Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcQUẢN TRỊ KHÁCH SẠN XANH - KINH NGHIỆM CỦA NHIỀU KHÁCH SẠN TRÊN THẾ GIỚI VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO CÁC KHÁCH SẠN Ở VIỆT NAM

QUẢN TRỊ KHÁCH SẠN XANH - KINH NGHIỆM CỦA NHIỀU KHÁCH SẠN TRÊN THẾ GIỚI VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO CÁC KHÁCH SẠN Ở VIỆT NAM

Thứ hai, 13 Tháng 1 2020 03:05

HOÀNG ANH DUY
NGUYỄN PHAN PHÚC
PHAN THỊ NHUNG
Trường Đại học Ngoại thương

Nhận bài ngày 28/11/2019. Sửa chữa xong 03/12/2019. Duyệt đăng 06/12/2019.
Abstract
In recent years, facing the problem of environmental pollution, companies have been tending towards sustainable development through the construction of green hotels. This paper analyzes two famous corporations in hospitality industry which have been successful in building and managing green hotels, which completely become a model for other hotels to target. On this basis, the paper provides some lessons for Vietnamese hotels in building hotels following this trend.
Keywords: Hotel management, green hotels, environment, sustainable development Vietnam.

1. Đặt vấn đề
Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, ô nhiễm môi trường đang trở nên nghiêm trọng, đòi hỏi chúng ta phải đưa ra những hành động kịp thời để bảo vệ môi trường (BVMT). Trong các ngành công nghiệp ở nước ta, du lịch được xem là một ngành quan trọng, có nhiều tác động tới môi trường. Có thể nói, ngành Du lịch đang ngày càng phát triển, kéo theo đó là sự bùng nổ trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lưu trú, trong đó kinh doanh khách sạn (KDKS) chiếm phần lớn. Điều này cấp thiết đòi hỏi những doanh nghiệp KDKS phải cân nhắc đến yếu tố môi trường trong khi vận hành các hoạt động. Gần đây, xu hướng xanh trong KDKS đang có những tác động tích cực và ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trên thế giới. Một số khách sạn tại Việt Nam cũng đang từng bước áp dụng những hoạt động thân thiện với môi trường vào hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, do đây cũng là vấn đề còn chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam nên công tác BVMT của các khách sạn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, bài viết này đưa ra những phân tích về công tác xây dựng và quản trị theo xu hướng xanh tại một số khách sạn nổi tiếng trên thế giới. Từ đó, bài viết cũng đưa ra những kinh nghiệm hữu ích cho khách sạn tại Việt Nam trong hoạt động BVMT và KDKS.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Cơ sở lý luận về khách sạn xanh
2.1.1. Khái niệm khách sạn
Khách sạn là một hình thức lưu trú phổ biến ở nước ta. Định nghĩa về khách sạn cũng được đề cập đến trong một số văn bản hiện hành. Cụ thể, khái niệm về cơ sở lưu trú trong Luật Du lịch Việt Nam ban hành ngày 14/6/2005 như sau: “Cơ sở lưu trú du lịch là cơ sở cho thuê buồng, giường và cung cấp các dịch vụ khác phục vụ khách lưu trú, trong đó khách sạn là cơ sở lưu trú du lịch chủ yếu”[1, tr. 2]. Theo Tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn Việt Nam hiện hành - TCVN 4391:2015, “Cơ sở lưu trú du lịch được xây dựng thành khối, đảm bảo chất lượng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và dịch vụ cần thiết phục vụ khách” [2, tr. 5].
2.1.2. Khái niệm khách sạn xanh
Tuy khái niệm này đã xuất hiện từ lâu và ngày nay được sử dụng phổ biến nhưng để định nghĩa nó vẫn chưa có một khái niệm chung cụ thể. Hiệp hội Khách sạn xanh (Green Hotel Association) định nghĩa: “Khách sạn xanh (KSX) là một bất động sản thân thiện với môi trường, nơi mà các cấp quản lý của nó luôn sẵn sàng đề ra các chương trình nhằm tiết kiệm nguồn nước, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu rác thải trong khi tiết kiệm chi phí để bảo vệ trái đất của chúng ta”[7, tr. 1]. Còn với Liên minh Zero Waste, KSX là “Khách sạn cố gắng trở nên thân thiện với môi trường hơn thông qua việc sử dụng hợp lý năng lượng, nguồn nước và vật liệu trong khi vẫn đảm bảo cung cấp các dịch vụ chất lượng” [8, tr. 29]. Như vậy, những định nghĩa trên đều hướng tới một tinh thần chung của KSX, đó là giảm thiểu tác động tới môi trường thông qua tiết kiệm năng lượng, nước, giảm thiểu chất thải trong quá trình cung cấp dịch vụ, cần đến sự tham gia của mọi người từ ban lãnh đạo đến nhân viên, khách hàng.
2.1.3. Ảnh hưởng của khách sạn đến môi trường
Ngành Du lịch được đánh giá là một trong những ngành công nghiệp lớn và có tốc độ phát triển nhanh. Ở nước ta, đây là ngành công nghiệp đem lại nhiều lợi nhuận, đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, ngành Du lịch cũng kéo theo nhiều hệ lụy về xã hội và môi trường như: ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm tiếng ồn, làm suy thoái nguồn tài nguyên thiên nhiên, làm mất sự đang dạng sinh học, xây dựng tràn lan, lấn chiếm đất,…
Trong ngành Du lịch, KDKS là một trong những lĩnh vực chủ yếu. Vì vậy, các khách sạn cũng có tác động không nhỏ tới môi trường khi sử dụng rất nhiều tài nguyên. Trong một báo cáo về các khách sạn ở châu Âu, người ta ước tính rằng, 75% tác động của khách sạn tới môi trường là do tiêu thụ quá mức các sản phẩm địa phương và nhập khẩu không bền, năng lượng và nước, theo sau đó là do xả các chất thải ra môi trường đất, nước và không khí [3]. Các hoạt động chính của khách sạn như: các dịch vụ sưởi ấm, làm nóng nước, hệ thống chiếu sáng, bể bơi, diệt chuột và côn trùng, cho đến các hoạt động buồng phòng, nhà hàng, bar, bếp, giặt ủi,… đều tác động đến môi trường: tiêu thụ năng lượng, nước, vật liệu (giấy, mực, vật liệu thô sơ khác), tạo ra nhiều nước thải, rác thải bao bì, rác hữu cơ, có thể sử dụng hóa chất độc hại, làm xói mòn đất và không khí [4].
2.1.4. Xu hướng xanh trong KDKS
Trước những vấn đề nan giải về ô nhiễm môi trường, các doanh nghiệp KDKS đã nghiên cứu đưa ra những hoạt động thân thiện với môi trường hơn, hay gọi là “xanh” hơn, từ đó vừa xây dựng được dấu ấn riêng trong lòng khách hàng, vừa tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Ngày nay, mọi người trên thế giới đều bày tỏ mối quan tâm tới các vấn đề môi trường, khách du lịch từ đó cũng chú ý hơn đến các yếu tố “xanh” khi lựa chọn một cơ sở lưu trú. Nhiều cuộc khảo sát do các doanh nghiệp thương mại du lịch và các nhà phân tích nghiên cứu độc lập cho thấy, hiện nay khách hàng có nhu cầu lớn hơn về lưu trú thân thiện với môi trường sinh thái. Ví dụ: Khảo sát của trang mạng du lịch nổi tiếng Booking.com về xu hướng xanh của khách du lịch đã chỉ ra: 87% khách du lịch mong muốn chuyến đi của mình thân thiện với môi trường bằng cách lựa chọn cơ sở lưu trú xanh; 39% khách du lịch luôn cố gắng hoặc thường xuyên làm vậy [5]. Mặt khác, một khảo sát do Công ty Tư vấn Deloitte về khách du lịch thương nhân cho thấy, 95% khách du lịch thương nhân cho rằng một khách sạn nên thực hiện những sáng kiến thân thiện với môi trường; 38% khách du lịch thương nhân cố gắng tìm ra KSX trước khi đi; 40% sẵn sàng chi trả cao hơn cho những cơ sở lưu trú xanh [6, tr. 2]. Từ đó, việc gắn hoạt động thân thiện với môi trường vào hoạt động kinh doanh của khách sạn trở thành xu hướng của các doanh nghiệp trong ngành KDKS trên toàn thế giới, tạo nên những “KSX”.
2.2. Những hoạt động trong quản trị xanh tại khách sạn
Có rất nhiều biện pháp mà doanh nghiệp có thể áp dụng làm giảm thiểu tác động của khách sạn tới môi trường, dưới đây là một số ví dụ mà các doanh nghiệp trong lĩnh vực đã áp dụng.
Quản lý năng lượng: Theo dõi hóa đơn thường xuyên; Lắp đặt các thiết bị công nghệ tiết kiệm năng lượng cho hệ thống chiếu sáng, hệ thống làm mát/sưởi ấm; Thực hiện giảm tiêu thụ năng lượng không cần thiết ban ngày; Đầu tư vào sử dụng năng lượng có thể tái tạo như là năng lượng gió, mặt trời; Sử dụng hệ thống cảm biến để không tiêu hao năng lượng khi trong phòng không có người sử dụng.
Quản lý nước: Theo dõi, nhận biết và sửa chữa kịp thời đường ống bị rò rỉ; Sử dụng các thiết bị tiết kiệm nước như: van chuyển hướng, vòi nước tự động ngắt/có cảm biến; Lưu giữ nước mưa để tái sử dụng, ví dụ như dùng làm nước xả bồn cầu; sử dụng lại hơi nước từ điều hòa, nước từ bể bơi…
Quản lý chất thải: Phân loại rác thải; Tái chế, tái sử dụng; Sử dụng rác thải (đặc biệt là đồ ăn bỏ đi) để ủ phân, làm phân bón hữu cơ.
Quản lý chất lượng không khí: Có thể sử dụng hệ thống lọc khí; Sử dụng máy thông gió, tạo ra những khu vực riêng dành cho người hút thuốc; Khuyến khích khách hàng sử dụng xe đạp hoặc các phương tiện công cộng.
Mua hàng: Yêu cầu nhà cung cấp sử dụng ít bao bì đóng gói có hại tới môi trường; Mua và sử dụng sản phẩm được làm từ vật liệu có thể tái chế, các sản phẩm có thể phân hủy sinh học, các sản phẩm hữu cơ được chứng nhận; Không mua bán các sản phẩm làm từ động vật hoang dã hoặc mua bán bất hợp pháp.
Khích lệ sự tham gia của nhân viên: Thực hiện thông qua đào tạo nhân viên, các chuyến tham quan, cuộc thi, bảng tin và các phương thức khác để duy trì nhận thức của nhân viên về những chương trình xanh, khích lệ sự tham gia của nhân viên để tăng khả năng thành công của chương trình, trao thưởng cho nhân viên có nhiều đóng góp; Báo cáo kết quả của các hoạt động bảo vệ môi trường mà doanh nghiệp đã tiến hành với nhân viên.
Nâng cao nhận thức của khách hàng: Cung cấp thông tin trên trang điện tử của khách sạn, tạp chí, thư điện tử, hoặc ở những khu vực công cộng, phòng khách về du lịch xanh và lợi ích của nó cũng như các hoạt động, sự kiện thân thiện với môi trường mà khách sạn tổ chức.
2.3. Lợi ích của việc áp dụng các hoạt động xanh vào KDKS
2.3.1. Tiết kiệm chi phí
Các khách sạn nên đầu tư vào thiết bị tiêu thụ năng lượng hiệu quả và thực hành tiết kiệm năng lượng, ví dụ như năng lượng mặt trời, đèn điện áp thấp, vật dụng cách điện,… Mặc dù một số công tác cần chi phí ban đầu khá cao và có thể mất thời gian hơn để hòa vốn nhưng lợi ích kinh tế của việc đầu tư những thiết bị tiết kiệm năng lượng đem lại luôn xứng đáng.
2.3.2. Sự gắn bó của nhân viên
Nhân viên có xu hướng tìm kiếm công ty trên nguyên tắc và cách thức hoạt động phù hợp với bản thân. Vì vậy, thông qua chương trình BVMT, các khách sạn có thể tạo ra nơi làm việc an toàn, thoải mái, lành mạnh, từ đó có thể khích lệ tinh thần làm việc của nhân viên, họ sẽ làm việc hiệu quả hơn, muốn làm việc và gắn bó với công ty.
2.3.3. Lòng trung thành của khách hàng
Việc thực hiện các hoạt động xanh trong KDKS sẽ làm giảm sự ô nhiễm không khí, nước và đất của địa phương, từ đó tạo ra môi trường lành mạnh hơn. Các nguồn lực địa phương mà cộng đồng và các cơ sở lưu trú phụ thuộc cũng được bảo vệ tốt hơn, từ đó chất lượng chung của điểm đến và trải nghiệm của khách du lịch được duy trì một cách tốt hơn, tạo ra sự gia tăng số lượng khách quay lại và sự truyền miệng tích cực của khách hàng.
2.3.4. Tạo ra lợi thế cạnh tranh
Việc thực hiện các hoạt động thân thiện với môi trường và với xã hội như mua hàng hóa và dịch vụ của địa phương, thể hiện sự lãnh đạo mang tính bền vững và nâng cao uy tín cho các cơ sở lưu trú trong mắt của người tiêu dùng, cải thiện mối quan hệ với cộng đồng địa phương, tạo ra lợi thế đáng kể trong cạnh tranh.
2.4. Quản trị khách sạn xanh tại một số khách sạn trên thế giới
Xu hướng xanh đã xuất hiện từ lâu trong lĩnh vực KDKS trên thế giới. Đã có nhiều khách sạn đi theo xu hướng này và đạt được những thành tựu nhất định. Điển hình trong số đó là hai tập đoàn KDKS nổi tiếng Accor Group và Las Vegas Sands Corporation. Accor là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc xây dựng KSX và giờ đây vẫn luôn đề cao yếu tố môi trường trong các hoạt động kinh doanh của khách sạn. Las Vegas Sands là một doanh nghiệp đi sau Accor nhưng Las Vegas Sands luôn đặt vấn đề phát triển bền vững làm mục tiêu và cách thức hoạt động của doanh nghiệp và đã trở thành một trong những doanh nghiệp KDKS xanh hàng đầu thế giới. Hai tập đoàn này đều đã đạt được nhiều giải thưởng và chứng chỉ uy tín về BVMT và phát triển bền vững. Đây hoàn toàn là hình mẫu lý tưởng trong nền công nghiệp này để các doanh nghiệp khác học hỏi. Vậy nên, nhóm nghiên cứu đã chọn hai tập đoàn Accor và Las Vegas Sands để nghiên cứu các hoạt động xanh mà họ thực hiện.
2.4.1. Quản trị KSX tại Tập đoàn Accor
Accor là một trong những tập đoàn đi tiên phong khi thực hiện chính sách BVMT trong hoạt động KDKS. Ngay từ năm 1994, tập đoàn này đã đề ra vị trí Giám đốc phụ trách môi trường. Năm 1997, Accor thành lập bộ phận chuyên trách môi trường với nhiệm vụ đề ra chính sách môi trường để giải quyết những thách thức môi trường toàn cầu. Nội dung của Hiến chương môi trường lần đầu tiên được phát triển vào năm 1998 gồm 15 hành động BVMT và được áp dụng chủ yếu ở nhiều khách sạn trong tập đoàn tại châu Âu. Các hoạt động này được kiểm soát thông qua hệ thống báo cáo qua mạng nội bộ. Đến nay, do nhu cầu BVMT, tập đoàn Accor cải thiện nội dung của Hiến chương môi trường lên thành 65 hành động (mức độ áp dụng thay đổi tùy theo nhãn hiệu). Nội dung cụ thể bao gồm:
Thông tin và nâng cao nhận thức: Thông qua hoạt động định kỳ để trình bày cho nhân viên về tác động môi trường của khách sạn hoặc mời diễn giả từ bên ngoài trình bày những vấn đề cụ thể trong các nội dung của Hiến chương môi trường;
Quản lý năng lượng (một số nội dung áp dụng cho cả quản lý nước): Gồm các biện pháp như lập mức tiêu thụ; giám sát và phân tích mức tiêu thụ hàng tháng; liệt kê các cải tiến kỹ thuật; tổ chức những biện pháp ngăn ngừa; đảm bảo việc sử dụng tối ưu các cơ sở và máy móc; lắp đặt đèn trang trí tiết kiệm năng lượng; sử dụng bóng đèn tiết kiệm năng lượng; sử dụng bóng đèn có độ chiếu sáng thấp trong phòng ngủ; sử dụng đèn LED cho đèn trang trí bên ngoài, cho tín hiệu thoát hiểm; lắp đặt hệ thống cảm biến cho đèn phía hành lang, ban công; sử dụng tủ lạnh tiết kiệm năng lượng; bọc vỏ cách nhiệt cho các ống dẫn nước nóng; sử dụng thiết bị đun nước nóng tiết kiệm điện; thu hồi năng lượng từ hệ thống thông gió chính; sử dụng điều hòa tiết kiệm năng lượng; thu hồi năng lượng từ hệ thống điều hòa không khí; lắp tấm thu năng lượng mặt trời để đun nước nóng; lắp tấm thu năng lượng mặt trời để làm ấm bể bơi,…
Quản lý nước: Gồm các biện pháp như lắp đặt thiết bị điều chỉnh dòng nước trong vòi nước; lắp đặt thiết bị điều chỉnh dòng nước ở các vòi hoa sen; lắp đặt thiết bị vệ sinh tiết kiệm nước; sử dụng thiết bị giặt tiết kiệm nước; khuyến khích khách sử dụng lại khăn tắm; khuyến khích khách sử dụng lại khăn trải giường; loại bỏ hệ thống tủ lạnh làm mát bằng nước; thu hồi nước mưa; thực hiện biện pháp tiết kiệm nước trong tưới tiêu, chăm sóc vườn cây,…
Quản lý nước thải: Gồm các biện pháp như thu hồi và tái chế dầu ăn qua sử dụng; phân loại và thu hồi thức ăn vụn; xử lý nước thải.
Quản lý chất thải: Gồm các biện pháp như tái xử lý bao gói bằng giấy và bìa các tông; tái chế giấy, giấy báo và tạp chí; hạn chế sử dụng bao bì không phân hủy được; tái chế chai lọ thủy tinh; tái chế bao đựng bằng nhựa; tái chế hộp đựng kim loại; thực hiện phân loại chất thải trong phòng ngủ của khách; hạn chế sử dụng bọc các sản phẩm vệ sinh trong phòng ngủ; tái chế chất thải hữu cơ từ nhà hàng; tái chế chất thải xanh trong vườn; thải pin của khách sạn một cách an toàn; tái chế thiết bị điện và điện tử; tái chế hộp mực; nguyên liệu thừa; gửi một số chất thải tái chế được tới các tổ chức phi chính phủ,…
Các biện pháp bảo vệ tầng ozone: Gồm các biện pháp như loại bỏ thiết bị chứa CFC; kiểm tra thiết bị chứa CFC, HCFC hoặc HFC không rò rỉ.
Mua sắm xanh: Bao gồm các biện pháp như sử dụng giấy sinh học; sử dụng sản phẩm có nhãn sinh thái; hỗ trợ những sản phẩm hữu cơ, sản phẩm địa phương; không mua thịt của các loài đã bị đánh bắt quá mức, đặt hàng giường được làm bằng gỗ từ các khu rừng được quản lý bền vững, chứng nhận FSC (Forest Stewardship Council - Hội đồng Quản lý Rừng), gối được thiết kế từ các loại chai nhựa tái chế cho phòng khách sạn; xà phòng, sữa tắm, dầu gội và những sản phẩm vệ sinh đều được chứng nhận an toàn với môi trường.
Biện pháp BVMT khác: Xây dựng vườn cây hữu cơ riêng cho khách sạn, giảm sử dụng thuốc trừ sâu; giảm thuốc diệt cỏ; giảm sử dụng thuốc diệt nấm mốc; sử dụng phân hữu cơ; tưới cây một cách hợp lý; trồng các cây thích nghi với địa phương; tham gia vào hoạt động BVMT ở địa phương.
Cấp chứng chỉ: Nhận chứng chỉ ISO 14001 là hoạt động ở cấp độ cao hơn so với các biện pháp thực hiện ở trên giúp thể hiện rõ cam kết môi trường trên toàn cầu của tập đoàn cũng như thực hiện Hiến chương môi trường.
2.4.2. Quản trị KSX tại Tập đoàn Las Vegas Sands
Ngay từ ngày đầu thành lập, tập đoàn Las Vegas Sands đã chú ý đến vấn đề môi trường và phát triển bền vững, đã có những tiên phong trong việc gắn các hoạt động BVMT vào hoạt động kinh doanh của tập đoàn. Đến năm 2010, tập đoàn này chính thức đặt ra chương trình phát triển bền vững toàn cầu mang tên Sands ECO360 và thiết lập một phòng ban riêng. Chương trình phản ánh mục tiêu và tầm nhìn của tập đoàn, đó là trở thành tập đoàn dẫn đầu trong sự phát triển bền vững và vận hành khu nghỉ dưỡng. Tập đoàn áp dụng quy trình PDCA cho hệ thống quản lý môi trường, gồm 4 bước Plan (Lập kế hoạch) - Do (Thực hiện) - Check (Kiểm tra) - Act (Điều chỉnh, cải tiến thích hợp) để thiết lập ưu tiên, đề ra mục tiêu, khởi động dự án cũng như liên tục theo dõi và cải thiện chương trình. Chương trình bao gồm những nội dung sau:
Toà nhà xanh: Từ giai đoạn thai nghén đến khi đi vào xây dựng, tính bền vững được kết hợp một cách có hệ thống vào toàn bộ quá trình, ví dụ như đưa ra những thiết kế đặc trưng phù hợp với khí hậu địa phương để có thể tận dụng tối đa năng lượng sạch mà không phụ thuộc quá nhiều vào những thiết bị tiêu thụ điện lớn, ví dụ như một tấm lưới; chú trọng vào tối ưu hóa hệ thống cơ khí, lựa chọn vật liệu xanh an toàn với môi trường và tái chế chất thải xây dựng.
Quản lý năng lượng: Sử dụng hệ thống công nghệ cao kiểm soát, theo dõi nguồn cung cấp ánh sáng, nhiệt và nước; sử dụng thiết bị và bóng đèn tiết kiệm điện năng kết hợp tận dụng nguồn sáng tự nhiên thông qua loại kính đặc biệt; tấm lưới thép không gỉ bên ngoài tòa nhà để giảm sự hút nhiệt, giữ cho tòa nhà ở nhiệt độ vừa phải; sử dụng hệ thống làm mát gọi là District; trồng cây trên mái nhà; thang máy được thiết kế để có thể tái sử dụng năng lượng tạo ra khi thang máy hoạt động, thang cuốn cũng được trang bị cảm biến để hoạt động khi có người đến cũng như dừng khi không được sử dụng. Ở trong các phòng khách sạn, đèn và điều hòa được thiết kế cảm biến để khi cửa mở sẽ tự động tắt. Ngoài ra, Las Vegas Sands còn liên tục nghiên cứu và thí điểm những công nghệ mới như pin nhiên liệu hydro cho xe nâng hàng, khí thải sinh học hay các dự án năng lượng.
Quản lý nước: Sử dụng các thiết bị có lưu lượng thấp, vòi nước tự động tắt cũng như bồn cầu có thể tự động điều chỉnh lượng nước phù hợp; vận hành một hệ thống lưu giữ những nguồn nước dư thừa và sử dụng lại cho các đài phun nước ở sảnh khách sạn hoặc phục vụ tưới tiêu trong vườn; ở Marina Bay Sands, nước mưa cũng được tái sử dụng cho Rain Oculus trong khu vực mua sắm, một phần nước cho con kênh và thậm chí làm nước xả bồn cầu; hệ thống tưới tiêu riêng, giảm tối đa sự lãng phí khi chăm sóc vườn.
Quản lý chất thải: Tái chế, tái sử dụng dầu ăn, thu gom tất cả các loại chất thải, từ bã cà phê đến thẻ bài, từ miếng pallet bằng gỗ cho đến ổ cứng máy tính; xử lý hoàn toàn những nguyên liệu và thức ăn thừa, cũng như chú trọng phân loại rác thải thành chất thải hữu cơ và chất thải xây dựng, xử lý đúng quy cách, tái sử dụng các vật liệu như gỗ, kim loại và đất, ủ phân.
Mua sắm xanh: Khi mua nguyên vật liệu, vật tư, các khách sạn của Las Vegas Sands sẽ cân nhắc những vấn đề liên quan đến môi trường và sự ảnh hưởng đến sức khoẻ để lựa chọn; mua những thiết bị được chứng nhận Energy Star, sản phẩm vệ sinh thân thiện với môi trường, các loại sơn cũng phải chứa thành phần an toàn cho sức khoẻ, thảm phải đạt tiêu chuẩn Green Label Plus; mua hết những sản phẩm có thể tái chế hoặc có chất liệu tái chế được, tránh những hóa chất độc hại. Bên cạnh đó, Las Vegas Sands còn tạo riêng một vườn thảo mộc để trồng cây phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Phòng họp xanh: Las Vegas Sands sử dụng khăn tay thay vì giấy ăn, khuyến khích các văn bản điện tử hơn là tài liệu in trên giấy; thực đơn bữa trưa được lược bỏ những món có vỏ, đồ uống được đi kèm với cốc có thể tái sử dụng và túi trà không có dây, nhãn mác, các túi đường được đổi thành từng viên đường.
Đào tạo thành viên: Các đặc điểm kể trên sẽ không bao giờ là đủ để tạo nên một văn hóa về mục tiêu bền vững xuyên suốt doanh nghiệp nếu như không có sự gắn kết và tham gia của các thành viên. Hiểu được điều đó, Ban Quản trị đưa ra những hoạt động như là các chiến dịch về môi trường, sự kiện giáo dục giúp các thành viên nhận thức được về những điều đang hướng đến, truyền cảm hứng để họ hào hứng, muốn tham gia vào những hoạt động đó, cảm thấy gắn kết hơn với chính doanh nghiệp; tổ chức các hoạt động giúp nâng cao nhận thức về hệ sinh thái, thúc đẩy tính bền vững thông qua nhiều kênh như: các buổi định hướng, sổ tay cho nhân viên, đào tạo hàng ngày, cuộc họp trước ca làm, bản tin hai tuần một lần, buổi tham quan, trình chiếu những video chứa thông điệp về sự bền vững, tặng quà, các sự kiện đặc biệt. Ngoài ra, Las Vegas Sands còn có giải thưởng trao tặng cho thành viên có nhiều đóng góp cho các giá trị bền vững mà doanh nghiệp đang theo đuổi, coi họ như là hình mẫu mà những thành viên khác nên hướng tới.
Các hoạt động vì môi trường: Lắp ráp hơn 100.000 bộ dụng cụ vệ sinh, sự kiện ở Las Vegas đã thu hút 1829 hành động bao gồm: tái chế huy hiệu, bảng hiệu, làm sạch công viên và tham gia cuộc thi trên mạng xã hội chụp hình selfie trong khi tham gia các hoạt động xanh đó; Chiến dịch “I Will If You Will” và Giờ Trái đất đã thu hút hơn 32000 hành động xanh của các thành viên trong Las Vegas Sands bao gồm trồng cây và giặt quần áo bằng nước lạnh; Thử thách rửa đĩa đã thu về 123.000 chiếc đĩa sạch để giảm thiểu thức ăn bị bỏ đi và nâng cao nhận thức về vấn đề khan hiếm thức ăn; Có hơn 41% các phòng ban tham gia vào chiến dịch “Dọn dẹp văn phòng” với mục tiêu giảm thiểu chất thải và gia tăng hoạt động tái chế tại khách sạn ở Macau; xây dựng lớp học ngoài trời và vườn rau để dạy cho lớp trẻ về canh tác và sự trân trọng đối với thiên nhiên.
Báo cáo, chứng nhận và giải thưởng: Las Vegas Sands đã xuất bản những báo cáo hàng năm cho chương trình Sands ECO360 để ghi dấu quá trình phát triển và những thành tựu mà doanh nghiệp đạt được trong các hoạt động mang tính bền vững. Cam kết của Las Vegas Sands đối với sự bền vững luôn được ghi nhận thông qua chứng nhận, giải thưởng, xếp hạng, như là: các chứng chỉ của LEED, Green Hotel Gold Award, TripAdvisor GreenLeaders Gold Certification, Best Recycling Program, Sustainable Business Awards (achievement of Excellence), ISO 20121 Event Sustainability Management Systems, 1st Place for Best Green Initiative, The Stella Award, Grand Award Winner for Environment (PATA)…
2.5. Tổng quan về xu hướng xanh trong lĩnh vực KDKS tại Việt Nam
Cùng với xu hướng phát triển bền vững của thế giới, các “KSX” và mô hình “KSX” ở Việt Nam đã xuất hiện và ngày càng lan toả. Thực tế cho thấy, mô hình này mang lại nhiều lợi ích giúp tiết kiệm năng lượng và BVMT. Trong tương lai, mô hình “KSX” rất cần được phổ biến và nhân rộng hơn nữa.
Ở Việt Nam hiện có rất nhiều khách sạn đã đạt tiêu chuẩn KSX như khách sạn Sheraton, khách sạn Majestic, khách sạn Caravelle… Hầu hết các khách sạn này đều bắt tay vào tạo dựng mô hình KSX, thông qua hoạt động cải thiện hiệu năng, tiết kiệm nước làm giảm chi phí, BVMT. Vì việc tạo ra môi trường xanh và sạch không chỉ tạo ra vẻ đẹp mỹ quan cho môi trường xung quanh mà còn là tiêu chuẩn đảm bảo sức khỏe cho du khách, cộng đồng. Cụ thể, khách sạn Majestic đã cho thay các loại bóng đèn có mức tiêu hao năng lượng cao bằng loại bóng có mức tiêu hao thấp, điều chỉnh nhiệt độ máy lạnh vừa thích hợp thân nhiệt, vừa tiết kiệm tổng điện năng tiêu thụ của máy, sử dụng khóa tự động ngắt nguồn điện khi chìa khóa được lấy ra khỏi ổ điện, huấn luyện nhân viên ý thức tiết kiệm điện, nước... Hay như khách sạn Caravelle có 60% diện tích xung quanh sử dụng kính, lấy ánh sáng tự nhiên và tiết kiệm được rất nhiều năng lượng chiếu sáng. Bên cạnh đó, Caravelle sử dụng thêm lớp bọc để chống hấp thu nhiệt sử dụng cho hệ thống làm lạnh. Tuy nhiên, thành quả đáng kể nhất của khách sạn này là đã xây dựng được một hệ thống quản lý theo dõi, kiểm tra và điều chỉnh hệ thống sử dụng năng lượng. Hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, bộ phận kỹ thuật đều có theo dõi tiêu hao năng lượng của tòa nhà để phát hiện ra những biến đổi bất thường của hệ thống tiêu hao năng lượng và có điều chỉnh phù hợp. Nhờ đó, Caravelle Hotel đã tiết kiệm được hơn 1 tỉ đồng/năm; nhờ bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống máy lạnh để giảm tối đa mức tiêu hao năng lượng không cần thiết đã tiết kiệm được khoảng 500 triệu/năm; việc bảo trì máy nước nóng thường xuyên cũng đã tiết kiệm được 200 triệu/năm.
Những năm gần đây, vấn đề môi trường ở Việt Nam ngày càng được người dân chú trọng. Trước khi chọn tour du lịch Việt Nam, nhiều du khách quan tâm đến những tiêu chuẩn KSX, nhưng không phải khách sạn nào cũng nhận thức rõ và có hành động thiết thực về việc này. Tất cả những yếu tố đó đã cho thấy, nhu cầu xây dựng một khách sạn đáp ứng được những tiêu chuẩn thân thiện với môi trường ngày càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết đối với các khách sạn tại Việt Nam.
Từ nghiên cứu về công tác quản trị xanh của hai tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực KDKS là Accor và Las Vegas Sands, các khách sạn tại Việt Nam có thể học hỏi được những yếu tố cơ bản trong chính sách vì môi trường, quan điểm tiếp cận và một số biện pháp thực hiện BVMT trong doanh nghiệp.
2.6. Bài học kinh nghiệm về quản trị KSX cho các khách sạn tại Việt Nam
2.6.1. Nghiên cứu, lựa chọn các chính sách phù hợp
Để có thể thực hiện các biện pháp BVMT một cách hiệu quả nhất, doanh nghiệp cần cân nhắc yếu tố về khả năng và nguồn lực, từ đó chọn ra hoạt động phù hợp đưa vào thực tiễn tại khách sạn. Hai tập đoàn Las Vegas Sands và Accor đều là những doanh nghiệp lớn với vốn đầu tư khổng lồ nên họ đặt ra không ít biện pháp thân thiện với môi trường đòi hỏi chi phí khá lớn, đặc biệt là những biện pháp sử dụng thiết bị công nghệ. Song, bên cạnh đó vẫn có rất nhiều biện pháp đơn giản, không đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu tốn kém, thậm chí cả các biện pháp không cần đầu tư. Do đó, biện pháp quản lý BVMT có thể được áp dụng tại các khách sạn với quy mô nhỏ cũng như hạng sao thấp, thuộc phần lớn các khách sạn tại Việt Nam. Đây là bước quan trọng để giảm định kiến của nhiều người khi đề cập tới hoạt động BVMT và thường cho đây là biện pháp đòi hỏi đầu tư tốn kém chỉ phù hợp với khách sạn sao cao. Như ở hai tập đoàn được nghiên cứu, các khách sạn nên lập thêm một bộ phận, phòng ban riêng chuyên quản lý các vấn đề về chiến lược phát triển bền vững. Đặt mục tiêu phù hợp cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động BVMT của doanh nghiệp, thậm chí là khả năng duy trì và phát triển các hoạt động đó.
2.6.2. Khích lệ sự tham gia của nhân viên, khách hàng
Doanh nghiệp khi đặt ra những chính sách BVMT cần phải có cách phổ biến rộng rãi đến tất cả các nhân viên, giúp họ nhận thức đầy đủ về giá trị mà doanh nghiệp đang hướng tới; tổ chức chương trình đào tạo để nhân viên nhận thức rõ và cụ thể hơn những vấn đề cần phải làm và làm như thế nào. Sự tham gia của nhân viên chính là yếu tố quan trọng tạo nên và duy trì những giá trị đó. Ở Las Vegas Sands, họ luôn khích lệ tinh thần của nhân viên, khiến cho nhân viên hào hứng với chính những điều mà doanh nghiệp đang làm, tổ chức nhiều hoạt động để nâng cao nhận thức cũng như gắn kết nhân viên với nhau và với doanh nghiệp, khuyến khích họ thực hiện những việc thân thiện với môi trường không chỉ ở văn phòng, mà còn ở nhà, trên phố…, sau đó họ chia sẻ với nhau, truyền lại với khách hàng. Dần dần, những hoạt động xanh ấy không chỉ còn là chính sách của công ty, mà còn trở thành nếp sống của mỗi người, trở thành văn hóa của cả doanh nghiệp, điều đó góp phần làm nên sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể đem thông tin về những hoạt động xanh tiếp cận đến khách hàng, vừa tuyên truyền về BVMT, nâng cao ý thức cộng đồng, vừa giúp cho khách hàng hiểu hơn về các giá trị bền vững mà doanh nghiệp theo đuổi. Từ đó, khách hàng sẽ ấn tượng về doanh nghiệp với hình ảnh đáng tin cậy, tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn trên thị trường.
2.6.3. Chú trọng theo dõi hiệu quả của quá trình để đưa ra những điều chỉnh phù hợp
Trong quá trình thực hiện các chính sách về môi trường đề ra, doanh nghiệp cần không ngừng theo dõi hoạt động của khách sạn như đo lường, kiểm tra, ghi lại thông tin, từ đó phân tích để đánh giá mức độ, hiệu quả của những biện pháp xanh trong hoạt động kinh doanh của khách sạn. Sau mỗi đợt, phòng ban có trách nhiệm về vấn đề này cần đưa ra các báo cáo để rút ra kinh nghiệm cho những chương trình tiếp theo và đưa ra điều chỉnh phù hợp, cân bằng giữa mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của chính sách. Việc tiến hành theo dõi, kiểm tra, điều chỉnh kịp thời là rất cần thiết để đảm bảo sự duy trì liên tục cho những hoạt động BVMT.
2.6.4. Đầu tư về lâu dài cho công nghệ
Một điều có thể thấy rõ ở cả hai tập đoàn lớn trong bài phân tích đó là họ đều rất chú trọng đến phát triển công nghệ, thậm chí không ngừng nghiên cứu để cập nhật, đổi mới, bởi lẽ đầu tư cho công nghệ tuy mất nhiều chi phí ban đầu, nhưng xét về lâu dài, nó lại giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm một lượng lớn chi phí hoạt động khi giảm thiểu được những năng lượng tiêu hao không cần thiết. Bên cạnh các khách sạn của nước ngoài tại Việt Nam, phần lớn là các khách sạn có quy mô nhỏ và vừa, nên việc huy động vốn cũng như đầu tư nguồn lực lớn cho khoa học công nghệ cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn có thể bắt đầu xây dựng quỹ riêng phục vụ cho phát triển công nghệ hay gửi nhân viên đi dự các hội thảo về công nghệ, đầu tư cho nhân viên nâng cao trình độ về khoa học kỹ thuật hiện đại. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, việc tiếp thu, học hỏi, nghiên cứu khoa học công nghệ để không ngừng đổi mới, sáng tạo trong hoạt động kinh doanh là vô cùng cần thiết. Đầu tư lâu dài cho công nghệ là một khoản đầu tư xứng đáng đảm bảo cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong lĩnh vực KDKS và giảm thiểu tác động của khách sạn tới môi trường.
3. Kết luận
Xu hướng xanh đang dần trở thành xu thế toàn cầu trong lĩnh vực KDKS. Bằng việc kết hợp những hoạt động thân thiện với môi trường với hoạt động kinh doanh, một số doanh nghiệp trên thế giới đã chứng tỏ được những lợi thế mà xu hướng này mang lại. Từ việc nghiên cứu công tác quản trị xanh của hai doanh nghiệp nổi tiếng trên thế giới, tiên phong trong các hoạt động BVMT tại khách sạn, bài viết đã đưa ra những thông tin cơ bản trong công tác quản trị, các biện pháp mà doanh nghiệp có thể áp dụng, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho khách sạn tại Việt Nam.Các khách sạn ở nước ta cần sử dụng linh hoạt bài học này, tiến hành nghiên cứu thêm và đưa ra những chính sách phù hợp nhất với khả năng và nguồn lực hiện có, thường xuyên theo dõi, kiểm tra quá trình thực hiện những chính sách đó. Thực hiện quản trị xanh là hướng tới những giá trị bền vững, đảm bảo sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp cũng như thể hiện sự có trách nhiệm đối với môi trường, đem lại một hình ảnh tốt đẹp của doanh nghiệp trong cộng đồng và giữ cho Trái Đất của chúng ta luôn xanh.

 

Tài liệu tham khảo
1. Quốc hội, Luật Du lịch, Luật số: 09/2017/QH14 ngày 19/6/2017.
2. Tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn Việt Nam - TCVN 4391:2015, Thuật ngữ và định nghĩa.
Nguồn: https://vi.wikipedia.org.
3. Graci, S.,Can Hotels Accommodate Green? Examining What Influences Environmental Commitment in the Hotel Industry. DM Verlag, Frankfurt, 2009.
4. APAT, “Tourist Accommodation EU Eco-Label Award Scheme, Final Report”, 2002.
5. Trang tin tức toàn cầu của Booking.com, Nguồn: https://globalnews.booking.com, truy cập ngày 20/4/2019.
6. Deloitte Consulting, The staying power of Sustainability, Deloitte’s Tourism, Hospitality & Leisure practice, 2008.
7. Pizam, A., Green Hotels: A fad, ploy or fact of life.International Journal of Hospitality Management, Volume 28 (1), 2009.
8. Honey, M., Ecotourism and Sustainable Development: Who owns paradise? Washington DC: Island Press, 2008.

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516