Nguyễn Văn Tứ
Phòng Đào tạo Sau đại học, Trường Đại học Vinh
Nhận bài ngày 15/11/2017. Sửa chữa xong 18/11/2017. Duyệt đăng 20/11/2017.
Abstract
Integrating quality education, learner capacity in teaching is both a goal and a method in the curriculum at all levels of education, disciplines and disciplines. This has been successfully implemented in developed countries, including Japan. From Japanese language teaching program of NHK Japan International School, the school of Vietnam can absorb many lessons to realize the goal of fundamental reform, comprehensive education - training in the background. international integration.
Keywords: Integrating to develop the qualities of labors; Integrating Japan teaching curriculum; Changing learning thingking; International integration.
1. Đặt vấn đề
Việt Nam có mối quan hệ với Nhật Bản từ lâu đời, trước và sau sự xuất hiện của thương cảng Hội An. Phong trào Đông du từ đầu thế kỷ 20 của các nhà chí sĩ Việt Nam đã thúc đẩy xu hướng học Nhật Bản về tinh thần ái quốc. Năm 1973, Việt Nam và Nhật Bản đã thiết lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ hợp tác càng sâu rộng. Đặc biệt, sau thời kỳ đổi mới, làn sóng đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam chiếm tỷ lệ cao. Cùng với đó là ảnh hưởng của văn hóa, truyền thống của đất nước Hoa Anh Đào đã theo nhiều con đường khác nhau tác động đến con người Việt Nam, trong đó có hình ảnh về phẩm chất của người công dân, người công chức Nhật Bản. Sự tương đồng về văn hóa truyền thống, tính cách Á Đông, truyền thống sản xuất, truyền thống gia đình, những giá trị văn học - nghệ thuật, ngôn ngữ, giao tiếp,… đã trở thành một vấn đề được các nhà nghiên cứu của Việt Nam và Nhật Bản tiếp cận từ nhiều phương diện khác nhau. Không chỉ sau sự kiện động đất sóng thần năm 2011, thế giới cũng đã từng nghiêng mình khâm phục những phẩm chất công dân, tính kỷ luật, tự giác, vì tập thể, vì cộng đồng, tính trung thực trong quan hệ với mọi người, từ việc tham gia giao thông, giao dịch giữa cá nhân, được giáo dục về sự bình đẳng, tinh thần trách nhiệm và sự hy sinh cho cộng đồng, tôn trọng tính độc lập của người khác. Giáo dục của Nhật rèn luyện cho người lao động phong cách hợp tác, phẩm chất trung thành, cùng làm việc với nhau ngay từ nhỏ, làm việc có phương pháp, cần cù, cẩn thận, kiên nhẫn học hỏi, chấp nhận khó khăn, phức tạp, không ganh tỵ,… để hoàn thành tốt công việc của mình, của tập thể.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo tiêu chuẩn khu vực ASEAN và quốc tế là một trong những yêu cầu cấp thiết của các cơ sở đào tạo ở Việt Nam hiện nay. Nguồn nhân lực đó phải có năng lực (tri thức, kỹ năng), phẩm chất (niềm tin, đạo đức, tư cách,...) và tính thích ứng cho các khu vực kinh tế, các địa bàn, các quốc gia. Nhiều ý kiến đánh giá chất lượng đào tạo nguồn nhân lực hiện nay của các doanh nghiệp trong và ngoài nước về kiến thức lý thuyết, kỹ năng thực hành, trình độ ngoại ngữ, tác phong, tinh thần hợp tác, trách nhiệm trong công việc,… đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải đổi mới, hội nhập một cách toàn diện, vững chắc.
2. Một số vấn đề về giáo dục của Nhật Bản và kinh nghiệm đối với giáo dục của Việt Nam
Con người Nhật Bản được giáo dục về tinh thần công dân, ý thức một con người vì cộng đồng, vì xã hội, vì mọi người với những phẩm chất đặc trưng của đất nước Hoa Anh Đào. Phẩm chất ấy được tích hợp trong quá trình phát triển lịch sử, với nhiều bình diện khác nhau, trong một môi trường cuộc sống, môi trường giáo dục chuẩn mực. Một chương trình dạy học Tiếng Nhật không chỉ là giáo dục một ngôn ngữ, một ngoại ngữ mà còn tích hợp rèn luyện phẩm chất, phong cách công dân đang sử dụng ngôn ngữ ấy. Chúng tôi đã tìm đọc và tự học Tiếng Nhật theo cuốn tài liệu “Giáo trình học Tiếng Nhật của Ban Tiếng Việt Đài NHK” và thấy có nhiều bài học quý giá, không chỉ riêng về việc học tiếng. Việc giáo dục, rèn luyện lao động Việt Nam hội nhập với những phẩm chất ấy đòi hỏi chúng ta phải có sự tổng lực, đổi mới ở nhiều phương diện khác nhau.
2.1. Đổi mới tư duy về việc học hỏi, hội nhập quốc tế
Tục ngữ Nhật Bản có câu “Hỏi thì xấu hổ một lần, không hỏi thì xấu hổ cả đời”. Trước Minh Trị Thiên hoàng (1858), người dân Nhật Bản đã có tinh thần thực tiễn và táo bạo, đã tự đi du học, chọn lọc văn hóa Trung Quốc, không du nhập nguyên xi những kiến thức từ chương, khoa cử. Khi nền văn minh Âu-Mỹ phát triển, người Nhật Bản cũng đã tìm tới học hỏi, làm giàu thêm phẩm chất của người Nhật trong thời kỳ hiện đại. Từ thời Thiên Trị Minh Hoàng, Nhật Bản đã thành công trong công cuộc duy tân khi có một trào lưu các nhà trí thức (tiêu biểu là Fukuzawa Yukichi, 1835 - 1901) học hỏi các nước phát triển với một triết lý “tinh thần Nhật Bản, công nghệ phương tây”. Tinh thần học hỏi kết hợp với việc bảo vệ bản sắc truyền thống dân tộc, những giá trị nhân văn có tính nhân loại là những vấn đề có quan hệ biện chứng trong hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay. Truyền thống sẽ tạo nên sức mạnh cho hiện tại và tương lai, nhưng truyền thống không thể thay thế hoàn toàn cho hiện tại và tương lai. Việt Nam đang đổi mới một cách toàn diện và bền vững, phải tự đánh giá được mình và phải học tập người khác một cách biện chứng. Tuy nhiên, “thân thiện với hàng xóm nhưng không được phá bỏ hàng rào giữa hai nhà” (ý một câu tục ngữ ở Nhật Bản): đó cũng là mối quan hệ giữa các quốc gia trong việc cùng hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định, thịnh vượng nhưng phải giữ vững chủ quyền, bản sắc văn hóa dân tộc. Cần thoát khỏi lời nguyền định kiến về chính trị, tôn giáo, lãnh thổ, thời đại để tiếp thu, học hỏi những giá trị tri thức của nhân loại để xây dựng cho mình một cuộc sống tốt hơn là việc làm tự nhiên của mọi con người. Cách đây hơn một trăm năm, Việt Nam đã có phong trào Đông Du hướng ngoại nhằm chấn hưng đất nước Việt Nam, ngày nay phong trào ấy phải tiếp tục được thúc đẩy với một phương cách mới, hướng tới một mục tiêu cao cả và rộng lớn, bền vững hơn! Việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo, việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới sau năm 2018 cần phải học hỏi những đất nước như Nhật Bản.
2.2. Học tập kinh nghiệm để thực hiện chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam
Chiến lược phát triển giáo dục đề ra mục tiêu là đến năm 2020, nền giáo dục nước ta được đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; chất lượng giáo dục được nâng cao một cách toàn diện, gồm: giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, năng lực thực hành, năng lực ngoại ngữ và tin học; đáp ứng nhu cầu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nền kinh tế tri thức; đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục và cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân, từng bước hình thành xã hội học tập. Giáo dục đang chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực người học.
Đất nước Nhật Bản đổi mới từ Minh Trị Thiên Hoàng bởi những nhà trí thức có tâm huyết với dân tộc, với quốc gia. Tư tưởng Phan Bội Châu và phong trào Đông Du mặc dù hạn chế thời đại nhưng đã đúng với cái tâm của những người “vị quốc vong thân”. Nhật Bản đã thực hiện một chính sách “không để một trẻ em nào trong gia đình và không để một gia đình nào trong cộng đồng không được giáo dục”. Giáo dục hướng đến sự bảo đảm phát triển hài hòa của trẻ em về mọi mặt từ trái tim, trí tuệ, tình cảm, tinh thần, thái độ, hệ thống giá trị, nhân văn,...và trở thành triết lý giáo dục cơ bản của nước Nhật. Nhật Bản đã thành công trong việc xây dựng chương trình giáo dục với các nội dung cơ bản về “khoa học, giáo dục công dân và tiếng Nhật”. Việc tích hợp các nội dung ấy trong một chương tình có tính hiệu quả, khả thi cần phải được học tập vào việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau năm 2018, trong các giáo trình giảng dạy ở các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực ở Việt Nam.
2.3. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả việc giới thiệu con người và đất nước Nhật Bản vào các chương trình giáo dục, đào tạo ở các cấp (phổ thông, dạy nghề, đại học) với một tỷ lệ nhiều hơn, với một hướng khai thác có tác dụng rèn luyện phẩm chất người lao động mới. Những phẩm chất của con người và lao động ở Nhật Bản không chỉ được giáo dục khi bước vào làm việc ở công ty mà là một quá trình giáo dục trong nhà trường phổ thông, trong các cơ sở đào tạo nghề, trong một môi trường tất cả mọi người được giáo dục. Chương trình giáo dục phổ thông ở Nhật Bản tập trung giáo dục ba nội dung cơ bản: khoa học (khoa học tự nhiên và khoa học xã hội), tiếng Nhật và giáo dục công dân. Chương trình giáo dục phổ thông được tích hợp như thế nào giữa tri thức về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, về giáo dục tinh thần công dân, về tiếng Nhật, về kỹ năng mềm cho học sinh, cho người học. Bài học ấy phải được những người làm chương trình, sách giáo khoa ở Việt Nam sau năm 2018 phải nghiên cứu, học tập để vận dụng phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Đó cũng là điều mà giáo dục chúng ta “không ngại xấu hổ một lần” khi học hỏi, để “không phải xấu hổ cả đời” khi chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo của chúng ta đang còn hạn chế, chưa hội nhập với thế giới. Hiện nay, trong chương trình môn Ngữ Văn ở phổ thông đã giới thiệu một số tác phẩm văn học Nhật Bản.
Ví dụ, nội dung giáo dục đạo đức của Nhật Bản được nêu trong chương trình khung quốc gia nhằm giáo dục, rèn luyện: tinh thần tôn trọng nhân phẩm và lòng yêu quý cuộc sống; nhiệt tâm kế thừa và phát triển văn hóa truyền thống; nhiệt tâm phát triển một đất nước và xã hội dân chủ; ý thức đóng góp cho sự phát triển của một xã hội quốc tế thanh bình; khả năng tự quyết định; ý thức đạo đức. Chính vì vậy, giáo dục đạo đức ở Nhật Bản tập trung vào ba điểm: lòng tôn trọng cuộc sống, quan hệ cá nhân và cộng đồng và ý thức về trật tự dọc. Những phẩm chất được tôi luyện trong lịch sử phát triển quốc gia, được các thế hệ xem là một phẩm chất tự nhiên và sự tác động của môi trường sống, môi trường giáo dục. Nhà trường giúp học sinh nhận thức về trách nhiệm của bản thân trong mối quan hệ với xã hội, phát triển thành ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân phù hợp với vị trí hay tuổi tác của cá nhân ấy trong gia đình hoặc cộng đồng.
2.4. Thiết kế, tích hợp chương trình, nội dung giáo dục phẩm chất người lao động của các cơ sở đào tạo
Chương trình dạy học Tiếng Nhật của Đài NHK là một dẫn chứng sinh động về việc tích hợp giáo dục những phẩm chất của người lao động trong giáo dục. Giáo trình dạy học Tiếng Nhật cho người Việt đã giới thiệu những nội dung liên quan đến “phẩm chất của người công chức”, điều mà các trường đào tạo nghề, các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam hiện nay đang hướng tới. Nếu như một bộ phận (không nhỏ) công chức Việt Nam sử dụng thời gian làm việc không hiệu quả ở cơ quan, công ty của mình thì với bài “Giờ làm việc ở công ty” là một sự so sánh sâu sắc, trong đó có chi tiết “có nhiều người dù đã xong phần việc của mình vẫn ngại không muốn về vì thấy đồng nghiệp và cấp trên đang làm việc ngoài giờ...” thực sự gây ấn tượng. Sự trung thành và tận tụy cống hiến đã làm cho nhiều công ty ở Nhật Bản đang đặt vấn đề phải giảm số giờ làm thêm để đảm bảo sự bền vững về sự cống hiến của mỗi người. Vấn đề giao tiếp trong bài “Chào hỏi trong công ty”, hoặc “Liên hoan công ty” chính là việc xây dựng mối quan hệ thân thiện, thống nhất giữa những công chức vì mục đích phát triển công ty; bài “Hôrenso” nêu rõ những nguyên tắc cơ bản trong thông tin liên lạc ở công ty Nhật Bản (báo cáo, liên lạc, tham khảo ý kiến). Những bài học học về “Khen ngợi”, “Động viên tại nơi làm việc”, “Dọn dẹp bàn thì thế nào”, “Cách xin lỗi gỡ điểm”,… không phải chỉ giáo dục phong cách của người công chức, của người lao động mà là phẩm chất cần có của tất cả mọi người trong một xã hội phát triển, văn minh, vì mọi người, vì cộng đồng,... Nguyên tắc “khen thì khen trước mặt nhiều người, và phê bình thì chỉ nên nói khi không có người khác ở xung quanh” cũng là một bài học cho những người làm quản lý ở Việt Nam! Những lao động Việt Nam sang đất nước Nhật Bản làm việc hoặc làm việc cho các công ty của Nhật Bản ở nước ngoài phải hiểu rằng, nghệ thuật làm việc ở đất nước Mặt Trời Mọc là phải hiểu được “ẩn ý đằng sau những câu nói mơ hồ”. Bài “Đào tạo nhân lực” đã đề cập đến quan điểm phát triển người công chức toàn diện. “Công ty cũng là một con người”, điều đó làm cho người công chức không chỉ giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, mà còn có tinh thần cao, phải thành tạo những việc nhỏ nhất, như đi bộ đường trường, ngồi thiền, đi thu nhặt rác thải, thuần thục các điệu múa truyền thống địa phương ... để rèn luyện tinh thần phụng sự, trung thành, có trách nhiệm cao đối với công ty, đối với xã hội. “Phương châm bốn chữ” ở các công ty Nhật cũng là một cách để phát triển năng lực, phẩm chất toàn diện của các công chức ở công ty. Sự phát triển, uy tín, thương hiệu của công ty cũng là của bản thân mình: điều ấy lao động Việt Nam cần được giáo dục, đào tạo, rèn luyện một cách sâu sắc, toàn diện, bền vững. Những bài học ấy thực sự quý giá đối với Việt Nam trong công cuộc phát triển nguồn nhân lực ở trong nước và cho hoạt động xuất khẩu lao động, trong đó có Nhật Bản.
2.5. Tăng cường giao lưu văn hóa, đặc biệt là sự truyền bá văn hóa phẩm, sách báo, phim ảnh, truyền hình,… để giáo dục phẩm chất người công dân. Khắc phục những hạn chế do chế độ bản quyền ở các phương tiện truyền thông hấp dẫn với quảng đại quần chúng Việt Nam (truyền hình, phim ảnh,...). Những tác phẩm viết về con người, đất nước Nhật Bản cần phải được giới thiệu rộng rãi ở Việt Nam, tương tự như “Osin”, “Đôrêmon”, “Rừng Nauy”, thơ Haikư, … đã từng thu hút người Việt Nam. Ý thức công dân, sự tuân thủ các quy tắc của cộng đồng, ý chí tự lập và thái độ không làm phiền người khác, sự trung thành, ý thức chịu trách nhiệm và không đổ lỗi cho khách quan,… là những phẩm chất của người công chức, người lao động Việt Nam cần phải rèn luyện. Gần đây, các nhà khoa học đã nói rất chí lý rằng, cần phải giáo dục để mọi người phải thấy sự hổ thẹn, nỗi đau đời bởi sự ê chề, nhục nhã khi lương tâm thức tỉnh, khi trách nhiệm đòi hỏi; giáo dục liêm sỉ trong xã hội đã đến lúc trở nên vô cùng hệ trọng và cần thiết; sự trừng phạt của tổ chức, sự phê phán của dư luận, công luận, ngôn luận phải đi liền với sự tự lên án của tòa án lương tâm, phải khơi nguồn mạch ngầm sâu kín ấy để mỗi người tự phê phán, tự ứng xử, hành xử với chính mình; cái sức mạnh vô ngôn ấy ở mỗi người phải mạnh lên, biết dằn vặt, biết xấu hổ thì mới có thể không vô cảm với đời, với người, với chính mình. Về một phương diện nào đó, nêu những nguyên nhân chủ quan và khách quan là việc thoái thác, trốn tránh trách nhiệm. Nhiều ý kiến trên các phương tiện thông tin cũng đã đề cập đến việc phải xây dựng trong xã hội Việt Nam một văn hóa từ chức, học biết liêm sĩ, biết hổ thẹn và học cách xin lỗi dũng cảm nhận trách nhiệm, không đổ lỗi cho khách quan,… chính là hội nhập với những phẩm chất công dân của đất nước Hoa Anh Đào.
3. Kết luận
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam sẽ có đường cao tốc Shinkansen, có kỹ thuật sản xuất robot tinh xảo, có những công trình sân bay như Kansai, có những ga tàu điện ngầm hiện đại,… Nhưng chúng ta cũng cần có những con người để sáng tạo, quản lý, sử dụng những sản phẩm tiên tiến đó. Những con người đó không chỉ sống, làm việc trên đất nước Việt Nam mà còn được sống làm việc trên các quốc gia phát triển khác. Lý thuyết và thực hành, tài và đức, chuyên và hồng, dân tộc và quốc tế,... là những tiêu chí giáo dục truyền thống ở Việt Nam lại càng có ý nghĩa trong quá trình hội nhập và toàn cầu hóa sâu rộng hiện nay.
Tài liệu tham khảo
1. Ban Tiếng Việt, Đài phát thanh NHK Nhật Bản, Giáo trình dạy học tiếng Nhật, tài liệu sử dụng cho người học tiếng Nhật qua radio, 2016.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tài liệu Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển chương trình giáo dục phổ thông”, Hà Nội, tháng 10/2014.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, 2017.
4. Học viện Quản lý Giáo dục, Phát triển năng lực người học trong bối cảnh hiện nay, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế, tháng 4/2015.
5. Tsunesaburo Makiguchi, Giáo dục vì cuộc sống sáng tạo, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2009.
6. Trịnh Xuân Thắng, Kinh nghiệm đào tạo nhân lực của một số quốc gia trên thế giới và bài học tham khảo cho Việt Nam, Tạp chí Tuyên giáo của Ban Tuyên giáo Trung ương, số tháng 10/2014, Hà Nội.