Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcTHỜI HIỆU TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ ĐỐI VỚI NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI PHẠM TỘI THEO BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 - NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

THỜI HIỆU TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ ĐỐI VỚI NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI PHẠM TỘI THEO BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 - NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

Thứ sáu, 01 Tháng 3 2024 14:30

Đinh Thị Nhung

Hoàng Thanh Huyền

Nguyễn Hải Yến

Trường Đại học Luật Hà Nội

Abstract

The study focuses on clarifying the statute of limitations for criminal prosecution of persons under 18 years of age who commit crimes under Vietnamese criminal law. This statute not only has scientific and practical significance but also has great political, social and legal significance for the protection of public rights and human freedom. On that basis, the study analyzes the difficulties and shortcomings in practical application and proposes some recommendations to improve the current Penal Code.

(Bài nghiên cứu tập trung làm rõ chế định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội theo pháp luật hình sự Việt Nam. Chế định này không chỉ có ý nghĩa khoa học - thực tiễn mà còn có ý nghĩa chính trị - xã hội và pháp lý to lớn đối với việc bảo vệ công quyền và tự do của con người. Trên cơ sở đó, bài nghiên cứu phân tích những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn áp dụng và đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện Bộ luật hình sự hiện hành)

Keywords

Individuals under 18 years of age who commit crimes, Statute of limitations for criminal prosecution, Practical implementation, Recommendations for improvement (Người dưới 18 tuổi phạm tội, Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thực tiễn áp dụng, kiến nghị hoàn thiện)

1. Đặt vấn đề

Những năm gần đây, tình hình tội phạm do người 18 tuổi gây ra có diễn biến rất phức tạp. Người chưa thành niên phạm tội đang "gia tăng và trẻ hóa" thực sự trở thành mối lo ngại với con số trung bình 10.000 vụ tội phạm hình sự do hơn 15.000 trẻ em gây ra trên toàn quốc mỗi năm[1]. Con số này như một hồi chuông cảnh báo về tình trạng người dưới 18 tuổi phạm tội. Do đó, khi thể chế hóa Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung theo Luật số 12/2017/QH14 sau đây gọi tắt là BLHS năm 2015)[2] các nhà làm luật đã quy định hình phạt dành cho người dưới 18 tuổi phạm tội tại Chương XII từ Điều 90 đến Điều 108. Tuy nhiên, chế định về thời hiệu truy cứu TNHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội vẫn đang bị bỏ ngỏ. Quy định tại Điều 27 BLHS năm 2015 được áp dụng cho cả người thành niên và người chưa thành niên. Vì vậy, trong quá trình nghiên cứu nhóm tác giả nhận thấy còn những khó khăn, hạn chế về việc áp dụng chế định này và đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Một số vấn đề lý luận về thời hiệu truy cứu TNHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

2.1.1. Khái niệm thời hiệu truy cứu TNHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

So với BLHS năm 1999, chế định thời hiệu truy cứu TNHS trong BLHS năm 2015 đã được xây dựng theo hướng hoàn thiện và hợp lý hơn. Theo khoản 1 Điều 27 BLHS năm 2015 đã đưa ra khái niệm pháp lý về thời hiệu truy cứu TNHS như sau: “là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. Hay theo GS. TS Lê Văn Cảm cho rằng: “Thời hiệu truy cứu TNHS là thời hạn được ghi nhận trong PLHS thực định của một quốc gia mà khi kết thúc thời hạn đó thì người phạm tội không thể bị truy cứu TNHS”[3]. Chế định thời hiệu truy cứu TNHS đã phản ánh rõ chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự. Tính nhân đạo của chế định này thể hiện ở việc lẽ ra người phạm tội phải bị Nhà nước truy cứu TNHS nhưng vì một số lý do khách quan hoặc chủ quan mà người phạm tội không bị phát hiện và khi bị phát hiện, người phạm tội đã hết thời hiệu truy cứu TNHS đối với tội phạm đó nhưng đồng thời người phạm tội phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều Điều 27 Bộ luật này.

2.1.2. Tiêu chuẩn xác định thời hạn của thời hiệu truy cứu TNHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Theo tinh thần của khoản 2 Điều 27 BLHS năm 2015, thời hiệu truy cứu TNHS được xác định dựa theo 4 loại tội phạm tại khoản 1 Điều 9 Bộ luật này (tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng). Các mức thời hạn truy cứu TNHS dài ngắn khác nhau được quy định căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của từng loại tội phạm. Cụ thể, thời hiệu truy cứu TNHS là 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng, có mức hình phạt cao nhất là phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm; 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng, có mức hình phạt cao nhất từ 03 năm đến 07 năm tù; 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng, có mức hình phạt cao nhất trừ trên 07 năm đến 15 năm tù và 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, có mức phạt cao nhất là 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

2.1.3.Cách tính thời hiệu truy cứu TNHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Dẫn chiếu theo Khoản 3 Điều 27 BLHS năm 2015 quy định: “Thời hiệu truy cứu TNHS được tính từ ngày tội phạm được thực hiện”. Bên cạnh đó là điều kiện người phạm tội không được phạm tội mới có mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên 01 năm tù và không cố tình trốn tránh hay không có quyết định truy nã.

(i) Trong trường hợp bình thường đáp ứng được hai điều kiện trên thì thời hiệu được tính liên tục từ ngày người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội nghĩa là từ ngày hành vi đó đã đủ các yếu tố cấu thành tội phạm dù ở giai đoạn chuẩn bị hay đang hoặc đã thực hiện hành vi phạm tội.

Việc xem xét thời điểm ngày thực hiện tội phạm cần lưu ý các trường hợp sau:

Đối với tội giai đoạn chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt: Việc xác định ngày thực hiện tội phạm - thời điểm tính thời hiệu được hiểu và kết hợp với các quy định về chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa kết thúc. Nghĩa là thời điểm truy cứu TNHS được tính từ ngày hoạt động phạm tội bị chấm dứt về mặt pháp lý do những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của người phạm tội và khiến cho người đó không thực hiện được tội phạm đến cùng.

Đối với tội phạm hoàn thành: Thời điểm truy cứu TNHS bắt đầu được tính từ ngày tội phạm đã hoàn thành về mặt pháp lý, tức là thời điểm hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm mà BLHS quy định là tội phạm (tương ứng với 04 loại tội phạm) được thực hiện, chứ không phải là từ ngày tội phạm bị phát hiện hoặc từ ngày xảy ra hậu quả phạm tội.

Đối với các tội kéo dài: Tội kéo dài là tội phạm mà hành vi khách quan diễn ra không gián đoạn trong một khoảng thời gian dài. Thời điểm truy cứu TNHS bắt đầu tính từ ngày hành vi phạm tội bị phát hiện, do có một trong sáu căn cứ tại Điều 143 BLTTHS năm 2015 [4] và thời điểm kết thúc là sau một khoảng thời gian nhất định tương ứng theo quy định tại khoản 2 Điều 27 BLHS năm 2015 [5].

Đối với các tội liên tục: Tội liên tục là tội phạm mà hành vi khách quan được hợp thành bởi nhiều hành vi cùng loại cùng tính chất diễn ra kế tiếp nhau về thời gian cùng xâm hại đến một khách thể và với một ý định phạm tội thống nhất của người phạm tội. Thời điểm bắt đầu thời hiệu truy cứu TNHS của tội liên tục bắt đầu tính từ ngày mà hành vi cuối cùng trong một chuỗi các hành vi được thực hiện và thời điểm kết thúc chính là sau một khoảng thời gian nhất định được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 27 BLHS năm 2015. Căn cứ để xác định ngày thực hiện hành vi phạm tội cuối cùng, đó là phải xác định được có dấu hiệu tội phạm trên cơ sở: Tố giác của cá nhân; tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước; cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm; người phạm tội tự thú.

Đối với trường hợp phạm nhiều tội: Phạm nhiều tội là trường hợp phạm từ hai tội khác nhau trở lên trong cùng một thời gian hoặc khác thời gian mỗi lần phạm tội có đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong đó chưa tội nào bị truy cứu TNHS. Trường hợp bị đưa ra xét xử cùng một lần thì thời hiệu truy cứu TNHS bắt đầu được tính từ ngày thực hiện tội đầu tiên trong số các tội bị phát hiện và người phạm tội bị đưa ra xét xử.

Đối với trường hợp phạm tội nhiều lần: Phạm tội nhiều lần là trường hợp phạm một tội nhưng từ hai lần phạm tội đó trở lên mà mỗi lần phạm tội có đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu TNHS và cũng chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS. Đồng thời các hành vi đó đều chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS và bị đưa ra xét xử cùng một lần thì thời điểm truy cứu TNHS bắt đầu được tính từ ngày tội nào được thực hiện trước tiên trong số các tội bị phát hiện và người phạm tội bị đưa ra xét.

(ii) Trong trường hợp nếu trong thời hạn truy cứu TNHS mà người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà BLHS quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới. Khoảng thời gian đã qua từ ngày thực hiện tội phạm cũ đến ngày thực hiện tội phạm mới không được tính vào thời hạn đã qua của của thời hiệu đối với tội cũ. Thời hạn truy cứu TNHS đối với tội cũ bị đình chỉ bởi việc thực hiện tội phạm mới và được tính lại từ ngày thực hiện tội phạm mới.

(iii) Trong trường hợp người phạm tội sau khi thực hiện hành vi phạm tội cố ý trốn tránh và và đã có quyết định truy nã thì thời hiệu được tính lại kể từ thời điểm người phạm tội bị bắt giữ hoặc người phạm tội ra đầu thú. Trong trường hợp thứ hai thời hiệu được “tính lại” kể từ ngày người phạm tội thực hiện tội phạm mới còn trong trường hợp này thời hiệu được “tính lại” kể từ khi người phạm tội ra đầu thú hoặc bị bắt giữ. Trong trường hợp thứ ba, là thời hiệu bị gián đoạn bởi thời gian trốn tránh của người phạm tội.

2.1.4. Không áp dụng thời hiệu truy cứu TNHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Chế định thời hiệu truy cứu TNHS không đương nhiên áp dụng đối với tất cả các tội phạm. Những trường hợp không áp dụng đã được BLHS năm 2015 quy định dưới dạng liệt kê tại Điều 28. Đó là, các tội xâm phạm an ninh quốc gia tại Chương XIII; các tội chống phá hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh tại Chương XXVI, tham ô tài sản tại khoản 3, 4 Điều 353 và tội nhận hối lộ tại khoản 3, 4 Điều 354 BLHS 2015. Việc quy định không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm đặc biệt nguy hiểm nêu trên đã thể hiện chính sách hình sự kiên quyết, không khoan nhượng của Nhà nước ta trong việc bảo vệ Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; bảo vệ hòa bình, chống chiến tranh xâm lược và phòng chống tội phạm tham nhũng [6].

2.2. Một vướng mắc trong quá trình áp dụng thời hiệu truy cứu TNHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Một là, BLHS năm 2015 chưa có quy định cụ có chế định về thời hiệu truy cứu TNHS cho người dưới 18 tuổi phạm tội. Việc bỏ ngỏ chế định trên chưa phù hợp với các đặc điểm tâm sinh lý, nhân thân,… của nhóm đối tượng này cũng như các đặc điểm kinh tế - xã hội của Việt Nam khi quyền con người, quyền công dân được tăng cường mạnh mẽ. Vừa qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 30/11/2024 đã thông qua đạo Luật Tư pháp người chưa thành niên và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2026. Đặc biệt, pháp luật của một số nước đã cụ thể chế định này từ rất sớm có thể nói đến BLHS Liên bang Nga năm 1996 [7] tại Điều 94 quy định: “Thời hiệu đã được quy định tại các Điều 78 và Điều 83 Bộ luật này, khi miễn TNHS hoặc miễn chấp hành hình phạt cho người chưa thành niên phạm tội sẽ được giảm đi một nửa”. Dẫn chiếu đến Điều 78 và Điều 83, khi người chưa thành niên phạm tội sẽ được áp dụng thời hiệu truy cứu TNHS như sau: một năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; ba năm đối với tội phạm nghiêm trọng; năm năm đối với tội phạm rất nghiêm và bảy năm sáu tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Có thể thấy, thời hạn của thời hiệu truy cứu TNHS giữa Việt Nam và Liên bang Nga có khoảng cách rất lớn. Việc áp dụng như đối với người trên 18 tuổi chưa thực sự công bằng khi nhóm đối tượng này chưa phát triển toàn diện về nhận thức và hành vi.

Hai là, về thời điểm xác định thời hiệu, trong trường hợp một số vụ án đồng phạm có nhiều người đặc biệt dưới 18 tuổi tham gia, trong đó một số người bị bắt ngay còn một số khác bỏ trốn, việc xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự trở nên phức tạp. Nếu cơ quan điều tra không thể tách vụ án và phải tạm đình chỉ điều tra, thì không có quy định rõ ràng về việc thời gian tạm đình chỉ có được tính vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hay không.

Ba là, hạn chế về các trường hợp không áp dụng thời hiệu TNHS. Cụ thể, Điều 28 BLHS năm 2015 chỉ đề cập đến các tội “xâm phạm an ninh quốc gia”, “chống phá hòa bình”, “chống phá loài người”, “chống phá chiến tranh”, “tham ô tài sản” và “nhận hối lộ” là những trường hợp không áp dụng thời hiệu truy cứu TNHS, nhưng lại không bao gồm tội "giết người". Đây là một điểm chưa thực sự phù hợp với xu hướng phát triển của pháp luật hình sự quốc tế, trong đó bảo vệ quyền con người, đặc biệt là quyền sống và tự do cá nhân của con người, là mục tiêu quan trọng hàng đầu. Những tội xâm phạm tính mạng con người, theo đó, không nên được áp dụng chế định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, BLHS Đức 1998 [8], đối với tội giết người có tình tiết tăng nặng (như giết người có chủ đích, lên kế hoạch, cách thức man rợ, gây ra mối nguy hiểm cho cộng đồng hoặc tạo điều kiện, che giấu hành vi tội phạm khác) thì không được áp dụng thời hiệu truy cứu TNHS.

2.3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về thời hiệu truy cứu TNHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Xuất phát từ những điểm hạn chế, bất cập nêu trên, đồng thời để nâng cao hiệu quả áp dụng thời hiệu truy cứu TNHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nhóm tác giả đề xuất một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, nhóm tác giả đề xuất nên bổ sung chế định thời hiệu truy cứu TNHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thành một điều luật riêng tại chương XII. Bởi người dưới 18 tuổi phạm tội là nhóm đối tượng đặc biệt cần được gia đình, xã hội và nhà nước quan tâm. Mặt khác, chế định thời hiệu truy cứu TNHS cũng góp phần tạo điều kiện cho họ có cơ hội sửa sai, tu dưỡng, làm lại cuộc đời và trở thành người có ích. Đồng thời, là một sự cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công cuộc cải cách tư pháp - xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong các văn kiện như Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/05/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 [9]; Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới…

Thứ hai, việc quy định thời hạn của thời hiệu truy cứu TNHS đối với người dưới 18 dưới tuổi phạm tội có ý nghĩa pháp lý - thực tiễn rất quan trọng. Nhóm tác giả kiến nghị BLHS Việt Nam nên tiếp thu điểm tiến bộ của BLHS Liên bang Nga bằng việc bổ sung vào chế định thời hiệu TNHS như sau: “Thời hiệu truy cứu TNHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội bằng ½ mức thời hiệu quy định tại khoản 2 Điều 27”. Cụ thể: (i) 02 năm 06 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng; (ii) 05 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; (iii) 07 năm 06 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và (iv) 10 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Thứ ba, trong trường hợp vụ án có đồng phạm, trong đó một số bị bắt ngay và một số bỏ trốn, việc tạm đình chỉ điều tra để chờ bắt những người bỏ trốn là cần thiết để đảm bảo xử lý vụ án toàn diện và công bằng. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của những người không bỏ trốn nhất là người dưới 18 tuổi, cần phải áp dụng thời hiệu truy cứu TNHS đối với họ trong thời gian những người kia bỏ trốn. Điều này tránh làm kéo dài thời hiệu truy cứu TNHS đảm bảo nguyên tắc “bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi”. Việc áp dụng thời hiệu cho người không bỏ trốn còn khuyến khích sự hợp tác của đối tượng bị điều tra, tạo sự công bằng trong việc xử lý vụ án, tránh làm kéo dài thời gian và ảnh hưởng tiêu cực đến các bên liên quan. Trong thực tiễn xét xử vụ việc đồng phạm việc xem xét có áp dụng hay không thời hiệu truy cứu TNHS đối với người không bỏ trốn vẫn chưa đồng bộ. Do đó, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân cần có văn bản hướng dẫn cụ thể để áp dụng được đồng bộ, thống nhất.

Thứ tư, nhóm tác giả đưa ra kiến nghị nên xem xét bổ sung tội giết người theo Khoản 1 Điều 123 BLHS năm 2015 vào trường hợp không áp dụng thời hiệu truy cứu TNHS vào Điều 28 BLHS năm 2015 cần được cân nhắc cả trong trường hợp người phạm tội dưới 18 tuổi. Điều này không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn mà còn đảm bảo sự nghiêm minh và công bằng của pháp luật đối với các hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến quyền sống – quyền cơ bản và thiêng liêng nhất của con người.

4. Kết luận

Qua bài viết nhóm tác giả đã phân tích làm rõ những vấn đề lý luận về chế định thời hiệu truy cứu TNHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, đặt trong sự so sánh với quy định của pháp luật hình sự Liên Bang Nga, Đức. Từ đó chỉ ra những vướng mắc hạn chế trong thực tiễn vận dụng chế định thời hiệu truy cứu TNHS đối với người dưới 18 tuổi khi giải quyết các vụ án nhằm đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện cho pháp luật hình sự Việt Nam.

 Tài liệu tham khảo

[1] Phạm Minh Tuyên, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh, Phòng ngừa tội phạm người chưa thành niên của Tòa án thông qua hoạt động xét xử các vụ án hình sự - Kết quả, những bất cập hạn chế và nguyên nhân, Nghiên cứu khoa học, Học viện tòa án.

[2] Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017

[3] GS.TS Lê Văn Cảm (2019), Những vấn đề cơ bản trong khoa học Luật hình sự (Phần chung), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr517

[4] Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

[5] Võ Minh Tuấn -Thư ký Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5 (22/10/2022), Bàn về xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam, truy cập tại: https://lsvn.vn/ban-ve-thoi-hieu-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-theo-quy-dinh-cua-bo-luat-hinh-su-a73761.html ngày 15/10/2024

[6] Nguyễn Đức Mai - Chủ biên (2018), Bình luận khoa học Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, tr. 70

[7] УГОЛОВНЫЙ КОДЕКС РОССИЙСКОЙ ФЕДЕРАЦИИ (Bộ luật hình sự Liên bang Nga 1996)

[8] German Criminal Code (Bộ luật hình sự Cộng hòa Liên bang Đức 1998)

[9] Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/05/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020

[10] Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới

 

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516