Ý thức được vai trò quan trọng của máu, chế phẩm không thể thay thế và rất quý trong công tác chữa bệnh, ngay từ khi còn là sinh viên đại học Sư phạm Toán, thầy Lê Hữu Phúc đã tích cực tham gia hiến máu tình nguyện với mong muốn góp một phần nhỏ công sức của mình để giúp ích cho xã hội.
Thầy giáo Lê Hữu Phúc trong một lần hiến máu tình nguyện
Năm 2004, đang là sinh viên, thầy Phúc đăng ký tham gia hiến máu lần đầu tiên. Sau lần đó, thấy sức khỏe bình thường và cảm giác vui khi đã làm một việc có ích cho xã hội, thầy hăng hái hiến máu tình nguyện mỗi khi có đợt phát động. Đến nay, thầy giáo Lê Hữu Phúc đã trở nên quen thuộc với những người làm công tác vận động và tham gia hiến máu tình nguyện ở thị xã Ngã Năm cũng như ở Sóc Trăng, bởi thầy đã 21 lần tình nguyện cho máu.
Thầy Lê Hữu Phúc chia sẻ: “Hiến máu nhân đạo là một hành động cao cả, nghĩa cử cao đẹp của toàn xã hội, một trong những chính sách thể hiện tính nhân văn, phù hợp với truyền thống đạo lý dân tộc ta. Khi tham gia hiến máu, có thể biết được tình trạng sức khỏe của mình có tốt, hay không. Qua mỗi lần hiến máu, tôi lại có niềm vui, hạnh phúc khi những giọt máu của mình có thể giúp đỡ, cứu sống những bệnh nhân đang cần máu. Thông qua các lớp tập huấn về HMTN cũng như qua thực tế, tôi nhận thấy hiến máu không ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc, thậm chí còn có một số tác dụng tích cực nhất định đối với cơ thể của người hiến máu. Lượng máu đã hiến sẽ được cơ thể nhanh chóng tái tạo phục vụ cho quá trình tuần hoàn. Hiến máu không mất nhiều thời gian, sức lực và rất cần thiết cho xã hội”.
Là giáo viên dạy Toán, từng giữ cương vị Bí thư Đoàn thanh niên, Chủ tịch Công đoàn nhà trường, công tác tổ chức Đảng ủy trường, thầy Phúc luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và đi đầu trong các phong trào, nhất là phong trào hiến máu tình nguyện.
Thầy giáo Lê Hữu Phúc cùng với đứa con gái của mình
Không chỉ trực tiếp tham gia hiến máu, bản thân thầy luôn tích cực vận động, tuyên truyền công tác HMTN đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh của trường. Với nhiều hình thức, như: kêu gọi, gửi thông báo đến các các tổ chuyên môn, đoàn thể trong nhà trường, chi đoàn trực thuộc; vận động và tuyên truyền thông qua băng rôl, khẩu hiệu; đôn đốc, nhắc nhở các em học sinh trong đội thanh niên tình nguyện của trường thực hiện tuyên truyền, vận động để mọi người tích cực tham gia hiến máu.
Khi được hỏi Thầy sẽ tham gia hiến máu đến khi nào, thầy Phúc vui vẻ trả lời rằng:“khi nào sức khỏe còn đảm bảo thì thầy vẫn sẵn sàng cho máu…”
Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại, thầy Phúc cũng như nhiều trái tim nhân đạo khác đã và đang cống hiến những giọt máu hồng để mang lại sự sống cho nhiều người trong xã hội.
Đặng Hải