NGUYỄN HỒNG QUÝ
Trường Đại học FPT
Nhận bài ngày 09/12/2019. Sửa chữa xong 15/12/2020. Duyệt đăng 25/12/2019.
Abstract
In the last few years, e-learning becomes an emergent learning method that several university & colleges in Vietnam have deployed. The results show that e-learning has become an effective support for the teaching of teachers and self-study of students, contribute to improving the quality of training. In thehe article, the author focuses on the interaction between teachers and learners, consider this a key factor contributes to success in e-learning.
Keywords: Training, E-Learning, Interactive.
1. Đặt vấn đề
Trong xu thế chung của thời đại (xu thế học tập suốt đời), được sự hỗ trợ đắc lực của hệ thống công nghệ thông tin và internet, các chương trình đào tạo trực tuyến ở Việt Nam ngày càng nở rộ bên cạnh các chương trình đào tạo truyền thống. Tuy số lượng người tham gia các chương trình học này ngày càng gia tăng, nhưng chất lượng và độ tin cậy của xã hội khi sử dụng người lao động tốt nghiệp từ các chương trình đào tạo trực tuyến còn là vấn đề cần bàn một cách nghiêm túc. Chất lượng thực sự của các chương trình đào tạo này như thế nào? độ hấp dẫn với người học ra sao? các nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến đào tạo trực tuyến tuy được đông đảo người học lựa chọn nhưng đầu ra vẫn chưa được xã hội đánh giá cao… là những vấn đề đang đặt ra với loại hình đào tạo này.
Từ góc độ của một giảng viên đã trực tiếp tham gia giảng dạy trực tuyến trong nhiều năm, đồng thời cũng là một người từng tham gia chương trình đào tạo trực tuyến với tư cách người học, tác giả đưa ra vài quan điểm cá nhân liên quan đến các chương trình E-Learning dưới góc độ tương tác người dạy - người học.
2. Vai trò của quá trình tương tác giữa người dạy và người học
2.1. Từ lý thuyết và kinh nghiệm thực tế của bản thân
Quá trình dạy học là một hệ thống gồm nhiều nhân tố hợp thành trong đó giáo viên với hoạt động dạy, người học với hoạt động học là hai nhân tố trung tâm. Người giáo viên đóng vai trò tổ chức hướng dẫn quá trình dạy học bằng cách xác định mục đích, tổ chức việc dạy học, lựa chọn nội dung, sử dụng phương pháp, phương tiện thích hợp, kích thích người học hứng thú với công việc học tập. Người học với việc xác định rõ mục tiêu, động cơ học tập, chủ động tích cực lĩnh hội bài giảng, tìm cách học phù hợp để tiếp nhận kiến thức một cách tối ưu. Để hoạt động dạy học đạt kết quả tốt, hoạt động của người dạy và người học phải không tách rời nhau. Do đó, Davydov đã khẳng định: Các hoạt động dạy và học là các hoạt động cùng nhau của thầy và trò. Và sự tương tác, mối quan hệ giao cảm giữa người dạy và người học đóng vai trò quan trọng trong thành công của một chương trình đào tạo.
Tuy nhiên, trong thời công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, sự tương tác thầy - trò có những thay đổi và sự khác biệt lớn so với tương tác thầy - trò truyền thống. Đặc biệt với các chương trình đào tạo trực tuyến, tương tác này được thực hiện bằng công nghệ, thầy và trò “gặp nhau” nhờ sự kết nối của công nghệ chứ không phải mặt đối mặt như tương tác truyền thống.
Là người đã có thâm niên giảng dạy ở bậc đại học, tác giả đã có kinh nghiệm tham gia giảng dạy cho các chương trình đào tạo cử nhân trực tuyến. Tham gia giảng dạy một môn học cho nhiều hình thức đào tạo: Đào tạo cử nhân chính quy, đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến… Tac giả nhận thấy, dù nội dung bài giảng, phương pháp, phương tiện giảng dạy và mọi yếu tố trong quá trình dạy học có thay đổi và tiến bộ đến đâu chăng nữa, thì một yếu tố tối quan trọng quyết định chất lượng của một chương trình giảng dạy đó là tương tác người dạy - người học. Bởi quá trình giảng dạy, học tập không đơn thuần là quá trình trao truyền kiến thức chuyên môn mà còn là quá trình giao tiếp để cả hai phía người dạy, người học học hỏi lẫn nhau, trao truyền tình cảm, kinh nghiệm, kỹ năng và những nguồn năng lượng tích cực nhằm thúc đẩy tính tích cực của cả người dạy và người học để đạt được kết quả tối ưu trong quá trình này.
Dạy và học là một quá trình tương tác kỳ diệu để thầy và trò đạt đến sự thấu hiểu và tạo động lực cho nhau không chỉ trong quá trình học tập, giảng dạy mà còn kéo dài đến sau này khi quá trình học tập, giảng dạy đã kết thúc. Bài giảng được chuẩn bị dẫu có kỹ càng, chỉn chu đến mấy mà sự tương tác giữa thầy - trò không được thiết lập thì công việc giảng dạy cũng không thể đạt được kết quả tối ưu.
Khi tham gia công tác giảng dạy đến một độ nào đó, người thầy sẽ có cảm nhận rất rõ về “linh hồn” của một lớp học khi bước chân vào lớp. Có những lớp học chỉ cần bước chân vào cửa lớp, người thầy đã có thể cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực tràn đầy tỏa ra từ người học. Một lớp học có sinh khí và sống động là cảm nhận rất rõ từ người thầy dù hoạt động giảng dạy - học tập chưa hề diễn ra. Tuy nhiên có những lớp học thật sự buồn bã, rời rạc ngay từ cảm nhận đầu tiên khi thầy bước vào lớp. Những lớp học như thế, người thầy phải mất nhiều công sức để “làm nóng” không khí trước khi hoạt động giảng dạy - học tập bắt đầu. Những cảm nhận bước đầu bằng trực giác như vậy của một người thầy nhiều trải nghiệm có liên quan mật thiết với không khí học tập, sự hào hứng trong quá trình dạy - học và kết quả học tập của lớp học sau này. Với những lớp học mà người thầy cảm nhận là sống động và tràn đầy sinh khí ngay từ ban đầu, quá trình học tập thường diễn ra hào hứng, sôi nổi, vui vẻ và kết quả học tập của người học rất tốt. Với những lớp học u buồn, thầy phải mất nhiều công sức để có thể đạt tới một kết quả học tập nhất định.
Sự tương tác trong quá trình giảng dạy - học tập diễn ra chủ yếu trong quá trình học tập trên lớp học. Khi thầy giảng bài, sự chăm chú, ý thức học tập của học trò, sự háo hức của người học khi theo dõi bài giảng của thầy bộc lộ trên khuôn mặt, trong tâm trạng của người học sẽ là nguồn động lực tuyệt vời để thầy có thể thăng hoa trong bài giảng. Những kiến thức của thầy sẽ được thể hiện một cách tuyệt vời nhất khi có sự hưởng ứng từ học trò. Thậm chí, nhiều kiến thức đã ngủ quên đâu đó trong tiềm thức của thầy sẽ được học trò đánh thức làm ngay cả bản thân thầy cũng cảm thấy ngỡ ngàng. Sự hợp tác của người học trong quá trình giảng dạy cũng góp phần làm nảy sinh sự sáng tạo và những yếu tố đầy tính bất ngờ trong bài giảng của thầy mà trong quá trình chuẩn bị bài giảng thầy chưa hề nghĩ ra. Ngược lại, khi người học cảm thấy hứng thú, vui vẻ, họ sẽ học với tinh thần tự giác, thoải mái và sẽ lĩnh hội kiến thức từ thầy một cách tốt nhất.
Sự tương tác này còn có thể diễn ra ngoài lớp học thông qua các hoạt động ngoại khóa, các hoạt động giao lưu, các hoạt động trao đổi kiến thức của trò với Thầy. Tuy nhiên, tương tác thầy - trò trong quá trình giảng dạy - học tập diễn ra trên lớp học là tương tác dễ thấy nhất. Sự giao cảm, chia sẻ và thấu hiểu giữa thầy và trò trong quá trình giảng dạy - học tập là một yếu tố tối quan trọng làm nên chất lượng một bài giảng.
Từ kinh nghiệm cá nhân trong quá trình giảng dạy, tác giả cảm nhận rất rõ ràng rằng: Cùng một môn học, cùng một khóa sinh viên, cùng một hệ đào tạo, lớp học nào có tương tác người dạy - người học tốt, cả quá trình giảng dạy - học tập sẽ diễn ra một cách đầy thú vị, hào hứng và kết quả học tập của người học thường rất tốt. Chương trình đào tạo nào, hệ đào tạo nào mà tương tác thầy - trò được thiết lập và vận hành tốt, chương trình đó sẽ ngày càng thu hút người học và đạt được thành công.
Thầy dù có học hàm, học vị cao đến đâu, bài giảng có chuẩn bị kỹ lưỡng thế nào mà không thiết lập được tương tác thầy - trò, việc học tập, giảng dạy cũng diễn ra thật buồn tẻ, nhàm chán. Ngược lại, nhiều giảng viên trẻ chưa có học hàm, học vị chưa cao nhưng nếu có tâm huyết, thiết lập được tương tác thầy - trò tốt, công việc giảng dạy vẫn diễn ra đầy hào hứng và nhận được sự đón nhận, đánh giá cao từ phía người học.
Giảng dạy - học tập là một quá trình cần sự đóng góp của nhiều yếu tố. Ngoài những yếu tố cứng như giáo án, bài giảng, các phương tiện vật chất phục vụ giảng dạy, yếu tố trình độ người thầy, trình độ người học… thì nhân tố không thể thiếu làm nên thành công của quá trình này chính là tương tác người dạy - người học.
2.2. Tương tác trong thiết kế chương trình
Mỗi môn học được bố cục thành nhiều chương, mục. Các giảng viên trong bộ môn giảng dạy môn học sẽ được phân công phụ trách các chương mục khác nhau của môn học. Trong quá trình làm bài giảng điện tử, thầy cô phụ trách chương mục nào sẽ làm bài giảng về chương mục đó. Quá trình ghi hình bài giảng được diễn ra trong phòng thu nơi thầy cô ngồi trước màn hình máy tính và giảng phần nội dung mình được phân công. Là một người tham gia trực tiếp vào quá trình này, tác giả cảm nhận rất rõ về chất lượng bài giảng sẽ được cung cấp cho chương trình đào tạo. Giảng trước một màn hình máy tính trong một phòng thu kín toàn máy móc thiết bị, thầy cô dù có giỏi đến mấy cũng khó có cảm hứng để có thể tạo ra một bài giảng sống động có sức hấp dẫn người học. Sẽ chỉ là những kiến thức khô cứng, tẻ nhạt bám theo slide đã soạn sẵn. Và hãy hình dung người học, khi tham gia vào quá trình học tập, họ cũng ngồi trước màn hình máy tính, điện thoại, nghe những bài giảng soạn sẵn khô khan như vậy, không tương tác, không giao cảm, sự tiếp nhận và lĩnh hội kiến thức sẽ ra sao? Với cách làm như hiện nay, thầy cô và học trò đều đang trở thành những con robot.
Với cách làm học liệu, soạn bài giảng điện tử như hiện nay, khi một giảng viên được phân công giảng dạy một lớp nào đó, hoàn toàn không có sự phân biệt, không có sự cá nhân hóa thầy cô. Nghĩa là ai giảng cũng như ai. Bài giảng là sản phẩm tập thể của nhiều thầy cô, thầy cô chỉ ghi danh trên lớp học chứ hoàn toàn không có hoạt động giảng bài. Người học sẽ học thông qua các học liệu đã được cung cấp và hoạt động tương tác sẽ chỉ diễn ra trong các hoạt động hỏi và trả lời câu hỏi thông qua các diễn đàn giữa học viên và giảng viên. Cách học này hoàn toàn không phát huy được vai trò của người thầy. Thầy tâm huyết hay không, thầy giỏi hay không, thầy uyên bác hay không, thầy có phương pháp sư phạm tốt hay không, với cách triển khai lớp học như hiện nay, hoàn toàn không có sự phân biệt. Không có tương tác qua bài giảng, các lớp học diễn ra thiếu sinh khí và không có linh hồn.
Thực tế này cũng dẫn tới những bất cập trong quản lý hoạt động giảng dạy E-Learning. Các cơ sở đào tạo có thể mua thương hiệu của các trường đại học, thuê người làm bài giảng điện tử và mời các giảng viên ở các cơ sở giáo dục khác ghi danh vào lớp học. Lớp học sẽ là do cô A, thầy B phụ trách chuyên môn nhưng hoạt động quan trọng nhất là hoạt động giảng dạy lại không do cô A, thầy B thực hiện. Như vậy, bằng được cấp là của trường A, trường B, nhưng dấu ấn trong đào tạo của các trường cấp bằng hoàn toàn không được thể hiện trong quá trình đào tạo.
2.3. Tương tác qua các buổi học online, trên các diễn đàn và các hoạt động hỗ trợ học tập
Kết thúc mỗi môn học, các chương trình đào tạo E-Learning thường có một buổi online. Đó là một buổi học đặc biệt, trong đó người dạy và người học cùng lúc “ngồi lại với nhau” trước màn hình máy tính. Thầy sẽ ôn tập lại cho trò toàn bộ chương trình học, hướng dẫn ôn tập và thi cử. Trò sẽ hỏi thầy giải đáp thắc mắc liên quan đến những nội dung của môn học. Tuy nhiên, trong buổi học đặc biệt này, số người tham dự trực tiếp vào lớp học cũng rất hạn chế. Chủ yếu vẫn thầy nói thầy tự nghe. Số lượng người học hỏi thầy cô, thắc mắc về nội dung môn học cũng rất ít. Có lẽ với cách học trò tự xoay sở với bài giảng điện tử và các tài liệu được cung cấp trong lớp học, cùng với tinh thần tự giác học tập có hạn, họ cũng không biết cần hỏi gì thầy cô. Vì vậy, sự tương tác cũng khá hạn chế và rời rạc. Cả người dạy và người học đều không có đủ động lực cần thiết để buổi học diễn ra một cách hào hứng và thành công.
Trong các hoạt động học tập theo phương thức E-Learning hiện nay, tương tác người dạy - người học được thể hiện qua một kênh khác là các hoạt động trên diễn đàn hoặc thông qua các câu hỏi của người học với người dạy. Tuy nhiên, tính tích cực của người học rất có hạn, người học thường không chủ động đặt câu hỏi cho thầy cô. Khi được gợi ý họ cũng làm cho xong hoặc đôi khi làm chỉ để tích lũy điểm. Mà điểm số quy định cũng không đủ sức hấp dẫn nên chủ yếu họ làm qua quít cho xong. Các câu hỏi đưa ra hỏi thầy cô thường thiếu suy nghĩ, không có tư duy, các câu trả lời cho các câu hỏi của thầy cô cũng thường được người học copy trên mạng không có chọn lọc khiến cho các hoạt động học tập thiếu động lực và không hiệu quả. Đôi lúc người học chỉ đặt một câu vu vơ như chào thầy cô hoặc cảm ơn thầy cô không có nội dung học thuật, kiến thức nào như một cách để được ghi nhận đã tham gia diễn đàn học tập môn học.
3. Một số khuyến nghị góp phần gia tăng quá trình tương tác giữa người dạy và người học trong đào tạo E-Learning
3.1. Tương tác trong bài giảng
Để gia tăng sự tương tác giữa người dạy và người học, tác giả cho rằng: khi thiết kế chương trình E-Learning cho một môn học chỉ nên cung cấp bài giảng word, slide cho người học. Bài giảng của thầy cô được phân công giảng dạy lớp nào sẽ do thầy cô đó giảng online trong lớp học trên mạng. Theo đó, người dạy và người học sẽ phải đồng thời ngồi trước màn hình máy tính. Thầy giảng, trò nghe. Thay vì cả thầy và trò phải đến một lớp học truyền thống, tốn nhiều thời gian đi lại, theo cách này thầy và trò gặp nhau trong lớp học ảo. Dấu ấn của người thầy qua bài giảng sẽ được thể hiện rõ. Việc phụ trách lớp học trên mạng giờ đây không chỉ là ghi danh mà là người thầy phải giảng bài cho học viên của lớp học đó. Tuy nhiên, phải có quy định rõ ràng, chặt chẽ để người học có thể tham gia lớp học thật sự.
Trong quá trình giảng, người thầy luôn đặt ra những câu hỏi cho người học và người học trả lời. Đây là cách để kiểm chứng người học tham gia học thực sự chứ không chỉ đăng nhập lớp học rồi “biến mất”. Cảm giác người nói có người nghe sẽ rất khích lệ người thầy. Dù chỉ giảng bài cho học trò qua mạng, nhưng sự lắng nghe trực tiếp của người học sẽ tác động tích cực đến công việc giảng dạy của thầy. Tuy nhiên, sau buổi giảng trực tiếp cho học trò, bài giảng nên được ghi âm, ghi hình để người học có thể nghe và xem lại nhiều lần trước khi buổi học tiếp theo được diễn ra.
Với cách thức triển khai bài giảng online mà người thầy phải trực tiếp giảng cho học trò của mình nghe chứ không phải một bài giảng được ghi hình, ghi tiếng trước chắc chắn sẽ tốn kém chi phí hơn, thầy sẽ vất vả hơn, bận rộn hơn vì sẽ phải giảng bài theo thời khóa biểu chứ không phải ghi âm ghi hình bài giảng một lần rồi có thể sử dụng cho mọi lớp học. Trò cũng sẽ bận rộn hơn vì phải sắp xếp thời gian tham dự lớp học vào những khung giờ nhất định theo thời khóa biểu chứ không chỉ học theo bài giảng sẵn có trên lớp học.
Tuy nhiên, với cách thiết kế bài giảng theo cách này, cùng với những quy định chặt chẽ để đảm bảo số lượng người học tối thiểu cho một buổi học, tương tác thầy - trò sẽ kích thích, tạo động lực để thầy có một bài giảng sống động và trò có thể được nghe những bài giảng có hồn hơn. Tình trạng thầy giảng như robot vì không có người nghe, trò học như học với robot vì nghe những bài giảng được quay sẵn thiếu hồn vía sẽ không diễn ra. Hiệu quả học tập chắc chắn sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, cách thiết kế một chương trình học kiểu này sẽ gây áp lực về chi phí đòi hỏi sĩ số lớp học phải đạt tới một ngưỡng nhất định để học phí thu được có thể bù đắp được các chi phí cho việc vận hành chương trình.
3.2. Tương tác qua buổi học online, trên diễn đàn và các hoạt động hỗ trợ học tập
Buổi học online nên được tổ chức và có thể được coi như là buổi ôn tập, hệ thống hóa kiến thức, hướng dẫn thi. Tuy nhiên, yêu cầu bắt buộc là sự tham gia đông đảo của người học thông qua các cơ chế thưởng, phạt, khích lệ, động viên. Để buổi online thực sự có ý nghĩa thì sự chuẩn bị của người thầy về các chủ đề ôn tập, ý thức của người học tham gia đầy đủ sẽ có ý nghĩa quyết định.
Để tạo ra sự tương tác này, đòi hỏi các chủ đề thảo luận người thầy đặt ra trên các diễn đàn phải đủ hấp dẫn để thu hút người học. Đồng thời cần có các quy định với người học để người học bắt buộc phải tham gia các diễn đàn với những câu hỏi, câu trả lời có nội dung chứ không chỉ đơn thuần là chào hỏi, cảm ơn. Một cơ chế phù hợp khuyến khích người thầy gia tăng các câu hỏi hấp dẫn thu hút người học thông qua chế độ lương thưởng và một cơ chế thưởng, phạt qua điểm số cho người học khi tham gia tích cực hoặc tham gia không đủ mức độ cần thiết vào các diễn đàn là thực sự cần thiết và có ý nghĩa để lớp học ảo trở nên sống động, hấp dẫn và có sức lôi cuốn y như một lớp học truyền thống. Tận dụng được các lợi thế của hình thức đào tạo trực tuyến, vượt qua được các rào cản về không gian, thời gian, tiết kiệm được chi phí đi lại, tiết kiệm thời gian và tạo ra được một lớp học ảo trong đó tương tác người dạy - người học không thua kém lớp học truyền thống, chắc chắn hoạt động giảng dạy, học tập sẽ diễn ra sôi nổi, hào hứng và đạt kết quả tốt.
4. Kết luận
Với các lợi thế và ưu điểm của hình thức học tập qua mạng, E-Learning sẽ trở thành một phương thức học tập ngày càng phổ biến thu hút sự quan tâm của nhiều người trong tương lai. Tuy nhiên, để hình thức học tập này phát huy được hiệu quả, thì một trong những đòi hỏi là phải tạo ra được sự tương tác giữa người dạy và người học. Bởi quá trình học tập không chỉ là quá trình trao truyền kiến thức mà còn là một quá trình giao tiếp và tương tác giữa người với người. Nếu không thiết lập được sự tương tác này thì việc học tập chẳng khác nào học với robot và giảng cho robot. Một con robot hiện đại nhất hiện nay chưa thể đủ sức thay thế một con người bình thường nhất.
Một bài giảng phải có được dấu ấn của người thầy không chỉ về kiến thức mà còn về phong cách và những nét rất riêng phân biệt thầy cô này với thầy cô khác. Do đó, các bài giảng cho một môn học do một thầy cô phụ trách được giảng dạy theo hình thức E-Learning phải do thầy cô trực tiếp giảng cho người học qua mạng chứ không nên là một bài giảng được ghi hình trước do một tập thể thầy cô thực hiện. Các hoạt động qua diễn đàn, trao đổi, thảo luận cũng cần được thiết kế sao cho tăng được sự tương tác giữa người dạy và người học. Một lớp học ảo duy trì được tương tác thầy - trò gần giống lớp học truyền thống sẽ tăng được sự hào hứng, nhiệt tình, trách nhiệm của thầy và thu hút được trò tham gia quá trình học tập. Đây là một yếu tố quan trọng làm nên độ hấp dẫn và thành công của những chương trình đào tạo trực tuyến./.
Tài liệu tham khảo
1. Lê Hà, Đào tạo trực tuyến trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0. Nguồn https://www.nhandan.com.vn/%20giaoduc/dien-dan/item/31943302-dao-tao-truc-tuyen-trong-thoi-ky-cach-mang-cong-nghiep-4-0.html. Truy cập ngày 29/01/2017.
2. Tài liệu nội bộ OES: Kế hoạch triển khai E-Learning, Báo cáo định kỳ kết quả triển khai E-Learning của OES gửi các khách hàng từ 2015 đến 2019, https://oes.vn/cau-chuyen-elearning-oes/
3. Atkins, S.S., The 2016 - 2021 worldwide self-paced E-Learning market: Global E-Learning market in steep decline. Ambient Insight, 2016.
4. Trần Thị Lan Thu, Quản lý đào tạo trực tuyến tại các trường đại học Việt Nam hiện nay, Luận án Tiến sĩ quản lý giáo dục, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, 2019.
5. Nguyễn Hoàng, Giáo dục Việt Nam và xu hướng E-learning, Nguồn: http://iigelearning.com/news/detail/74/giao-duc-viet-na%E2%80%A6huong-ELearning.