Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dục Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang: SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM VỀ "XÂY DỰNG TRƯỜNG HỌC THÂN THIỆN, HỌC SINH TÍCH CỰC” NĂM HỌC 2011 - 2012

Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang: SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM VỀ "XÂY DỰNG TRƯỜNG HỌC THÂN THIỆN, HỌC SINH TÍCH CỰC” NĂM HỌC 2011 - 2012

Thứ tư, 22 Tháng 5 2013 02:00
Tên đơn vị: Trường Mầm non Phan Thiết Địa chỉ: Đường Quang Trung, tổ 14 phường Phan Thiết thành phố Tuyên Quang. Số điện thoại : 027.3821.501. Địa chỉ e mail: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.. Hiệu trưởng: Tạ Thị Đào, số điện thoại : 0982145028.(Người lập sáng kiến)

1. Tên sáng kiến: Tổ chức cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi đi tham quan thực tế

2. Mô tả nội dung sáng kiến :

Trong các trường mầm non hiện nay, việc tổ chức cho học sinh đi tham quan thực tế còn nghèo nàn, hạn chế vì cán bộ quản lý và giáo viên ngại mất nhiều công sức, lo không đảm bảo sức khỏe và an toàn cho trẻ, mặt khác còn có quan điểm khác nhau về vấn đề này, đặc biệt là khó khăn về kinh phí.

 

Xuất phát từ đặc điểm nhận thức của trẻ mầm non là tư duy trực quan, nếu trẻ được tận mắt nhìn thấy hình ảnh thực tế sẽ có tác dụng lớn đến nhận thức và tình cảm của trẻ về hình ảnh quê hương đất nước.

 

Từ những lý do trên, được sống trên quê hương Cách mạng Tân Trào thủ đô của kháng chiến, các cháu mẫu giáo lớn Trường Mầm non Phan Thiết được biết về cây đa Tân Trào, mái Đình Hồng Thái, Lán Nà lừa qua tranh ảnh thông qua Chủ đề "Quê hương đất nước" trong chương trình giáo dục và luôn có ước mơ được tận mắt nhìn thấy hình ảnh đó trên quê hương của bé. Cán bộ quản lý và giáo viên Trường Mầm non Phan Thiết không ngại khó khăn, khắc phục kinh phí đã tổ chức cho các cháu mẫu giáo lớn về với cội nguồn cách mạng để thổi vào tâm hồn trẻ tình yêu quê hương, đất nước, yêu thiên nhiên, kính yêu Lãnh tụ góp phần đào tạo thế hệ trẻ có đầy đủ phẩm chất đạo đức, trí tuệ là chủ nhân tương lai có giá trị cho đất nước.  

 

 

3. Nội dung công việc :

3.1. Lập kế hoạch cho trẻ đi tham quan

Bản thân mỗi giáo viên cần nhận thức việc tổ chức đi tham quan sẽ tạo cho trẻ hào hứng và kích thích, được khám phá thế giới xung quanh với thiên nhiên đầy phong phú mà trẻ ít được tiếp xúc.

 

Dự kiến kế hoạch tham quan theo chủ đề: trên cơ sở ngân hàng chủ đề nhánh của nhà trường, giáo viên lựa chọn nội dung tham quan phù hợp với chủ đề.

     

        Ví dụ : Kế hoạch

Thời gian Chủ đề thực hiện Địa điểm tham quan thực tế Nội dung thực tế
 ngày 4 - 26/12 /2011  Quê hươngđất nước - Lán Nà Lừa.- Cây đa Tân Trào.- Đình Hồng Thái - Tên địa danh, đặc điểm di tích lịch sử, giáo dục ý thức tình cảm của trẻ ... đi có hàng lối, có ý thức tổ chức kỷ luật, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng...- Trò truyện cùng cô giáo và cô hướng dẫn viên.- Hoạt động văn nghệ có liên quan đến dị tích lịch sử- Chụp ảnh lưu niệm..

 

Lựa chọn địa điểm thực tế:

- Từ kế hoạch dự kiến cho trẻ đi thực tế, nhà trường liên hệ khảo sát trước địa điểm:

+ Không gian để bố trí cho 4 lớp mẫu giáo lớn đứng quan sát.

+ Phương tiện đi lại cho các cháu và giáo viên.

+ Địa điểm đi thực tế có an toàn với trẻ không (xung quanh có ao hồ, sông ngòi…)

+ Liên hệ Ban Lãnh đạo Khu di tích lịch sử Tân Trào về thời gian, hướng dẫn viên và những nội dung cần truyền tải với dung lượng kiến thức phù hợp đặc điểm nhận thức của trẻ.

+ Liên hệ về hậu cần: đặt trước nơi tổ chức nấu ăn cho trẻ sau khi tham quan xong cho trẻ ăn trưa, lựa chọn thực đơn phù hợp khẩu vị món ăn hàng ngày của trẻ, bố trí cho trẻ ngủ sau khi ăn trưa và ăn phụ sau khi ngủ dậy...  

 

3.2. Tuyên truyền phối hợp với phụ huynh

        * Công tác tuyên truyền:

+ Thông báo tới phụ huynh dự kiến các hoạt động thăm quan thực tế.

+ Họp phụ huynh tại lớp, thông báo kế hoạch dự kiến tham quan.

+ Phát phiếu và tổng hợp kết quả phiếu trưng cầu ý kiến.

+ Gặp gỡ trao đổi, giải thích ý kiến của phụ huynh có thể họ sẽ lo lắng về sức khỏe về an toàn cho trẻ.

+ Thông báo kế hoạch kinh phí về ủng hộ, hỗ trợ, đóng góp...

* Thăm dò ý kiến phụ huynh

        Nhà trường làm phiếu thăm dò ý kiến, có tên học sinh tên lớp kèm với dự kiến tham quan thực tế gửi phụ huynh, trong phiếu thăm dò có ý kiến đề xuất của phụ huynh để nhà trường nắm bắt nguyện vọng của phụ huynh.

 

3.3. Xây dựng kế hoạch chi tiết

 Giáo viên 4 lớp mẫu giáo lớn xây dựng kế hoạch chi tiết cho buổi đi tham quan thực tế như việc giáo viên soạn giáo án cho một hoạt động có chủ đích ở trường. GV đưa ra các hình thức tổ chức cho phù hợp với địa điểm thực tế, hình thức tổ chức thu hút và gây được sức hấp dẫn với trẻ và phù hợp nội dung cần truyền tải đến trẻ .

 

I. Mục đích yêu cầu của chuyến đi tham quan:

1. Kiến thức : trẻ biết tên địa danh: Lán Nà Lừa, Cây đa Tân Trào, Đình Hồng Thái

- Biết lán Nà lừa kiểu nhà sàn, có cầu thang đi lên trên sàn nhà, sàn được dát bằng tre hoặc mai, vách bằng nứa, mái lợp cọ nơi Bác Hồ đã từng ở đó để làm việc.

- Biết được nhà sàn là loại nhà các dân tộc thường ở qua chuyến thăm thực tế.

 

2. Kỹ năng: Rèn cho trẻ kỹ năng quan sát khi tham quan, kỹ năng nói mạc lạc tự tin.

                 Kỹ năng đi trên cầu thang và kỹ năng đi trên nhà sàn.

 

3. Giáo dục:

- Trẻ cảm nhận được tình cảm của Bác Hồ đối với nhân dân nhất là các cháu bé... giáo dục tình cảm kính yêu Lãnh tụ, tự hào sống trên quê hương thủ đô kháng chiến.

- Ý thức giữ gìn bảo tồn di tích lịch sử.

- Ý thức bảo vệ môi trường, không vứt vỏ quà bánh trong khi đi tham quan...

 

II. Chuẩn bị

* Chuẩn bị của cô: Phân công nhiệm vụ, kết hợp với cha mẹ trẻ (Ban đại diện cha mẹ trẻ), máy quay phim, chụp ảnh... dự kiến một số câu hỏi đàm thoại sau khi trẻ quan sát.

- Chuẩn bị nước uống, một số thuốc thông thường, bông, băng gạc dự phòng...

- Chuẩn bị câu hỏi đàm thoại...

* Chuẩn bị của trẻ: Quần áo ấm, gọn gàng, và chuẩn bị thêm quần áo dự phòng...

 

III. Tiến hành

1

Nghe cô hướng dẫn viên giới thiệu về lán Nà Lừa, Cây đa Tân Trào, Đình Hồng Thái

2

Trẻ trò chuyện cùng cô hướng dẫn viên.

- Trẻ quan sát lán Nà Lừa cô hướng dẫn viên giải thích cho trẻ biết Bác Hồ đã ở Lán Nà Lừa một thời gian để lãnh đạo cách mạng thành công, thời gian Bác ở đây rất khó khăn, ăn uống rất khổ nên Bác đã bị ốm và Bác được nhân dân chăm sóc giúp đỡ Bác đã khỏi bệnh tiếp tục lãnh đạo nhân dân đuổi thực dân pháp giải phóng đất nước, các cháu và nhân dân được no ấm là có công lao to lớn của Bác.

 

 Đến đây chúng tôi được cô hướng dẫn viên giới thiệu đây chính là ngôi lán mà Bác Hồ đã từng sống và làm việc. Một ngôi lán nhỏ được làm bằng tre nứa trông thật đơn sơ mộc mạc như chính con người của Bác vậy.

        - Tự liên hệ bản thân thể hiện lòng biết ơn đối với Bác.

        - Trẻ hát, đọc thơ một số bài về Bác Hồ.

        - Trẻ đặt câu hỏi cho cô hướng dẫn viên...

          

* Trẻ quan sát cây đa Tân Trào và được cô hướng dẫn viên kể về lịch sử Cây đa Tân Trào và tại gốc đa Tân Trào Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc lệnh xuất quân tiến về giải phóng thủ đô Hà Nội...

3

 

Sau Lễ dâng hương trẻ được nghe cô hướng dẫn viên kể về lịch sử Đình Hồng Thái, và nơi đây phong cảnh thiên nhiên rất đẹp trẻ được chạy nhẩy tung tăng trên các bãi cỏ non được thả mình vào thiên nhiên, thật là thú vị cho các bé.

 

 

 

        * Cảm nhận của trẻ:

 

 - Giáo viên gợi ý để trẻ nói lên tình cảm của mình và lòng biết ơn đối với Bác Hồ, có câu hỏi liên hệ thực tế bản thân khi ở lớp đối với cô giáo, bạn bè, khi ở nhà đối với cha me, ông bà và mọi lúc, mọi nơi phải làm gì để xứng đáng là con ngoan trò giỏi, cháu ngoan của Bác Hồ.

 

- Cảm nhận của trẻ về phong cảnh thiên nhiên khu di tích ?

 

- Nói lên ý thức giữ gìn bảo vệ khu di tích, ý thức bảo vệ môi trường, lòng tự hào được sống trên quê hương cách mạng.

 

 

 

+ Thăm Đình Tân Trào.

 

Kết thúc tham quan trẻ được ăn cơm tại nhà dân là di tích lịch sử cấp Tỉnh, nơi mà trước đây bác Võ Nguyên Giáp thường xuyên làm việc và nghỉ ở đây, sau khi ăn cơm được nghỉ tại nhà sàn nơi Bác Giáp thường nghỉ, các cháu rất vui và ngủ rất ngon.

 

 

Tiếp theo cô và trò chúng tôi vào thăm Bảo tàng của Nha Công An. Bước chân vào bảo tàng điều mà chúng tôi nhìn thấy đầu tiên đó chính là tượng đài của Bác. Hình ảnh của Bác hiện ra trước mắt chúng tôi trông rất nghiêm trang nhưng lại có gì đó gần gũi vô cùng. Khi nhìn thấy tượng đài của Bác các cùng nhau đồng thanh reo lên một cách hồn nhiên "A Bác Hồ, Bác Hồ" Bỗng nhiên cô trò chúng tôi thấy trong lòng thật vui như là đang được gặp Bác vậy.

 

 

Vào đây chúng tôi được quan sát những hiện vật là những đồ dùng dụng cụ của các chú dùng để chiến đấu và được ngắm những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc dấu ấn của nghành Công an. Tới đây cô và trò chúng tôi đã một phần nào hiểu được công việc của các chú thật vất vả biết bao. Các chú đã không quản ngại ngày đêm giữ gìn và bảo vệ đất nước đem lại sự bình yên cho nhân dân.      

         

 

4. Triển khai thực hiện

 

- Lập kế hoạch tổ chức cho trẻ đi tham quan ngay từ đầu năm học, dự kiến thời gian vào cuối học kỳ I hoặc học kỳ II trong năm học.

 

- Phương tiện thực hiện: Xe ô tô đưa giáo viên và trẻ đi tham quan, nhà trường phối hợp phụ huynh hỗ trợ kinh phí đưa các cháu đi tham quan, trường phối hợp Ban Lãnh đạo nhà Bảo tàng cử hướng dẫn viên đưa các cháu đi và giải thích giảng giải cho các cháu nghe, kết hợp hình ảnh củng cố kiến thức cho trẻ.

 

 

5. Kết quả đạt được

 

Sau khi được tham quan lán Nà Lừa, Cây đa Tân Trào, Đình Hồng Thái cô giáo trò chuyện cùng trẻ khái quát lại tên di tích lịch sử, nội dung chính của từng di tích lịch sử các cháu đều trả lời rõ ràng, chính xác, nhớ rất rõ từng di tích lịch sử.

 

        Trẻ rất vui vì được các cô giáo và cha mẹ cho đi tham quan một chuyến đi thật vui vẻ và bổ ích.

 

        Trẻ tự hào với các bạn cùng độ tuổi với các anh chị là đã được đi tham quan thực tế Khu di tích lịch sử Tân Trào.

 

        Tình cảm của trẻ về quê hương, đất nước, kính yêu Lãnh tụ, thể hiện lòng biết ơn đối với Bác Hồ được thể hiện trong học tập và sinh hoạt sau chuyến đi tham quan thực tế.

 

        Tình cảm bạn bè được mở rộng, ý thức tổ chức kỷ luật đi có hàng có lối, tôn trọng nội quy chung khai tham gia sinh hoạt tập thể, ý thức bảo vệ môi trường được thực hành trong thực tiễn (Không vứt vỏ quà, bánh kẹo…) ra đường và trên các di tích lịch sử.

 

        Ngôn ngữ mạch lạc được phát triển thông qua hệ thống đàm thoại của cô giáo, cô hướng dẫn viên và đặt câu hỏi cho cô hướng dẫn viên.

 

        - Biết được nhà sàn là loại nhà các dân tộc thiểu số thường ở qua chuyến tham thực tế.

 

        - Tình cảm cô, trò, cô giáo và phụ huynh càng thêm thân thiện.

 

        Và đây có lẽ là nội dung sáng kiến kinh nghiêm tiêu biểu có ích nhất trong năm học, qua chuyến đi thăm thực tế các cháu chăm ngoan học giỏi hơn và thích đến trường hơn, nhiều bậc phụ huynh rất xúc động trước sự quan tâm chu đáo và tổ chức thật khoa học của nhà trường cho các cháu đi tham quan.

 

        - Giáo viên có thêm kiến thức về thực tiễn về tư liệu giảng dạy cho các cháu.

 

        - Sau chuyến đi nhà trường đã làm tư liệu giảng dạy qua băng đĩa.

 

        * Đánh giá: Kết quả sau chuyến đi tham quan được các bậc phụ huynh, các cháu học sinh, nhân dân, các cô giáo đánh giá cao, so với trước khi thực hiện sáng kiến.

 

 

6. Khả năng tiếp tục phát huy mở rộng sáng kiến:

 

          Từ việc làm trên nhà trường đã rút ra kinh nghiệm:

 

        - Tiếp tục duy trì việc tổ chức cho các cháu đi tham quan thực tế.

 

        - Phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để tổ chức cho trẻ đi tham quan.

 

        - Làm tốt công tác tham mưu với cấp và ngành

 

 

7. Kiến nghị đề xuất

 

          * Tổ chuyên môn :

 

          - Hàng năm nên duy trì tổ chức cho trẻ đi tham quan thực tế để giáo dục truyền thống quê hương cách mạng cho trẻ được tốt hơn.

 

        * Ban giám hiệu

 

        - Các cấp các ngành cần quan tâm hơn để tạo điều kiện cho nhà trường tổ chức các cháu đi tham quan được tốt.

 

        Cần nhận thức rõ việc tổ chức cho trẻ đi tham quan thực tế là một trong nội dung chương trình học của các cháu mầm non, là tiêu chí đánh giá thi đua thực hiện phong trào:

 

"Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực"

 

        Trên đây là kinh nghiệm của Trường Mầm non Phan Thiết tổ chức chop trẻ mẫu giáo lớn đi tham quan thực tế và được tập thể cán bộ giáo viên, các bậc phụ huynh đánh giá là một trong những sáng kiến tiêu biểu có hiệu quả nhất.

 

 

 

Tạ Thị Đào

 

Hiệu Trưởng Trường Mầm non Phan Thiết

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516