Phạm Thị Hạ Liên
Khoa Mỹ thuật & Thiết kế, Trường Đại học Văn Lang,
Abstract:
The level of noise pollution is directly proportional to urban development [1]. According to the World Health Organization (WHO), noise ranks as the second most significant environmental factor affecting human health, following airborne particulate matter [2]. Prolonged exposure to noise can lead to stress, insomnia, hypertension, and cardiovascular disorders. However, fully soundproofing a bedroom is often unfeasible in apartment settings due to the need for air circulation and environmental awareness in emergency situations. Actively regulating noise can significantly increase deep sleep duration and reduce nighttime awakenings, which is particularly crucial for working-age adults who require restorative sleep to recover from the demands of a high-stress workday. This paper explores the design and application of a noise-regulating device for bedroom environments based on sound wave cancellation techniques, aiming to enhance sleep quality and overall well-being.
Kewords: noise pollution, sound waves, sound cancellation, active noise control,…
1. Đặt vấn đề
1.1. Bối cảnh và mục đích nghiên cứu
Trong bối cảnh tốc độ đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ tại TP.HCM, quỹ đất thổ cư ngày càng thu hẹp trong khi dân số không ngừng gia tăng, nhu cầu về nhà ở buộc người dân phải chuyển dịch sang các loại hình chung cư cao tầng. Sự thay đổi này kéo theo nhiều vấn đề dân sinh, trong đó nổi bật là ô nhiễm tiếng ồn đô thị, một yếu tố môi trường có tác động trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt, đối với nhóm cư dân trong độ tuổi lao động chủ lực (từ 30 đến 45 tuổi), việc phơi nhiễm tiếng ồn kéo dài trong khi ngủ có thể gây ra căng thẳng mãn tính, từ đó làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về huyết áp và rối loạn tim mạch.
Bên cạnh những ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tiếng ồn cũng tác động không nhỏ đến cảm xúc và tâm trạng của người sống trong không gian đó. Đặc biệt trong phòng ngủ, nơi được xem là “vùng an toàn” cho việc tái tạo năng lượng tinh thần, sự xuất hiện của tiếng ồn khiến cư dân không thể thư giãn hoàn toàn, thậm chí có cảm giác bị xâm lấn không gian cá nhân. Nhóm người trưởng thành trong độ tuổi 30 đến 45 vốn là nhóm thường xuyên phải đối mặt với áp lực công việc, tài chính và các mối quan hệ xã hội, vì vậy việc không có được một giấc ngủ trọn vẹn mỗi đêm càng dễ khiến họ dễ dàng rơi vào trạng thái căng thẳng kéo dài và mất cân bằng tâm lý.
Dưới góc độ của tâm lý, âm thanh không chỉ là yếu tố vật lý mà còn mang tính cảm nhận. Trong một không gian kín như phòng ngủ, cảm nhận về sự yên tĩnh có thể làm gia tăng cảm giác an toàn và riêng tư. Đây là yếu tố nền tảng giúp con người dễ đi vào giấc ngủ sâu. Ngược lại, những âm thanh bất chợt, dù ở cường độ nhỏ cũng có thể làm ngắt quãng giấc ngủ, gây khó chịu và khiến con người cảm thấy mệt mỏi, rất khó để ngủ lại. Từ đó đặt ra một câu hỏi rõ ràng: “Làm sao để giảm thiểu tác động của tiếng ồn mà không thay đổi quá nhiều bố cục và chức năng của không gian sống?”. Trăn trở này thôi thúc tác giả tiến hành các thử nghiệm và xây dựng đề tài nghiên cứu thiết bị điều tiết tiếng ồn giúp chủ động cải thiện giấc ngủ với các mục đích như sau:
+ Cải thiện chất lượng giấc ngủ cho người trưởng thành.
+ Hỗ trợ kiểm soát môi trường âm thanh xung quanh một cách chủ động.
+ Thiết lập và duy trì biên độ âm thanh đối lưu cần thiết giúp người dùng nhận biết được sự thay đổi của môi trường trong các tình huống khẩn cấp.
Vì vậy nghiên cứu này hướng đến việc thiết kế một thiết bị điều tiết tiếng ồn hiệu quả cho không gian phòng ngủ bằng phương pháp triệt tiêu âm thanh với mong muốn đáp ứng các tiêu chí tối ưu về chi phí.
1.2. Tổng quan tài liệu
Tiếng ồn gây ra những ảnh hưởng bất lợi về tâm sinh lý. Sự phơi nhiễm với tiếng ồn liên tục trong thời gian dài gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng, làm giảm khả năng nghe, gây phiền phức, stress, tăng huyết áp... [1]
Sóng âm là một loại sóng cơ học lan truyền qua môi trường như không khí, nước hoặc chất rắn do sự rung động của một vật thể. Nó được đặc trưng bởi khả năng mang năng lượng và thông tin qua môi trường, biểu hiện ở các tính chất vật lý như tần số, biên độ, bước sóng và tốc độ. [4]
Hiện tượng triệt tiêu sóng âm: Sóng âm từ loa và sóng âm phản xạ từ các bề mặt (tường, trần, sàn,...) có thể gặp nhau và triệt tiêu lẫn nhau. Điều này xảy ra khi hai sóng có pha ngược nhau, làm giảm hoặc loại bỏ âm lượng tại một số tần số nhất định. [5]
Công nghệ chống tiếng ồn chủ động (ANC) có thể kiểm soát trực tiếp tốt âm thanh tần số thấp theo chu kỳ từ động cơ hay mặt đường. Vì thế có thể triệt tiêu gần như hoàn toàn âm thanh đưa vào không gian nếu kết hợp với kiểm soát thụ động tốt. [6]
2. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu này sử dụng phương pháp định tính để phân tích nhu cầu và thói quen ngủ về đêm của nhóm các trường hợp người khoẻ mạnh trong độ tuổi 30 đến 45.
Nghiên cứu được thực hiện như sau:
Đầu tiên, chọn một chung cư tại khu vực đông dân cư ở các quận trung tâm (cụ thể trong nghiên cứu này là quận 5, TP.HCM), nơi thường xuyên phải chịu tiếng ồn đô thị bất kể ngày đêm.
Bước hai, thử nghiệm chéo ngẫu nhiên với nhóm 24 người khỏe mạnh (14 nam và 10 nữ trong độ tuổi 30 đến 45).
Bước ba, mỗi người sẽ tham gia ngủ trong ba đêm liên tiếp tại hai địa điểm khác nhau: (1) tại nhà của người tham gia và (2) tại một căn phòng cách âm được nhóm nghiên cứu chuẩn bị. Ngoài việc tiến hành đo thời gian ngủ sâu, chất lượng giấc ngủ chủ quan và mức độ tiếng ồn về đêm cũng được đo tại mỗi địa điểm.
3. Nghiên cứu lý thuyết
3.1. Thử nghiệm kiểm tra chéo
Thử nghiệm chéo là thử nghiệm trong đó người tham gia nhận được nhiều can thiệp và tác động của các can thiệp được đo lường trên cùng một cá nhân. Nghĩa là người tham gia nhận được một chuỗi các can thiệp để rút ra kết luận về vấn đề đang nghiên cứu.
Nghiên cứu này muốn so sánh chất lượng giấc ngủ giữa việc ngủ tại nhà riêng và ngủ trong môi trường cách âm, để đánh giá đo lường tác hại của tiếng ồn đô thị đối với giấc ngủ. Tuy nhiên, vì lo ngại kết quả thí nghiệm có thể không chính xác do các điều kiện khách quan như tâm lí, thể chất, điều kiện phòng ngủ của người tham gia... nên tác giả quyết định sử dụng thử nghiệm chéo.
Có 24 người khoẻ mạnh (14 nam và 10 nữ trong độ tuổi 30 đến 45) tham gia vào nghiên cứu và được phân bố ngẫu nhiên thành 2 nhóm sau đây gọi là nhóm A và nhóm B. Bước một, trong 3 đêm liên tiếp, những người tham gia vào nhóm A sẽ ngủ tại phòng ngủ nhà mình, nhóm B sẽ ngủ tại phòng cách âm do học viên chuẩn bị. Bước hai, sẽ có 5 ngày ngưng thí nghiệm. Bước ba, nhóm A sẽ được sắp xếp ngủ 3 đêm tại phòng cách âm, nhóm B ngủ 3 đêm tại phòng ngủ ở nhà.
Sau mỗi đợt thí nghiệm, học viên tiến hành đo kết quả từ hai nhóm theo các tiêu chí: thời gian giấc ngủ sâu mỗi đêm, trạng thái sau khi thức dậy, mức độ tiếng ồn trung bình tại phòng ngủ và huyết áp của từng cá nhân.
Hình 1. Sơ đồ thử nghiệm chéo
Tóm lại, thử nghiệm chéo là một thiết kế nghiên cứu có thể được sử dụng để so sánh hiệu quả các can thiệp trên càng ít người tham gia càng tốt khi nghiên cứu các bệnh mãn tính. Tuy nhiên, nhiều yêu cầu (nguy cơ chuyển tiếp thấp, thời gian rửa trôi,...) phải được đáp ứng, do đó nó không được sử dụng thường xuyên. [7]
3.2. Lý thuyết sóng âm và nguyên lý triệt tiêu sóng âm
3.2.1. Sóng âm
Trong đời sống hằng ngày, chúng ta có thể nghe âm thanh từ mọi nơi. Ta đã biết âm thanh chính là sóng âm được lan truyền trong môi trường vật chất. Âm thanh có thể có tần số xác định khi được phát ra từ một số nhạc cụ như đàn guitar, đàn piano, sáo,… hoặc có tần số không xác định khi được phát ra từ động cơ xe, máy khoan,… Thời gian âm thanh truyền từ nguồn phát đến tai ta phụ thuộc vào tốc độ truyền sóng âm. [4]
3.2.2. Nguyên lý triệt tiêu sóng âm bằng phương pháp sử dụng sóng âm ngược pha (Antiphase)
Đây là phương pháp triệt tiêu sóng âm bằng cách tạo ra một sóng âm có tần số và pha đối ngược với sóng âm gốc. Khi hai sóng âm này gặp nhau, chúng sẽ hủy bỏ nhau, hiện tượng này gọi là triệt tiêu giao thoa [8]. Phương pháp này thường được sử dụng trong các hệ thống triệt tiêu tiếng ồn chủ động Active Noise Cancellation (ANC) như tai nghe chống ồn. Hệ thống này phát ra sóng âm có tần số và pha ngược lại để loại bỏ tiếng ồn không mong muốn.
3.3. Lý thuyết đo lường chất lượng giấc ngủ
Theo “the WHO’s night noise guidelines for Europe” [9], tác động của ô nhiễm tiếng ồn đến giấc ngủ được thể hiện theo bảng sau:
Hình 2. Thang đo lường mức ồn ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ (từ Night noise guidelines for Europe, 2009)
Sau nghiên cứu, WHO đã đưa ra những kết luận sau đây:
– Để có giấc ngủ tốt nhất, mức độ tiếng ồn trong nhà bạn vào ban đêm không nên vượt quá 30dB.
– Để phòng ngừa những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, bạn không nên tiếp xúc với tiếng ồn bên ngoài ở mức 40 dB.
– Mức độ tiếng ồn không được vượt quá 45dB trong một khoảng thời gian đáng kể.
– Tiếp xúc với mức độ 55dB trở lên được coi là “nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng”.
4. Nghiên cứu thiết bị điều tiết tiếng ồn bằng phương pháp triệt tiêu sóng âm
Trên thị trường hiện nay đã xuất hiện nhiều sản phẩm hỗ trợ cải thiện chất lượng giấc ngủ, từ các thiết bị phát ra âm thanh trắng (white noise), đèn ngủ thông minh đến các ứng dụng hỗ trợ thiền định và thư giãn. Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm vẫn tập trung vào tính năng đơn lẻ hoặc thiên về giải pháp công nghệ, mà chưa thực sự tạo nên sự kết nối cảm xúc với người dùng trong không gian nghỉ ngơi riêng tư.
HushTone (lời thì thầm tĩnh lặng) ra đời nhằm ứng dụng trong việc thiết lập những không gian yên tĩnh cho nhiều mục đích như: họp hành, thi cử, thiền tịnh... mà vẫn đảm bảo lưu thông không khí và tối ưu chi phí lắp đặt.
4.1. Phát triển ý tưởng
– Mục tiêu: Nghiên cứu giải pháp giảm tiếng ồn chủ động bằng thiết bị công nghệ sử dụng cho hộ gia đình với thiết kế nhỏ gọn, có thể di chuyển từ phòng này sang phòng khác dễ dàng.
– Ý nghĩa của nghiên cứu: Mang đến trải nghiệm giấc ngủ chất lượng hơn ngay tại phòng ngủ cho các khu chung cư tầm trung; Cung cấp giải pháp chống ồn tiết kiệm cho từng hộ gia đình.
4.2. Thiết kế thiết bị
4.3. Triển khai sản phẩm thiết kế
4.3.1. Triển khai kỹ thuật
Dựa trên các nghiên cứu thị trường về nhu cầu vật liệu an toàn và khả năng tái chế, HushTone được tạo thành từ các vật liệu nhẹ, thân thiện với môi trường nhờ khả năng tái chế nhiều lần.
Sản phẩm trược triển khai với các thông số kỹ thuật như sau:
Hình 3. Bản vẽ kỹ thuật thiết bị HushTone
Với việc sở hữu màu sắc và ngoại hình trung tính, HushTone dễ dàng phù hợp với mọi không gian nội thất hiện đại:
Hình 4. Bản vẽ thiết kế 3D
4.3.2. Hướng dẫn sử dụng sản phẩm
(1) Nút nguồn: Bấm và giữ 3 giây để khởi động hoặc tắt thiết bị.
(2) Nút (+): Bấm để tăng mức độ yên tĩnh theo ý muốn.
(3) Nút (–): Bấm để giảm mức độ yên tĩnh theo ý muốn.
(4) Tay xách: Giúp dễ dàng di chuyển thiết bị đến vị trí mong muốn.
Ngoài ra, phía sau thiết bị còn có:
– Đèn báo pin: 3 chấm sáng tương đương pin đang ở mức 100%, 1 chấm sáng nhấp nháy nghĩa là pin yếu, cần sạc. Việc sử dụng đèn báo thay vì màn hình hiển thị pin với mong muốn đơn giản hoá cách thức sử dụng thiết bị, hướng đến đối tượng khách hàng là người cao tuổi và trẻ em, nhóm người thường gặp khó khăn trong việc thao tác với các thiết bị công nghệ hiện đại vì chúng quá phức tạp với họ.
– Cổng sạc USB Type-C phù hợp với dòng điện chuẩn tại Việt Nam. các
4.4. Phản hồi
Sau khi thiết kế hoàn tất, những phản hồi từ đồng nghiệp và các tiến sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực vật lí, tâm lí học hành vi đã được thu thập. Sau đó thiết kế được sửa đổi, bổ sung dựa trên các phản hồi này. Quá trình phản hồi cung cấp cho học viên những kiến thức, kinh nghiệm nghiên cứu mới hỗ trợ cho quá trình hiện thực hoá thiết kế sản phẩm này.
5. Giải pháp thiết kế và thử nghiệm thiết bị
5.1. Giải pháp thiết kế thiết bị điều tiết tiếng ồn chủ động
Dựa trên các phản hồi thực tế thu thập từ mục 4.4 và số liệu nghiên cứu đáng tin cậy từ “The WHO’s Night Noise Guidelines for Europe”, tác giả nhận thấy rằng một thiết bị điều tiết tiếng ồn hiệu quả không chỉ dừng lại ở việc triệt tiêu âm thanh, mà còn phải duy trì được mức âm thanh đối lưu[*] ổn định trong không gian phòng ngủ vốn là nơi yêu cầu sự yên tĩnh nhưng vẫn cần đảm bảo cảm giác an toàn và khả năng nhận biết tín hiệu từ môi trường xung quanh. Theo kết quả đo lường từ các thử nghiệm, ngưỡng âm thanh tối ưu cho mục tiêu này được xác định trong khoảng từ 30dB đến dưới 35dB, mức độ yên tĩnh lý tưởng để thúc đẩy giấc ngủ sâu mà không gây cảm giác cô lập về âm thanh cho người sử dụng. Điều này đặc biệt quan trọng trong môi trường chung cư, nơi cư dân có thể gặp sự cố bất ngờ vào ban đêm và cần nhận biết được âm thanh cảnh báo từ bên ngoài.
Từ định hướng trên, việc thiết kế thiết bị không chỉ tập trung vào nguyên lý triệt tiêu âm thanh bằng sóng âm ngược pha (antiphase), một kỹ thuật đã được chứng minh hiệu quả trong các hệ thống Active Noise Cancellation (ANC), mà còn tích hợp nhiều yếu tố liên ngành khác. Cụ thể như vận dụng kiến thức về vật liệu học để lựa chọn các loại vật liệu nhẹ, có khả năng cách âm tốt và thân thiện với môi trường như composite polymer hoặc sợi carbon mỏng. Các vật liệu này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả triệt tiêu âm thanh mà còn giúp thiết bị đạt tính thẩm mỹ với khả năng tái chế cao, phù hợp với tiêu chuẩn sống xanh đang ngày càng phổ biến tại các đô thị lớn như TP.HCM.
Bên cạnh đó, kiểu dáng công nghiệp cũng được xem là yếu tố then chốt trong thiết kế sản phẩm. Thiết bị được phát triển theo hướng nhỏ gọn, dễ di chuyển, có hình khối cơ bản phù hợp với nhiều phong cách nội thất hiện đại. Màu sắc được chọn theo tông trung tính như xám tro, be, trắng kem vừa dễ dàng phù hợp nhiều không gian sống vừa tạo cảm giác thư giãn về mặt thị giác. Ngoài ra, hệ thống điều khiển cơ học với các nút bấm vật lý cũng được thiết kế đơn giản, giúp người cao tuổi và trẻ nhỏ, hai nhóm người dùng dễ gặp khó khăn trong thao tác thiết bị công nghệ có thể sử dụng dễ dàng mà không cần phụ thuộc vào màn hình cảm ứng hay kết nối ứng dụng phức tạp.
Tổng thể, bản thiết kế cuối cùng của thiết bị là kết quả tổng hợp giữa các tiêu chí kỹ thuật, công năng, thẩm mỹ và cảm xúc. Đây là bước đệm quan trọng cho quá trình triển khai sản phẩm thử nghiệm trong môi trường thực tế ở mục tiếp theo.
5.2. Thử nghiệm thiết bị điều tiết tiếng ồn chủ động trong phòng ngủ gia đình
Sau quá trình hoàn thiện thiết kế thiết bị, một thử nghiệm kiểm tra chéo mới đã được tiến hành nhằm đánh giá hiệu quả thực tế của thiết bị điều tiết tiếng ồn chủ động trong không gian phòng ngủ căn hộ chung cư, nơi tiếng ồn có thể xuất hiện từ nhiều nguồn khác nhau như xe cộ, hoạt động sinh hoạt của cư dân các tầng trên và dưới hoặc tiếng vọng lên công viên, hành lang. Nhóm đối tượng tham gia thử nghiệm lần này bao gồm 40 tình nguyện viên khoẻ mạnh, đang trong độ tuổi lao động từ 30 đến 45, sinh sống tại khu chung cư Q7 Saigon Riverside Complex (Quận 7, TP.HCM). Điểm chung của nhóm này là thường xuyên gặp khó khăn trong giấc ngủ do tác động của các loại tiếng ồn đô thị không thể kiểm soát.
Trước khi bắt đầu thử nghiệm, nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát nhằm thu thập thông tin về thói quen ngủ, tần suất bị giật mình giữa đêm, cảm nhận về tiếng ồn và mức độ ảnh hưởng của nó đến sức khoẻ và tinh thần. Kết quả, 25 người cho biết thường xuyên thức giấc vì các âm thanh bất chợt không xác định nguồn gốc, 6 người rơi vào tình trạng căng thẳng kéo dài sau khi tỉnh giấc và khó ngủ lại, chỉ có 9 người khẳng định họ đã “quen” với tiếng ồn nhưng vẫn thừa nhận chất lượng giấc ngủ không cao.
Thử nghiệm được chia thành ba giai đoạn, với cách sắp xếp ngẫu nhiên giữa hai nhóm A và B, mỗi nhóm gồm 20 người.
+ Trong giai đoạn đầu, nhóm A ngủ tại phòng riêng của mình với sự hỗ trợ của thiết bị điều tiết tiếng ồn HushTone (phiên bản thử nghiệm), còn nhóm B ngủ tại một căn phòng ngủ thông thường (nội thất cơ bản) do nhóm nghiên cứu chuẩn bị. Sau ba đêm, các chỉ số liên quan đến thời gian giấc ngủ sâu, trạng thái tâm lý sau khi thức dậy, huyết áp và mức độ tiếng ồn trung bình tại nơi ngủ được ghi nhận.
+ Giai đoạn hai, sẽ có 5 ngày ngưng thí nghiệm.
+ Giai đoạn ba, hai nhóm được hoán đổi điều kiện ngủ và thực hiện thử nghiệm tương tự trong ba đêm liên tiếp. Sau đó, các chỉ số liên quan đến thời gian giấc ngủ sâu, trạng thái tâm lý sau khi thức dậy, huyết áp và mức độ tiếng ồn trung bình tại nơi ngủ sẽ được đo lại lần nữa.
Kết quả cho thấy, trong điều kiện có sử dụng HushTone tại chính không gian quen thuộc của người dùng, thời gian ngủ sâu trung bình tăng thêm từ 16 đến 34 phút mỗi đêm. Hầu hết người tham gia đều cho biết số lần tỉnh giấc bất ngờ giảm rõ rệt và họ cảm thấy tinh thần thư giãn hơn vào sáng hôm sau. Quan trọng hơn, nhiều người nhận xét rằng cảm giác yên tĩnh do thiết bị tạo ra không gây cảm giác bí bách hay ngột ngạt mà ngược lại, vẫn duy trì được mức âm thanh môi trường tối thiểu giúp họ có thể nghe thấy tiếng động cần thiết như chuông cửa, tiếng gọi, hay các tín hiệu cảnh báo khi có sự cố bất ngờ. Việc không cần phải đóng kín các cửa khi ngủ cũng khiến không khí trong nhà được lưu thông tốt hơn khiến quá trình hô hấp được tối ưu.
Điểm nổi bật của thiết bị HushTone là không sử dụng thuốc an thần hay can thiệp sinh học, mà chỉ điều chỉnh môi trường âm thanh, đây có thể được xem là một phương pháp trị liệu không xâm lấn, thích hợp cả với người lớn tuổi, phụ nữ mang thai hay những người nhạy cảm với các thành phần của thuốc. Tính an toàn, thân thiện và dễ sử dụng khiến HushTone có tiềm năng trở thành công cụ hỗ trợ trị liệu giấc ngủ không dùng thuốc, một xu hướng đang ngày càng được quan tâm trong bối cảnh con người tìm kiếm các giải pháp sống lành mạnh, bền vững hơn.
Tổng kết lại, thử nghiệm thực tế đã cho thấy thiết bị không chỉ cải thiện rõ rệt chất lượng giấc ngủ mà còn mang lại sự an tâm và cảm giác kiểm soát chủ động cho người dung, điều mà phần lớn các biện pháp truyền thống chưa thể đáp ứng đồng thời.
6. Kết luận và bàn luận
6.1. Kết luận
Dựa vào kết quả quá trình vận hành thử nghiệm thiết bị, có thể đánh giá tác dụng của thiết bị điều tiết tiếng ồn đối với chất lượng giấc ngủ là rất tích cực.
Về mặt tâm lý, việc thiết bị giúp cải thiện thời gian ngủ sâu khiến tinh thần người dùng sau khi thức giấc cảm thấy thoải mái, minh mẫn.
Về tổng quan thiết kế, sản phẩm có kiểu dáng đơn giản, màu sắc trung tính gần như phù hợp với mọi thiết kế không gian nội thất hiện đại. Kích thước nhỏ gọn, linh động rất thích hợp với các dạng căn hộ mini, chung cư, nhà phố...
6.2. Bàn luận
Ngoài nhóm khách hàng chính từ 30 đến 45 tuổi, sản phẩm này hoàn toàn có thể hướng đến nhiều đối tượng khách hàng mở rộng như:
+ Người cao tuổi: dễ thao tác nhờ nút bấm cơ học, không cần dùng app hay màn hình cảm ứng.
+ Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh: giúp giảm tiếng ồn xung quanh khi ngủ, không gây kích thích thính giác.
+ Đối với nhóm người làm công việc đặc thù (bác sĩ, bảo vệ, tiếp viên hàng không…): hỗ trợ tạo môi trường yên tĩnh để ngủ ban ngày, không cần thay đổi không gian sống.
7. Đề xuất
Thiết bị điều tiết tiếng ồn được phát triển trong bài nghiên cứu này có khả năng hỗ trợ giải quyết một vấn đề đang khá nhức nhối của xã hội đó là ảnh hưởng của tiếng ồn đô thị đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của cư dân chung cư. Vì vậy tác giả tin rằng việc thương mại hoá thiết bị này rất khả thi và là tất yếu để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.
Với lợi thế về kiểu dáng và tính linh động, thiết bị này rất thích hợp trong các trường hợp người dùng cần có ngay một không gian yên tĩnh (tương đối) cho nhiều mục đích như: họp hành đột xuất, phòng thi, phòng tập yoga, không gian thiền tịnh... hoặc đơn giản muốn có một không gian riêng để trò chuyện cùng bạn bè ngay khi đang ngồi ở những nơi nhiều tiếng ồn (quán cafe, nhà ga, showroom, triển lãm...).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] T.T.G.Chi, N.T.N.Hà (2012), “Đánh giá tác động của tiếng ồn từ hoạt động giao thông đường bộ đến người dân sống ven một số tuyến đường ở phía Nam thành phố Huế”, Tạp chí khoa học Đại học Huế, 73(4), tr.18, https://hueuni.edu.vn/portal/data/doc/tapchi/213.pdf
[2] Xuân Mai (2022), “Cả bụi mịn lẫn tiếng ồn ở TP.HCM đều vượt chuẩn”, Tuổi trẻ online, https://tuoitre.vn/ca-bui-min-lan-tieng-on-o-tp-hcm-deu-vuot-chuan-20221220091456898.htm
[3] Dương Liễu (2025), “Mật độ dân số tại TP.HCM gấp 1,7 lần so với Hà Nội”. Tuổi trẻ online, https://tuoitre.vn/mat-do-dan-so-tai-tp-hcm-gap-1-7-lan-so-voi-ha-noi-20250222214719029.htm
[4] P.N.T.Vinh (2023). Sách giáo khoa Vật lí 11 bộ sách Chân trời sáng tạo. NXB Giáo dục Việt Nam, tr.62-63, https://hanhtrangso.nxbgd.vn/ebook/read/vat-li-11-11450
[5] H.M.Sáng, B.T.Duyên (2023). “Nghiên cứu hệ thống quan trắc âm thanh đa cảm biến
phục vụ mục đích quân sự”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Công nghiệp Hà Nội, 59(3), tr.25-30, https://vjol.info.vn/index.php/dhcnhn/article/download/82887/70657/
[6] B.V.Hải, N.D.An, N.T.Lợi và cộng sự (2024). “Nghiên cứu kiểm soát tiếng ồn chủ động trên ô tô bằng công nghệ ANC”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Công nghiệp Hà Nội, 60(11), tr.141-144, https://jst-haui.vn/media/31/uffile-upload-no-title31764.pdf
[7] P.Heesen (2020). “Crossover trials: what are they and what are their advantages and limitations?”, The Students 4 Best Evidence website & social media platforms are supported by Cochrane UK, https://s4be.cochrane.org/blog/2020/09/07/crossover-trials-what-are-they-and-what-are-their-advantages-and-limitations/
[8] Sen M.Kuo, D.R.Morgan (1996). Active Noise Control Systems, Wiley-Interscience.
[9] World Health Organization. Regional Office for Europe (2009), Night noise guidelines for Europe, pp.13-14, https://www.who.int/europe/publications/i/item/9789289041737
[*] mức độ âm thanh đối lưu: là khoảng biên độ cho phép người sử dụng có thể ngủ tốt nhưng vẫn nghe được âm thanh của môi trường xung quanh (ví dụ: thông báo hoả hoạn, sự cố... từ ban quản lý chung cư).