Trong đợt giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua tại TP.HCM về chất lượng chương trình, sách giáo khoa, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3) đã nêu nhiều nội dung không phù hợp do chính các thầy cô trong trường tổng hợp lại. Đồng thời, nhà trường cũng kiến nghị bỏ chấm điểm với học sinh (HS) tiểu học, thay vào đó là nhận xét trên từng mặt tiến bộ của HS.
Còn thi, còn lấy điểm là còn áp lực
. Phóng viên: Xuất phát từ những lý do nào, bà lại có đề xuất bỏ chấm điểm đối với bậc tiểu học?
+ ThS Vũ Thị Mỹ Hạnh, Hiệu trưởng Trường Lương Định Của: Trẻ mới vào tiểu học còn nhiều bỡ ngỡ, tâm sinh lý chưa vững vàng nhưng bị đánh giá bằng các con số cụ thể là quá khắt khe.
Các em vừa xa rời vòng tay cha mẹ, cần định hướng rèn luyện đạo đức, bồi dưỡng cảm xúc, tình cảm với gia đình, thiên nhiên, loài vật là chính. Ngay cả cha mẹ, thầy cô hay xã hội cũng dựa vào điểm số để đánh giá đứa trẻ là không đúng. Con đi học về là hỏi “hôm nay được mấy điểm” chứ không để ý rằng con mình hôm nay có gì tiến bộ hơn hôm qua. Từ đó, trẻ phải luôn gồng mình để được điểm 9, 10 và được mọi người khen, nếu điểm thấp, trẻ sẽ hụt hẫng, lo sợ, dần dần hình thành tâm lý so sánh, bị tổn thương suốt năm năm học. Ở một số nước trên thế giới, người ta cũng không đặt nặng điểm số mà chỉ đánh giá bằng nhận xét để trẻ phát triển một cách tự nhiên.
Như vậy, phải chăng vấn đề điểm số đang bị coi trọng quá đáng ở bậc tiểu học? Hệ lụy xã hội từ vấn đề này là gì, thưa bà?
+ Thực ra áp lực điểm số ở tiểu học đã giảm nhiều so với trước đây. Hiện mỗi năm HS trải qua bốn kỳ kiểm tra chính thức nhưng chỉ lấy điểm kỳ cuối cùng, một số môn cũng không còn lấy điểm. Tuy nhiên, còn thi, còn lấy điểm là còn áp lực.
Điểm số cũng thể hiện quyền lực của giáo viên, điểm số càng nhiều, giáo viên càng quyền lực và trò chỉ biết học theo thầy cô mà không được học theo năng lực của mình. Kéo theo đó là tình trạng dạy thêm, học thêm, học chữ trước lớp 1, bệnh thành tích. Giáo viên, nhà trường cũng bị đánh giá thi đua dựa trên điểm số của trò, sợ trò bị điểm thấp nên thầy cô phải dạy theo đề mẫu, đoán đề, có khi trò xứng đáng bị điểm thấp hoặc ở lại lớp nhưng thầy cô cũng phải nhắm mắt cho qua.
Nặng kiến thức hàn lâm
. Bà cũng cho rằng chương trình tiểu học hiện nay nặng lý thuyết, vô bổ, không phù hợp thực tế. Bà có thể phân tích cụ thể thêm về vấn đề này?
+ Ví dụ, trong môn Kỹ thuật lớp 5 có bài kỹ thuật nuôi gà, làm sao các em hình dung ra bằng lý thuyết. Ở môn Khoa học lớp 5 có nội dung “Cần làm gì để mẹ và bé đều khỏe; phụ nữ có thai cần làm gì và không làm gì; một đứa bé sinh ra, dựa vào cơ quan nào để biết đó là bé trai hay gái…” trong khi lý thuyết không rõ ràng làm sao các em hiểu được. Môn Địa lý dạy về sông nước của châu Phi. Môn Lịch sử lại quá chi tiết, nặng chính trị, dày đặc các cuộc chiến từ thời Cổ đại đến kháng chiến chống Pháp… vượt quá tầm suy nghĩ và ghi nhận của đứa trẻ. Hay như trong phần Tập làm văn ở lớp 4 có yêu cầu kể về các lễ hội như đua ghe, đánh đu… HS không hình dung được vì không thấy. Phần Tập đọc có nhiều bài văn nước ngoài với các tên tuổi nhân vật khó đọc và khó cảm thụ….
. Những năm gần đây, ngành giáo dục đã giảm tải mạnh đối với chương trình tiểu học, phương pháp giảng dạy liên tục đổi mới nhưng theo đánh giá của bà là chưa hiệu quả…
+ Đúng là có đổi mới, có giảm tải, thậm chí còn tích hợp nhưng chỉ là hình thức. Giảm nhưng một tuần HS phải ngồi ù lì trong lớp học 22 tiết, không có thời gian chạy nhảy, rèn luyện thể chất và kỹ năng sống. Thời gian dạy bị khống chế, mỗi tiết cũng chỉ được 35-40 phút, một mình cô giáo nói cũng không hết thì làm sao lồng ghép nội dung kỹ năng khác, làm sao học nhóm để gần 50 đứa trẻ cùng có ý kiến được? Không lẽ chỉ khi nào dạy biểu diễn, làm thao giảng, thầy cô mới đổi mới thì làm sao hiệu quả. Như học về giao thông, về môi trường... HS phải có thời gian đi ra đường, thực hành, quan sát mới hiểu được chứ không thể ngồi trong lớp đọc một vài câu là biết được.
Tăng thời gian học thực tế
. Ngành giáo dục đang có kế hoạch sẽ đổi mới toàn bộ chương trình, sách giáo khoa. Theo bà, ở bậc tiểu học cần thay đổi như thế nào để có hiệu quả?
+ Tôi nghĩ những người soạn thảo phải mạnh dạn cắt những phần không cần thiết và tăng thời gian học thực tế để bồi dưỡng cảm xúc cho HS nhiều hơn. Nội dung phải là những hình ảnh, câu chuyện gần gũi, dễ hiểu và không nên giới hạn thời gian dạy. Trẻ không học được theo cách của người lớn thì người lớn phải dạy theo cách học của trẻ thôi.
Về đánh giá, cần bỏ hẳn việc cho điểm số, thay bằng cách nhận xét sự tiến bộ từng mặt của HS. Bằng cách này, đòi hỏi giáo viên phải theo dõi, quan tâm HS nhiều hơn mới đánh giá được, khi học cao dần, các em sẽ được đánh giá khắt khe hơn bằng thang điểm. Có như thế mọi đứa trẻ mới được học một cách công bằng, được phát triển năng lực theo từng khả năng riêng.
. Xin cảm ơn bà.
Giáo dục sẽ “chết” nếu không thay đổi Giáo dục hiện nay đang sa đà vào chuyện thi cử, điểm số, bằng cấp chứ chưa chú trọng dạy làm người. Không chỉ vấn đề nội dung sách giáo khoa, bản thân mỗi thầy cô phải thay đổi cách giảng dạy để làm sao HS thấy vui, hiểu được bài dễ dàng là được, nếu cứ duy trì lối mòn lâu nay thì giáo dục sẽ chết vì không đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Không cần biết HS được điểm cao hay không, thầy cô không nhất thiết phải truyền đạt hết kiến thức trong sách giáo khoa, chỉ cần phải làm sao rèn học sinh biết bỏ rác vào thùng rác, biết xếp hàng, biết chào hỏi, biết đi lại an toàn… như thế cũng là thành công rồi. TS HUỲNH CÔNG MINH,nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM |
Theo: PHẠM ANH/ Pháp luật HCM