Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcỨNG DỤNG SWOT TRONG PHÂN TÍCH ĐẶC ĐIỂM NGƯỜI KHUYẾT TẬT TẠI THÀNH PHỐ QUY NHƠN(*)

ỨNG DỤNG SWOT TRONG PHÂN TÍCH ĐẶC ĐIỂM NGƯỜI KHUYẾT TẬT TẠI THÀNH PHỐ QUY NHƠN(*)

Chủ nhật, 19 Tháng 9 2021 06:55

VÕ THỊ DIỆU QUẾ
Trường Đại học Quy Nhơn

Nhận bài ngày 04/9/2021. Sửa chữa xong 08/9/2021. Duyệt đăng 09/9/2021.
Abstract
The disabled who are the underprivileged group are encountering many obstacles and having need of supporting from the society to improve their quality of life. Under the perspective of social work, the application of the SWOT analysis in analyzing the disabled's characteristics will be able to positively contribute to the process of designing a more effective support plan for them in Quy Nhon city, Binh Dinh province.
Keywords: SWOT application, the disabled, Quy Nhon city.

1. Đặt vấn đề
Theo thống kê của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Quy Nhơn tỉnh Bình Định năm 2021, toàn thành phố hiện có dân số trên 260.000 người, trong đó 4363 người khuyết tật (NKT) bao gồm 661 NKT đặc biệt nặng, 3525 NKT nặng và 177 NKT nhẹ. Sau 10 năm thực hiện Luật Người khuyết tật, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng cùng với sự nỗ lực của các ban ngành liên quan liên quan, bản thân NKT và gia đình, đời sống của NKT đã phần nào được cải thiện.
Công tác xã hội (CTXH) là một nghề, một hoạt động chuyên nghiệp nhằm trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu và tăng cường chức năng xã hội, đồng thời thúc đẩy môi trường xã hội về chính sách, nguồn lực và dịch vụ nhằm giúp cá nhân, gia đình và cộng đồng giải quyết và phòng ngừa các vấn đề xã hội góp phần đảm bảo an sinh xã hội [1]. Hiện nay, CTXH đang sử dụng nhiều khái niệm, lý thuyết và mô hình của các ngành khoa học khác trong đó có kinh tế học, xã hội học, nhân học…để ứng dụng vào nghiên cứu và giải quyết các vấn đề liên quan đến thân chủ là cá nhân, nhóm hoặc cộng đồng. Việc ứng dụng mô hình SWOT là hữu ích để phân tích các đặc điểm của NKT, từ đó định hướng một số cách thức giải quyết vấn đề hợp lý, cụ thể dưới góc nhìn CTXH trong hỗ trợ NKT tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Phương pháp SWOT là cách viết tắt những chữ cái đầu tiên trong từ tiếng Anh: Strengths (Điểm mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội), Threats (Thách thức). Thông qua SWOT, tác giả phân tích các yếu tố điểm mạnh, điểm yếu của NKT, đồng thời chỉ ra cơ hội và thách thức đến từ các tác động bên trong, bên ngoài đối với NKT [4].
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Quy mô, cơ cấu người khuyết tật tại TP. Quy Nhơn
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Quy Nhơn đã tiến hành rà soát, phân loại các đối tượng là NKT để kịp thời hỗ trợ và tăng cơ hội tếp cận quyền cho NKT. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số NKT là 4363 người, trong đó có 2746 NKT nam và 1617 NKT nữ. Qui mô và cơ cấu NKT được thể hiện cụ thể như sau:

Que

(Nguồn: Báo cáo Kết quả 10 năm thực hiện Luật Người khuyết tật giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn thành phố)

Qua bảng số liệu, có thể thấy tổng số NKT hiện nay chiếm khoảng 1,7% dân số thành phố. Từ các tiêu chí phân phân loại, tác giả nhận thấy NKT tại đây cũng có những nét tương đồng như NKT nói chung ở nước ta tại thời điểm này.
Phân loại theo dạng tật, NKT vận động chiếm tỉ lệ chủ yếu với 49,1%, tiếp đó là khuyết tật thần kinh 17%, khuyết tật trí tuệ 10,1%, còn lại là NKT nghe và nói, NKT nhìn và các dạng khuyết tật khác. Xu hướng số lượng NKT vận động sẽ tiếp tục tăng bởi tai nạn giao thông và già hóa dân số.
Về mức độ khuyết tật, chủ yếu là NKT nặng chiếm 80,8%, NKT đặc biệt nặng chiếm 15,2% và NKT nhẹ 4%.
Chia theo nhóm đối tượng, NKT trên 60 tuổi chiếm tỉ lệ chủ yếu với 60,5%, số NKT trong độ tuổi từ 16-60 chiếm 28,5%, và NKT dưới 16 tuổi( trẻ em khuyết tật) chiếm tỉ lệ 11%. Có thể thấy, đa phần NKT là người cao tuổi, điều này đặt ra nhiều thách thức đối với hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe cho NKT tại đây.
Chia theo khả năng tự phục vụ và khả năng lao động, số NKT còn khả năng tự phục vụ chiếm tỉ lệ cao 70,7%, số NKT còn khả năng lao động chiếm tỉ lệ 18,2%, số NKT có việc làm chiếm tỉ lệ 11,1%; số NKT được cấp giấy chứng nhận khuyết tật khá cao.
Như vậy, số lượng NKT tại thành phố Quy Nhơn hiện không nhỏ nên cần có các chính sách cụ thể, phù hợp với từng dạng tật và mức độ khuyết tật để đảm bảo tối đa an sinh và tiếp cận quyền cho NKT.
2.2. Ứng dụng mô hình SWOT trong phân tích đặc điểm NKT tại TP. Quy Nhơn
2.2.1. Điểm mạnh
Số lượng NKT đặc biệt nặng không quá nhiều, tổng số NKT có khả năng tự phục vụ, còn khả năng lao động, có việc làm khá cao nên tuỳ vào khả năng của bản thân mà họ có thể tham gia lao động, kiếm thu nhập và tự sinh hoạt.
NKT nhận thức được những hạn chế của bản thân nhưng đã tích cực, chủ động học hỏi, vươn lên, vượt qua khó khăn trong cuộc sống, rất nhiều NKT tự tìm kiếm và tạo được việc làm phù hợp nuôi sống bản thân như bán vé số, photocopy, làm thủ công mỹ nghệ, buôn bán nhỏ... NKT đã tham gia học nghề, tham gia các khoá học kỹ năng để có thể tự hoàn thiện chính mình. Đồng thời, tích cực hợp tác, phối hợp với gia đình và các bên có liên quan trong quá trình hoà nhập xã hội, góp phần đảm bảo hiệu quả cho công tác trợ giúp NKT.
Sự hỗ trợ, đồng hành tích cực của gia đình đối với NKT, nhất là những NKT đặc biệt nặng trong cuộc sống hàng ngày làm tăng động lực, tăng cơ hội hòa nhập xã hội cho họ.
2.2.2. Điểm yếu
Ảnh hưởng của khuyết tật lên cơ thể làm hạn chế việc thực hiện các chức năng xã hội của NKT. Đa phần đời sống của NKT gặp khó khăn, những khiếm khuyết trên cơ thể của NKT đôi lúc sẽ gây trở ngại cho họ trong việc vận động, sinh hoạt, học nghề, lao động, tham gia giao thông…Đặc biệt, đối với trẻ khuyết tật về trí tuệ việc tham gia học văn hóa gặp nhiều trở ngại dễ khiến các em dễ nản chí. Tình trạng lưu ban lớp và bỏ học giữa chừng là phổ biến nên trình độ NKT thấp, NKT không biết chữ còn nhiều và tham gia ít dần ở các cấp học lên cao. Nhận thức của NKT về việc học nghề còn nhiều hạn chế, chưa mạnh dạng thoát ly trên con đường học nghề, lập nghiệp.
NKT luôn tự ti, mang trong mình những rào cản về tâm lý, bởi chính những khiếm khuyết cơ thể của họ. Với những NKT bẩm sinh họ dễ thích nghi với khuyết tật của mình hơn những NKT nguyên nhân do tai nạn trong cuộc sống. Mặt khác, khi họ bị gán nhãn khuyết tật, họ cảm thấy mình không được mọi người không coi trọng, họ là gánh nặng, là người thất bại, yếu kém, bỏ đi…
Khuyết tật làm hạn chế các cơ hội tiếp cận quyền, hạn chế giao tiếp xã hội nên dẫn đến việc NKT thiếu kỹ năng sống, khả năng để ứng phó với các vấn đề trong cuộc sống thấp, đặc biệt là các giai đoạn chuyển tiếp trong vòng đời hay những sự kiện bất lợi phát sinh.
NKT cao tuổi tại đây chiếm tỉ lệ chủ yếu, điều này khiến sức khoẻ họ vốn đã kém lại càng suy giảm nhanh. Khả năng tham gia lao động không còn và tăng gánh nặng phụ thuộc vào người thân trong gia đình.
Một bộ phận không nhỏ người khuyết tật và người thân của họ còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước, chưa chủ động và chưa động viên khuyến khích NKT để họ vươn lên chiến thắng bệnh tật và hòa nhập cộng đồng.
2.2.3. Cơ hội
Trên cơ sở Luật Người khuyết tật năm 2010, Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật; Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 24/10/2014 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội-Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH ngày 02/01/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2019; chính quyền địa phương đã thực hiện những hỗ trợ mang lại thay đổi tích cực trong cuộc sống và tạo ra các cơ hội đối với NKT. Cụ thể:
a. Về chăm sóc sức khoẻ
Thực hiện chính sách ưu tiên trong khám chữa bệnh cho các đối tượng là NKT đặc biệt nặng, NKT nặng được cấp giấy xác nhận khuyết tật thì 100% được cấp thẻ bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo. Bên cạnh đó, công tác phục hồi chức năng cho NKT tại các cơ sở phục hồi chức năng của địa phương cũng được thực hiện tích cực. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn, Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh Bình Định rất thuận lợi cho việc điều trị phục hồi chức năng cho người khuyết tật. Tình hình hỗ trợ, cung cấp công cụ, dụng cụ cho người khuyết tật (xe lăn, xe lắc, máy trợ thính, gậy dò đường,..) chủ yếu là nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức chức, các mạnh thường quân. Đã có nhiều trường hợp được cấp dụng cụ trợ giúp, tay chân giả…
b. Về giáo dục
Việc tổ chức giáo dục hoà nhập đối với trẻ khuyết tật được chú trọng. Học sinh khuyết tật được miễn giảm một số môn học hoặc giảm nhẹ yêu cầu môn học, hoạt động giáo dục, được bố trí chỗ ngồi thuận lợi cho việc học, tiếp thu bài giảng, giúp các em tham gia nhiều hơn vào các hoạt động cùng bạn học. Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn đã tư vấn, hỗ trợ cha mẹ và học sinh khuyết tật những vấn đề liên quan trong hoạt động hằng ngày và quá trình học tập của các em. Bên cạnh đó, để tạo ra môi trường hoà nhập giáo dục ở nhiều trường học, trẻ khuyết tật được sắp xếp học chung lớp với các học sinh phát triển bình thường. Giáo viên luôn tận tâm, kiên trì, thái độ tình cảm thể hiện được sự yêu thương, gần gũi, đối xử công bằng để trẻ vừa tiếp nhận được kiến thức, vừa giúp các em tham gia các hoạt động của lớp, tự tin hòa nhập như những bạn trong lớp, trong trường. Những mô hình trong trường học như “Đôi bạn học tập”, “Cùng bạn đến trường”, trao học bổng cho học sinh khuyết tật vượt khó vươn lên trong học tập, biểu dương các cá nhân, tập thể có việc làm tốt giúp đỡ học sinh khuyết tật được học sinh hưởng ứng tích cực.
Ngoài ra, trên địa bàn thành phố Quy Nhơn hiện có 2 trường dạy học với gần 200 trẻ khuyết tật: Trường Chuyên biệt Hy vọng, Trung tâm Bảo trợ xã hội Đồng Tâm. Học sinh là các em bị khuyết tật có độ tuổi 16 trở xuống. Phòng Giáo dục và Đào tạo, Trường chuyên biệt Hy vọng đã thực hiện miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, chi tiền học bổng hỗ trợ mua sắm đồ dùng học tập chọ học sinh khuyết tật theo Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính.
c. Về dạy nghề và việc làm
Đối với hoạt động dạy nghề, thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 hàng năm, thành phố tổ chức các lớp đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp để người lao động nông thôn tham gia học nghề, trong đó thực hiện chính sách ưu tiên cho NKT. Mức hỗ trợ chi phí đào tạo nghề dành riêng cho người khuyết tật khoảng 2.850.000 đồng/khóa học 3 tháng. Bên cạnh đó, NKT còn được hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/ngày thực học và tiền đi lại 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5 km trở lên, tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 6 triệu đồng/NKT học nghề [2]. Phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm Bình Định, các phòng ban chức năng của thành phố để triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề, tư vấn việc làm.
Đối với hoạt động tạo việc làm, phần lớn NKT tham gia học nghề tại các cơ sở tư nhân, đào tạo chủ yếu là lồng ghép các nhóm đối tượng. Một số cơ sở đào tạo nghề và trợ giúp việc làm cho NKT trên địa bàn thành phố như Cơ sở Nguyễn Nga, Trung tâm Bảo trợ xã hội Đồng Tâm,...Nghề đào tạo cho NKT chủ yếu gồm: May công nghiệp, đan, thêu, móc, mộc dân dụng, tranh đá quý, mây tre đan, chăn nuôi gia súc, gia cầm… phù hợp với dạng tật, mức độ khuyết tật, ít phải di chuyển trong quá trình lao động.
Ngoài ra, Ngân hàng chính sách xã hội Bình Định cũng đã tạo điều kiện để NKT vay vốn giải quyết việc làm. Từ giai đoạn năm 2017 đến nay, có khoảng 17 NKT được vay 652 triệu đồng để hỗ trợ giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống [2]. Hiện nay, hoạt động này vẫn tiếp tục được duy trì trong cộng đồng NKT.
d. Về văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch
Việc hỗ trợ các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch đối với người khuyết tật theo Điều 36, 37, 38 Luật Người khuyết tật năm 2010: Người khuyết tật đặc biệt nặng được miễn, giảm tối thiểu 50% giá vé khi trực tiếp sử dụng dịch vụ văn hóa, thể thao tại các cơ sở văn hóa, thể thao như: Bảo tàng, di tích văn hóa - lịch sử, thư viện và triển lãm; nhà hát, rạp chiếu phim; các cơ sở thể thao khi diễn ra các hoạt động thể dục, thể thao trong nước; các cơ sở văn hóa, thể thao, giải trí và du lịch khác. Để được miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ, người khuyết tật chỉ cần xuất trình Giấy xác nhận khuyết tật theo Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật.
e. Về nhà chung cư, công trình công cộng, giao thông, công nghệ thông tin và truyền thông
NKT tại thành phố Quy Nhơn đã được quan tâm hỗ trợ sinh kế và xây dựng nhà ở, sửa chửa khi nhà hư hỏng.
Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý hành chính Nhà nước đối với các công trình hạ tâng kỹ thuật, công trình công cộng trong khâu thẩm định các đô án quy hoạch, thiết kế thi công đã được lãnh đạo hết sức quan tâm; luôn chỉ đạo, điều hành các phòng chuyên môn thực hiện nghiêm túc và tạo điều kiện tốt nhât để NKT được tiếp cận hòa nhập vào cộng đồng [2].
Các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải thực hiện chính sách miễn giảm giá vé cho NKT khi tham gia giao thông; thực hiện bố trí chỗ ngồi ưu tiên; thực hiện các dịch vụ, phục vụ người khuyết tật như ưu tiên xếp hàng mua vé, được phục vụ nước uống; xây dựng lối đi riêng dành cho xe lăn của người khuyết tật...
Nhà nước ta đã có các chính sách về tăng cường tiếp cận thông tin, có những hướng dẫn cụ thể đề NKT được đáp ứng quyền tiếp cận thông tin.
Công tác truyền thông, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân nói chung và NKT nói riêng đã được nâng lên rõ rệt, tạo được sự đồng thuận cao trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ trợ giúp đối với NKT ở địa phương.
f. Về bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật
Tính đến năm 2020, trợ cấp xã hội hàng tháng đối với NKT gần 2,2 tỷ đồng/tháng. Những hộ gia đình đang trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng NKT đặc biệt nặng, đối với NKT nặng hoặc đặc biệt nặng đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi sẽ nhận hỗ trợ chi phí chăm sóc hàng tháng theo quy định là 600 người [2]. Hoạt động trợ giúp xã hội hiện nay vẫn tiếp tục thực hiện đều đặn đối với NKT trên địa bàn, và là nguồn hỗ trợ bền vững, chủ đạo nhất góp phần cải thiện khó khăn trong đời sống của họ. Mặc dù trên địa bàn thành phố không có trung tâm bảo trợ, các cơ sở bảo trợ xã hội để nuôi dưỡng NKT nhưng những đối tượng khuyết tật neo đơn và NKT dạng tật tâm thần, mức độ khuyết tật đặc biệt nặng khi có nhu cầu Ủy ban nhân dân các phường, xã tiếp nhận, hoàn thiện hồ sơ đề nghị của đối tượng chuyển đến Ủy ban nhân dân thành phố (qua Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố). Từ đó, Ủy ban nhân dân thành phố có công văn đề nghị đến Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội Bình Định, Trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn, tiếp nhận và nuôi dưỡng đối tượng, tránh tình trạng NKT bị bỏ rơi, lọt lưới an sinh xã hội.
2.2.4. Thách thức
Thành phố Quy Nhơn có 21 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm: 16 phường (Bùi Thị Xuân, Đống Đa, Ghềnh Ráng, Hải Cảng, Lê Hồng Phong, Lê Lợi, Lý Thường Kiệt, Ngô Mây, Nguyễn Văn Cừ, Nhơn Bình, Nhơn Phú, Quang Trung, Thị Nại, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Trần Quang Diệu); 04 xã đảo (Nhơn Châu, Nhơn Hải, Nhơn Hội, Nhơn Lý); 01 xã miền núi (Phước Mỹ). Sự đa dạng về địa lý mang lại những tác động không nhỏ đến đời sống dân cư, trong đó có các chính sách và chương trình hỗ trợ NKT.
Công tác xác định đối tượng là NKT còn nhiều bất cập, vì đối tượng NKT rất đa dạng nhưng văn bản hướng dẫn chưa cụ thể, đặc biệt là phiếu đánh giá mức độ khuyết tật chưa rõ ràng và sát với thực tế. Đối với những trường hợp đối tượng bị bệnh mãn tính, tai biến mạch máu não, tim bẩm sinh, chạy thận nhân tạo, ung thư hoặc bị bệnh hiểm nghèo Hội đồng xác định mức độ khuyết tật của phường/xã khi đánh giá theo Thông tư 37/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC-BGĐT ngày 28/12/2012 không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật vì không có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chỉ quan sát trực tiếp thực tế nên việc xác định mức độ khuyết tật và dạng khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn. Hội đồng giám định y khoa xác định mức độ khuyết tật dựa vào cả khuyết tật và bệnh tật nên tỉ lệ khuyết tật thường trên 61% (mức độ khuyết tật nặng hay đặc biệt nặng). Kinh phí cho Hội đồng giám định y khoa còn hạn chế dẫn đến khó khăn trong việc thành lập hội đồng thường xuyên.
Năng lực hạn chế nên quá trình tham gia vào giáo dục phổ thông và học nghề của NKT gặp nhiều khó khăn. Người học bỏ giữa chừng, trình độ thấp, các lĩnh vực nghề nghiệp NKT có thể tham gia bị bó hẹp, chủ yếu là lao động phổ thông, thu nhập thấp.
Nguồn kinh phí hạn hẹp nên tiến độ cải tạo các công trình công cộng cũ để đảm bảo NKT tiếp cận còn chậm.
NKT còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong tiếp cận hệ thống giao thông công cộng và các công trình xây dựng nguyên nhân do thiếu kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, các doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều đến vấn đề tiếp cận cho NKT.
Đa số các doanh nghiệp dịch vụ viễn thông chưa quan tâm đến việc cung cấp dịch vụ cho nhóm đối tượng là NKT do số lượng khách hàng ít và khả năng thu hồi vốn chậm. NKT và gia đình họ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn do vậy NKT thiếu phương tiện, công cụ hỗ trợ tiếp cận với thông tin.
Kinh phí thực hiện nhiệm vụ công tác bảo trợ xã hội ở các phường, xã còn khó khăn, thiếu và không đảm bảo. Đội ngũ thực hiện công tác hỗ trợ NKT còn thiếu và yếu. Đội ngũ cộng tác viên Công tác xã hội có trình độ nhưng đa số chưa đúng chuyên ngành về Công tác xã hội nên quá trình thực hiện nhiệm vụ chưa chuyên nghiệp, kinh phí ít nên một số cộng tác viên chưa nhiệt tình và có trách nhiệm khi hỗ trợ NKT.
Trong quá trình thực hiện kế hoạch trợ giúp NKT, thiếu sự phối hợp đồng bộ, tham gia thường xuyên của các phòng, ban, hội đoàn thể liên quan. Nhận thức của cộng đồng về quyền của NKT còn chưa đồng đều, một bộ phận dân cư còn kỳ thị và coi công tác chăm sóc NKT là của riêng ngành lao động thương binh. Điều này dẫn đến việc huy động các nguồn lực hỗ trợ NKT và thực hiện mục tiêu xã hội hoá an sinh cho NKT tại địa bàn gặp những khó khăn nhất định.
3. Kết luận
Việc phân tích các điểm mạnh, điểm yếu cũng như cơ hội, thách thức của NKT sẽ giúp các bên liên quan, các nhà quản lý và hoạch định chính sách có cách nhìn đầy đủ, cụ thể về NKT, thực trạng hỗ trợ NKT. Từ đó, tiến hành xây dựng các kế hoạch can thiệp phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của NKT và khả năng đáp ứng từ các nguồn lực của địa phương. Công tác xã hội với vai trò hỗ trợ các nhóm đối tượng yếu thế trong đó có NKT sẽ là một lực lượng quan trọng tại địa phương trong chiến lược hoàn thiện an sinh xã hội cho NKT nơi đây.


Lời cảm ơn: Nghiên cứu này được thực hiện trong khuôn khổ đề tài khoa học công nghệ cấp cơ sở của Trường Đại học Quy Nhơn với mã số T2021.719.22.

 

Tài liệu tham khảo
1. Bùi Thị Xuân Mai, Nguyễn Thị Thái Lan, Nguyễn Lê Trang, Giáo trình Nhập môn công tác xã hội, NXB Lao động - Xã hội, Hà Nội, 2010.
2. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Báo cáo Kết quả 10 năm thực hiện Luật Người khuyết tật giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn tỉnh Bình Định, 2021.
3. Quốc hội, Luật Người khuyết tật Việt Nam, 2010.
4. Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Phân_t%C3%ADch_SWOT.

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516