Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dục"Vui, buồn đều lấy học sinh làm bạn"

"Vui, buồn đều lấy học sinh làm bạn"

Thứ hai, 18 Tháng 11 2013 02:03
Học sinh vùng cao không có khái niệm ngày 20/11, những món quà dành tặng cô được các em chuẩn bị theo từng mùa, có mùa thì mía đường, có mùa thì mận chín tươi được bọc trong chiếc mũ lưỡi chai còn dính mồ hôi…. Nhưng đó là những món quà ý nghĩa và chân thành đối với cô giáo Chu Thị Nga và các thầy cô giáo đang công tác tại trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc.
Ngày 17/11, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Lễ tôn vinh các nhà giáo tiêu biểu của cả nước, với 160 nhà giáo đến dự và nhận bằng khen của ngành giáo dục, không chỉ có 160 nhà giáo tiêu biểu này mà hy vọng trong thời gian tới trên khắp đất nước này hơn 1 triệu nhà giáo khác vẫn còn âm thầm cống hiến sức lực, tâm trí cho sự nghiệp trồng người của mình, và họ xứng đáng với tên gọi là nhà giáo tiêu biểu.
Cô giáo Chu Thị Nga quê ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên lên công tác tại trường phổ  thông Vùng cao Việt Bắc đã ngót nghét 30 năm nay, mỗi ngày 20/11 về trong lòng cô lại bồi hồi nhớ lại quãng thời gian được phân công công tác tại Lạng Sơn, đó là 4 năm bản lề cho sự nghiệp dạy học của mình, 4 năm đó với bao kỷ niệm với học trò, với đồng bào các dân tộc vùng cao.
 
Ám ảnh những cơn mưa rừng
Thời gian mà các đây 30 năm sau khi tốt nghiệp trường ĐH Sư phạm Việt Bắc năm 1983, cô giáo Chu Thị Nga được cấp trên phân công về dạy học tại trường PTCS Vũ Lễ nằm trong một bản làng của huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. 4 năm ra trường phải tiếp xúc ngay với học sinh miền núi, đó là một khó khăn, 4 năm đó cô Nga bảo là để thâm nhập vào cuộc sống của các em vùng cao.
Trong hình dung của cô Nga trước khi nhận công tác thì học sinh vùng cao Bắc Sơn có khó khăn nhưng cũng không đến mức khiến cô choáng ngợp và lo lắng với điều học sinh ở đây. Ở đó, hầu hết học sinh là con em dân tộc Dao, kinh tế gia đình khó khăn nên dù trời có lạnh tới mức nào thì các em vẫn chỉ chiếc áo cánh khoác trên mình tới trường.
Thời gian đầu ở Vũ Lễ chỉ có một mình cô là người miền xuôi, cả 11 gian nhà tập thể chỉ có mình cô ở, lạnh lẽo và cô đơn lắm, mỗi lần dạy học xong cô hay đi theo các em về nhà, đi theo lên nương, lên rẫy cùng làm với các em, dần dần thành quen và tình cảm cô trò cứ thế mà gắn bó mãi không thôi. Học sinh có thứ gì tặng cô thứ đó, mùa nào thứ ấy, những ngày cuối năm như thế này trong ngăn bàn cô giáo lúc nào cũng có đường mía của học sinh tặng, đó là món quà chân thành trò gửi tặng cô.
Trò chuyện với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, cô Chu Thị Nga vẫn không quên được những lần đạp xe từ Thái Nguyên lên Lạng Sơn dạy học, đó là quãng đường dài gần 70 cây số, nhưng với động lực là các em học sinh còn rất khát chữ phía trước đang chờ mình, cô đã bất chấp dù đường xa, dù khó khăn tới đâu cũng phải lên với các em. 
Quãng đường đó là một kỉ niệm đáng nhớ, mỗi lần đạp xe gặp trời mưa, mây đen kéo đến, đen xì, cảm giác cả bầu trời nặng nề như sắp đổ xụp xuống đầu cô, cô chỉ biết đạp và đạp thục mạng sao cho nhanh tới. Có lần ở một mình trong 11 gian tập thể, trước cửa là dãy núi và những hôm chuẩn bị mưa trời tối om, cô chỉ biết chạy vào phòng đóng cửa ngồi im. 
Buổi tối căn phòng tập thể được làm bằng tranh tre, nứa là trống huếch hoác, bốn bức tường chỉ lưng chừng không kín hết, tối đến thanh niên ngó đầu vào trêu làm cô sợ lắm, cô Nga bảo đó là kỷ niệm để đời nhưng rồi cũng qua.
 
Món quà còn dính mồ hôi của sự chân thành
Khác với miền xuôi, mỗi dịp 20/11 quà cô giáo là hoa, vật phẩm và nhiều thứ khác, nhưng với học sinh miền núi, vùng sâu vùng xa đó chỉ đơn giản là rổ khoai lang, vài bắp ngô, thậm chí là một túi mận chín…
Trong suy nghĩ của cô giáo Chu Thị Nga thì không gì quý hơn lòng chân thành của học trò, có thể quà cho cô chỉ là lời động viên, thăm hỏi, đơn giản thôi nhưng chứa đựng tình cảm thầy trò. 
Sự nghiệp trồng người của cô Nga luôn gắn liền với học sinh miền núi, cô Nga nhớ lại thời còn dạy học ở Bắc Sơn, Lạng Sơn nhìn các em không có quần áo mặc những hôm trời rét khiến lòng cô cũng thắt lại, mặc dù cuộc sống giáo viên lúc đó cũng chẳng hơn gì học sinh, nhưng có điều giúp được gì là giúp.
Để thấy được tận mắt cuộc sống các em, có những lần cô Nga phải đi bộ 8-9 cây số lên đèo rồi lại xuống đèo để đến với gia đình học sinh: “Muốn dạy được các em, muốn cho các em yêu quý thì phải hòa nhập vào cuộc sống của các em, lúc đó các em mới cảm thấy thân thiện. Dần lâu thành quen, bà con quý mến nói mình cũng là người dân tộc và nhận làm họ hàng” cô Nga nhớ lại.
Ngày hiến chương các nhà giáo hàng năm hầu như không có gì, cô Nga vẫn bảo: “Trên này hầu như các em không có khái niệm ngày 20/11, nhưng những món quà các em tặng mà mình không ngờ tới, không bao giờ các em cho biết các em tặng mình cái gì, có cái gì các em tặng cái đó, mùa gì thứ đó. Ví như mùa này trong ngăn kéo của tôi lúc nào cũng có đường mía, học sinh để đó từ lúc nào cho tới khi đường chảy ra mới biết mình có quà. Hay những quả mận chín ngon mà các em để trong mũ lưỡi chai, quanh mũ vẫn còn rất nhiều mồ hôi của các em nhưng đưa cho cô rất chân thành, cảm giác các em thực sự coi mình là người nhà vậy” cô Nga nói trong hạnh phúc.
“Các em như cây rừng”
Sau thời gian hoàn thành thử thách 4 năm cô Chu Thị Nga được về trường vùng xuôi, nhưng cơ duyên lại vẫn sắp xếp cô Nga đến với học sinh miền núi, đó là mái trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc (tỉnh Sơn la).
4 năm thử thách tại Lạng Sơn đó là quãng thời gian quyết định tạo nên con người giáo viên yêu nghề, yêu trẻ như ngày hôm nay của cô Nga. Về công tác tại trường mới với trọng trách dạy môn Sinh học, cô bảo học sinh vùng cao khó khăn nhất là nói tiếng Kinh chưa sõi, ra chơi các em thường “phát sóng ngắn” với nhau, các cô cũng phải hướng dẫn các em xuống tới đây cũng phải hòa nhập với các bạn. 
“Học sinh miền núi chỉ bị hạn chế về môi trường giáo dục, nhưng rất nhiều em có tố chất, nếu các em có điều học thuận lợi thì không kém gì học sinh miền xuôi. Trường mình nhiều thế hệ lãnh đạo cũng hiểu được điều này nên đã đầu tư cho học sinh và giáo viên rất nhiều, phải xác định có thầy giỏi mới có trò giỏi. Trò đã có tố chất, các em giống như cây rừng nếu các em được chăm bẵm tốt sẽ vươn lên rất mạnh mẽ” cô Nga thổ lộ.
Bằng kinh nghiệm trong giảng dạy của mình, cô Nga cho biết, mỗi sự tiến bộ của học sinh đều phải có động viên kịp thời để các em thấy rằng mình cũng có khả năng chứ không phải là học sinh miền núi mà không bằng miền xuôi, và khi các em có niềm tin thì các em sẽ nỗ lực hết mình cho dù hoàn cảnh còn rất khó khăn.
Hơn 30 năm dạy học, qua nhiều lớp học trò khác nhau, dù đã trưởng thành hay làm bất cứ công việc gì mà học sinh vẫn nhớ về cô, về trường thì với cô Chu Thị Nga đó là điều hạnh phúc nhất, không gì có thể sánh được. Món quà ý nghĩa nhất với cô những ngày 20/11 là những lời chúc mừng  từ các em học sinh, để đáp lại tình cảm đó cô Chu Thị Nga luôn trăn trở rằng: “Bản thân cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để học sinh không thất vọng về mình”.
Mong các thầy cô tiếp tục dấn thân
Cũng trong sáng nay, ông Nguyễn Thiện Nhân – Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tới dự buổi tôn vinh các nhà giáo tiêu biểu. Trong bài phát biểu của mình ông Nhân căn dặn: “Những thầy cô giáo đó, tập thể đó đã được tuyên dương là anh hùng lao động, là đơn vị anh hùng, giáo viên xuất sắc, nhà trường xuất sắc. Mong ngành giáo dục sẽ trao đổi sâu hơn để làm sao hình thành một phong trào học tập, thi đua cùng các điển hình tiên tiến của ngành giáo dục. Để làm sao nói về ngành giáo dục là nói đến sáng tạo, là không bế tắc, là phát triển không ngừng chính từ nội lực”.
Theo: Xuân Trung/ Giaoduc.net.vn

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516