Việc Bộ Giáo dục đào tạo sắp trình Chính phủ và Quốc hội đề án đổi mới sâu sắc và toàn diện không phải là chuyện quá mới mẻ. Thực chất, nội dung này đã được nhắc rất nhiều tại Hội nghị Trung ương VI, đó là phải đổi mới sâu sắc và toàn diện, toàn bộ hệ thống giáo dục kể cả từ giáo dục mầm non cho tới Đại học và Cao đẳng.
Liệu đề án này có thực sự đáp ứng được sự kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt giáo dục nước nhà hay không? Báo Giáo dục Việt Nam xin gửi tới độc giả những chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Văn Nhã – Nguyên Trưởng Ban Đào tạo ĐHQG Hà Nội, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi.
PV: Thưa PGS Nguyễn Văn Nhã, có những ý kiến đánh giá đây là đề án tốt nhất của Bộ Giáo dục từ trước tới giờ, nhưng đồng thời cũng chỉ rõ: Đề án của Bộ còn chung chung, nói định hướng chứ không cụ thể, mà cái chúng ta đang cần phải thật cụ thể. Còn quan điểm của riêng ông thì sao?
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã: Tôi thấy vui vì Bộ đã nhận ra là cần phải đổi mới không ngừng, vì mọi thứ đều có vị trí của nó, đều có lịch sử của nó. Vì vậy, chúng ta không thay đổi nhanh thì cũng có nghĩa là sẽ phải chấp nhận lạc hậu trong nhiều năm tới so với các nước phát triển. Chúng ta mà không nhanh chóng thay đổi thì chỉ mãi lẽo đẽo chạy theo thế giới.
Tuy nhiên, nói về đổi mới thì rất rộng, mà việc gì cũng khó, cho nên chúng ta không thể đổ mọi thứ cho Bộ Giáo dục. Tuy nhiên, cũng phải chỉ rõ rằng, chúng ta đang thiếu những cơ chế chính sách thực sự thiết thực cho ngành giáo dục, mà điều này thì có phần trách nhiệm chính của Bộ.
Nếu như những năm trước Việt Nam còn phải ăn bo bo, thì chỉ sau khi có khoán mười, Việt Nam đã tự ổn định được thị trường lương thực trong nước mà còn trở thành quốc gia xuất khẩu gạo đứng nhất, nhì thế giới. Giáo dục cũng vậy thôi, nếu chúng ta cứ quan liêu bao cấp, cứ quen làm mọi thứ theo nếp cũ và lười thay đổi thì không bao giờ khá lên được.
Cái kiểu nói việc này việc kia chưa từng có tiền lệ, rồi chưa từng có trong lịch sử là những câu rất nguy hiểm, vì đấy là những người hoài cổ, những người không dám đặt trách nhiệm công việc cao hơn cái ghế mà họ đang ngồi.
Xin lấy thí dụ từ việc xây dựng các phương án tuyển sinh mà một số trường đại học đã xin phép thực hiện thời gian qua, lẽ ra Bộ Giáo dục với cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải thẩm định sau đó cho làm thí điểm ngay để đánh giá thực tế, nếu thấy hay phải nhân rộng ra.
PV: Thời gian vừa qua, đã có hàng trăm quan điểm thẳng thắn chỉ ra những điểm lạc hậu của nền giáo dục nước ta, không chỉ các chuyên gia mà ngay cả Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng đã lên tiếng về những bất cập trong thi tốt nghiệp PTTH.
Và trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã phát biểu “Tư duy giáo dục chậm được đổi mới”… Có lẽ sau rất nhiều những quan điểm phản biện mạnh mẽ như vậy thì Bộ Giáo dục mới chịu thay đổi?
PGS Nguyễn Văn Nhã: Tôi thì cho rằng không phải do sức ép của xã hội nên Bộ Giáo dục mới công bố đề án đổi mới giáo dục vào lúc này, mà là do nhu cầu tự nhiên, khi mà nền giáo dục của chúng ta đã có quá nhiều bất cập. Tuy nhiên, chúng ta cũng không phủ nhận việc có nhiều chuyên gia lên tiếng “mổ xẻ” những bất cập của nền giáo dục Việt Nam hiện nay cũng góp phần lớn động viên Bộ Giáo dục phải nhanh chóng công bố một đề án đổi mới.
Đặc biệt, tại cuộc họp Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2011 -2015 vào cuối tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ rõ: "Giáo dục còn có những tồn tại, hạn chế nhất định bắt nguồn từ nguyên nhân: Tư duy về giáo dục chậm được đổi mới; chưa coi trọng đúng mức vai trò quan trọng của khoa học giáo dục; công tác quản lý giáo dục còn có những bất cập; chưa coi trọng đúng mức đến công tác thanh tra, giám sát, kiểm định chất lượng giáo dục”.
Rồi Thủ tướng chỉ đạo: "Đề án cần đánh giá đúng những thành tựu, những đóng góp của giáo dục đào tạo đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước; nêu rõ những mặt hạn chế, yếu kém, bức xúc; xác định nguyên nhân của những thành tựu, hạn chế. Trên cơ sở đó, đề xuất những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời gian tới".
Nếu chúng ta làm rốt ráo, kiên trì thì may ra sẽ đổi mới được nền giáo dục, mà kết quả của sự chuyển biến đó thì phải vài năm mới nhìn thấy được, nên cũng đừng hy vọng sẽ thấy ngay một kết quả gì đó hoành tráng, đó là chuyện không tưởng.
PGS Nguyễn Văn Nhã: Tôi tin rằng Việt Nam sẽ thay đổi được nền giáo dục, nhưng quan trọng là trong bao nhiêu năm thì chưa ai xác định được. Tôi hy vọng là mình còn được nhìn thấy được thành tựu ấy.
Tôi nói không hề ngoa rằng nếu so sánh thì thậm chí chúng ta còn thua cả Lào. Tôi đã có vài dịp sang công tác tại ĐH Quốc gia Lào, trời ơi từ lãnh đạo nhà trường cho tới các nhân viên mọi phòng ban đều nói tiếng Anh, tiếng Việt rất tốt. Nhưng điều khiến tôi bất ngờ hơn cả là một nhân viên bảo vệ và một cán bộ phụ trách ký túc xá cũng nói tiếng Việt và tiếng Anh rất tốt. Còn ở ta, nhiều người học xong cả thạc sĩ mà còn không đủ tự tin giao tiếp thì còn nói gì tới nghiên cứu tài liệu, và thế là chỉ dám nói tiếng Việt thôi. Mà xin lỗi, nói tiếng Việt nhiều khi còn sai.
Và có lẽ, nếu hỏi người dân thì chẳng ai không biết đến những chuyện nhiễu nhương trong môi trường giáo dục. Trẻ con vào lớp 1 thì các trường thu phí quá nhiều, rồi núp dưới danh nghĩa là phụ huynh cam kết tự đóng. Con có muốn học trong phòng lắp điều hòa không? Đóng tiền nhé. Con muốn đi ngủ trưa có gối không? Lại đóng tiền. Con có muốn ăn thêm một chút gì đó sau khi ngủ dậy vào không? Lại nộp tiền.
Lên đến cấp 2 thì bắt đầu học thêm, dạy thêm dưới danh nghĩa phụ huynh tự nguyện, còn lên đến đại học cao đẳng thì bị thả nổi, quy trình đào tạo, học phí, cơ sở vật chất và chất lượng đào tạo cũng chưa kiểm soát tốt, mà gần đây đã có những ý kiến cho rằng cao đẳng đại học công lập mọc lên như siêu nấm, việc xin cho để nâng cấp cao đẳng lên đại học, trung cấp lên cao đẳng là nhằm vơ vét thí sinh trong lúc người Việt ta vẫn còn sính bằng cấp trường công lập, còn trình độ đào tạo thì lại chưa theo kịp giấy phép nâng cấp đã được ký, thế cho nên ngành giáo dục lại càng mất uy tín, và gây ra nhiều nỗi bức xúc cho nhân dân.
Bàn về giáo dục, tôi đã ví von rằng, một công ty sản xuất sắt mà có hàng trăm tấn sắt vứt gỉ ở trong kho thì là sắt tồi; công ty xi măng có hàng trăm tấn xi măng mà để vón cục ở trong kho thì là sản phẩm vớ vẩn. Vậy hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp ra trường, thậm chí có cả bằng khá, giỏi cũng không tìm được công ăn việc làm thì đó có phải sản phẩm tồi không?
Rồi chuyện quản lý ở các tỉnh cũng rất mù mờ, mua sắm trang thiết bị thí nghiệm hoành tráng lắm, nhưng “đắp chiếu” để chơi, lãng phí không thể tính hết được. Dạo trước đây, tôi xuống thực tế tại một địa phương thì thấy có trường PTTH nhận được rất nhiều các đồ thí nghiệm hiện đại có nguồn gốc từ Hàn Lan, Nhật bản, Đức... đều để một chỗ rồi đóng cửa cho thật chặt, thậm chí các thầy còn chẳng biết đọc hướng dẫn, không biết sử dụng. Tôi có hỏi là tại sao mua mà không biết sử dụng thì họ bảo trường có mua đâu, đấy là do Sở cấp thì phải tiếp nhận thôi.
Có một ông cán bộ cao cấp từng nói với tôi rằng, chúng ta dành tới 20% GDP đầu tư cho giáo dục là tỷ lệ lớn hơn nhiều so với các quốc gia khác, nhưng hiệu quả thì vẫn thấp, đó là bởi sự quản lý của chúng ta chưa tốt.
PV: Vậy trước quá nhiều những chuyện xấu xí của nền giáo dục, ông sẽ chọn vấn đề gì cần phải làm trước để mở đường cho một cuộc cải cách?
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã: Cái lõi của sự đổi mới, không gì hơn được, đó chính là người thầy. Nếu người thầy năng lực không tốt, không mẫn cán mà chúng tôi hay nói vui là không chịu được áp lực lái tàu cao tốc thì hệ lụy là sẽ có một loạt các sản phẩm lỗi, đó chính là những sinh viên cầm bằng tốt nghiệp rồi mà vẫn cứ thất nghiệp.
Thế nên phải thực sự quan tâm đến đời sống của người thầy, để họ yên tâm cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục, còn nếu chúng ta cứ quanh đi quẩn lại một bài ca đây là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý thì cũng vẫn vậy thôi, nhưng thực tế những năm trước đây là nhà giáo cũng xuýt chết đói đấy chứ.
Tôi cho rằng trong giáo dục phải yêu cầu chất lượng cao, nhưng chế độ đãi ngộ cũng phải cao, chứ không thể hô hào khẩu hiệu mà có chất lượng cao. Và tất nhiên công tác tuyển sinh ngành sư phạm nhà nước cũng phải siết thật chặt, chứ không nên để điểm đầu vào quá thấp như mấy năm qua. Những ai không xứng đáng thì cũng đừng đứng vào hàng ngũ người thầy nữa.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo: GDVN