Ghi nhận nhanh tại điểm thu nhận hồ sơ của Sở GD&ĐT TP HCM cho thấy, lượng thí sinh đến nộp hồ sơ đã bắt đầu nóng lên từng ngày khi có trung bình 200 hồ sơ/ngày. Tính đến nay, điểm này đã thu hơn 1.200 hồ sơ của thí sinh tự do. Các trường đại học trú đóng tại TP.HCM vẫn là lựa chọn hàng đầu của thí sinh như: ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Sài Gòn, ĐH Y Dược TPHCM, ĐH Sư phạm... Thí sinh Nguyễn Tuấn Cang, đăng ký dự thi vào 2 trường là ĐH Sư phạm TP.HCM và ĐH Khoa học tự nhiên, cho biết: Do nhu cầu nhân lực ngành kinh tế đang bão hòa nên bạn bè của em năm nay ít nộp hồ sơ vào các ngành kinh tế. Đây là năm thứ hai em thi đại học, nhưng vẫn quyết tâm thi vào ngành Cử nhân Anh.
Tại điểm thu nhận hồ sơ của Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM, chúng tôi cũng ghi nhận sự chuyển dịch lớn trong việc chọn ngành, chọn nghề của thí sinh khi trong vài ngày đã có hơn 130 hồ sơ nộp dự thi vào trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Sư phạm TP.HCM. Với các trường như: ĐH Kinh tế, ĐH ĐH Mở, ĐH Luật số lượng hồ sơ vẫn chưa cao, khoảng trên 50 hồ sơ/điểm. Cô Nguyễn Ngọc Cẩm Hương, cán bộ tuyển sinh Trường THPT Thạnh Lộc cho biết: Học sinh giờ rất thực tế, các em ý thức rất rõ việc mình chọn lựa và cần học gì để tương lai dễ có việc làm hơn. Vì thế, xu hướng chọn ngành, chọn trường của học sinh thể hiện rõ sự thay đổi khi nhóm ngành sư phạm, kỹ thuật được các em lựa chọn nhiều. Hiện trường chúng tôi đang tích cực thu hồ sơ của học sinh đến 6/4, sau đó dành thời gian để các em rà soát dữ liệu, chỉnh sửa sai sót.
Từ những thống kê ban đầu và nhận định từ cán bộ tuyển sinh các trường, có thể nhận thấy, nhóm ngành kinh tế năm nay đã giảm hẳn nhiệt so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, những nhóm ngành Y dược, kỹ thuật, sư phạm đang có chiều hướng “nóng” trở lại. Số lượng thí sinh dù đăng ký dự thi vào các ngành kinh tế cũng đã chuyển hướng sang các trường tốp dưới, trường ngoài công lập… để có cơ hội trúng tuyển cao hơn. Kết quả này một phần là nhờ vào việc tư vấn hướng nghiệp của các trường THPT ngay từ đầu năm học. Cô Ánh Mai, Hiệu trưởng trường Võ Trường Toản chia sẻ: Công tác tư vấn, định hướng nghề mà trường kiên trì thực hiện đã mang lại kết quả đáng khích lệ khi tỉ lệ học sinh đăng ký dự thi vào các nhóm ngành đang dư thừa, bão hòa (dù được cho là “hot” mấy năm trước) giảm mạnh. Điều đó không chỉ cho thấy suy nghĩ của các em về chọn ngành, nghề đã trưởng thành, thực tế hơn, mà còn phản ánh rất rõ tính định hướng và vai trò của công tác hướng nghiệp trong nhà trường.
Ngoài tỷ lệ chọn ngành, chọn trường của thí sinh năm nay ra sao, thì số lượng hồ sơ dự thi liên thông (thi chung kỳ thi) theo thông tư và hướng dẫn mới cũng thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Thực tế, do đây là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức thi chung đối với thí sinh thi liên thông nên lượng hồ sơ dự thi của đối tượng này khá ít ỏi. Đến nay, cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT mới chỉ nhận 6 hồ sơ đối tượng này. Thí sinh Trần Hoàng Cường, vừa tốt nghiệp Trường CĐ Bách Việt cho hay: Với nguyện vọng học tiếp lên đại học ngành quản trị kinh doanh nên ở kỳ thi tuyển sinh năm 2013 này Cường quyết định nộp hồ sơ vào trường ĐH Kinh tế. Tuy nhiên, em cũng khá lo lắng khi phải cạnh tranh với các bạn học sinh vừa mới tốt nghiệp vì kiến thức phổ thông của em cũng “rơi rụng” ít nhiều.
Trong khi đó, lượng hồ sơ vào các trường cao đẳng khá thưa thớt, hầu hết chỉ tập trung vào khối trường ĐH. Theo quy định, thí sinh tiếp tục nộp hồ sơ đến hết ngày 11/4 tại các trường THPT và các điểm thu nhận hồ sơ thí sinh tự do. Sau đó, các trường ĐH-CĐ sẽ tiếp tục nhận hồ sơ của thí sinh, bắt đầu từ ngày 12/4 đến hết ngày 22/4.
Theo: GD&TĐ