Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcSáu vấn đề cốt lõi của các trường đại học ngoài công lập

Sáu vấn đề cốt lõi của các trường đại học ngoài công lập

Thứ tư, 19 Tháng 3 2014 03:57

GS.TSKH.NGND. Đặng Ứng Vận,

Trường Đại học Hòa Bình Hà Nội 

Thứ nhất là 20 năm tồn tại và phát triển hệ thống các trường NCL nói riêng và sự lớn mạnh của giáo dục đại học Việt Nam nói chung là một minh chứng cho tính đúng đắn và sức sống của chủ trương xã hội hóa giáo dục một chủ trương có tầm chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Trong chủ trương đó, các trường đại học cao đẳng ngoài công lập có vai trò như là điểm tích tụ đầy đủ cả 4 dạng nguồn lực xã hội được huy động để phát triển giáo dục. Đó là nhân lực, vật lực trí lực và tài lực. Có thể lúc này, lúc khác trong toàn hệ thống giáo dục Việt Nam nói chung chúng ta còn nặng về huy động tài lực, vật lực mà nhẹ về huy động  nhân lực và trí lực, và nói riêng có thể xã hội còn chưa có cái nhìn thiện cảm với các trường tư nhưng tác động to lớn của chủ trương xã hội hóa (XHH) đã ngày càng được khẳng định trong thực tiễn.

Thứ hai là, Nghị quyết 29 của Hội nghị lần thứ 8 BCHTW khóa XI với nhiều sự đổi mới  tư duy và sáng tạo trong giải pháp đã tạo cơ hội cho XHH giáo dục cũng như hệ thống các trường NCL phát triển mạnh mẽ trong đó phải kể đến tư tưởng xây dựng nền giáo dục mở và hệ thống giáo dục mở. Người Anh, đất nước của những đại học tháp ngà danh tiếng như Oxford, Cambridge đã sáng tạo ra khái niệm giáo dục mở với 4 chữ: mở cho nhân dân, mở về địa điểm, mở về phương pháp và mở về ý tưởng. Mở cho nhân dân chính là luận điểm khái quát nhất phù hợp với tư tưởng và mong muốn của những ngưới đề xuất chủ trương XHH giáo dục của nước ta. Nhân dân đứng ra mở trường, bỏ vốn xây dựng trường, đóng góp nhân lực trí lực và tài lực cho nhà trường phát triển. Mặt khác nhà trường cũng mở rộng cửa để đón nhân dân, con em nhân dân vào học tập và hoàn thiện nhân cách. Có thể nói được chắp cánh bởi tư tưởng xây dựng nền giáo dục mở của NQ29 chắc chắn XHH giáo dục sẽ tạo nên một bước đột phá mạnh mẽ và một sự chuyển biến nhiều hứa hẹn trong những thập kỷ tới. Có lẽ phải dùng chữ thời cơ thay cho cơ hội. Thời cơ để các trường NCL phát triển lên một tầm cao mới

  Thứ ba là cơ hội thì nhiều nhưng cũng đặt ra rất nhiều thách thức. 20 năm thăng trầm của các trường NCL có thể rút ra một kết luận rằng các trường NCL phát triển được hay không một phần lớn, rất lớn là chúng ta có thu hẹp được khoảng cách giữa thực tiễn phát triển và chính sách hay không. Là người quản lý một cơ sở tư thục đang gặp khó trong khâu tuyển sinh, đang gặp rất khó khăn trong việc giải quyết mối quan hệ giữa giáo dục và thị trường, quan hệ giữa các nhà giáo và các nhà đầu tư, quan hệ giữa ông chủ trường và người làm thuê v.v.. cũng là người đã có 12 năm làm Phó hiệu trưởng ở một cơ sở giáo dục đại học tháp ngà hàng đầu của Việt Nam là Đại học Tổng hợp Hà Nội, rồi ĐHQGHN, cũng có tới 8 năm làm công tác tham mưu trong Hội đồng Quốc gia giáo dục, tôi thực sự mong muốn rằng trong thời gian tới việc xây dựng chính sách cho các trường NCL nên chăng thay hình thức top-down lâu nay bằng hình thức bottom-up. Chúng tôi dự thảo và Bộ GD-ĐT và các bộ ngành khác xem xét, phản biện, trình Thủ tướng phê duyệt. Trong những ngày qua, việc Bộ giao cho các trường chủ động xây dựng đề án tuyển sinh và Bộ cùng với xã hội đóng vai người phản biện là cách làm sáng tạo, đổi mới và rất nên phát huy.

Thứ tư là về khái niệm trường lợi nhuận và phi lợi nhuận. Chúng tôi cho rằng định nghĩa phi lợi nhuận không khó vì đã có mô hình này ở các nước phát triển nhưng thể chế hóa cho mô hình trường phi lợi nhuận ở nước ta trong hoàn cảnh chi tiêu chủ yếu vẫn dùng tiền mặt là rất khó, đặc biệt là chính sách tài chính và kế toán. Nếu chúng ta không kiểm soát được mức chi cho các hoạt động của từng trường thì không thể đảm bảo được việc toàn bộ lợi nhuận được tái đầu tư cho phát triển và hệ quả là hiện tượng trốn thuế thu nhập cá nhân sẽ vẫn xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Vậy nên chăng sử dụng giải pháp tái cơ cấu hệ thống . Trước kia chúng ta đã loại bỏ mất một mô hình rất gần với tổ chức phi lợi nhuận đó là trường dân lập giờ nên chăng khôi phục lại dưới một dạng nào dó có bản chất gần với phi lợi nhuận hơn. Điều quan trọng là bên cạnh đó loại hình tư thục vì lợi nhuận vẫn nên được khuyến khích phát triển bởi nếu không sẽ triệt tiêu động lực của những nhà đầu tư. Nước ta chưa có nhiều tỷ phú đến mức dám bỏ ra vài chục vài trăm tỷ mà không tính đến việc thu lợi nhuận.

Thứ năm, chúng tôi kiến nghị Nhà nước tạo một sân chơi bình đẳng giữa các trường công và tư. Trong lĩnh vực đào tạo và một số lĩnh vực khác Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không phân biệt các trương công tư về trách nhiệm về các tiêu chuẩn tiêu chí kiểm định v.v.. Tuy rằng trên các phương tiện thông tin đại chúng và các phát biểu chính thức của các cấp quản lý thì nhà nước vẫn coi là trường tư chỉ khác trường công ở nguồn đầu tư. Tuy vậy, nếu đi sâu vào bản chất thì trường công không phải bồi hoàn vốn đầu tư cho nhà nước. Còn trường tư thì không thể không bồi hoàn vốn cho nhà đầu tư. Việt Nam chưa thể có những đại gia nhiều tiền đến mức liên tục rót tiền cho trường mà không đòi hỏi thu hồi vốn. Điều đó chính là sự khác biệt rất cơ bản. Sự cạnh tranh công tư nếu không có chính sách thỏa đáng giải quyết mâu thuẫn này thì luôn là một sự cạnh tranh không hoàn hảo và các trường tư luôn ở thế thua kém. Có được sân chơi bình đẳng là mong muốn thậm chí còn cao hơn cả mong muốn được nhà nước đầu tư ban đầu hoặc đầu tư thông qua người học như đã được các đại biểu đề cập đến.

Thứ sáu là các cụ ngày xưa vẫn nói: “Linh tại ngã bất linh tại ngã” tạm dịch là “thiêng hay không thiêng là ở ta”. Xây dựng nhà trường đại học xuất sắc không chỉ để đáp ứng đòi hỏi của xã hội mà còn là lẽ sống còn của mỗi trường đại học NCL. Chúng tôi mong muốn có một cơ chế thỏa đáng để phát triển như một nhà bác học nổi tiếng đã nói : “cho tôi một điểm tựa tôi có thể bẩy được cả trái đất”.

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516