Được các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Đoàn thể hai xã Thạch Văn và Thạch Trị quan tâm, sự chỉ đạo sát sao của Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Thạch Hà; Nhiều năm qua, Trường THCS Văn Trị luôn thực hiện tốt các cuộc vận động và phong trào thi đua do Ngành Giáo dục – Đào tạo tổ chức, từ đó nâng cao chất lượng dạy và học. Trong cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” theo Chỉ thị số 40/2008/CT-BGD&ĐT của bộ Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2008-2013, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã có kế hoạch tổ chức, thực hiện phong trào. Cán bộ, giáo viên, nhân viên cùng phụ huynh, học sinh đã thực sự chăm lo môi trường sư phạm để nhà trường ngày càng khang trang, sạch đẹp, thoáng mát. Nhà trường đã lồng ghép nhiều hoạt động phong phú, vui tươi, bổ ích, tạo không khí phấn khởi cho giáo viên và học sinh. Trong năm học 2011- 2012, nhà trường đã xây dựng mới công trình vệ sinh cho học sinh từ Dự án Chương trình nước sạch vệ sinh môi trường, nâng cấp khuôn viên, cảnh quan. Liên đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh nhận chăm sóc Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ, đưa các trò chơi dân gian vào nhà trường tạo không khí vui tươi, lành mạnh. Cuộc vận động “Hai không” nhằm chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, góp phần đưa hoạt động dạy - học và kiểm tra đánh giá chất lượng đi vào thực chất, Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo CBGVNV thực hiện tốt công tác kiểm tra, đánh giá học sinh, quản lý bài thi; nghiêm túc việc tổ chức coi thi, chấm thi. Do đó, kết quả các kỳ thi được đánh giá đúng chất lượng dạy của thầy cô, học của học sinh. Ngoài ra, trường còn tích cực triển khai cuộc vận động “Nói không với đọc chép trong dạy học”.
Lễ khai giảng năm học mới
Chính các cuộc vận động này đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dạy – học, được dư luận học sinh, phụ huynh và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Trong việc quản lý chuyên môn, nhà trường luôn chú trọng đến công tác đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá. Để thực hiện tốt việc giảng dạy chương trình, sách giáo khoa, góp phần đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, chú trọng bồi dưỡng phương pháp rèn luyện kỹ năng cho học sinh được các cán bộ, giáo viên thực hiện một cách nghiêm túc. Trong kiểm tra đánh giá, nhà trường đã chỉ đạo các giáo viên, chú trọng kết hợp hình thức trắc nghiệm khách quan với hình thức tự luận phù hợp với từng môn học và mức độ hợp lý, đa dạng các hình thức kiểm tra, đánh giá để tăng hứng thú học tập của học sinh, tăng cường khả năng vận động, bộc lộ thái độ, tình cảm của học sinh; tăng cường dạng đề “mở” đối với các môn học xã hội.
Trên đây, chỉ là những ví dụ khim nói về những phương pháp cụ thể, có hiệu quả của nhà trường để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học. Với những phương pháp đó, nhà trường đã đạt được nhiều kết quả rất khả quan, phản ánh đúng quá trình phấn đấu của cả thầy và trò nơi đây.
Trao phần thưởng cho học sinh Giỏi nhà trường
Năm học 2011-2012, số học sinh của trường xét tốt nghiệp là 191 em, đậu tốt nghiệp là 186, chiếm 97,38%. Số học sinh dự thi THPT là 161 em, chiếm 86,6%. Số học sinh vào THPT công lập là 158 em, chiếm 98,13%, xếp thứ 57/188 các trường trong tỉnh về tuyển sinh và thứ 5/16 toàn huyện, tăng 2 bậc ở huyện, 40 bậc ở tỉnh so với năm học trước. Trong các cuộc thi chọn học sinh giỏi văn hóa, tổng số thí sinh của trường dự thi là 85 em, có 63 em đạt giải, trong đó học sinh giỏi cấp Tỉnh có 5 giải, học sinh giỏi cấp Huyện có 63 giải, xếp thứ 5 toàn huyện. Về các môn thể dục thể thao, nhà trường luôn xếp thứ Nhất toàn huyện, có 3 học sinh giỏi cấp Tỉnh, 21 học sinh giỏi cấp Huyện,3 em tham gia Đại hội thể dục thể thao toàn quốc. Chi bộ nhà trường đạt danh hiệu Chi bộ Trong sạch Vững mạnh, Chi đoàn thanh niên, Liên đội thiếu niên Xuất sắc cấp Tỉnh, được TW Đoàn tặng Bằng khen. Nhà trường có 2 tổ chuyên môn đạt Tiên tiến Xuất sắc, 2 tổ chuyên môn đạt Tiên tiến. Nhà trường có 4 lao động tiên tiến, 1 Chiến sĩ Thi đua cấp cơ sở.
Những thành tích nhà trường đã đạt, được Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo, cấp ủy, chính quyền địa phương, phụ huynh và học sinh ghi nhận, nhưng trong cuộc trao đổi với phóng viên chúng tôi, thầy Phạm Lê Hòa, Hiệu trưởng nhà trường ngoài sự phấn khởi với những gì tập thể nhà trường đã làm được, cũng đã chia sẻ những khó khăn nhà trường đang gặp phải:
Dù cho lãnh đạo cả hai xã Thạch Văn và Thạch Trị đều rất quan tâm, đầu tư cho giáo dục, đặc biệt trong việc xây dựng cơ sở vật chất và động viên tinh thần thầy và trò, thế nhưng do điều kiện địa phương còn nhiều khó khăn nên sự đầu tư cũng đang có nhiều hạn chế, chưa theo kịp được yêu cầu của sự nghiệp phát triển giáo dục – đào tạo ngày càng cao hiện nay. Gia đình học sinh nơi đây gặp rất khó khăn, cơ bản đều là thuần nông và ngư nghiệp đánh bắt gần bờ. Những năm gần đây với mảnh ruộng cát trắng bạc màu và nguồn hải sản ngày càng vơi bớt nên không thể giữ chân người dân. Phụ huynh học sinh dần thoát ly xa quê lên thành phố tìm nghề lao động tự do hoặc đi ra nước ngoài làm ăn vì vậy nhiều gia đình hiện chỉ có con em ở nhà cùng bố hoặc mẹ. Cá biệt, một số gia đình chỉ có chị em ở nhà chăm sóc nhau nên phụ huynh ít có điều kiện quan tâm tới việc học tập của con cái. Việc các thầy cô giáo gặp gỡ trao đổi về việc học tập của các em với gia đình hay huy động xã hội hóa giáo dục, đóng góp các khoản theo quy định gặp rất nhiều khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, các thầy cô giáo day dứt, lo lắng nhất chính là việc một số em học sinh có tố chất, khả năng học tập tốt nhưng không có điều kiện phát triển thêm. Thầy hiệu trưởng vẫn còn nhớ, có em học sinh nữ đạt thành tích cao trong nhiều kỳ thi học sinh giỏi ở huyện và tỉnh, dù các thầy cô đã động viên và tự bỏ tiền túi cho em tham gia kỳ thi vào trường Chuyên của tỉnh, nhưng cũng vì gia đình quá khó khăn, em học sinh đó đành phải học tiếp trung học ở một trường gần nhà…Cũng do điều kiện khó khăn của miền quê nghèo ven biển, đội ngũ giáo viên nhà trường phải đi lại xa xôi cách trở, cộng với việc chưa có một chính sách thiết thực nào để động viên, khuyến khích, giữ giáo viên, nên hiện tại đội ngũ giáo viên nhà trường một số môn còn thiếu, vẫn tồn tại việc giáo viên dạy chéo môn.
Có thể thấy, dù trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, thầy và trò trường THCS Văn Trị vẫn bền bỉ, tiếp tục phấn đấu, nỗ lực từng ngày, từng ngày nhằm đạt được những thành tích cao hơn nữa. Chia tay nhà trường, chúng tôi luôn mong Nhà nước sớm có những chính sách thiết thực hơn nữa để giúp thầy và trò các trường học ở những địa phương còn nhiều khó khăn có một môi trường dạy và học tốt hơn, để các em học sinh, các thầy giáo, cô giáo không còn những băn khoăn, trăn trở trên đường đến trường./.
Thanh Nhàn