Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcNghiên cứu xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực phát triển trường sư phạm

Nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực phát triển trường sư phạm

Thứ sáu, 15 Tháng 12 2017 03:34

PGS.TS. Nguyễn Danh Nam

Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên

 

Tóm tắt

Nâng cao năng lực cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục chủ chốt (sau đây gọi chung là các trường sư phạm) nhằm đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục là giải pháp cơ bản đảm bảo cho việc thực hiện thành công quá trình đổi mới giáo dục phổ thông. Bài viết phân tích các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục đại học và đề xuất xây dựng khung bộ chỉ số năng lực phát triển các trường sư phạm làm căn cứ cho việc đầu tư về cơ sở vật chất, bồi dưỡng giảng viên và tăng cường cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho các trường sư phạm.

Từ khóa. Chỉ số phát triển, trường sư phạm, ETEP, TEIDI.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh hội nhập khu vực ASEAN một cách toàn diện và sâu rộng, chất lượng giáo dục đại học (ĐH) và kiểm định chất lượng (KĐCL) giáo dục là vấn đề quan tâm hàng đầu của các trường ĐH ở Việt Nam. Yêu cầu về KĐCL giáo dục đã được ghi rõ trong Luật Giáo dục (2005); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (2009) và Luật Giáo dục ĐH (2012). Tuy nhiên, công tác KĐCL giáo dục ĐH vẫn chưa được thực hiện một cách đồng bộ, có hệ thống. Cơ chế và quy định về các tiêu chuẩn KĐCL không đồng nhất giữa các trường ĐH [4]. Hầu hết các trường ĐH đang sử dụng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành, một số trường ĐH khác lại sử dụng bộ tiêu chuẩn kiểm định của các trường ĐH thuộc khối ASEAN (đánh giá ở cấp độ chương trình đào tạo) như Trường ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh và Trường ĐH Cần Thơ.

Đối với các trường ĐH thuộc khối sư phạm, đứng trước yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đặc biệt là yêu cầu về quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên thì việc KĐCL giáo dục và đánh giá năng lực phát triển của các trường là nhiệm vụ bắt buộc. Để nâng cao năng lực phát triển, các trường sư phạm cần chú trọng đến các giải pháp toàn diện như nâng cấp cơ sở vật chất, phát triển năng lực đội ngũ giảng viên, nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực quản lý giáo dục ĐH… Từ đó xây dựng mô hình quản lý và đảm bảo chất lượng giúp nâng cao chất lượng giáo dục ĐH (kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng, quản lý chất lượng tổng thể, đánh giá chất lượng…). Do đó, ngoài bộ tiêu chuẩn KĐCL giáo dục ĐH nói chung, bộ chỉ số đánh giá năng lực phát triển trường sư phạm (Teacher Education Institutional Development Index, viết tắt là TEIDI) sẽ là công cụ để đánh giá chỉ số phát triển của các trường sư phạm trong việc triển khai các hoạt động của Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (Enhancing Teacher Education Program, gọi tắt là Chương trình ETEP). Bộ chỉ số được xây dựng theo hướng đánh giá toàn diện năng lực các trường sư phạm từ việc xác định sứ mạng, tầm nhìn, kế hoạch hành động, tổ chức thực hiện, cơ chế quản lý và quản trị hệ thống đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm. Từ đó giúp các trường sư phạm xác định được những điểm mạnh và tồn tại của mình để xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với sứ mạng và tầm nhìn đã công bố. Đặc biệt, bộ chỉ số đánh giá này giúp các trường sư phạm thường xuyên tự đánh giá và nâng cao năng lực lưu trữ minh chứng cho các hoạt động một cách khoa học. Như vậy, có thể nói bộ chỉ số TEIDI là công cụ để đánh giá tính hiệu quả và bền vững của Chương trình ETEP, từ đó cung cấp những luận chứng, cơ cở khoa học cho công tác quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm và tái cấu trúc hệ thống đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông và hội nhập quốc tế.

2. Tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục đại học

Hiện nay hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có những bộ tiêu chuẩn KĐCL giáo dục ĐH khác nhau với nhiều tổ chức kiểm định độc lập. Mỗi tiêu chuẩn được chia thành các tiêu chí hoặc chỉ số với các mức độ đánh giá khác nhau. Đây có thể là căn cứ để phân loại, xếp hạng các trường ĐH trên thế giới.

Hiệp hội các trường ĐH và cao đẳng ở vùng Đông Bắc Mỹ (New England Association for Schools and College, viết tắt là NEASC) có 11 tiêu chuẩn KĐCL được chia thành 177 tiêu chí, đó là các tiêu chuẩn: (1) Sứ mạng và mục đích; (2) Lập kế hoạch và đánh giá; (3) Tổ chức và quản lý; (4) Chương trình đào tạo; (5) Giảng viên; (6) Sinh viên (bao gồm cả học viên và nghiên cứu sinh); (7) Thư viện và các nguồn thông tin; (8) Cơ sở vật chất và công nghệ thông tin; (9) Các nguồn tài chính; (10) Công khai; (11) Tính trung thực, trách nhiệm và đạo đức [4].

Mạng lưới đảm bảo chất lượng của các trường ĐH hàng đầu Đông Nam Á (Asean University Network Quality Assurance, viết tắt là AUN-QA) đã xây dựng 25 tiêu chuẩn với 109 chỉ số để KĐCL trường ĐH, đó là: (1) Sứ mạng, tầm nhìn và văn hóa; (2) Quản trị; (3) Lãnh đạo và quản lý; (4) Quản lý chiến lược; (5) Các chính sách giáo dục, nghiên cứu và dịch vụ; (6) Quản lý nguồn nhân lực; (7) Quản lý tài chính và cơ sở vật chất; (8) Mạng lưới và các mối quan hệ bên ngoài; (9) Hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong; (10) Đánh giá chất lượng bên trong và bên ngoài; (11) Quản lý thông tin đánh giá chất lượng bên trong; (12) Nâng cao chất lượng; (13) Tuyển sinh; (14) Rà soát và thiết kế chương trình; (15) Dạy và học; (16) Đánh giá sinh viên; (17) Dịch vụ và hỗ trợ sinh viên; (18) Quản lý nghiên cứu khoa học; (19) Quản lý sản phẩm trí tuệ; (20) Các đối tác và hợp tác nghiên cứu; (21) Dịch vụ và gắn kết cộng đồng; (22) Hiệu quả giáo dục; (23) Hiệu quả nghiên cứu; (24) Hiệu quả dịch vụ; (25) Hiệu quả tài chính [3].

Bộ chỉ số đánh giá năng lực phát triển các trường sư phạm của Ấn Độ được chia thành 6 lĩnh vực, 25 tiêu chí và 75 chỉ số. Các lĩnh vực này bao gồm: (1) Lập kế hoạch và thiết kế chương trình (gồm có các tiêu chí: tầm nhìn; quá trình thiết kế chương trình; nội dung chương trình; rà soát chương trình); (2) Đánh giá và tổ chức thực hiện chương trình (gồm các tiêu chí: định hướng; giảng dạy lý thuyết; giảng dạy thực hành; đánh giá; dạy và học); (3) Nghiên cứu, phát triển và mở rộng (gồm có các tiêu chí: nghiên cứu và phát triển; gắn kết cộng đồng); (4) Cơ sở vật chất và nguồn tài nguyên học tập (gồm có các tiêu chí: cơ sở vật chất; nguồn tài nguyên học tập; nguồn nhân lực); (5) Hỗ trợ sinh viên (gồm các tiêu chí: hiệu quả của hệ thống; cơ chế phản hồi; chương trình hỗ trợ; dịch vụ tư vấn và hướng dẫn; chu trình tuyển sinh; các hoạt động văn hóa, xã hội và giải trí); (6) Tổ chức và quản lý (gồm có các tiêu chí: quản lý và cơ chế phối hợp nội bộ; kế hoạch năm học; tuyển dụng cán bộ, giảng viên; quản trị và quản lý tài chính; quản lý chất lượng khoa học) [1], [2].

Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường ĐH của Việt Nam gồm có 10 tiêu chuẩn và 61 tiêu chí. Các tiêu chuẩn đó là: (1) Sứ mạng và mục tiêu trường ĐH; (2) Tổ chức và quản lý; (3) Chương trình giáo dục; (4) Hoạt động đào tạo; (5) Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên; (6) Người học; (7) Nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ; (8) Hoạt động hợp tác quốc tế; (9) Thư viện, trang thiết bị học tập và cơ sở vật chất khác; (10) Tài chính và quản lý tài chính [5].

Như vậy, có thể nói chất lượng giáo dục ĐH là tập hợp các yếu tố liên quan đến đầu vào (input), quy trình (process), và đầu ra (output). Các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường ĐH của Việt Nam do Bộ GD&ĐT ban hành cũng bao gồm việc đánh giá đầu vào (liên quan đến sinh viên nhập học), quá trình (liên quan đến giảng viên, cơ sở vật chất và dịch vụ dành cho dạy học và nghiên cứu khoa học) và đánh giá đầu ra (liên quan đến tình hình sinh viên sau tốt nghiệp). Tuy nhiên, mức độ yêu cầu trong từng tiêu chí có nhiều điểm khác nhau, trong khi đó quy trình đánh giá chất lượng và việc sử dụng kết quả đánh giá chất lượng chưa được xác định rõ ràng [4]. Hơn nữa, các tiêu chuẩn đánh giá này liên quan nhiều đến quản lý hơn là chất lượng, ví dụ như các tiêu chuẩn về “sứ mệnh và mục tiêu của trường ĐH”, “tổ chức và quản lý”, “tài chính và quản lý tài chính”. Ngoài ra, một số tiêu chuẩn diễn đạt chưa cụ thể, ví dụ như tiêu chuẩn “chương trình giáo dục” yêu cầu về việc đảm bảo chất lượng đào tạo hoặc một số tiêu chuẩn khó đo lường và so sánh giữa các trường, ví dụ  việc “có” đầy đủ sách, giáo trình, tài liệu tham khảo,… mà chưa xác định rõ số lượng tài liệu tính trên đầu sinh viên.

Hiện nay, hầu hết các trường sư phạm đang sử dụng bộ KĐCL giáo dục ĐH của Bộ GD&ĐT (10 tiêu chuẩn và 61 tiêu chí) để tự đánh giá và đăng kí đánh giá ngoài. Mặt khác, thời gian thực hiện tự đánh giá và đánh giá ngoài của mỗi trường là tương đối nhiều. Trong khi đó, một số trường sư phạm khác lại có xu hướng sử dụng bộ tiêu chuẩn kiểm định AUN của các trường ĐH thuộc khối ASEAN (25 tiêu chuẩn và 111 chỉ số) để có kế hoạch xây dựng chiến lược hội nhập khu vực. Chính vì vậy, bộ chỉ số TEIDI cần được xây dựng trên cơ sở kế thừa những tiêu chuẩn, tiêu chí và chỉ số từ các công cụ nói trên nhằm giảm áp lực về đánh giá hằng năm của các trường. Tuy nhiên, bộ chỉ số này phải thể hiện được rõ hai yếu tố cơ bản sau đây: (i) đánh giá những lĩnh vực đặc thù đối với trường sư phạm; và (ii) đánh giá chỉ số phát triển. Nói cách khác, bộ chỉ số được xây dựng sẽ tập trung vào những tiêu chí đặc thù và những điểm tồn tại của các trường sư phạm, từ đó giúp các trường xây dựng chính sách phát triển phù hợp. Những lĩnh vực đặc thù sư phạm như: mối quan hệ trường sư phạm - trường phổ thông trong tổ chức thực tập, thực tế môn học cho sinh viên; cơ chế phối hợp với các sở GD&ĐT; nghiên cứu khoa học giáo dục; xây dựng môi trường, văn hóa ứng xử sư phạm; kinh nghiệm giảng dạy và am hiểu giáo dục phổ thông của giảng viên; hệ thống kết nối trực tuyến với các trường phổ thông; dịch vụ bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Đặc biệt là những tồn tại (hay điểm yếu) của các trường sư phạm cũng được chỉ ra với trọng số đánh giá ở mức cao, đó là: vấn đề xây dựng chiến lược nghiên cứu và phát triển; cơ chế phối hợp với các địa phương, kết nối với giáo dục phổ thông; đào tạo giáo viên giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh; vấn đề hỗ trợ sinh viên trong quá trình đào tạo và sau tốt nghiệp; hệ thống giám sát, đánh giá sinh viên sau tốt nghiệp; hợp tác quốc tế (liên kết đào tạo, trao đổi học thuật); chuyển giao nghiên cứu khoa học giáo dục; cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; hệ thống đào tạo trực tuyến; tái cấu trúc đáp ứng yêu cầu mới; nguồn thu từ dịch vụ đào tạo và nghiên cứu.

Đặc biệt, việc xây dựng một bộ công cụ chung đánh giá năng lực phát triển các trường sư phạm thuộc nhiều loại hình trường khác nhau ở Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn, thiếu tính đồng bộ. Cụ thể: (1) Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 trực thuộc Bộ GD&ĐT, trong đó, ngoài đào tạo sư phạm các trường này còn đào tạo nhiều ngành ngoài sư phạm; (2) Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, Trường ĐH Sư phạm Huế và Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng là các trường trực thuộc ĐH vùng, trong đó chỉ có Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên và Trường ĐH Sư phạm Huế là chuyên đào tạo sư phạm, không có đào tạo ngoài ngành; (3) Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Đồng Tháp và Trường ĐH Quy Nhơn là các trường ĐH đa ngành trực thuộc Bộ GD&ĐT, trong đó đào tạo giáo viên được giao cho Khoa Sư phạm hoặc trong một khoa có đào tạo cả sư phạm và ngoài sư phạm; (4) Trường ĐH Giáo dục trực thuộc ĐH Quốc Gia Hà Nội chỉ đào tạo những học phần nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên, kiến thức chuyên ngành được giảng dạy ở các trường ĐH thành viên khác thuộc ĐH Quốc Gia Hà Nội. Chính vì vậy, rất khó để bộ chỉ số TEIDI có thể đánh giá toàn diện các lĩnh vực của các trường sư phạm một cách thống nhất, đồng bộ. Một số tiêu chí có thể được tách ra riêng dành cho khối sư phạm (ví dụ đội ngũ giảng viên, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp,…) nhưng có những chỉ số khó tách riêng để đánh giá (ví dụ cơ sở vật chất, nguồn học liệu, thư viện,….). Do đó, chúng tôi tập trung vào các chỉ số đánh giá “năng lực phát triển” của các trường sư phạm với định hướng quan tâm đến các chỉ số định lượng nhằm giảm những khó khăn và chồng chéo trong quá trình đánh giá các trường tham gia các hoạt động của Chương trình ETEP.

3. Nộ chỉ số đánh giá năng lực phát triển trường sư phạm

Bộ chỉ số đánh giá do chúng tôi đề xuất có sự tham khảo bộ chỉ số đánh giá năng lực các trường sư phạm của Ấn Độ [1], trong đó nhấn mạnh đến các chỉ số đặc thù và những tồn tại trong đào tạo giáo viên ở Việt Nam. Bộ chỉ số được xây dựng dựa trên cách tiếp cận: đầu vào, quá trình và đầu ra. Đầu vào là những tiêu chí liên quan đến chất lượng sinh viên, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên. Quá trình bao gồm các tiêu chí liên quan đến chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo, tổ chức và quản lý. Đầu ra là những tiêu chí phản ánh tình trạng của sinh viên sau tốt nghiệp hay hiệu quả đào tạo. Tuy nhiên, bộ chỉ số sẽ tập trung vào các chỉ số định lượng có thể đo lường ở các mức độ khác nhau để thuận lợi cho việc đánh giá “năng lực phát triển” của các trường sư phạm hằng năm. Các chỉ số định tính được xây dựng cũng có thể đo đếm bằng các phương pháp định lượng như điều tra, quan sát, thống kê. Trên cơ sở đó, chúng tôi đề xuất khung bộ chỉ số TEIDI gồm có 7 tiêu chuẩn, 20 tiêu chí và 63 chỉ số. Các tiêu chuẩn bao gồm: (1) Tầm nhìn chiến lược, quản lý và đảm bảo chất lượng; (2) Chương trình đào tạo; (3) Nghiên cứu, phát triển và đổi mới; (4) Hoạt động đối ngoại; (5) Môi trường sư phạm và các nguồn lực; (6) Hỗ trợ dạy học; (7) Hỗ trợ người học. Cụ thể như sau:

Tiêu chuẩn 1: Tầm nhìn chiến lược, quản lý và đảm bảo chất lượng

Tiêu chí 1: Tầm nhìn chiến lược

1.1.1. Tầm nhìn và kế hoạch chiến lược phù hợp với sứ mạng của Trường.

1.1.2. Tầm nhìn, sứ mạng của Trường được công bố công khai và được triển khai trong các hoạt động của Trường.

Tiêu chí 2: Quản lý

1.2.1. Trường có đầy đủ các chính sách, quy trình, quy định, công cụ để thực hiện sứ mạng, triển khai kế hoạch chiến lược và khuyến khích đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên, kỹ thuật viên phát huy năng lực của mình.

1.2.2. Năng lực chuyên môn của nhân sự được tuyển dụng đáp ứng vai trò, chức năng của từng vị trí công việc.

1.2.3. Toàn bộ nhân sự trong Trường thực hiện đầy đủ các quy định về trách nhiệm và giải trình.

Tiêu chí 3: Đảm bảo chất lượng

1.3.1. Trường có các chính sách thích hợp, đơn vị đảm bảo chất lượng và nhân sự có chuyên môn để thực hiện hiệu quả các hoạt động đảm bảo chất lượng nội bộ ở cấp trường, cấp chương trình.

1.3.2. Trường đã tiến hành tự đánh giá với mục đích cải thiện chất lượng cấp trường hoặc cấp chương trình.

1.3.3. Trường có một hệ thống thông tin tích hợp để định kỳ thu thập và xử lý dữ liệu về giảng viên và người học.

1.3.4. Trường có hệ thống phản hồi từ các bên có liên quan về các tiến bộ học tập, các trải nghiệm và cải tiến chất lượng học tập, có phương pháp thực hiện các phản hồi này và sử dụng kết quả phân tích để cải tiến việc dạy học.

Tiêu chuẩn 2: Chương trình đào tạo

Tiêu chí 4: Phát triển chương trình

2.4.1. Các quy trình thiết kế, phát triển, thẩm định, thực hiện, giám sát và điều chỉnh chương trình gắn kết với sứ mạng, tầm nhìn chiến lược, mục tiêu của Trường và với nhiệm vụ mà Nhà nước giao phó.

2.4.2. Các chương trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên được phát triển dựa theo nhu cầu của các bên liên quan, thể hiện tính hệ thống và nhất quán.

2.4.3. Chương trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên được định kì rà soát, đánh giá, chỉnh sửa và bổ sung với sự tham gia của các bên liên quan.

Tiêu chí 5: Nội dung chương trình và tổ chức thực hiện

2.5.1. Nội dung chương trình đáp ứng chuẩn đầu ra, gắn kết với chuẩn nghề nghiệp, đảm bảo tính khoa học, hiện đại và cập nhật, tích hợp các vấn đề giáo dục phát sinh trong thực tế và những thay đổi trong bối cảnh địa phương, quốc gia và quốc tế.

2.5.2. Chương trình thể hiện tính hợp lý giữa lý thuyết và thực hành, đảm bảo cho người học có sự hiểu biết toàn diện, có đầy đủ các năng lực và phẩm chất để thực hiện hiệu quả các hoạt động dạy học.

2.5.3. Việc phân bổ các học phần đảm bảo tính hợp lý đáp ứng nhu cầu cá nhân và kế hoạch học tập của người học.

2.5.4. Việc tổ chức thực hiện chương trình tích hợp/bao quát được nhiều tình huống học tập đa dạng thường xảy ra trong trường sư phạm và trường phổ thông.

2.5.5. Trường đảm bảo tính phù hợp của nguồn lực, thời lượng của chương trình, sự phân bổ thời gian và thời khóa biểu cho các hoạt động đào tạo và bồi dưỡng trong suốt quá trình thực hiện chương trình để đáp ứng chuẩn đầu ra.

2.5.6. Việc thực hiện chương trình bồi dưỡng đảm bảo tính linh hoạt và đáp ứng nhu cầu và mối quan tâm của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông.

Tiêu chuẩn 3: Nghiên cứu, phát triển và đổi mới

Tiêu chí 6: Chính sách về nghiên cứu, phát triển và đổi mới

3.6.1. Trường có chính sách và kế hoạch dài hạn về nghiên cứu, phát triển và đổi mới phù hợp với tầm nhìn, kế hoạch chiến lược và nhiệm vụ mà Nhà nước giao phó.

3.6.2. Trường có chính sách ưu tiên về trang thiết bị và ngân sách phục vụ nghiên cứu, phát triển và đổi mới khoa học giáo dục.

3.6.3. Kết quả nghiên cứu của Trường được tích hợp và ứng dụng vào hoạt động dạy và học.

3.6.4. Kết quả nghiên cứu của trường thúc đầy sự phát triển, hoạch định chính sách, đổi mới khoa học giáo dục và được phổ biến trong phạm vị quốc gia, khu vực và quốc tế.

Tiêu chí 7: Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và đổi mới

3.7.1. Trường hỗ trợ giảng viên về mặt tổ chức để thực hiện các đề tài nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

3.7.2. Trường xác định các hoạt động nghiên cứu khác nhau để giảng viên thực hiện được nhiệm vụ nghiên cứu phù hợp với hoàn cảnh của mình.

3.7.3. Danh sách đề tài, phương tiện, thiết bị phục vụ nghiên cứu được cập nhật và phổ biến toàn Trường.

Tiêu chuẩn 4: Hoạt động đối ngoại

Tiêu chí 8: Hợp tác vùng/địa phương

4.8.1. Trường lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các khóa đào tạo và bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông.

4.8.2. Trường thường xuyên phối kết hợp với các trường đại học và các bên có liên quan triển khai các hoạt động và tổ chức các sự kiện về khoa học giáo dục.

Tiêu chí 9: Hợp tác quốc tế

4.9.1. Trường có chính sách khuyến khích giảng viên và người học tham gia các mạng lưới quốc tế, các hội thảo, dự án, các chương trình nghiên cứu và xuất bản trong các mạng lưới này.

4.9.2. Trường hỗ trợ phát triển các chương trình liên kết đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học với các trường đại học và các đối tác nước ngoài; tích hợp các vấn đề toàn cầu về giới tính, môi trường, toàn cầu hóa trong chương trình đào tạo và bồi dưỡng.

4.9.3. Trường có chính sách và triển khai thực hiện để giảng viên và người học đạt được mức độ thông thạo ngoại ngữ theo quy định.

Tiêu chí 10: Hợp tác với các tổ chức khác

4.10.1. Trường cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các trường đại học sư phạm và các trường đại học khác theo nhiều mục tiêu khác nhau.

4.10.2. Trường tham gia mạng lưới các trường đại học sư phạm và các trường đại học khác nhằm chia sẻ kinh nghiệm và thực tế.

4.10.3. Trường hỗ trợ giảng viên và người học của mình tham gia, đóng góp cho các hoạt động chuyên môn trong ngành.

4.10.4. Trường khuyến khích các hoạt động hợp tác với các tổ chức và cá nhân nhằm thông qua đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

Tiêu chí 11: Thông tin và truyền thông

4.11.1. Trường đảm bảo việc xuất bản các ấn phẩm chuyên môn tuân thủ các quy định quốc gia và quốc tế về luật bản quyền, sở hữu trí tuệ, chống đạo văn và tôn trọng quyền riêng tư.

4.11.2. Trường công khai các thông tin có cơ sở, đặc biệt là dữ liệu về đội ngũ giảng viên, sinh viên nhập học, sinh viên tốt nghiệp và tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm.

Tiêu chuẩn 5: Môi trường sư phạm và các nguồn lực

Tiêu chí 12: Môi trường sư phạm

5.12.1. Cảnh quan, môi trường giảng dạy và học tập phù hợp với sứ mệnh, tầm nhìn và mục tiêu giáo dục của Trường.

5.12.2. Khuôn viên, môi trường tự nhiên của trường, được quy hoạch và xây dựng phù hợp với hoạt động đào tạo và bồi dưỡng giáo viên.

Tiêu chí 13: Cơ sở vật chất, tài nguyên dạy và học

5.13.1. Các tòa nhà, giảng đường, phòng học, thự viện, phòng thí nghiệm, thực hành, máy tính, trang thiết bị và tài liệu học tập được trang bị, bảo trì và sử dụng phù hợp với các mục đích giáo dục của Trường.

5.13.2. Các tòa nhà, giảng đường, phòng học, thư viện, phòng thí nghiệm, thực hành, máy tính, trang thiết bị và tài liệu học tập được sử dụng linh hoạt để đáp ứng tính sáng tạo và đổi mới của giảng viên và người học, phù hợp cho từng khóa đào tạo, tập huấn/bồi dưỡng thường xuyên cụ thể.

5.13.3. Môi trường trực tuyến của trường đảm bảo các khóa đào tạo và bồi dưỡng trực tuyến và thực hành giảng dạy ảo được thực hiện có chất lượng với các phương pháp dạy học thích hợp.

5.13.4. Hệ thống phần cứng và phần mềm công nghệ được Trường duy trì thường xuyên và luôn sẵn sàng để giảng viên và người học có thể sử dụng hiệu quả.

Tiêu chí 14: Nguồn tài chính

5.14.1. Trường có các nguồn thu đa dạng và hợp pháp từ các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phù hợp với sứ mạng và kế hoạch chiến lược của mình.

5.1.4.2. Nguồn thu từ các hoạt động quan hệ, hợp tác quốc tế được sử dụng nhằm tăng cường năng lực của nhà trường.

Tiêu chí 15: Nguồn nhân lực

5.15.1. Chính sách tuyển dụng, phát triển nguồn nhân lực và khen thưởng, kỷ luật gắn kết với tầm nhìn và mục tiêu chiến lược.

5.15.2. Trường có chiến lược và kế hoạch tuyển dụng, sử dụng đội ngũ minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả để phát triển các nhà giáo dục xuất sắc.

5.15.3. Trường có chính sách và kế hoạch đảm bảo chất lượng trong cơ chế tuyển dụng và sử dụng giảng viên thỉnh giảng.

Tiêu chuẩn 6: Hỗ trợ dạy học

Tiêu chí 16: Hỗ trợ, bồi dưỡng giảng viên

6.16.1. Trường có hệ thống hỗ trợ hiệu quả các giảng viên tập sự và giảng viên mới.

6.16.2. Giảng viên được khuyến khích và thực hiện được vai trò là người hướng dẫn một cách hiệu quả.

6.16.3. Lãnh đạo trường cam kết và triển khai kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên nhằm nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực chuyên môn của đội ngũ giảng viên, gắn kết với thực tế trong các trường phổ thông.

6.16.4. Trường hỗ trợ giảng viên sử dụng hiệu quả các phương pháp giảng dạy thích hợp cho chương trình bồi dưỡng thường xuyên.

6.16.5. Trường cung cấp cơ hội chuyên nghiệp hóa đội ngũ giảng viên để đáp ứng các nhu cầu đặc biệt, tiếp cận các vấn đề giáo dục và các vấn đề xã hội có tác động đến các hoạt động sư phạm.

Tiêu chí 17: Đánh giá và công nhận giảng viên

6.17.1. Trường có chính sách đánh giá giảng viên một cách chính xác, công khai và minh bạch.

6.17.2. Trường có cơ chế công nhận, đãi ngộ thành tích của giảng viên, khuyến khích các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Tiêu chuẩn 7: Hỗ trợ học tập

Tiêu chí 18: Tuyển sinh và hỗ trợ người học

7.18.1. Quy trình tuyển sinh cho các chương trình đào tạo và bồi dưỡng được thông báo công khai, được thực hiện công bằng và minh bạch.

7.18.2. Các thông tin về ngành học, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, chương trình môn học và việc tổ chức thực hiện phải rõ ràng, đầy đủ và dễ dàng tiếp cận.

7.18.3. Trường có các chương trình hỗ trợ và tư vấn cho những người học có vấn đề khó khăn trong học tập, chậm tiến bộ, người học thuộc các nhóm thiệtthòi, dân tộc thiểu số, vùng khó khăn và người nước ngoài.

7.18.4. Trường công khai thông tin về lộ trình học tập, các chính sách chuyển đổi và công nhận tín chỉ trong đào tạo liên thông giữa các ngành học với nhau và giữa các trường đại học trong và ngoài nước.

7.18.5. Trường cung cấp các dịch vụ tư vấn về kế hoạch học tập, lựa chọn học phần, hướng nghiệp và hỗ trợ sau tốt nghiệp cho người học.

Tiêu chí 19: Đánh giá và công nhận kết quả học tập

7.19.1. Việc đánh giá kết quả học tập của người học đảm bảo tính chính xác, công bằng, minh bạch, phù hợp với mục tiêu học tập và chuẩn đầu ra.

7.19.2. Việc công nhận năng lực của người học trong các chương trình đào tạo và bồi dưỡng thường xuyên, trong đó có năng lực giảng dạy và sử dụng công nghệ thông tin, phù hợp với kết quả đánh giá.

Tiêu chí 20: Các hoạt động ngoại khóa

7.20.1. Trường khuyến khích người học thực hành, tham gia vào các hoạt động văn hóa, xã hội, thể dục thể thao nhằm hỗ trợ cải tiến chất lượng giáo dục và phát triển năng lực giảng dạy.

7.20.2. Trường hỗ trợ việc thành lập ban liên lạc cựu sinh viên, các hoạt động của ban và việc tham gia của cựu sinh viên vào các hoạt động giáo dục của Trường.

Các chỉ số, tiêu chí trong mỗi tiêu chuẩn trong bộ chỉ số TEIDI được đánh giá kết hợp giữa định tính và định lượng theo thang điểm 7 mức, tương ứng với 7 mức năng lực. Đánh giá định tính được áp dụng theo Chu trình PDCA (Plan – Do – Check – Act) được tiến sĩ Deming giới thiệu trong những năm 1950, phản ánh quá trình quản lý chất lượng thực sự được cải thiện một cách liên tục. Đánh giá định lượng được xác định theo tỷ lệ phần trăm những nội dung đạt được theo các mức PDCA so với tổng thể các nội dung có trong chỉ số, tiêu chí. Điểm chỉ số là điểm nguyên còn điểm tiêu chí là điểm trung bình cộng của các chỉ số có trong tiêu chí, được làm tròn đến 2 chữ số thập phân sau dấu phẩy. Điểm của mỗi tiêu chuẩn là điểm trung bình cộng của các tiêu chí có trong tiêu chuẩn, được làm tròn đến 1 chữ số thập phân sau dấu phẩy. Việc đánh giá từng tiêu chí trong mỗi tiêu chuẩn sử dụng thang 7 mức, trong đó: Mức 1 (Hoàn toàn không đáp ứng yêu cầu của tiêu chí, phải có giải pháp khắc phục ngay); Mức 2 (Không đáp ứng yêu cầu của tiêu chí, cần có những giải pháp khắc phục); Mức 3 (Chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của tiêu chí nhưng chỉ cần có một số cải tiến nhỏ sẽ đáp ứng được yêu cầu); Mức 4 (Đáp ứng yêu cầu của tiêu chí); Mức 5 (Đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí); Mức 6 (Đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí); và Mức 7 (Đáp ứng xuất sắc yêu cầu của tiêu chí).

Bộ chỉ số trên đã được đánh giá thử nghiệm tại 8 trường sư phạm chủ chốt trong cả nước. Trong khuôn khổ bài báo, chúng tôi phân tích kết quả đánh giá tại Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên.

Bảng 1: Kết quả tự đánh giá và đánh giá đồng cấp TEIDI

TT

Tiêu chí

Điểm tự đánh giá

Điểm đánh giá đồng cấp

I

Tiêu chuẩn 1: Tầm nhìn chiến lược, quản lý và đảm bảo chất lượng

3.8

3.8

1

Tầm nhìn chiến lược

3.5

3.5

2

Quản lý

4.0

4.0

3

Đảm bảo chất lượng

4.0

4.0

II

Tiêu chuẩn 2: Chương trình đào tạo

3.8

3.6

4

Phát triển chương trình

4.0

3.67

5

Nội dung chương trình và  tổ chức thực hiện

3.67

3.5

III

Tiêu chuẩn 3: Nghiên cứu, phát triển và đổi mới

4.0

3.75

6

Chính sách nghiên cứu, phát triển và đổi mới

4.0

3.75

7

Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và đổi mới

4.0

3.75

IV

Tiêu chuẩn 4: Hoạt động đối ngoại

3.5

3.6

8

Hợp tác vùng/địa phương

3.5

3.5

9

Hợp tác quốc tế

3.33

3.67

10

Hợp tác với các tổ chức khác

3.75

3.75

11

Thông tin và truyền thông

3.5

3.5

V

Tiêu chuẩn 5: Môi trường sư phạm và các nguồn lực

3.1

3.1

12

Môi trường sư phạm

3.0

3.0

13

Cơ sở vật chất, tài nguyên dạy và học

3.0

2.75

14

Nguồn tài chính

3.5

3.5

15

Nguồn nhân lực

3.0

3.0

VI

Tiêu chuẩn 6: Hỗ trợ dạy học

4.0

3.9

16

Hỗ trợ, bồi dưỡng giảng viên

4.0

3.8

17

Đánh giá và công nhận giảng viên

4.0

4.0

VII

Tiêu chuẩn 7: Hỗ trợ học tập

3.9

3.8

18

Tuyển sinh và hỗ trợ người học

3.8

3.8

19

Đánh giá và công nhận kết quả học tập

4.5

4.0

20

Các hoạt động ngoại khóa

3.5

3.5

Kết quả đánh giá cho thấy, Trường còn một số hạn chế về: xây dựng kế hoạch chiên lược (chỉ số 1.1), hợp tác vùng/địa phương (chỉ số 4.8), hợp tác quốc tế (chỉ số 4.9), thông tin và truyền thông (chỉ số 4.11), tiêu chuẩn 5 (môi trường sư phạm và các nguồn lực), các hoạt động ngoại khóa (chỉ số 7.20). Kết quả đánh giá tại các trường sư phạm khác cũng có một số hạn chế tương tự. Điều này thể hiện năng lực đào tạo, bồi dưỡng của các trường sư phạm ở Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông và yêu cầu hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục. Trên cơ sở đó, Trường đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị để xin ý kiến chuyên gia về kế hoạch khắc phục những hạn chế trên và xác định các lĩnh vực cần cải thiện sau tự đánh giá và đánh giá đồng cấp. Dựa trên 7 tiêu chuẩn của bộ chỉ số TEIDI, chúng tôi chia thành 4 lĩnh vực cần phải cải tiến chất lượng, đó là: (i) phát triển học thuật; (ii) nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đổi mới; (iii) quản lý và cơ sở hạ tầng; (iv) Nâng cao năng lực, đảm bảo chất lượng và đánh giá.

Bảng 2: Lĩnh vực cần cải thiện sau tự đánh giá và đánh giá đồng cấp

TT

Lĩnh vực cần cải thiện

Nội dung kế hoạch chiến lược

1

Phát triển học thuật

Xây dựng các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình liên kết quốc tế và chương trình đào tạo giáo viên giảng dạy ở vùng dân tộc thiểu số

Điều chỉnh các chương trình đào tạo theo hướng tăng tính tích hợp, liên thông dọc, liên thông ngang và số lượng các học phần tự chọn

Xây dựng hệ thống hỗ trợ, giám sát, đánh giá sự tiến bộ của người học

Phát triển hệ thống đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến

2

Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đổi mới

Xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu khoa học, tin học hóa nâng cao hiệu quả quản lý khoa học công nghệ của Nhà trường

Xây dựng chính sách hỗ trợ cán bộ, giảng viên và người học nâng cao chất lượng và số lượng các nghiên cứu khoa học 

Xây dựng kế hoạch hợp tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ với các địa phương

Xây dựng cơ chế, kế hoạch thu hút chuyên gia nước ngoài, thực tập sinh quốc tế, sinh viên quốc tế đến trao đổi học thuật, giảng dạy và học tập tại Trường

Tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học với các trường đại học, các viện nghiên cứu ở trong và ngoài nước

3

Quản lý và cơ sở hạ tầng

Xây dựng môi trường sư phạm hiện đại, thân thiện; đổi mới mô hình phòng học, lớp học

Nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, phủ sóng wifi trong toàn bộ khuôn viên Trường

Xây dựng thư viện điện tử, phòng học trực tuyến, phòng số hóa và phòng sản xuất học liệu điện tử, phòng thực hành sư phạm,…

4

Nâng cao năng lực, đảm bảo chất lượng và đánh giá

Thiết lập hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong nhà trường

Bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên về ngoại ngữ, tin học, quản trị, đảm bảo chất lượng, phát triển chương trình,…

Xây dựng phần mềm thu thập và xử lý dữ liệu về giảng viên và người học

Kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo bộ tiêu chuẩn kiểm định trong nước và quốc tế

Xây dựng các chỉ số đánh giá mức độ hoàn thành công việc (KPIs) cụ thể trong việc đánh giá năng lực của cán bộ

Như vậy, có thể thấy dựa vào các lĩnh vực cần cải thiện ở trên, Trường cần điều chỉnh sứ mạng và tầm nhìn, xây dựng kế hoạch chiến lược và kế hoạch nâng cao năng lực nhà trường nhằm cải thiện từng chỉ số trong bộ chỉ số TEIDI. Những chỉ số quan trọng cần có kế hoạch nâng cao đến mức 5 hoặc 6 điểm, từ đó giúp nhà trường có thể định vị được vai trò và vị thế của mình là một trong những trường sư phạm chủ chốt của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

4. Kết luận

Bộ tiêu chuẩn kiểm định trường ĐH là công cụ đánh giá theo chuẩn mực, còn bộ chỉ số TEIDI là công cụ để đánh giá và theo dõi sự phát triển của các trường sư phạm. Vì thế, kết hợp với các chuẩn mực trong bộ tiêu chuẩn kiểm định trường ĐH với các dữ liệu thu được từ bộ chỉ số thực hiện sẽ giúp lý giải đầy đủ hơn các chỉ số “phát triển” của trường sư phạm. Điều này cũng sẽ giúp khắc phục được những khó khăn trong công tác KĐCL giáo dục ĐH hiện nay như: việc thống nhất các tiêu chí, chỉ số, trọng số xếp hạng; vấn đề về việc thu thập thông tin dữ liệu; vấn đề lưu trữ minh chứng. Đối với Chương trình ETEP, bộ chỉ số TEIDI có chức năng đánh giá năng lực phát triển các trường sư phạm, xác định điểm cơ sở, từ đó thực hiện đánh giá các trường hằng năm. Ngoài ra, kết quả đánh giá với bộ chỉ số này cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng chuẩn trường sư phạm, từ đó giúp giải quyết bài toán về quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, việc đánh giá thông qua bộ chỉ số TEIDI giúp các trường sư phạm xác định được những điểm mạnh, những tồn tại và xây dựng chiến lược đổi mới nhà trường phù hợp với đặc trưng vùng miền. Vận dụng kết quả thu được từ việc đánh giá theo bộ chỉ số TEIDI cũng sẽ giúp các trường sư phạm nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng; thể chế hóa thành công mối quan hệ sư phạm - phổ thông và xây dựng được phương án sử dụng đội ngũ chuyên gia cùng tham gia vào quá trình bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Tài liệu tham khảo

[1]. NAAC (2007). Quality indicators for teacher education. National Printing Press, India.

[2]. NAAC (2007). Quality assurance toolkit for teacher education institutions: Guidelines. National Printing Press, India.

[3]. AUN (2016). ASEAN university network quality assurance: Guide to AUN-QA assessment at institutional level. Bankok, Thailand.

[4]. Nguyễn Phương Nga (2011). Bàn về các tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục đại học. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học Xã hội và Nhân văn, 27, 59-65.

[5]. Quyết định số 65/2007/QĐ-BGDĐT ngày 01 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học.

[6]. Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19 tháng 5 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học.

PGS.TS. Nguyễn Danh Nam

Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên

 

 

Tóm tắt. Nâng cao năng lực cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục chủ chốt (sau đây gọi chung là các trường sư phạm) nhằm đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục là giải pháp cơ bản đảm bảo cho việc thực hiện thành công quá trình đổi mới giáo dục phổ thông. Bài viết phân tích các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục đại học và đề xuất xây dựng khung bộ chỉ số năng lực phát triển các trường sư phạm làm căn cứ cho việc đầu tư về cơ sở vật chất, bồi dưỡng giảng viên và tăng cường cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho các trường sư phạm.

Từ khóa. Chỉ số phát triển, trường sư phạm, ETEP, TEIDI.

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516