Bộ GD&ĐT vừa tiến hành Hội nghị hướng dẫn Nghị định số 73/2012/NĐ-CP về Hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đối với các cơ sở giáo dục.
Không được tiếp nhận trẻ dưới 5 tuổi
Một điểm đặc biệt quan trọng trong việc triển khai hướng dẫn Nghị định 73/2012/NĐ-CP (NĐ 73) là việc các cơ sở giáo dục mầm non có vốn đầu tư nước ngoài không được phép tiếp nhận học sinh Việt Nam (không đủ 5 tuổi).
Theo đó, trong việc liên kết đào tạo đối với những cơ sở giáo dục nước ngoài đặt tại Việt Nam, những cơ sở giáo dục này không được tiếp nhận học sinh Việt Nam (không đủ 5 tuổi), những trường này chỉ dành cho trẻ em là người nước ngoài. Cơ sở giáo dục phổ thông (Trường tiểu học, THCS, trường phổ thông, phổ thông có nhiều cấp học) được tiếp nhận học sinh Việt Nam nhưng có điều kiện. Cụ thể, trường tiểu học và THCS không quá 10% tổng số học sinh của trường, trường phổ thông không quá 20%.
Đối với các văn bằng, chứng chỉ, các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được cấp các loại văn bằng, chứng chỉ thuộc hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam và phải đăng kí trước với Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục mầm non phải có suất đầu tư ít nhất là 30 triệu đồng/trẻ, tương tự phổ thông là 50 triệu/trẻ, cơ sở đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn là 20 triệu/học viên, trung tâm dạy nghề 60 triệu/học viên, trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề 100 triệu/học viên, trường cao đẳng, đại học 150 triệu/học viên.
Đầu tư nước ngoài vào giáo dục còn khiêm tốn
Đã 25 năm chúng ta có Luật Đầu tư nước ngoài (ĐTNN); riêng trong lĩnh vực giáo dục, theo Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD&ĐT) thì đến quý IV/2012 mới có 111 dự án có vốn nước ngoài tại 6 tỉnh, thành phố lớn là Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Cần Thơ, Hải Phòng và Đà Nẵng, phân bố khắp các vùng miền. Trong tổng số 111 dự án, Hà Nội có 44 dự án (39,6% tổng số dự án), Tp. Hồ Chí Minh có 51 dự án (45,9%); các tỉnh, thành phố còn lại có 16 dự án (14,5%).
Bộ GD&ĐT đánh giá các dự án ĐTNN trong lĩnh vực giáo dục có tổng vốn đầu tư còn khiêm tốn, trong đó phần vốn của đối tác nước ngoài chiếm tỷ lệ không cao như các như các dự án ĐTNN trong các lĩnh vực khác. Các dự án tại Hà Nội có tổng vốn đầu tư là 159,164 triệu USD (tăng 47,6% so với 107,81 triệu USD cuối năm 2008). Vốn đầu tư các dự án tại Tp. Hồ Chí Minh cuối năm 2008 là 94,2 triệu USD trên tổng vốn đầu tư toàn quốc là 235,72 triệu USD (chiếm xấp xỉ 40%).
Bộ GD&ĐT cũng cho biết, hiện vẫn còn một số lượng phổ biến các cơ sở giáo dục có vốn nước ngoài không có sự tách biệt về tư cách pháp nhân giữa doanh nghiệp (là tổ chức bỏ vốn thành lập cơ sở giáo dục) với bản thân cơ sở giáo dục, hiện một số nhà đầu tư đang dùng dấu của doanh nghiệp trong các giao dịch của nhà trường (đóng dấu của doanh nghiệp lên học bạ, bảng điểm của học sinh). Vấn đề này đã được giải quyết trong
Nghị định số 73/2012/NĐ-CP của Chính phủ, tuy nhiên còn phải mất thời gian để các cơ sở giáo dục hoàn thành thủ tục kiện toàn, bổ sung theo yêu cầu tại điều khoản chuyển tiếp của
Nghị định số 73/2012/NĐ-CP nói trên.
Rút kinh nghiệm từ những sự việc một số cơ sở giáo dục nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trước đó như: Trung tâm đào tạo, quản lý cao cấp SITC, các cơ sở của Raffles tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, của ILA tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ GD&ĐT khẳng định, trước mắt tập trung yêu cầu các cơ sở giáo dục có vốn ĐTNN thực hiện điều khoản chuyển tiếp (Điều 74 của NĐ 73). Cụ thể, Bộ GD&ĐT có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu khẩn trương rà soát, tổng hợp tình hình các cơ sở giáo dục có vốn nước ngoài trên địa bàn; phân loại các cơ sở giáo dục trên địa bàn theo mức độ đáp ứng các điều kiện, tiêu chí quy định tại NĐ 73; yêu cầu, hướng dẫn các cơ sở giáo dục có vốn nước ngoài thực hiện điều khoản chuyển tiếp.
Theo GDVN