không phù hợp với Luật Giáo dục, gây ra những bất lợi không đáng có đối với các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập. Chẳng hạn như Đà Nẵng, Nam Định có chủ trương từ chối tuyển công chức đối với đối tượng học tại chức, hoặc học ở trường đại học dân lập, tư thục. Hiện nay, đa số các trường tư thục từ mầm non đến trung học, cao đẳng, đại học không nhận được sự hỗ trợ đất đai hay cho vay tín dụng để xây dựng trường như trong Nghị định đề ra. Vấn đề thuế đối với các trường ngoài công lập, các địa phương cũng thực hiện theo nhiều cách khác nhau, có địa phương đã thu thuế các trường tư thục như doanh nghiệp thuần túy, không hề có chính sách ưu đãi nào. Các trường muốn được hưởng chính sách ưu đãi thì phải có những điều kiện nghiệt ngã: Trường nào đạt được tỉ lệ 25M2 đất/1 sinh viên thì mới được hưởng chính sách ưu đãi. Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì làm sao các trường ngoài công lập thành lập từ trước năm 2007 không thể nào đạt được tiêu chí đất đai nêu trên. Hiện vẫn cò khá nhiều trường công lập được Nhà nước bao cấp mọi mặt mà vẫn không đạt được tiêu chí đất đai đó thì làm sao các trường ngoài công lập có thể đáp ứng được.

 

Trước tình hình như vậy, để đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong giáo dục theo như Nghị quyết của Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XI về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, chủ trương xã hội hóa giáo dục tiếp tục là một khâu hết sức quan trọng. Tôi xin kiến nghị với Chính phủ và một số bộ, ngành cần quan tâm đầy đủ tới những vấn đề sau đây.

 

1. Chính phủ cần có chỉ thị cho các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc rà soát lại việc thực hiện Nghị định 69 và có chế tài đối với những bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện, hoặc chưa thực hiện đầy đủ, hoặc có những chủ trương ngược lại với những điều quy định trong Nghị định 69.

 

2. Nhà nước cần cung cấp đất sạch, cung cấp đủ tiêu chuẩn diện tích đất/sinh viên, học sinh cho tất cả các trường ngoài công lập từ mầm non cho đến đại học, cao đẳng.

 

3. Ngân hàng chính sách cần cho các trường ngoài công lập vay vốn ưu đãi để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nhà trường với lãi xuất 0% trong vòng 5 năm đầu và 2-3% trong những năm tiếp theo, có thế thì các cơ sở giáo dục ngoài công lập mới nhanh chóng có đủ cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy và học.

 

4. Nhà nước cần thực hiện miễn thuế cho các trường ngoài công lập cho đến khi trường có lãi. Số thuế thu sau khi trường có lãi được cấp lại cho trường, xem như Nhà nước đầu tư phát triển nhà trường hoặc cung cấp học bổng cho học sinh nghèo tuân theo quy định của pháp luật.

 

5. Nhà nước cần hỗ trợ học bổng cho những học sinh ở tất cả các bậc học ở các trường ngoài công lập nhất là các học sinh nghèo hoặc cận nghèo.

 

6. Nhà nước cần có chính sách phát triển các trường ngoài công lập hạn chế việc mở tiếp các trường công lập và từng bước chuyển một số trường công lập thành trường ngoài công lập. Những trường công lập còn lại cần đảm bảo đủ kinh phí cho nhà trường hoạt động.

 

7. Về công tác tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chủ trương mở rộng đầu vào, sàng lọc trong quá trình đào tạo và kiểm tra chặt chẽ đầu ra. Việc này không có gì mới, bởi đa phần các trường đại học trên thế giới đều thực hiện như vậy. Học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học, theo quy định của Luật Giáo dục, họ có quyền đăng ký vào học ở các trường đại học, cao đẳng.

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516