Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcPGS Trần Xuân Nhĩ: "Đề án đổi mới của Bộ Giáo dục vẫn còn chung chung”

PGS Trần Xuân Nhĩ: "Đề án đổi mới của Bộ Giáo dục vẫn còn chung chung”

Thứ ba, 24 Tháng 9 2013 01:29
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ NCL Việt Nam. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ NCL Việt Nam.
Sau khi Bộ GD & ĐT công bố Đề án đổi mới giáo dục, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD (PCT Hiệp hội các trường ĐH-CĐ NCL Việt Nam) cho biết: "Đây là đề án đổi mới tốt nhất của Bộ Giáo dục từ trước đến nay, nhưng đáng tiếc là vẫn còn một số điểm chung chung...".

PGS Trần Xuân Nhĩ cho rằng: Đề án cũng nhắc tới chuyện sẽ tiến tới công bằng giữa hệ thống các trường công lập và ngoài công lập, nhưng không nói cụ thể về những đặc quyền đặc lợi mà trường công đang được hưởng, còn trường ngoài công lập lại không được gì. 

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam có cuộc phỏng vấn với PGS Trần Xuân Nhĩ để làm rõ hơn những nội dung được đề cập trong Đề án đổi mới giáo dục nói trên.

PV: Thưa PGS Trần Xuân Nhĩ, ông có đánh giá gì về Đề án đổi căn bản toàn diện nền giáo dục mà Bộ GD & ĐT vừa công bố?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Tôi cho rằng, đây là đề án đổi mới tốt nhất của Bộ Giáo dục từ trước đến nay, đã chỉ rõ những gì yếu kém đang tồn tại và định hướng khắc phục: Thứ nhất, chất lượng giáo dục còn thấp so với yêu cầu phát triển KTXH, nhất là ở GD đại học, GD nghề nghiệp; nặng bệnh thành tích. 

Thứ hai, chương trình GD còn coi nhẹ thực hành, vận dụng kiến thức; phương pháp giáo dục, kiểm tra, thi và đánh giá lạc hậu, nhiều bất cập; thiếu gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu KH, SXKD. 

Thứ ba, hệ thống giáo dục còn cứng nhắc, thiếu tính liên thông giữa các trình độ đào tạo và phương thức GD… chưa gắn kết đào tạo với sử dụng và nhu cầu của thị trường lao động; Thứ tư quản lý GDĐT còn nhiều yếu kém. Một số hiện tượng tiêu cực kéo dài trong giáo dục, chậm được khắc phục và có việc còn trầm trọng hơn, gây bức xúc cho xã hội… 

Thứ năm, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn nhiều bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu. Thứ sáu, chính sách và cơ chế tài chính cho giáo dục lạc hậu.

Tuy nhiên, đáng tiếc là vẫn còn một số điểm chung chung. Đề án cũng nhắc tới chuyện sẽ tiến tới công bằng giữa hệ thống các trường công lập và ngoài công lập, nhưng không nói cụ thể về những đặc quyền đặc lợi mà trường công đang được hưởng, còn trường ngoài công lập lại không được gì.

Dù đề án đã nhắc tới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT sẽ được đổi mới theo hướng kiểm tra năng lực học sinh, thiết thực, hiệu quả, tin cậy, sử dụng được kết quả công nhận tốt nghiệp THPT làm căn cứ cho tuyển sinh của nhiều cơ sở GD nghề nghiệp và GD ĐH, rồi tiến tới giáo dục bắt buộc phải hết 9 năm. Nhưng ở bậc phổ thông thì chưa dứt khoát được sẽ làm thế nào? 

Tôi đã nói rất nhiều lần về việc phân cấp học và rút ngắn thời gian ở bậc phổ thông, ở bậc phổ thông chỉ nên để 2 năm thôi và định hướng khoảng 40% học theo chương trình vào đại học, số còn lại hướng vào học nghề. Muốn định hướng như vậy thì phải có sự phân nhánh học sinh từ sớm, ở Đức người ta chia nhánh học sinh từ THCS; thậm chí ở Singapore còn phân loại học sinh từ lớp 4.

PV: Nhưng thưa ông, nếu đưa vào học nghề hoặc vào đại học sớm thì học sinh, sinh viên có thể tốt nghiệp sớm, mà như vậy tuổi lao động lại không phù hợp với công ước quốc tế?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Chúng ta có nhiều cách làm để phù hợp với công ước quốc tế. Nhưng muốn làm được thì phải xác định rõ định hướng từ đầu là dứt khoát không để 3 năm nhồi nhét kiến thức  PTTH như hiện nay.

Mỗi năm, đất nước tốn hàng nghìn tỷ đồng cho hai kỳ thi tốt nghiệp và thi đại học, bây giờ nếu đơn giản hóa được kỳ thi tốt nghiệp, thì sẽ tiết kiệm được một khoản tiền lớn đầu tư cho những mặt khác của giáo dục. Việc tổ chức thi cũng nên nhẹ nhàng hơn, vì các học kỳ đều có thi rồi, cho nên thi cuối cấp thì nên giao quyền tự chủ cho các Sở Giáo dục. Bộ Giáo dục không nhất thiết cứ phải ôm mãi việc này, vừa cồng kềnh lại vừa không hiệu quả, vì không gắn được trách nhiệm cho các tỉnh.

Rút ngắn một năm đào tạo, thì các em có thể vào đại học sớm hơn, có nhiều thời gian nghiên cứu, học tập và trang bị những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống. Tính toán thế nào là việc của các nhà quản lý, nhưng theo tôi thì dứt khoát phải cắt đi một năm nhồi nhét kiến thức như hiện nay, phải thay vào đó là những chương trình đào tạo thiết thực cho các em khi ra đời.

Đối với tuyển sinh đại học, nên để các trường chủ động tuyển sinh viên căn cứ trên kết quả học bạ cộng với những yêu cầu khác, tùy vào mục tiêu đào tạo của từng trường. Ở các nước phát triển, đầu vào đại học rất rộng, đầu ra bị siết chặt, nhưng ở Việt Nam thì làm ngược lại, vì thế mà bây giờ doanh nghiệp mới nói rằng 10 sinh viên tốt nghiệp ĐH thì may ra sử dụng được 2 người.

PV: Có ý kiến cho rằng, bản thân ngành giáo dục không thể tự thay đổi, mà sự đổi mới chỉ thực sự có hiệu quả khi nền kinh tế - xã hội cũng phải thay đổi. Ông nghĩ sao về nhận định này?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Nếu nói như vậy thì rất rộng, tôi cho rằng không thể một lúc mà làm hết tất cả được mọi việc, cần phải tập trung vào những mục tiêu lớn, còn những thứ khác tự khắc nó sẽ được điều chỉnh để phù hợp với mục tiêu lớn. Thí dụ, đào tạo nghề là hết sức cần thiết thì cứ phải đào tạo nghề sao cho tốt, chứ không thể vừa đào tạo nghề vừa lo luôn cả việc làm cho sinh viên được. 

Tuy nhiên, về mặt vĩ mô thì lâu dài Nhà nước cần phải có định hướng phát triển mạnh các ngành công nghiệp phụ trợ, nó vừa giải quyết được bài toán lao động, lại vừa góp phần ổn định mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo: GDVN

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516