Trong công văn trả lời Báo Người Lao Động về kết quả thanh tra tình hình thu chi đầu năm học tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quận Thủ Đức (TP HCM) cho biết không có lớp 1 nào của trường được gắn quạt, tivi và cũng không có chuyện phụ huynh (PH) phải đóng góp 1 triệu đồng như phản ánh của bạn đọc. Công văn do Trưởng Phòng GD-ĐT Lê Minh Tuấn ký. Tuy nhiên, ngày 8-10, chúng tôi lại tiếp tục nhận được phản ánh của nhiều PH về những khoản thu vô lý ở trường này. Vậy chẳng lẽ lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận Thủ Đức không biết?
Quá nhiều khoản thu
Một PH có con học lớp 6 tại Trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh, TP HCM phản ánh ngày 29-9, trường tổ chức đại hội CMHS nhưng giáo viên chủ nhiệm chẳng nói gì đến kế hoạch học tập mà chỉ nhắc đến việc đóng góp cho nhà trường, giống như đã có sự thỏa thuận từ trước. Sau đó, hội trưởng hội PH các lớp kêu gọi mỗi PH đóng góp quỹ trường thấp nhất từ 200.000 đồng. “Tiền khuyến học từ 200.000-300.000 đồng, quỹ CMHS 300.000 đồng, quỹ HS lớp tối thiểu 200.000 đồng để dùng vào việc phát thưởng ở lớp và trường, trong khi quỹ lớp vẫn phải đóng riêng. Ngoài ra còn các khoản như máy móc, loa, ampli 1 triệu đồng, dịch vụ liên lạc 100.000 đồng. Tuy mang danh là “tự nguyện” nhưng sao không hỏi ý kiến của chúng tôi mà giáo viên tự lấy biên bản ra ghi rồi nói chung chung là 100% PH đã đồng ý?” - PH này bức xúc.
PH một trường THCS tại quận 1 phản ánh: “Chỉ riêng đồng phục, mỗi năm chúng tôi đều phải mua mới. Mang bộ đồng phục của con ra chợ so sánh, mới biết giá đồng phục trong trường cao gấp đôi. Tại sao giá đồng phục cao như vậy? Ban giám hiệu trường không biết giá hay bị nhà thầu… ép giá “có điều kiện”? Sao trường không làm theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về đồng phục là phải bàn với ban đại diện CMHS mà tự ý làm”.
Trong khi đó, tại một trường tiểu học ở quận Gò Vấp, để hợp thức hóa tiền công trả thêm cho bảo mẫu, trường đã “đẻ” ra khoản thu rất lạ như thu tiền “kể chuyện và gãi lưng cho HS vào giờ ngủ trưa” 200.000 đồng/HS/tháng!
Lạm thu hay không?
Bà Võ Ngọc Thu, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 5, cho rằng nói “lạm thu” thì hơi quá vì chỉ có một số trường có cách làm không rõ ràng khiến PH hiểu lầm. Đối với nhiều công trình phục vụ việc dạy và học, ngân sách nhà nước vẫn cấp nhưng không thể nào đủ. Muốn nâng cao chất lượng dạy học thì cần sự hỗ trợ từ PH. Chỉ có điều khoản thu nào cũng cần phải rõ ràng, không được cào bằng và khi đưa các công trình vào sử dụng thì phải có nghiệm thu, công khai tài chính. Quận 5 đã từng có trường thu theo diện cào bằng, khi phát hiện những gia đình khó khăn thì chính hiệu trưởng và ban đại diện CMHS đến trả lại tiền cho những PH này. Quận 5 cũng có nhiều trường không có ban đại diện CMHS, nếu thấy công trình nào thật sự cần thiết cho HS thì thông báo cho toàn trường biết, sẽ có những mạnh thường quân ủng hộ phần lớn, phần còn lại có khi những PH khác chỉ đóng có 10.000 đồng” - bà Thu cho biết.
Hiệu trưởng một trường mầm non tại quận 1 nói thẳng rằng tiền trường, quỹ hội PH tồn tại cũng có cái lý của nó, vì nhờ sự đóng góp của PH mà bộ mặt nhiều trường thay đổi rõ rệt. “Nếu PH chỉ nghĩ đóng góp là vì nghĩa vụ thì ở đâu cũng thấy lạm thu nhưng hãy công bằng với chúng tôi một chút khi nhìn đến những trẻ đang được học tập trong môi trường như thế nào…” - vị hiệu trưởng này bày tỏ.
Quy định vừa trễ vừa xa thực tế Trước phản ánh của báo chí về tình hình lạm thu, trong đó có vấn đề đồng phục, ngày 3-10, Sở GD-ĐT TP HCM có văn bản đề nghị các trường triển khai việc mặc đồng phục HS đúng quy định. Tuyệt đối nghiêm cấm việc lạm thu, gây tốn kém và khó khăn cho PHHS về đồng phục. Đồng phục phải giản dị, phù hợp lứa tuổi HS và được hội đồng nhà trường, CMHS đồng thuận, dễ tìm mua hoặc may, chất liệu bền và giá không cao hơn giá thị trường... Trước đó, Bộ GD-ĐT cũng có công văn tương tự, ban hành ngày 10-9. Cả 2 công văn của sở và bộ đều rất chậm trễ khi HS ở TP HCM tựu trường từ ngày 15-8 và đa số trường đã bán đồng phục từ trước đó rất lâu. Rõ ràng, cả 2 công văn này đều quá xa thực tế và quan liêu. |
Theo: nld.vn