Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcĐã từng có một đại học mở như vậy

Đã từng có một đại học mở như vậy

Thứ năm, 12 Tháng 9 2013 03:04
GS.VS. Cao văn Phường Ngày 3 tháng 6 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 4436/VPCP-KGVX giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Ngoài công lập Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm phát triển mô hình giáo dục ngoài công lập.

Ban biên tập Tạp chí Giáo dục và Xã hội xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc trích đăng một số bài viết trong Hồi ký “Đã từng có một đại học mở như vậy” của tác giả GS.VS Cao Văn Phường (Nguyên Bí thư Đảng ủy Đại học Cần Thơ; Thành viên sáng lập – nguyên Hiệu trưởng Đại học Mở - Bán công Thành phố Hồ Chí Minh – Mô hình trường đại học mở với hai thử nghiệm đầu tiên của ngành giáo dục: Thử nghiệm về đàotạo mở, Thử nghiệm tổ chức hoạt động trường đại học không sử dụng ngân sách nhà nước; Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương; Chủ tịch Chi nhánh Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Liên bang Nga tại Việt Nam; Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học Cao đẳng Ngoài công lập Việt Nam) do Nhà xuất bản Văn học xuất bản tháng 6 năm 2010, nhằm cung cấp thêm thông tin đến đọc giả quan tâm đến xây dựng nền giáo dục mở.

 

Kỳ 1: “20 NĂM NHÌN LẠI”

 

   Kỳ 2: Trao quyền tự chủ cho đại học

 

  Kỳ 3: “ĐỔI MỚI TƯ DUY VÀ NHẬN THỨC VỀ GIÁO DỤC”

 

 Kỳ 4: MỞ RỘNG ĐẦU VÀO, SIẾT CHẶT ĐẦU RA

 

Kỳ 5: CUỘC VA CHẠM ĐẦU TIÊN

 

Kỳ 6: SÁU THÁNG, BỘ TRƯỞNG KÝ 3 QUYẾT ĐỊNH

 

Phần II: SỰ RA ĐỜI NHỮNG NGÀNH HỌC CHƯA CÓ MÃ SỐ

 

Khoảng 7 giờ 30, ngày 25 tháng 3 năm 1992, anh Sáu Phong (Nguyễn Minh Triết) – Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sông Bé và chị Út Lan – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh ghé 97 Võ Văn Tần thăm Viện Đào tạo Mở rộng Thành phố Hồ Chí Minh. Thấy không khí học tập sôi nổi của sinh viên tại cơ sở 97 Võ Văn Tần, anh Sáu nói: “Chỗ này chặt chội quá, Viện còn cơ sở nào nữa không? Các em các cháu chịu khó học thế này thật vui mà cũng thật thương”.

 

Thấy anh Sáu, chị Lan vui nên tôi gợi ý xây dựng cơ sở của Viện ở Sông Bé, anh Sáu nói: “Tốt quá, anh liên hệ với các sở xem chỗ nào được tỉnh giải quyết cho”. Trước đó tôi với PGS Nguyễn Văn Hanh đã nhiều lần lên thăm anh Bảy Tài – Giám đốc Sở Nông nghiệp, anh Bảy Tài gợi ý: “Sắp tới Sở Lâm nghiệp sẽ nhập lại với Sở Nông nghiệp, cơ sở của Sở Lâm nghiệp đẹp lắm, mấy ông trao đổi với tỉnh, mình sẽ ủng hộ”.

 

Nghe vậy, tôi đề xuất với anh Sáu xin tỉnh chuyển khu đất đang làm trụ sở của Sở Lâm nghiệp cho Viện để xây dựng Phân hiệu Đại học Mở Sông Bé, Viện sẽ chi trả lại tiền cơ sở vật chất. Anh Sáu nói ngay: “Chị Út bàn vói các anh Ủy ban xem chỗ nào được? Tỉnh giao cho các anh làm cơ sở đào tạo chứ tiền bạc gì!” Tôi thành thật nói với anh Sáu: “Các anh nghiên cứu cho phương án chúng tôi bồi hoàn rõ ràng để dễ cho cả các bên, sau này lỡ các anh chị không còn ở Sông Bé, các đồng chí khác thay đổi quy hoạch thì Viện biết đưa trang thiết bị cùng sinh viên đi đâu!” Anh Sáu nói thế cũng phải và bảo chị Út tính toán thống nhất với Ủy ban và Sở, ban, ngành. Sẽ thông báo kết quả lại với Viện.

 

Khoảng một tuần sau, Viện nhận được thông báo của Chị Vân, chuyên viên Văn phòng Ủy ban mời lãnh đạo Viện lên làm việc về vấn đề đất xây dựng cơ sở Sông Bé. Tôi với anh Hanh lên dự cuộc họp do anh Ba Khanh, chị Út Lan chủ trì, có sự tham dự của đại diện Sở Nông nghiệp, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch – Tài chính. Tôi trình bày nhu cầu của Viện cần mở mạng lưới ở các địa phương để triển khai chương trình đào tạo từ xa nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Hội nghị thống nhất giao khu đất Sở Lâm nghiệp cho Viện Đào tạo Mở rộng Thành phố Hồ Chí Minh, kinh phí bồi hoàn là 5.000 tấn lúa và tiền thuê đất 130 triệu đồng.

 

Ở Sông Bé có các anh Tư Chấn, anh Hai Nhơn, anh Huấn là chỗ quen biết với anh Hanh nên rất thuận lợi. Tháng 5 năm 1992, Viện quyết định thành lập Phân hiệu Viện Đào tạo Mở rộng Thành phố Hồ Chí Minh và cử PGS.PTS Nguyễn Văn Hanh – Trưởng khoa Công nghệ Sinh học kiêm Phân Viện trưởng. Đây là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên ở Sông Bé (nay là Bình Dương).

 

Nhờ sự ủng hộ nhiệt tình, hiệu quả của anh Sáu và các anh chị trong Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sông Bé, các lớp học cả ngày lẫn đêm được tổ chức liên tục tại cơ sở này,đặc biệt các lớp tiếng Anh của TS Đinh Quang Kim thu hút rất đông học sinh. Sau này, anh Hanh vì lý do bận xây dựng khoa Công nghệ Sinh học nên Viện cử TS Đinh Quang Kim kiêm nhiệm Phân Viện trưởng. Một thời gian sau đến lượt anh Nguyễn Tấn Lộc – Thạc sĩ chăn nuôi từ Đại học Cần Thơ lên thay.

 

Không chỉ các chương trình đào tạo cho cán bộ các địa phương trong tỉnh Sông Bé được mở rộng mà Phân viện còn thực hiện các chương trình chuyển giao kỹ thuật cho các địa phương (huyện Bù Đăng, Bù Đốp), hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số định canh, định cư. Anh Kim, Anh Lộc đã đi xa, chắc các em đang công tác tại Phân Viện không thể nào quên những người tiền nhiệm đã tạo dựng nên cơ sở giáo dục đẹp như vậy.

 

Vào những năm 90 của thế kỷ XX còn nặng tư duy cũ, việc quyết định chuyển giao đất cho cơ sở giáo dục ngoài công lập vừa là sự thể hiện một tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển nguồn nhân lực vì sự đổi mới, hội nhập, vừa là sự đồng cảm tự tin của các nhà lãnh đạo tỉnh Sông Bé. Điều đó lý giải sự thành công của công cuộc chuyển đổi kinh tế - xã hội ở tỉnh Sông Bé và sau này là tỉnh Bình Dương.

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516