Giờ ngủ trưa của các bé tại điểm trường Đát Khế (50% là đồng bào dân tộc ít người)
Để làm tốt công tác Phổ cập Giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi, xã Phú Lâm đã bố trí ngân sách, huy động các nguồn vốn hợp pháp và thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án xây dựng trường, lớp học đảm bảo đủ trang thiết bị dạy học. “Tính đến thời điểm này, nhà trường đã kiện toàn cơ sở vật chất, tất cả 9 điểm trường đều được xây dựng kiên cố và bán kiên cố, đảm bảo đúng tiêu chuẩn của một trường đạt tiêu chuẩn Phổ cập Giáo dục Mầm non. Đảng ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã đã chung tay huy động xã hội hóa giáo dục và phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi đạt kết quả cao”- ông Đặng Xuân Cường Chủ tịch UBND xã Phú Lâm khẳng định.
Là một trong những ngôi trường đi đầu trong công tác Phổ cập Giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi, Trường Mầm non Phú Lâm được mọi người biết đến bởi tinh thần trách nhiệm, tình cảm thân thương của cô Hiệu trưởng Mai Bích Hợp, “cô giáo của bản làng”. Với 34 năm trong nghề, cô Mai Bích Hợp ươm mầm xanh cho sự nghiệp giáo dục miền núi, nhưng tâm hồn cô vẫn trẻ, trẻ trong cách làm việc, trẻ trong suy nghĩ. Cô là một trong những tấm gương tiêu biểu của ngành Giáo dục huyện Yên Sơn được mọi người học tập, noi theo. Cô còn là động lực lớn để các “cô giáo của bản làng” của Trường mầm non Phú Lâm ngày càng tâm huyết, yêu nghề hơn. Trao đổi với phóng viên cô Mai Bích Hợp kể: “Nhà trường có một điểm trường chính và 9 điểm trường lẻ, các cháu ở đây chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, để làm tốt công tác Phổ cập Giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi, trường đã làm tốt công tác tuyên truyền tới phụ huynh học sinh để mọi người thấy được sự thay đổi của con em mình khi được học trong môi trường giáo dục mới. Từ đó người dân và phụ huynh đã hiểu và đồng lòng ủng hộ nhà trường xây dựng lớp học tại điểm trường lẻ ở ngay các thôn, bản. Nhà trường động viên, khuyến khích nhân dân thi đua xây dựng và tự bảo quản, tu sửa cơ sở vật chất. Với cách làm như vậy ở tất cả các điểm trường 100% các cháu đều ăn, ở bán trú đảm bảo chất lượng, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ngày càng giảm.
Trường Mầm non Phú Lâm được biết đến như là “ngôi nhà cổ tích” đầy lý tưởng, thân thiện để các cháu thỏa sức vui chơi, học tập như hôm nay là sự vận động thành công từ công tác xã hội hóa giáo dục mà “cô giáo bản làng” đã cùng tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên làm được. Nhà trường đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, nhân dân, phụ huynh, giáo viên, với cách làm đầy sáng tạo, mới mẻ. Nhà trường đã nhận được sự ủng hộ với tổng số tiền trong năm học 2012-2013 là 238 triệu đồng, 123 ngày công tự nguyện. Điển hình là gia đình ông Nguyễn Văn Ngọc, thôn Cây Trám đã ủng hộ trường san gạt mặt bằng để xây dựng lớp học ở thôn Đát Khế. Như vậy, trong công tác Phổ cập Giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi, Trường Mầm non Phú Lâm đã nhận được hơn 600 triệu đồng để xây dựng, mua sắm trang thiết bị theo tiêu chí đạt Chuẩn.
Sự đổi thay, tiến bộ cách nhìn nhận về Phổ cập Giáo dục cho trẻ 5 tuổi của nhân dân xã Phú Lâm là chìa khóa thành công để nhà trường làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục. Công tác Phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi đã mang lại quyền lợi cho các cô giáo dạy các lớp mầm non 5 tuổi được ổn định về chế độ chính sách, nâng cao tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề, mến trẻ.
Những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phú Lâm đã và đang làm được ghi nhận sự thành công của Chương trình Phổ cập Giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi. Điều quyết định là sự đoàn kết của tập thể cán bộ giáo viên, nhân viên đặc biệt là Ban Giám hiệu trong đó có cá nhân Hiệu trưởng Mai Thị Hợp “ cô giáo của bản làng”. Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Lâm là một trong hai người của huyện vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Phổ cập Giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang./.
Đình Thơm-Hằng Nga