Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcTrường Mầm non Thụ Lộc: Nỗ lực vì tương lai con trẻ

Trường Mầm non Thụ Lộc: Nỗ lực vì tương lai con trẻ

Thứ hai, 06 Tháng 5 2013 09:13
Cô Lê Thị Mai – Hiệu trưởng Trường Mầm non Thụ Lộc Cô Lê Thị Mai – Hiệu trưởng Trường Mầm non Thụ Lộc
“Nhiều người cho rằng nghề giáo là nghề nhàn nhã nhưng có mấy ai thấu hiểu, sự thật nghề giáo vất vả và trách nhiệm lớn đến như thế nào, nhất là đối với giáo viên bậc học Mầm non. Không chỉ đơn thuần là dạy chữ, mà còn là giáo dục hình thành nhân cách cho học sinh” – đó là những chia sẻ của cô giáo Lê Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thụ Lộc (Lộc Hà – Hà Tĩnh).

Hạnh phúc khi làm công việc mình mơ ước

Đến với ngôi Trường Mầm non Thụ Lộc những ngày gần kết thúc năm học, chúng tôi như ngỡ ngàng trước trường lớp của cô trò nơi đây. Dãy nhà cao tầng với hệ thống khuôn viên sạch đẹp và rất đáng yêu, các cháu được vui chơi với nhiều loại trò chơi theo đúng quy định, cùng những vườn rau xanh mượt mà, tươi mát, có thể kể đến không ít công sức mà tập thể nhà trường đầu tư.

 

Cô giáo Lê Thị Mai tâm sự: Nghề giáo viên Mầm non, tuy là vất vả thật, nhưng lại rất vui. Bao nhiêu năm trong nghề chỉ  toàn quây quần với con trẻ, cứ nghĩ là chuyện giản đơn nhưng lại khá khó khăn và cực nhọc. Cứ nghĩ ở nhà mình có 1-2 trẻ nhỏ là đã cực kỳ vất vả, vậy mà ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, mỗi ngày chị cùng các cô giáo trong trường phải tất bật chăm lo cho mấy trăm bé suốt từ sáng đến chiều. Thế nên các cô phải luôn tay, luôn chân, buổi trưa, chiều tranh thủ lúc cháu nghỉ ngơi là làm vườn, trồng rau, rồi lại tự tay tỉ mỉ làm đồ chơi cho trẻ. Ấy vậy mà khi nói về điều này, chị tỏ vẻ hết sức lạc quan: “Không chỉ tôi, mà các giáo viên ở ngôi trường này đều rất vất vả, việc gắn bó với nghề phải bắt nguồn từ yêu nghề, mến trẻ mới có thể đảm đương tốt công việc. Khi tiếp xúc với trẻ, nhìn thấy những ánh mắt ngây thơ, những cử chỉ đáng yêu và những hình dáng nhỏ bé đã khiến tình yêu trẻ của chị được nhân lên. Ngày ngày nhìn thấy học trò nhỏ của mình lớn dần, thấy công sức của mình bỏ ra không vô ích, chị tự hào về bản thân, và lòng yêu nghề ngày càng tăng”.

 

Làm tốt công tác xã hội hoá, từng bước cải thiện cơ sở vật chất.

Tuy nhiên, để nuôi dạy trẻ tốt, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải có đầy đủ cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ nhu cầu dạy và học. Xuất phát từ tình hình thực tế cuộc sống của người dân trong xã, việc huy động nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy vẫn luôn là vấn đề trăn trở đối với lãnh đạo và tập thể nhà trường. Mặc dù trong những năm gần đây, trường đã được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện giúp đỡ của lãnh đạo xã, của Phòng Giáo dục huyện Lộc Hà và các cấp, các ngành, tuy nhiên nằm trên địa bàn xã nghèo, huyện mới thành lâp, các công trình hạng mục đang phải xây dựng nhiều, nên điều kiện để đầu tư cho nhà trường các trang thiết bị, cơ sở vật chất rất khó khăn.

Thuloc2

Làm tốt công tác xã hội hoá, từng bước cải thiện cơ sở vật chất

Xác định rõ mục tiêu đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển lâu dài, từ nhiều năm nay, Đảng bộ, chính quyền xã đã tập trung phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền để từ đó các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân nhận thức sâu rộng về chủ trương xã hội hóa giáo dục; huy động nhân lực, vật lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ cho giáo dục, nhờ đó đã làm thay đổi đáng kể diện mạo của nhà trường, về cảnh quan trường lớp, điều kiện dạy và học của thầy và trò, góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương.

 

Chính vì thế, trong thời gian qua, để tạo điều kiện cho con em có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, lãnh đạo nhà trường đã tham mưu, kết hợp với lãnh đạo xã kêu gọi xã hội hóa giáo dục, chung tay góp sức của nhân dân và con em xa quê thành đạt để nhà trường có được cơ ngơi như ngày hôm nay. Cụ thể tính đến thời điểm này nhà trường được ông Phạm Nhật Vượng, tỷ phú chứng khoán, là người con thành đạt của xã Phù Lưu, đầu tư cho nhà trường 10 phòng học và nhà làm việc của giáo viên trên 4 tỷ đồng. Huy động người dân làm hệ thống mái che cho các cháu vui chơi. Trường Tiểu học, THCS xã Phù Lưu đầu tư 2 bộ ti vi, đầu để dạy học cho các cháu, công ty TNHH một thành viên Lam Hồng đầu tư cho trường một bộ máy vi tính, Hội Doanh nghiệp trên địa bàn huyện Lộc Hà đầu tư đồ chơi cầu trượt 4 phía cho trẻ trị giá 13 triệu đồng. Ngoài ra Phòng Giáo dục huyện Lộc Hà, hội đồng hương con em xa quê đã đầu tư nhiều bộ trang thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi cho các cháu với tổng giá trị hàng chục triệu đồng. Hiện tại nhà trường đang tham mưu với chính quyền địa phương huy động phụ huynh đầu tư máy chiếu cho nhà trường trị giá khoảng 13 triệu đồng.

 

Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trẻ

Với sự đầu tư, ủng hộ của cộng đồng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện dạy và học của nhà trường được cải thiện đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non. Toàn trường có 297 học sinh, so với độ tuổi huy động, số trẻ ra lớp của xã đạt 100%. Với mục tiêu mũi nhọn là chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, nhà trường đảm bảo trẻ được học đầy đủ theo Chương trình Giáo dục Mầm non mới và tham gia các hoạt động khác, thực hiện tốt nền nếp trong sinh hoạt, vui chơi. 100% trẻ được đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần, không xảy ra tai nạn, dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm.

thuloc3

Một giờ học của cô, trò nhà trường

Hàng năm, nhà trường đều tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho trẻ ít nhất 2 lần. Qua theo dõi sức khỏe, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng rất ít, tất cả các nhóm lớp thực hiện Chương trình Giáo dục MN mới, 100% nhóm, lớp trang trí đẹp theo đúng chủ đề, tỷ lệ trẻ có thói quen vệ sinh cá nhân, vệ sinh chung đạt 98%, 100% trẻ có khăn mặt, ca, cốc, mũ, dép khi đến trường, 95% trẻ phát triển đạt yêu cầu theo hướng dẫn đánh giá về chuẩn phát triển trẻ em của Bộ GD&ĐT ban hành. Với một tập thể hội đồng nhà trường luôn đoàn kết nhiệt tình, chăm sóc nuôi dạy trẻ chu đáo đã thu hút không chỉ trẻ trong xã mà có rất nhiều phụ huynh ở xã khác lựa chọn Trường Mầm non Thụ Lộc làm điểm đến cho con em mình.

 

Và còn những nỗi niềm

Mặc dù cơ sở vật chất khá hoàn thiện, trường đã đạt Chuẩn năm 2010. Tuy nhiên, để tương xứng với vai trò vị trí của bậc học mầm non, nuôi dưỡng nhân tài cho tương lai, nhà trường vẫn còn rất nhiều khó khăn phía trước. Sự khó khăn này có thể nói khác hoàn toàn với những cấp học như tiểu học, THCS. Đó là hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng chưa thực sự đồng bộ, phòng học và đồ dùng đồ chơi cho học sinh vẫn còn thiếu và yếu, đời sống giáo viên rất khó khăn, nhất là 10 giáo viên đang ngoài biên chế, một số giáo viên phục vụ nhiều năm trong nghề nhưng không được đóng bảo hiểm nên sẽ không được hưởng chế độ chính sách thoả đáng khi về hưu. Tuy nhiên, trong thời gian tới, cùng với sự nỗ lực cố gắng của tập thể nhà trường, hội cha mẹ học sinh và lãnh đạo xã, cùng với sự chung sức đồng lòng của xã hội, chúng tôi tin tưởng rằng thành tích cùng cơ sở vất chất của nhà trường sẽ ngày càng hoàn thiện và phát triển hơn - Lê Thị Mai, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

                                                 Hồng Quyên

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516