Diện mạo khang trang tại trường THCS Thiệu Phúc khi được đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Phóng viên Tạp chí Giáo dục và Xã hội đã có cuộc trao đổi với ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa về chủ đề này.
Phóng viên: Thưa ông Tạ Hồng Lựu, xin ông cho biết công tác triển khai thực hiện xây dựng Trường đạt Chuẩn Quốc gia trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn vừa qua?
Ông Tạ Hồng Lựu: Sở GDĐT tỉnh Thanh Hóa luôn xác định công tác xây dựng trường đạt Chuẩn Quốc gia là chủ trương lớn, mang tính chiến lược của ngành Giáo dục và Đào tạo, nhằm chuẩn hóa cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, từng bước đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh nhà đáp ứng yêu cầu đổi mới. Từ đó Sở GDĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch theo từng năm để triển khai thực hiện công tác xây dựng trường đạt CQG trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Sở GDĐT đã xây dựng hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện nhiệm vụ kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) và xây dựng trường đạt Chuẩn Quốc gia (CQG); UBND các huyện, thị xã, thành phố lập và triển khai thực hiện kế hoạch KĐCLGD, kế hoạch xây dựng, đầu tư cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của Bộ GDĐT. Hằng năm, Sở GDĐT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các phòng GDĐT, các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông triển khai công tác tự đánh giá và xây dựng trường đạt CQG theo quy định.
Phóng viên: Xin ông cho biết về tầm quan trọng trong công tác xây dựng trường đạt CQG?
Ông Tạ Hồng Lựu: Công nhận trường đạt Chuẩn Quốc gia đối với các cơ sở giáo dục là một chủ trương lớn, nhằm khuyến khích đầu tư và huy động các nguồn lực cho giáo dục, góp phần tạo điều kiện đảm bảo cơ sở giáo dục không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả trong giáo dục. Trong thời gian qua, việc triển khai công tác xây dựng trường học đạt CQG trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội; đặc biệt là sự hưởng ứng thực hiện của các cơ sở giáo dục, sự đồng thuận của nhân dân. Từ việc xây dựng trường đạt Chuẩn Quốc gia, diện mạo nhiều trường học khang trang, sạch đẹp hơn, thực sự là điểm sáng văn hóa, giáo dục của các địa phương. Kết quả công tác xây dựng trường học đạt Chuẩn Quốc gia là cơ sở, tiền đề giúp cho ngành Giáo dục và Đào tạo phát triển vững chắc trên cả 3 mặt: quy mô, chất lượng và hiệu quả; quy mô, mạng lưới trường lớp tiếp tục củng cố và sắp xếp lại hợp lý; cơ sở vật chất, thiết bị, cảnh quan môi trường đã có sự thay đổi đáng kể theo hướng khang trang, hiện đại; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong Ngành có sự phát triển cả về số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; chất lượng giáo dục ở các ngành học, cấp học được nâng lên góp phần quan trọng trong việc xây dựng các huyện, thị trấn, xã, phường đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Phóng viên: Ông có thể cho biết về những kết quả nổi bật trong công tác xây dựng trường đạt CQG trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến thời điểm hiện nay?
Ông Tạ Hồng Lựu: Nhờ xác định được lộ trình, thời gian thực hiện và áp dụng các giải pháp cụ thể, đặc biệt là làm tốt công tác tham mưu nên công tác xây dựng trường đạt Chuẩn Quốc gia ở các địa phương có bước chuẩn bị chu đáo, phần lớn các đơn vị đã hoàn thành công tác xây dựng trường chuẩn đúng thời gian và kế hoạch như dự kiến. Các địa phương, đơn vị đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác xây dựng trường đạt CQG, quan tâm đưa chỉ tiêu trường đạt CQG vào nghị quyết Đại hội Đảng, Hội đồng nhân dân các cấp. Nhiều địa phương đã chú trọng công tác xây dựng trường CQG, đầu tư có trọng tâm trọng điểm về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tu sửa và xây dựng mới các cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới. Một số địa phương làm tốt công tác xây dựng trường học đạt CQG như: Cẩm Thủy, Như Thanh, Thường Xuân, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Thiệu Hoá, …Nhờ đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị, cảnh quan môi trường đã có sự thay đổi đáng kể theo hướng khang trang, hiện đại; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đảm bảo về số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Tính đến nay, công tác xây dựng trường đạt CQG trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt được cụ thể như sau: toàn tỉnh có 1.641/2.026 trường đạt Chuẩn Quốc gia đạt tỉ lệ 81%. Trong đó, cấp học Mầm non đạt 79.9%, Tiểu học 89,9%, Trung học cơ sở 82,0%, Trung học phổ thông 49,5%. Kết quả trên là rất đáng trân trọng, đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Phóng viên: Thưa ông, để làm tốt công tác xây dựng Trường đạt Chuẩn Quốc gia trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp gì?
Ông Tạ Hồng Lựu: Để công tác xây dựng trường đạt CQG trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đạt hiệu quả cần thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như sau:
Một là, Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về chủ trương, mục đích, ý nghĩa của công tác KĐCLGD và xây dựng trường đạt CQG. Tập trung đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng trường đạt CQG nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các lực lượng xã hội trong xây dựng môi trường giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Tập trung tuyên truyền có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong đầu tư chăm lo cho giáo dục, trong đó yêu cầu xây dựng hệ thống trường lớp chuẩn hoá, hiện đại hoá về cơ sở vật chất, hiệu quả về công tác quản lý, đảm bảo chất lượng về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và nâng cao chất lượng dạy học, hiệu quả đào tạo. Vận động, phát huy nội lực của địa phương trong việc thực hiện có hiệu quả việc xây dựng 05 tiêu chuẩn của trường đạt CQG từng cấp học.
Hai là, Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo và triển khai thực hiện.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, tổ chức đoàn thể đối với công tác KĐCLGD và xây dựng trường đạt CQG. Đưa việc KĐCLGD và xây dựng trường đạt CQG là nhiệm vụ thường xuyên hằng năm của địa phương để chỉ đạo tổ chức thực hiện. Thường xuyên tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với việc thực hiện KĐCLGD và xây dựng trường đạt CQG. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ công tác KĐCLGD cho đội ngũ cốt cán ngành giáo dục và các đơn vị có liên quan, đáp ứng yêu cầu công tác KĐCLGD và CQG theo quy định hiện hành của pháp luật. Tập trung chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện hoạt động tự đánh giá đúng quy trình; các cơ sở giáo dục đã được công nhận đạt KĐCLGD và công nhận đạt CQG tiếp tục thực hiện các giải pháp cải tiến, duy trì và nâng cao chất lượng các hoạt động của nhà trường, củng cố hồ sơ, cập nhật thông tin minh chứng, chuẩn bị các điều kiện cho tự đánh giá chu kỳ tiếp theo. Kiểm tra, đôn đốc các cơ sở giáo dục đã được công nhận KĐCLGD và công nhận đạt CQG quá 05 năm, đảm bảo các điều kiện, đặc biệt là các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để tiến hành công nhận lại.
Ba là, Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục, phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của nhà trường. Sắp xếp, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý và trình độ lý luận chính trị. Bố trí giáo viên các bộ môn đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, bảo đảm chuẩn đào tạo và chất lượng, phù hợp với tình hình của từng địa phương đồng thời đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Thực hiện đánh giá, xếp loại đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đúng thực chất làm cơ sở cho việc đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời cơ chế, chính sách, chế độ cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và người lao động trong trường học.
Bốn là, Nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
Tăng cường đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực của học sinh. Thực hiện tốt yêu cầu và lộ trình đổi mới chương trình giáo dục đối với từng cấp học theo quy định; triển khai các dự án, đề án về đổi mới phương pháp dạy học theo chỉ đạo của Bộ GDĐT. Khai thác, sử dụng triệt để và có hiệu quả các trang thiết bị dạy học được trang bị, các đồ dùng dạy học tự làm, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Mở rộng quy mô tổ chức dạy học 2 buổi/ngày có hiệu quả. Đối với cấp THCS, THPT, chú trọng công tác bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh yếu kém; nâng cao tỷ lệ học sinh có học lực giỏi, khá và hạnh kiểm tốt, khá; giảm tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học.
Năm là, Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, công tác xã hội hoá giáo dục
Bảo đảm diện tích mặt bằng, xây dựng đầy đủ phòng học, phòng học bộ môn và các phòng chức năng, đầu tư các trang thiết bị dạy học đúng quy định, hoàn thiện đầy đủ các hồ sơ về đất đai theo quy định. Thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng, sửa chữa, duy tu hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, thu hút đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng CQG. Nâng cao chất lượng hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, từ đó thực hiện tốt sự gắn kết chặt chẽ mối quan hệ nhà trường-gia đình-xã hội. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương đầu tư phát triển giáo dục, xây dựng phong trào xã hội học tập, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng tốt môi trường giáo dục.
Phát huy sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, nhân dân quan tâm, đầu tư, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Tăng cường thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch về tài chính, tài sản, chất lượng giáo dục và đào tạo.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!