Đương đến trường Thượng Bình
Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Bắc Quang Phạm Hồng Thanh nhiệt tình mời chúng tôi đi thăm một ngôi trường Bán trú ở xã Thượng Bình, nơi học sinh là 100% là con em đồng bào dân tộc.
Cách Trung tâm huyện Bắc Quang hơn 40 km, đường rất khó đi bởi những “ổ gà” to như những cái thúng của người dân đựng thóc. Chiếc xe ô tô của Phòng Giáo dục cứ chồm lên, lắc lư; nhiều lúc làm chúng tôi thót tim, lo sợ …
Rồi đoàn cũng đến được với Trường PTDTBT THCS và TH xã Thượng Bình. Đón chúng tôi là cô giáo Cao Thị Phương, Hiệu trưởng nhà trường với sự mến khách được thể hiện trên gương mặt, nụ cười và cái bắt tay rất chặt. Nhìn khuôn viên nhà trường bán trú gọn gàng, sạch sẽ đã gây được thiện cảm của bất cứ ai đến thăm trường. Khi hỏi về việc duy trì sĩ số và và huy động trẻ ra lớp năm học mới, cô Hiệu trưởng chia sẻ: “Hiện tại ở đây năm nay nhờ có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước hỗ trợ cho các em học sinh vùng khó khăn được cung cấp sách vở và gạo cho học sinh bán trú cho nên đầu năm nhà trường huy động các em đến trường cũng đỡ vất và hơn. Những năm trước việc duy trì sĩ số vất vả lắm, các em cứ học đến lớp 8 lớp 9 đã bỏ học dở dang để về lấy chồng, vì ở đây 100% là con em đồng bào dân tộc, cho nên nhận thức về việc đi học còn nhiều hạn chế. Học sinh của trường hầu hết là con em nhà nghèo, khổ lắm…”. Khi hỏi về những em có hoàn cảnh khó khăn tại trường cô giáo cho biết , hiện tại nhà trường có em Chương Thị Huyện học sinh lớp 5 học tại điểm trường Bản Bung hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Mồ côi cả cha lần mẹ, hai chị em Huyện ở cùng bà nội năm nay đã ngoài 80 tuổi, em của Huyện hiện cũng đang học lớp 4 tại trường. Chúng tôi đã gặp em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tên Huyện. Xuất hiện trước mắt chúng tôi là một cô bé học sinh lớp 5 mà nhỏ như học sinh lớp 2 của thành phố. Cô bé gầy còm, nét mặt xanh sao, nhìn em rất đáng thương. Khi chúng tôi hỏi thăm về hoàn cảnh gia đình, em cho biết: “Bố mẹ cháu chết hết rồi, cháu và em cháu phải ở với bà nội, nhà nghèo lắm có bũa được ăn cơm có bữa phải ăn củ sắn. Bà nội cháu năm nay hơn 80 tuổi rồi, bà phải nuôi hai chị em cháu. Nhà mưa thì dột ướt hết, không có chỗ ngủ. Những đếm mưa to em cháu lại nhớ mẹ cứ khóc đòi mẹ về… cháu không biết làm thế nào và không thể kể cho em biết về mẹ như thế nào vì thực tế khi mẹ cháu chết cháu mới chỉ 4 tuổi mà thôi. Hàng ngày cháu đi học về phải giúp bà chăn trâu, làm vườn và trông em”.
Em Chương Thị Huyện – trên đường đến trường
Cuộc sống của hai chị em Huyện còn nhiều gian nan, vất vả, thiết nghĩ rất cần sự an ủi, chia sẻ để chị em Huyện vươn lên trong cuộc sống. Trong hoàn cảnh khó khăn, hai chị em Huyện vẫn luôn cố gắng. Ngày nào cũng vậy hai cô bé phải dạy từ 5h sáng, đi bộ hơn 2,5km vượt rừng núi để đến trường và năm học nào Huyện cũng đạt học sinh khá của trường. Có lẽ những thiệt thòi của hai chị em Huyện đã được bù đắp bằng sự cần cù chịu khó trong sự đùm bọc, yêu thương của các thầy cô giáo và bạn bè trong ngôi trường này.
Chia tay với trường, chúng tôi mang theo niềm vui cùng nỗi buồn thật khó tả. Tiếng trống báo hết một tiết học còn vọng lại, hình ảnh các em học trò nghèo, hiếu học ở miền núi xa xôi vẫn in đậm trong tâm trí chúng tôi./.
Tuấn Đình – Thu Hà