Xuất phát từ tình hình thực tế cuộc sống của người dân trong xã, việc huy động nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học vẫn luôn là vấn đề trăn trở đối với lãnh đạo và tập thể nhà trường. Mặc dù trong những năm gần đây, trường đã được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện giúp đỡ của lãnh đạo xã, của Phòng Giáo dục huyện Quỳnh Lưu và các cấp, các ngành địa phương, tuy nhiên nằm trên địa bàn xã còn khó khăn, các công trình hạng mục đang phải xây dựng nhiều, nên điều kiện để đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho nhà trường còn hạn chế. Sự khó khăn này có thể nói khác hoàn toàn với bậc Tiểu học, THCS. Đó là hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng chưa thực sự đồng bộ, phòng học, phòng chức năng và đồ dùng đồ chơi cho học sinh vẫn còn thiếu và yếu nhất là ở các cụm lẻ. Đời sống giáo viên rất khó khăn, nhất là những giáo viên đang hợp đồng, một số giáo viên phục vụ nhiều năm trong nghề nhưng không được đóng bảo hiểm nên sẽ không được hưởng chế độ chính sách thoả đáng khi về hưu. Khi được hỏi về công tác xã hội hóa giáo dục, sự quan tâm từ phía gia đình nhà trường và xã hội cô Phạm Thị Đào cho biết: Nhà trường có huy động từ Hội phụ huynh học sinh nhưng chỉ là những sửa chữa nhỏ. Lãnh đạo địa phương tuy có quan tâm nhưng điều kiện kinh tế khó khăn nên sự huy động để xây dựng cơ sở hạ tầng đang phải chờ vào các dự án đầu tư của các cấp, các ngành và của Nhà nước.
Đứng trước thực tế khó khăn đó, bằng sự nhiệt tình tâm huyết, yêu nghề mến trẻ, tập thể giáo viên nhà trường vẫn ngày ngày miệt mài lao động sáng tạo không ngừng để nâng cao chất lượng dạy và học. Giữ vững khẩu hiệu: “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” cho trẻ. Thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua nhằm tạo môi trường học tập lành mạnh, nghiêm túc, tạo sự thân thiện giữa cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh...Công tác thi đua khen thưởng thật sự nghiêm túc, khách quan, không chạy theo thành tích; động viên khích lệ kịp thời đến giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, kế hoạch được giao. Các cuộc vận động lớn như cuộc vận động: “Hai không”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, cuộc vận động “Dân chủ - kỉ cương - tình thương - trách nhiệm”…Được gắn chặt chẽ với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Việc đổi mới phương pháp dạy học cũng trở thành ý thức việc làm của mỗi giáo viên, phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm và tự làm đồ chơi cho trẻ ngày càng đạt chất lượng cao hơn. Lãnh đạo nhà trường đã thực hiện tốt việc giám sát, kiểm tra công tác dạy và học qua các tiết dự giờ, thao giảng, chuyên đề theo các chuẩn kiến thức đã quy định, để giáo viên học hỏi và bổ sung cho nhau về kĩ năng phương pháp.
Nhìn mái tóc cô Đào đã chấm những sợi bạc vì sự nghiệp trồng người, nhưng những tâm sự băn khoăn vẫn luôn chất chứa với hi vọng về một trường học khang trang kiên cố không còn cảnh phải đi thuê tạm những căn phòng của nhà dân không đảm bảo chuẩn chất lượng giáo dục. Nỗi niềm tâm sự ấy thật sự quá đỗi lớn lao và thiết thực từng ngày của các cô giảo trường Mầm non Sơn Hải.
Anh Thơ